qua-bai-tho-day-thon-vi-da-lam-sang-to-tho-ca-khong-can-nhieu-tu-ngu

Qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử làm sáng tỏ: Thơ không cần nhiều từ ngữ…

Qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử làm sáng tỏ: “Thơ không cần nhiều từ ngữ…”

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nhận xét: “Thơ không cần nhiều từ ngữ. Nó cũng không quan tâm đến hình xác của sự sống. Nó chỉ cần cảm nhận và truyền đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn thi sỹ” . Anh/chị suy nghĩ gì về câu nói đó và hãy làm sáng tỏ thông qua việc phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.


Gợi ý làm bài:

* Giải thích:

Thơ cần từ ngữ. Thơ không chú trọng miêu tả cụ thể, chi tiết hiện thực đời sống như đời sống vốn có mà thơ chỉ nắm bắt lấy cái thần thái, hồn vía của hiện thực để truyền tới người đọc. Khi đến với người đọc, phần hiện thực ấy đã được khúc xạ, phản ánh qua cảm xúc, tâm hồn, tình cảm của nhà thơ về cuộc sống.

* Bàn luận:

+ Nhận định trên là đúng vì dung lượng thơ thường ngắn nên nhà thơ dùng không nhiều từ ngữ để miêu tả cụ thể, chi tiết đời sống như nó vốn có mà chỉ cốt nắm bắt cái thần thái, hồn vía của hiện thực ; thơ là tiếng nó của tình cảm, của trái tim nên bao giờ hiện thực được phản ánh trong thơ cũng mang tâm sự, nỗi niềm nào đó của nhà thơ.

+ Có như thế, thơ mới sâu sắc, thấm thí và để lại nhiều dư vị, cảm xúc cho người đọc.

+ Muốn làm được điều đó, nhà thơ phải có tài sử dụng nghệ thuật ngôn từ ; ngôn ngữ, hình ảnh phải cô đọng, hàm súc, giàu biểu cảm, giàu tính tạo hình…, đặc biệt là phải giàu cảm xúc, tình cảm và luôn thiết tha với cuộc sống.

+ Ý kiến của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có ý nghĩa với người sáng tác và người cảm thụ thơ.

* Qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, làm sáng tỏ nhận định:

– Cảnh vườn tược thôn Vĩ không được miêu tả cụ thể, tỉ mỉ mà chỉ cốt bắt lấy cái hồn của một vùng quê tươi tốt, tràn đầy ánh sáng và sức sống, mang đậm chất Huế, có sự giao hòa với con người. Qua cảnh vườn Vĩ Dạ vào buổi sớm mai, Hàn Mặc Tử thể hiện tình cảm thiết tha, đắm say và niềm khát khao được trở về Vĩ Dạ.

– Cảnh mây trời, sông nước, thuyền, trăng xứ Huế được hiện lên chỉ với vài ba nét đơn sơ mà có hồn. Thần thái cảnh vật là vẻ mênh mang, hiu hắt, u buồn mà không kém phần huyền ảo, lung linh của xứ Huế mộng mơ, trầm lắng. Cảnh vật được khúc xạ qua nỗi buồn, nỗi khát khao vô vọng của một tình yêu đơn phương và dự cảm về một số phận ngắn ngủi, mong manh.

– Con người xứ Huế không được hiện lên rõ nét, đầy đủ về diện mạo, dáng hình mà chỉ toát lên cái thần thái đoan trang, phúc hậu, kín đáo (khổ 1), nét dịu dàng, trong trắng, xa xôi (khổ 3). Qua hình ảnh con người xứ Huế, Hàn Mặc Tử đã bày tỏ sự trân trọng, niềm yêu thương, nỗi đợi mong, khắc khoải đến cháy lòng về tình yêu, tình đời của một con người đang dần lìa xa cõi thế.

– Ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, giàu sức gợi. Hình ảnh thơ vừa thực, vừa ảo, giàu tính tượng trưng, giàu sức gợi. Hệ thống câu hỏi tu từ tạo nên sự liên kết giữa các khổ thơ và giọng điệu khắc khoải của bài thơ. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc.

Đặc sắc trong bài thơ là hệ thống câu hỏi tu từ. Mỗi khổ thơ chứa một câu hỏi tu từ, với những vị trí, chức năng riêng, hé mở những dòng tâm trạng của nhân vật trữ tình.

+ Câu hỏi tu từ thứ nhất: Vị trí mở đầu bài thơ, như một lời tự vấn, tạo cái cớ rất tự nhiên để giãi bày cảm xúc đắm say, gợi mở kỉ niệm, gọi dậy kí ức.

+ Câu hỏi tu từ thứ hai: Có vai trò như để nối kết những hình ảnh rời rạc, chia lìa; tạo mối liên hệ ngầm, thể hiện tâm trạng bất an.

+ Câu hỏi tu từ thứ ba: Vị trí kết thúc, hình thức để hỏi nhưng nội dung là câu trả lời. Nó thể hiện sự giằng co giữa lí trí và tình cảm: Tình cảm muốn thổ lộ nhưng lí trí lại ngại ngùng.

+ Ba câu hỏi tu từ thể hiện tâm trạng, tiếng nói của chủ thể trữ tình. Đó cũng là kĩ thuật tạo độ vang cho âm điệu da diết, khắc khoải hơn. Đó cũng là cánh cửa để bạn đọc khám phá các tầng ý nghĩa của tác phẩm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang