chat-chinh-luan-va-tru-tinh-trong-doan-trich-dat-nuoc

Chất chính luận và trữ tình trong đoạn trích Đất nước.

Chất chính luận và trữ tình trong đoạn trích Đất nước.

  • Mở bài:

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ ca kháng Mĩ cứu nước. Thơ của Nguyễn Khoa Điềm lấy chất liệu từ văn học Việt Nam và cảm hứng từ quê hương, con người, và tình thần chiến đấu của người chiến sĩ Việt Nam yêu nước… Những tác phẩm của ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước và con người Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, thơ của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện rõ được con người Việt Nam và bản chất anh hùng bất khuất của chiến sĩ Việt Nam.

Đất nước trích Chương V, trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Đây là một trong những đoạn thơ hay về đề tài đất Nước trong thơ Việt Nam hiện đại. Đoạn trích thể hiện một cái nhìn mới mẻ về đất nước: Đất nước là sự hội tụ và kết tinh bao công sức và khát vọng của nhân dân. Nhân dân là người làm ra đất nước. Tất cả được thể hiện qua ngòi bút đậm chất suy tư, xúc cảm dồn nén, mang màu sắc chính luận và trữ tình đặc sắc.

  • Thân bài:

1. Giải thích: Chính luận là gì? Trữ tình là gì?

Chính luận: Đoạn thơ có thiên hướng chính luận khi nhà thơ bộc lộ quan niệm, tư tưởng chính trị xã hội của mình và muốn chia sẻ nhận thức, thuyết phục người đọc tin tưởng vào tính đúng đắn khách quan của nhưng quan niệm tư tưởng đó. Tính chiến luận có tính chiến đấu cao và tính cá nhân sâu sắc.

Trữ tình: Là tâm trạng, cảm xúc, tình cảm của nhà thơ trước hiện thực cuộc sống mà tác giả gửi gắm vào trong tác phẩm của mình.

Đoạn thơ Đất Nước là sự kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố Chính luận và Trữ tình, giữa lí trí và tình cảm. Đoạn thơ mang đậm chất suy tưởng, triết lý.

2. Biểu hiện chất chính luận và trữ tình trong hai đoạn thơ.

a. Tính chính luận để thể hiện trong đoạn trích Đất Nước:

– Thức tỉnh ý thức dân tộc của mỗi người dân, đặc biệt là thanh niên, học sinh vùng đô thị miền Nam để phá tan âm mưu của Mỹ – Nguỵ.

– Khẳng định tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”.

– Đất Nước được cảm nhận một cách toàn diện, sâu sắc, đầy đủ từ nhiều gốc độ: Văn hoá, lịch sử, con người, địa lí,…

– Giúp mỗi người dân thấm sâu lòng yêu nước, thấy được trách nhiệm của mình đối với đất nước.

b. Tính trữ tình được thể hiện đậm nét trong đoạn thơ.

– Tấm lòng yêu nước nồng nàn sâu sắc chi phối toàn bộ cảm hứng nghệ thuật của tác giả.

– Yêu nước chính là yêu văn hoá, thiên nhiên, con người lao động – chủ nhân của lịch sử đất nước.

– Niềm tự hào sâu sắc về vẻ đẹp tự nhiện, vẻ đẹp do nhân dân sáng tạo nên.

– Bộc lộ cách cảm, một giọng điệu riêng rất Nguyễn Khoa Điềm.

c. Tính chính luận và tính trữ tình kết hợp trong đoạn thơ và hiệu quả nghệ thuật.

(Chọn phân tích một đoạn thơ tiêu biểu trong bài Đất Nước và chỉ rõ sự kết hợp của hai yếu tố đó)

– Đoạn “Những người vợ nhớ chồng…. đã hoá núi sông ta”:

+ Đoạn thơ thấm đẫm chất trữ tình. Ở đó nhà thơ bộc lộ lòng trân trọng sâu sắc những cuộc đời, những con người đã hoá thân một cách cao đẹp vào hình hài của Đất Nước. Cảm xúc đó bộc lộ thật dạt dào nồng nàn và tha thiết.

