“Khi cuộc sống xuất hiện những nỗi niềm thiết tha không bút nào tả xiết đối với năng lực thông thường, nghệ sĩ là người vượt qua giới hạn đó để đưa nỗi niềm kia vào hàng vĩnh viễn”. (Lí luận văn học, Phương Lựu chủ biên, NXB Giáo dục, 2004, tr.251)
Anh/Chị hiểu nhận định trên như thế nào? Qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (trích Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm) và Trao duyên (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du), hãy làm sáng tỏ nhận định.
1. Giải thích:
– Những nỗi niềm thiết tha: những cảm xúc mãnh liệt (sự đồng cảm, tình yêu thương, nỗi căm giận…)
– Năng lực thông thường: khả năng diễn tả thông thường của con người.
– Vượt qua giới hạn: khả năng vượt qua năng lực thông thường bằng trái tim và tài năng nghệ thuật.
→ Khi hiện thực đời sống nảy sinh những cảm xúc mãnh liệt, những vấn đề nhức nhối, những tình cảm vượt qua khả năng diễn tả thông thường thì người nghệ sĩ một mặt cảm nhận sâu sắc những nỗi niềm đó bằng trái tim mình. Mặt khác, bằng tài năng nghệ thuật xuất sắc, họ thể hiện được những cảm xúc mãnh liệt đó qua ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật… khiến nỗi niềm đó trở nên bất tử. Điều này là kết quả của tâm huyết và tài năng của người nghệ sĩ.
2. Lí giải:
– Nhận định trên thể hiện mối quan hệ giữa văn học và hiện thực.
– Văn học vừa phản ánh những tình cảm mãnh liệt của đời sống con người vừa thể hiện tài năng và tâm hồn người nghệ sĩ trong việc cảm thấu những nỗi niềm thiết tha và biến nỗi niềm thiết tha thành bất tử.
(Học sinh vận dụng kiến thức lí luận văn học để lí giải ngắn gọn)
3. Phân tích, chứng minh:
– Những nỗi niềm thiết tha không bút nào tả xiết đối với năng lực thông thường:
+ Qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ: đó là nỗi niềm của những người phụ nữ trong một xã hội bất công, không trân trọng quyền sống và quyền hạnh phúc của lứa đôi, là nỗi nhớ nhung, sầu muộn, lo lắng, cô đơn của người chinh phụ khi chồng đi chinh chiến…
+ Qua đoạn trích Trao duyên: đó là nỗi đau như đứt ruột của người con gái chung tình nhưng lại phải trao duyên, là nỗi xót xa tủi hận khi Kiều luôn luôn mặc cảm mình là kẻ bội ước, phụ tình…
(Thí sinh phân tích dẫn chứng làm sáng tỏ)
– Người nghệ sĩ vượt qua giới hạn để đưa nỗi niềm kia vào hàng vĩnh viễn:
+ Qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm:
- Tác giả đã thấu hiểu tột cùng nỗi lòng người chinh phụ và đồng cảm với khát khao hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ. Tác giả gián tiếp lên án chiến tranh phi nghĩa chia rẽ tình cảm gia đình, hạnh phúc lứa đôi…
- Đoạn thơ sử dụng độc thoại nội tâm, điệp ngữ, nghệ thuật miêu tả tâm lí …
+ Qua đoạn trích Trao duyên Nguyễn Du:
- Tác giả đã cảm thấu được những bi kịch của nàng Kiều. Tác giả đã viết về sự việc trao duyên của Kiều không phải với tư cách của người ngoài cuộc mà với tư cách của người trong cuộc… Ông như đứt từng khúc ruột cùng nỗi đau của Kiều…, đúng như Mộng Liên Đường chủ nhân nhận xét: “Nguyễn Du viết Kiều như có máu rỏ trên đầu ngòi bút, nước mắt thấm qua tờ giấy”.
- Đoạn thơ sử dụng bút pháp ước lệ, sử dụng ngôn ngữ tinh tế, miêu tả nội tâm nhân vật thông qua ngôn ngữ đối thoại, nghệ thuật tả cảnh, ngụ tình.
(Thí sinh phân tích dẫn chứng làm sáng tỏ)
4. Bình luận:
– Đặt trong bối cảnh văn học Trung đại, khi vấn đề cá nhân, quyền sống của mỗi cá thể còn ít được nhắc đến, chúng ta có thể thấy bằng tâm huyết và tài năng vượt bậc, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm đã vượt qua giới hạn để đưa nỗi niềm kia vào hàng vĩnh viễn.
– Bài học đối với người sáng tạo: phải sống sâu sắc với cuộc sống và thời đại để thấu hiểu, rung cảm được những nỗi niềm nhức nhối của nhân sinh, đồng thời cần có tài năng để có thể biến những cảm xúc đó thành bất tử.
– Bài học đối với người đọc: cần trở thành người đồng sáng tạo với tác giả, bởi những cảm xúc mãnh liệt của nhân sinh sẽ không thể nào trở thành vĩnh viễn nếu người đọc tiếp xúc với tác phẩm bằng tâm hồn vô cảm và một vốn sống cạn nông.