Nhận xét về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, có ý kiến cho rằng: “Bài thơ là những suy nghĩ, chiêm nghiệm về một lẽ sống ân tình, thủy chung cao quý trong cuộc đời mỗi con người”.
Phân tích bài thơ để làm sáng tỏ nhận định trên và nêu suy nghĩ của em về bài học cuộc sống gợi ra từ tác phẩm.
Dàn bài:
I. Mở bài:
– Nguyễn Duy là nhà thơ quân đội trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
– Thơ Nguyễn Duy cuốn hút người đọc bằng cảm xúc chân thành, vẻ đẹp giản dị, gần gũi, giàu chất triết lí, thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở, day dứt, suy tư về con người và cuộc sống.
– Bài thơ Ánh trăng được sáng tác năm 1978, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ba năm sau ngày giải phóng miền Nam, kết thúc chiến tranh giải phóng đất nước. Những người chiến sĩ trở về với đồng bằng, miền xuôi và bị cuốn đi bởi những lo toan tất bật của đời sống thường nhật, không ít người trong số họ lãng quên, bội bạc quá khứ. “Ánh trăng” như lời tâm sự, tự nhắc nhở, tự vấn…
II. Thân bài:
1. Giải thích và chứng minh nhận định.
a. Giải thích nhận định:
– Bài thơ là những suy nghĩ, chiêm nghiệm về một lẽ sống ân tình, thủy chung cao quý trong cuộc đời mỗi con người.
– Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ – chiến sĩ, trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Thế hệ này từng trải qua bao thử thách, từng chứng kiến bao hi sinh, mất mát lớn lao của nhân dân, đồng đội; sống gắn bó với thiên nhiên, núi rừng và thấm thía nghĩa tình trong gian khổ.
– Chính những trải nghiệm sâu sắc đó đã tạo nên những rung động, nghĩ suy sâu sắc để bật lên thành những khao khát giãi bày, những tâm sự chân thành của nhà thơ trong bài thơ “Ánh trăng”.
b. Chứng minh nhận định:
* Bài thơ Ánh trăng là những suy nghĩ, chiêm nghiệm về một lẽ sống ân tình, thủy chung cao quý trong cuộc đời mỗi con người.
– Bài thơ là những hồi ức sâu sắc về tuổi thơ “sống với đồng/ với sông rồi với bể” chan hòa cùng thiên nhiên tươi mát, sinh động. Trăng đã:
+ Chia sẻ niềm vui thơ ngây.
+ Nâng đỡ bao ước mơ thời niên thiếu.
+ Lưu giữ tất cả những kỉ niệm ngọt ngào, trong sáng nhất của tuổi thơ.
– Bài thơ là những kí ức không thể nào quên về “hồi chiến tranh ở rừng” có thiên nhiên bao bọc, chở che, làm người bạn tâm tình trong những bước đường hành quân gian khổ – “vầng trăng thành tri kỉ”. Những kí ức đó cũng chính là tình yêu đối với đất nước bình dị, nhân dân bao dung – “ngỡ không bao giờ quên/ cái vầng trăng tình nghĩa”.
– Bài thơ là lời bộc bạch chân thành của tác giả về hoàn cảnh sống thay đổi khiến tình cảm của mình với thiên nhiên, với một thời quá khứ khó khăn, gian khổ bị đổi thay: “Từ hồi về thành phố/ quen ánh điện cửa gương…”. Vầng trăng đã trở thành người dưng: “Vầng trăng đi qua ngõ / như người dưng qua đường…”
+ Sự đổi thay đột ngột, bất ngờ trong mối quan hệ giữa con người và vầng trăng. Trăng xa cách với con người như một người dưng.
+ Con người không cảm nhận được sự hiện diện của vầng trăng trong cuộc sống hàng ngày của họ.
+ Ánh sáng nhân tạo khiến họ xa lạ và quên mất vẻ đẹp của ánh trăng.
+ Con người không chỉ mất đi cảm nhận về thiên nhiên mà còn đánh mất cả nghĩa tình sâu nặng trong quá khứ.
→ Gắn với hoàn cảnh sáng tác khổ thơ còn mang ý nghĩa khái quát sâu sắc. Đó là hình tượng những con người từng sống đẹp trong quá khứ gian khổ, khốc liệt của chiến tranh nay lại bị biến chất trong hòa bình. Cuộc sống đầy đủ, bình yên khiến họ thờ ơ, dửng dưng, quay lưng lại với quá khứ mà họ từng gắn bó.
– Bài thơ là nỗi ân hận đến day dứt, hổ thẹn khi nhà thơ được bắt đầu từ khi gặp lại vầng trăng:
+ Điệp từ “mặt”, lối chuyển nghĩa độc đáo: Diễn tả giây phút soi chiếu, giao hòa giữa con người và vầng trăng. Soi vào trăng để con người nhận ra mình và nhận ra cả sự đổi thay của mình.