+ Lời thơ là lời tâm tình giữa anh, em, giữa ta với người. Nhưng đoạn thơ cũng là một lập luận nhằm thuyết phục và chia sẻ nhận thức : Thiên nhiên, lịch sử, văn hoá… của Đất Nước. Tất cả đều do nhân dân xây dựng, tất cả là của nhân dân. Nhìn vào thiên nhiên sông núi tươi đẹp kia (Núi Vọng Phu, Hòn Trống Mái, những ao đầm làng Gióng, núi Bút, non Nghiên,…) liệu nơi nào lại không hiện diện hình ảnh nhân dân ?

+ Tính chính luận làm cho nội dung tư tưởng của đoạn thơ thêm sâu sắc. Yếu tố trữ tình làm cho đoạn thơ có sức lay động, truyền cảm, biến tưu tưởng, quan niệm, nhận thức thành cảm hứng nghệ thuật. Sự kết hợp hai yếu tố này sao cho nhuần nhuyễn, hiệu quả thực không dễ, nhưng NKĐ đã làm được. Đó là thành công lớn của đoạn trích Đất Nước.

3. Nhận xét, đánh giá.

– Nhìn nhận Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm từ sự kết hợp hai yếu tố chính luận và trữ tình đã đem đến cho người đọc một góc nhìn mới mẻ về bài thơ này. Đoạn thơ là sáng tạo nghệ thuật nổi bật của tác giả trong đoạn trích Đất Nước nói riêng và thiên trường và Mặt đường khát vọng nói chung.

  • Kết bài:

Với thể thơ tự do phóng túng, giọng thơ suy tưởng: đặt câu hỏi và tự trả lời, sử dụng các chất liệu văn hoá dân gian  kết hợp với giọng thơ chính luận và trữ tình đặc sắc, đoạn thơ thể hiện những cảm nhận mới mẻ của tác giả về đất nước qua những vẻ đẹp được phát hiện ở chiều sâu trên nhiều phương diện: lịch sử, địa lí, văn hóa… Tư tưởng trọng tâm, bao trùm toàn bộ bài thơ là tư tưởng “Đất nước của nhân dân”.

Bài văn tham khảo:

Trong đoạn trích “Đất Nước”, trích trường ca “Mặt đường khát vọng”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điểm viết:
Những ai đã khuất […]
Làm nên Đất Nước muôn đời…
(Trích Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019, Tr. 119)
Anh/ chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó nhận xét về chất trữ tình – chính luận được thể hiện trong đoạn trích.

BÀI LÀM

  • Mở bài:

Văn chương có thể không biên giới, nhưng mỗi nhà văn nhất định phải có Tổ quốc của mình. Đó là nơi mà họ được sinh ra, là bầu khí quyển văn hóa định hình nên bản đồ tâm hồn của họ. Bởi vậy, tình yêu và trách nhiệm đối với đất nước luôn nguồn cảm hứng, niềm trăn trở khôn nguôi thôi thúc họ mỗi khi cầm bút. Ta nhớ đến một Nguyễn Trãi ngay cả khi đã lui về ở ẩn mà lòng vẫn “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”; nhớ đến một Nguyễn Đình Chiểu dù mù lòa vẫn bền bỉ dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu. Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, tình yêu và trách nhiệm với đất nước càng trở nên sôi nổi. Mỗi nhà thơ trong tháng năm khói lửa này là một chiến sĩ, với “vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”. Họ vừa anh dũng chiến đấu, vừa dùng những sáng tác của mình để bộc lộ, giãi bày, kêu gọi mọi người cùng đứng lên, với tâm niệm chân thành: “Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết / Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”. Nguyễn Khoa Điềm, với trường ca “Mặt đường khát vọng” của mình, là một thanh âm mạnh mẽ hòa vào bản đồng ca thời đại. Thơ ông đậm chất trữ tình – chính luận, do vậy mà vừa có sức vang vọng lớn, vừa thấm thía vào từng ngõ ngách tâm hồn con người, thức tỉnh mọi người về ý thức trách nhiệm đối với dân tộc, cùng xuống đường đấu tranh để chống lại kẻ thù chung. Trong thiên trường ca hùng tráng mà tha thiết ấy, hai mươi câu thơ sau đây có thể được xem là một đoản khúc đặc sắc:

“Những ai đã khuất (…)
Làm nên Đất Nước muôn đời…”

  • Thân bài:

1. Khái quát tác giả, tác phẩm

Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất trí tuệ, xúc cảm dồn nén và suy tư sâu lắng, thể hiện tâm tư của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. Nguyễn Khoa Điềm rất thành công với những sáng tác thơ về đề tài đất nước, tiêu biểu nhất là trường ca “Mặt đường khát vọng”, trong đó có đoạn trích “Đất Nước”. Trường ca “Mặt đường khát vọng” được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị – Thiên năm 1971. Bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông, đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược. Đoạn trích “Đất nước” là phần đầu chương năm của bản trường ca “Mặt đường khát vọng”. Đoạn trích là những suy nghĩ của tác giả về đất nước được nhìn trên nhiều góc độ, với tư tưởng chủ đạo là “Đất Nước của Nhân dân”.

2. Cảm nhận đoạn thơ.

Nếu ở những đoạn thơ trước, Nguyễn Khoa Điềm đi vào lí giải về nguồn cội của đất nước, định nghĩa về đất nước, thì ở đoạn thơ này, ông kêu gọi mọi người phải có trách nhiệm đối với đất nước. Hai mươi câu thơ này có thể được chia thành hai tiểu đoạn. Tiểu đoạn một gồm bảy câu thơ đầu, nhắc nhở mọi người về truyền thống uống nước nhớ nguồn. Tiểu đoạn hai gồm mười ba câu thơ còn lại, kêu gọi mọi người phải biết cống hiến cho đất nước.

Ba câu thơ đầu của tiểu đoạn một mở ra ba chiều kích của thời gian: “Những ai đã khuất

Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái”

“Những ai đã khuất” thuộc về thế hệ quá khứ. “Những ai bây giờ” thuộc về thế hệ hiện tại”, và “sinh con đẻ cái” là để nói về thế hệ tương lai. Bằng phép điệp cấu trúc, Nguyễn Khoa Điềm cho ta thấy, Đất Nước là sự tiếp nối của các thế hệ, làm thành một dòng chảy liên tục không ngừng. Và dù là thế hệ nào, chúng ta cũng có hai trách nhiệm lớn cần phải thực hiện, đó là “gánh vác” và “dặn dò”:

“Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau”

“Gánh vác phần người đi trước để lại” vừa là bảo tồn những giá trị truyền thống, vừa là tiếp tục thực hiện những công việc mà thế hệ trước còn dang dở. Động từ “gánh vác” cho thấy đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng rất đỗi vinh quang. Nặng nề bởi những di sản mà tiền nhân đã tạo ra là vô cùng đồ sộ, to lớn; vinh quang là bởi chúng ta đã được lịch sử giao phó và tin tưởng, kế thừa và phát huy di sản cha ông sẽ không chỉ làm vẻ vang cho đất nước, mà còn làm vẻ vang cho mỗi con người.

“Dặn dò con cháu chuyện mai sau” vừa là giáo dục các thế hệ tương lai tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống; vừa là sự lo toan, sắp xếp để làm sao cho cháu con hoàn thành được nhiệm vụ ấy một cách tốt nhất có thể. Động từ “dặn dò” cho ta hình dung về một cử chỉ ân cần, dịu dàng, thể hiện tình thương yêu lớn lao và sự quan tâm sâu sắc của thế hệ đi trước đối với thế hệ tương lai. Sự trao truyền tiếp nối giữa các thế hệ trong một đất nước đã được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện một cách thật đầm ấm, gần gũi, như lời của ông bà cha mẹ nói với những đứa con cháu thân yêu. Đó là không khí thân mật của một gia đình.

Hai câu thơ cuối cùng của tiểu đoạn một đi vào làm rõ cái nội dung của di sản tinh thần cần được trao truyền ấy, đó chính là đạo lí “uống nước nhớ nguồn”:

“Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”