+ “Rưng rưng”: là những cảm xúc đang ùa về trong giây phút con người nhận ra vầng trăng tri kỉ của đời mình, để rồi thức tỉnh.
+ “Đồng, bể, sông, rừng”: Xóa đi thời gian, không gian, đưa con người về quá khứ. Kéo trăng và người xích lại gần nhau. Để trăng vẫn vẹn nguyên là tri kỉ. Để con người nhận ra sự nông cạn, thờ ơ, bạc bẽo của chính mình.
+ Càng thức tỉnh sâu sắc hơn khi: “Trăng”: “tròn vành vạnh”: ẩn dụ cho nghĩa tình không bao giờ thay đổi, không bao giờ vơi cạn của nhân dân, đất nước. “im phăng phắc”: bao dung, độ lượng và nghiêm khắc, cái im lặng chứa đựng lời nhắc nhở, cảnh báo, khiến con người thức tỉnh.
+ Con người “giật mình” thức tỉnh: Nhận ra những cám dỗ vật chất khiến con người đánh mất đi những giá trị tinh thần đẹp đẽ, khiến tâm hồn họ trống rỗng, nghèo nàn. Nhận ra: không được lãng quên quá khứ, không được thờ ơ, bội bạc với nghĩa tình sâu nặng, thiêng liêng. Biết trở về nâng niu, trân trọng quá khứ; biết sống ân nghĩa, thủy chung.
→ Với khoảnh khắc giật mình, nhà thơ đã gieo vào lòng người đọc niềm tin và sức sống mãnh liệt của lương tâm, lương tri con người. Từ đó bài thơ truyền tải đến người đọc lời đề nghị về lẽ sống ân tình, thủy chung: biết trân trọng quá khứ cũng như những điều tốt đẹp từng làm nên ý nghĩa của cuộc đời mỗi con người…
c. Nghệ thuật:
– Bài thơ kết hợp hài hòa giữa biểu cảm và tự sự: Câu chuyện giữa nhân vật trữ tình và trăng được kể với ba mốc thời gian: thời khó khăn, gian khổ – trăng gắn bó như tri kỉ; thời hòa bình về thành phố – trăng thành người dưng; khi mất điện – trăng hiện ra im phăng phắc và vẫn tròn vành vạnh/ đủ cho ta giật mình. Từ đó, làm nổi bật tư tưởng chủ đề của bài thơ.
– Biện pháp nhân hóa khiến trăng giống như là một người bạn dù trong hoàn cảnh nào vẫn thủy chung, tròn đầy, lặng lẽ, sáng trong: “Trăng cứ tròn vành vạnh/ Kể chi người vô tình”.
– Hình ảnh trong bài thơ vừa cụ thể vừa có tính khái quát, mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc, gợi nhiều suy tưởng, triết lí.
– Giọng điệu tâm tình tự nhiên, sâu lắng, khiến cho lời đề nghị về lẽ sống dễ được tiếp nhận và thấm sâu trong trái tim người đọc.
d. Bài học cuộc sống rút ra từ bài thơ:
– Bài thơ giúp người đọc nhìn nhận lại chính mình, dũng cảm đối diện với những sai lầm, khuyết điểm;
– Biết day dứt, trăn trở trước những giờ phút sống vô tâm, vô tình… để từ đó vươn đến những lẽ sống cao đẹp.
3. Đánh giá chung:
– Để tạo nên một tác phẩm chân chính, mỗi người nghệ sĩ cần phải sống sâu sắc với cuộc đời và với chính mình; biết tự vượt lên những suy nghĩ, tình cảm nhỏ hẹp mang tính cá nhân để đạt đến những lẽ sống lớn, tình cảm lớn của thời đại.
– Mặt khác, người đọc cần phát huy vai trò chủ động, tích cực của mình trong việc tiếp nhận những giá trị nội dung tư tưởng của một tác phẩm văn chương, từ đó trau dồi nhân cách, vươn lên những lẽ sống cao đẹp ở đời
III. Kết bài:
– Tác phẩm không chỉ hay về mặt nội dung mà còn có những nét đột phá trong nghệ thuật. Thể thơ năm chữ được vận dụng sáng tạo, các chữ đầu dòng thơ không viết hoa thể hiện những cảm xúc liền mạch của nhà thơ. Nhịp thơ nhanh chóng, giọng thơ tâm tình gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Bài thơ là những suy nghĩ, chiêm nghiệm về một lẽ sống ân tình, thủy chung cao quý trong cuộc đời mỗi con người. Lời nhắn nhủ ấy không chỉ dành riêng cho người lính chống Mĩ mà nó còn ý nghĩa với tất cả mọi người, mọi thời – trong đó có chúng ta.
Xem thêm:
- Cảm nhận lời nhắn nhủ chân tình của nhà thơ Nguyễn Duy qua bài thơ Ánh trăng
- Từ bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy hãy viết về những suy tư của người lính sau chiến tranh.