Như ở phần đầu của đoạn trích “Đất Nước”, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định: “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”. Đất Nước là di sản của tiền nhân, và các thế hệ trong hiện tại là người được thừa hưởng. Do vậy, chúng ta phải luôn luôn giữ một tấm lòng biết ơn sâu sắc với những người đi trước. Dù chúng ta là ai, dù chúng ta ở đâu, nếu chúng ta là con dân đất Việt, thì phải luôn luôn khắc cốt ghi tâm điều đó. Động từ “cúi đầu” muốn nhắc nhở về một thái độ thành kính, trân trọng. Nó là một hành động tinh thần, không cần phải lễ lạt phù phiếm, không cần phải rước xách linh đình, mà chỉ cần “nhớ” về với tất cả sự thành tâm. Nhớ “ngày giỗ Tổ” chính là ngày giỗ của các vua Hùng, thế hệ tiền nhân đã có công dựng nước, có công vun bồi và sáng tạo nên dáng vóc, hình hài vật chất và tinh thần của đất nước hôm nay. Nó làm ta nhớ đến câu cao dao:

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”

Một con người hay một thế hệ mà đánh mất truyền thống, lãng quên truyền thống, thì cũng giống như cây không rễ, nước không nguồn, không thể tồn tại. Bác Hồ khi đến thăm đền Hùng, cũng đã nói với thế hệ trẻ rằng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nếu bảy câu thơ đầu nhà thơ muốn nhắn nhủ đến mọi người về đạo lí uống nước nhớ nguồn, thì ở mười ba câu thơ còn lại, Nguyễn Khoa Điềm đã tha thiết kêu gọi thế hệ hôm nay phải biết cống hiến, phải có trách nhiệm với đất nước, để cùng nhau gìn giữ và “làm nên Đất Nước muôn đời”:

“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”

Hai câu thơ mở đầu đưa ra một chân lý giản dị, nhưng không phải ai cũng ý thức được:

“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước”

Đất nước tồn tại trong mỗi chúng ta, trong anh, trong em, trong tất cả mọi người, những con người của thế hệ hôm nay. Quả là như vậy, mỗi chúng ta khi sinh ra và lớn lên, đều đã mang trong mình “một phần Đất Nước”: đó là những đặc điểm giống nòi của người Việt như màu da, màu tóc, dáng người, ngôn ngữ; đó là những đặc điểm về văn hóa, phong tục, tập quán, điệu tâm hồn sẽ ăn sâu vào trong nếp nghĩ và thể hiện ra trong hành động. Những điều ấy sẽ làm cho chúng ta trở thành một con người Việt Nam, phân biệt chúng ta với những người thuộc dân tộc khác. Nói trong anh và em “đều có một phần Đất Nước” cũng có nghĩa là mỗi chúng ta đều đã được thừa hưởng những giá trị từ di sản mà ông cha để lại, chúng ta là con cháu của một dân tộc có bề dày văn hiến, có mối liên hệ mật thiết với cội nguồn. Khi nói đất nước có trong anh và em, Nguyễn Khoa Điềm cũng đã giúp mọi người nhận ra một điều rằng: Đất Nước không phải là cái gì trừu tượng, xa xôi, nó gần gũi, thân thiết. Nó ở ngay trong mỗi chúng ta. Đất Nước chính là chúng ta, và chúng ta cũng là Đất Nước, Đất Nước và chúng ta, tuy một mà hai, tuy hai mà một. Và từ đây, nhà thơ cũng muốn nhắn gửi một điều rằng: cả anh và em, mỗi chúng ta, mỗi con người trên dải đất Việt Nam này, hãy yêu đất nước như yêu chính con người của mình, máu thịt của mình.

Nếu đất nước đã tồn tại trong anh và em, trong mỗi chúng ta, thì sự gắn bó của mỗi chúng ta với nhau sẽ làm cho đất nước vẹn toàn:

“Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn to lớn”

Ở đây, tác giả đề cập tới hai thứ tình cảm sẽ làm nên sức mạnh của đất nước: đó là tình yêu đôi lứa và tình đoàn kết cộng đồng. Tình yêu đôi lứa được thể hiện qua cái “cầm tay” của anh và em. Đó là một thứ tình yêu sâu thẳm, nồng nàn, không diễn tả được bằng lời, chỉ biết “nói” bằng cái nắm tay đầm ấm thương yêu. Nó gợi ta nhớ đến cái tình cảm tha thiết đắm say trong câu ca dao xưa:

“Ra về tay nắm lấy tay
Mặt nhìn lấy mặt, lòng say lấy lòng”

Tình yêu đôi lứa gắn kết “anh” và “em”, gắn kết cái phần “Đất Nước” trong mỗi cá nhân riêng lẻ, để làm nên một đất nước “hài hòa nồng thắm”. Nguyễn Khoa Điềm đã diễn tả thật hay cái khoảnh khắc hợp nhất kì diệu ấy. Còn có gì “hài hòa nồng thắm” hơn, giao cảm đồng điệu hơn là tình cảm lứa đôi. Khi hai con người yêu nhau, Đất Nước được gắn kết một cách bền chặt, đắm say, làm thành một thể thống nhất không gì chia cắt.

Nếu hình ảnh “hai đứa cầm tay” để thể hiện sự hợp nhất của Đất Nước trong tình yêu đôi lứa, thì hình ảnh “chúng ta cầm tay mọi người” lại thể hiện sự hợp nhất của đất nước trong tình đoàn kết cộng đồng. Khi chúng ta “cầm tay mọi người”, nghĩa là chúng ta thể hiện tình thương yêu, sự đồng cảm, cả sự đùm bọc, sẻ chia với những người trong một nước. Chúng ta ý thức được rằng, dù chúng ta là ai, thì cũng đều là người Việt, đều có chung một mẹ Âu Cơ, đều gọi nhau hai tiếng “đồng bào”. Nó gợi ta nhớ đến lời nhắc nhở của ông cha:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Khi tất cả mọi người đều biết cầm lấy tay nhau, biết yêu thương nhau, thì lúc ấy, “một phần Đất Nước” trong mỗi chúng ta sẽ được gắn kết lại, tạo thành một đất nước “vẹn tròn to lớn”. “Vẹn tròn” có nghĩa là đất nước đã trở thành một khối thống nhất, liền lỉ, “to lớn” nghĩa là đất nước đã có được sức mạnh lớn lao để sẵn sàng đương đầu và vượt qua mọi khó khăn. Cả cụm tính từ này muốn nói đến sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, như Bác Hồ cũng đã từng căn dặn chúng ta: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết / Thành công, thành công, đại thành công”.

Nếu sự gắn kết để làm cho đất nước “hài hòa nồng thắm”, “vẹn tròn to lớn” là nhiệm vụ của thế hệ hôm nay, thì việc “mang đất nước đi xa” sẽ là niềm hy vọng được đặt vào những thế hệ tương lai:

“Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng”

Những đứa con của anh và em, những đứa con được sinh ra, là sự kết tinh của tình yêu đôi lứa hôm nay, lớn lên trong tình yêu thương và tình đoàn kết cộng đồng hôm nay, sẽ có một hành trang vững chắc để làm cho đất nước ngày càng phát triển.

Hình ảnh ẩn dụ “mang Đất Nước đi xa” nói đến niềm hy vọng về một Việt Nam trong tương lai có tiếng tăm vang dội, có vị thế vững chắc để “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Hình ảnh “những tháng ngày mơ mộng” vừa để nói về nỗi khát mong cháy bỏng của thế hệ hiện tại về một đất nước no ấm thanh bình, vừa là niềm tin tưởng vào sức mạnh của thế hệ tương lai, sẽ làm được những điều to lớn, kì diệu hơn cho đất nước, những điều mà đối với anh và em hôm nay, mới chỉ là một giấc mơ.

Tin tưởng vào tương lai là điều cần thiết, nhưng để có được tương lai tươi đẹp, thì quan trọng hơn hết, là mỗi thế hệ bây giờ, cần phải có những hành động thiết thực để cống hiến cho đất nước hôm nay. Cho nên, ở bốn câu thơ cuối cùng của đoạn thơ, Nguyễn Khoa Điềm đã cất lên lời kêu gọi, rằng mọi người phải có trách nhiệm với đất nước:

“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”

Cụm từ “em ơi em” như một lời tâm sự nhẹ nhàng, một lời nhắn nhủ thiết tha gửi đến những con người mà mình yêu thương nhất. Cách định nghĩa “Đất Nước là máu xương của mình” vừa tái khẳng định chân lý đã được nói tới ở đoạn đầu: trong mỗi chúng ta đều có một phần đất nước, chúng ta chính là đất nước, vừa để nhắc nhở mọi người về sự hy sinh của biết bao thế hệ cha ông, bởi máu xương của cha ông cũng chính là máu xương của những con người đất Việt, do vậy, cũng là máu xương của mình. Cách định nghĩa ấy còn nhắc nhở mọi người: nếu chúng ta yêu bản thân mình như thế nào, quý trọng mạng sống của mình như thế nào, thì cũng hãy yêu và quý trọng đất nước của mình như thế. Đúng như Chế Lan Viên đã viết:

“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng”

Đất Nước có liên hệ mật thiết với chúng ta như thế, cho nên mỗi người phải biết “gắn bó”, phải biết “san sẻ”, phải biết “hóa thân” cho đất nước này. Chỉ bằng ba động từ, nhưng Nguyễn Khoa Điềm đã bao quát được những hành động cần thiết mà mỗi con người cần phải làm cho đất nước. “Gắn bó” nghĩa là phải biết quý trọng, yêu thương, gìn giữ từng mảnh đất của Tổ quốc, không bao giờ rời xa, không bao giờ nhường bỏ nó cho kẻ thù xâm lược. “San sẻ” là phải biết đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ đồng bào, là “lá lành đùm lá rách”, là “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, là “nhiễu điều phủ lấy giá gương / người trong một nước phải thương nhau cùng”. “Hóa thân” là sẵn sàng cống hiến quên mình, sẵn sàng hy sinh kể cả mạng sống của mình cho đất nước, là “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Chỉ có như thế, chúng ta mới “gánh vác” được “phần người đi trước để lại”, mới chuẩn bị được hành trang cho các thế hệ tương lai, mới khiến cho đất nước này trở nên bất diệt, để “Làm nên Đất Nước muôn đời”.

3. Nghệ thuật.

Thành công về mặt nghệ thuật của đoạn trích là ở việc kết hợp giữa mạch chính luận và trữ tình; giọng thơ lúc sôi nổi mạnh mẽ lúc dịu dàng đằm thắm; dung lượng câu thơ linh hoạt; sử dụng kết hợp các biện pháp nghệ thuật cùng với việc vận dụng nhuần nhuyễn các chất liệu văn hóa dân gian. Tất cả đã làm cho đoạn thơ nói riêng và đoạn trích “Đất Nước” nói chung để lại dấu ấn lâu bền trong lòng người đọc mọi thế hệ.

4. Nhận xét về chất trữ tình – chính luận được thể hiện trong đoạn trích.

Trữ tình nghĩa là bộc lộ cảm xúc; chính luận là sự suy tư về những vấn đề trọng đại. Đoạn trích trên có sự kết hợp của cả hai yếu tố đó. Đoạn trích thể hiện một tình yêu sâu nặng, thiết tha đối với đất nước, thể hiện qua sự am hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc; qua tấm lòng đau đáu với vận mệnh của đất nước; qua lời nhắc nhở chân thành về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước hôm nay. Tuy nhiên, những cảm xúc mãnh liệt ấy được thể hiện qua lăng kính của sự suy tư, chiêm nghiệm, được phát biểu khúc chiết thành những luận điểm logic, có sức thuyết phục lớn lao: Nguyễn Khoa Điềm đã đồng hóa đất nước với mỗi cá nhân, đất nước là chúng ta, chúng ta là đất nước, do đó, việc chiến đấu vì sự sinh tồn của đất nước cũng chính là chiến đấu vì sự sinh tồn của mỗi con người. Mạch lập luận đó rất thuyết phục, tạo cơ sở vững chắc để cổ vũ, kêu gọi thế hệ trẻ xuống đường đấu tranh chống quân xâm lược.

  • Kết bài:

Đoạn thơ đã rất thành công trong việc thể hiện tiếng lòng thiết tha cùng những suy tư sâu sắc của một con người luôn trăn trở vì đất nước, là lời hiệu triệu mạnh mẽ gửi tới mỗi con người Việt Nam: hãy thể hiện trách nhiệm của mình với đất nước hôm nay. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng âm hưởng đắm say và mạnh mẽ mà Nguyễn Khoa Điềm đã gửi gắm vào những vần thơ hẳn vẫn còn làm rung động trái tim của những con người trẻ, để rồi thế hệ hôm nay sẽ ý thức được sứ mệnh của mình, ra sức cống hiến để ngày một “đưa Đất Nước đi xa / Đến những tháng ngày mơ mộng”, để “làm nên Đất Nước muôn đời”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang