Nghị luận: Người nghệ sĩ đích thực, người nghệ sĩ có tài năng bao giờ cũng mang đến cho đời một cái gì mới, một cái gì riêng biệt chưa từng có

nghi-luan-nguoi-nghe-si-dich-thuc-nguoi-nghe-si-co-tai-nang-bao-gio-cung-mang-den-cho-doi-mot-cai-gi-moi-mot-cai-gi-rieng-biet-chua-tung-co

“Người nghệ sĩ đích thực, người nghệ sĩ có tài năng bao giờ cũng mang đến cho đời một cái gì mới, một cái gì riêng biệt chưa từng có. Chính cái mới, cái riêng biệt đó làm cho cuộc sống hiện lên luôn luôn phong phú, lạ lùng, hấp dẫn”.
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy làm sáng tỏ.

1. Giải thích nhận định.

– Người nghệ sĩ đích thực, người nghệ sĩ tài năng: Chỉ những người có năng lực xuất sắc, có khả năng sáng tạo nên những tác phẩm văn học có giá trị.

– Cái mới, cái riêng biệt: cái được làm ra mà chưa từng có, khác hẳn với những gì trước đó.

– Cuộc sống hiện lên luôn luôn phong phú, lạ lùng, hấp dẫn: Cuộc sống được kiến tạo trong tác phẩm bằng những hình ảnh và màu sắc riêng. Thế giới trong tác phẩm của nhà văn là thế giới độc đáo, mang đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ.

 Ý kiến đề cập đến vấn đề phong cách văn học. Người nghệ sĩ tài năng là người có phong cách nghệ thuật độc đáo, có khả năng sáng tạo nên một thế giới mới trong tác phẩm của mình. Đó là tài nghệ của người nghệ sĩ trong việc đem đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống.

2. Lí giải.

a. Vì sao người nghệ sĩ đích thực, người nghệ sĩ tài năng bao giờ cũng mang đến cho đời một cái gì mới, một cái gì riêng biệt chưa từng có:

– Xuất phát từ chính nhu cầu của cuộc sống, cuộc sống luôn đòi hỏi sự xuất hiện của những nhân tố mới mẻ, những cái không lặp lại.

– Xuất phát từ đặc trưng của quá trình sáng tạo văn học. Sự phát triển của văn học xét đến cùng là sự sáng tạo, chỉ có sáng tạo mới tạo nên sức sống cho tác phẩm. Mỗi tác phẩm ra đời là một khám phá về nội dung, một phát minh về hình thức nghệ thuật.

– Xuất phát từ đặc trưng lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ là lao động cá thể. Đồng thời, người nghệ sĩ là người có những tố chất đặc biệt có khả năng sáng tạo nên cái mới.

b. Cái mới, cái riêng biệt chưa từng có được biểu hiện như thế nào trong sáng tác của những người nghệ sĩ tài năng:

– Đó là cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá đối với cuộc đời. Cái nhìn thể hiện quan điểm độc đáo về con người, về thế giới. Phong cách của nhà văn được phân biệt đầu tiên ở cách nhìn, cách cảm thụ con người và đời sống.

– Cái mới của nhà văn thể hiện ở giọng điệu riêng gắn với cảm hứng sáng tác. Giọng điệu là thái độ, là lập trường của nhà văn được thể hiện qua phương thức nghệ thuật.

– Cái mới của nhà văn thể hiện ở cách lựa chọn, xây dựng, xử lý đề tài, chủ đề.

– Đó là cái mới biểu hiện ở tính thống nhất, ổn định trong cách sử dụng các phương thức, phương tiện nghệ thuật, từ việc tổ chức kết cấu, định vị thể loại, sử dụng ngôn ngữ…cho đến cách kể chuyện, miêu tả ngoại hình, bộc lộ nội tâm…

– Các biểu hiện nói trên không tồn tại tách rời mà bao hàm lẫn nhau, tồn tại thông qua nhau đem lại cho tác phẩm văn học tính chỉnh thể toàn vẹn.

c. Cái mới, cái riêng biệt đã làm cho cuộc sống trong tác phẩm hiện lên phong phú, lạ lùng, hấp dẫn như thế nào:

– Đứng trước hiện thực cuộc sống, mỗi người nghệ sĩ có cách suy ngẫm, lý giải khác nhau, cách lựa chọn những mảng đề tài khác nhau để đặt ra những vấn đề khác nhau. Nhờ đó, cuộc sống hiện lên trong tác phẩm của nhà văn là thế giới riêng, độc đáo, được kiến tạo bằng hình ảnh, màu sắc, phong phú, đa đạng, mang đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ.

– Cuộc sống hiện lên phong phú, lạ lùng, hấp dẫn còn được biểu hiện ở chỗ cùng viết về một đề tài nhưng mỗi nhà văn tài năng lại có những cách nhìn, cách khám phá riêng khiến cuộc sống hiện lên như lần đầu được khám phá.

d. Làm thế nào để người nghệ sĩ mang đến cho đời những cái mới mẻ, riêng biệt:

– Người nghệ sĩ cần giàu trải nghiệm, giàu vốn sống, hiểu người và hiểu đời.

– Người nghệ sĩ phải có cái tâm, có tình yêu sâu nặng đối với con người và cuộc đời, chính tình đời sâu nặng tạo nên chiều sâu nhân văn trong sáng tác của người nghệ sĩ.

– Người nghệ sĩ phải có bản lĩnh, cá tính sáng tạo mới có thể phát hiện cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, mang đến cho người đọc bài học trông nhìn và thưởng thức.

3. Phân tích, chứng minh.

– Cái mới trong tác phẩm là gì? (Bao gồm cái nhìn, nội dung và nghệ thuật)

– Cái mới đã làm cuộc sống hiện lên phong phú lạ lùng như thế nào?

4. Bình luận.

– Ý kiến đúng đắn khẳng định vai trò của hướng đi riêng trong khám phá sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn phải tự làm mới mình, quan trọng nhất là đổi mới cách nhìn trước cuộc đời. Tuy nhiên, không phải sự độc đáo nào cũng có giá trị tạo nên phong cách của nhà văn. Mọi sự đổi mới đều không vượt ra ngoài qui luật chân-thiện-mĩ, những vấn đề mang tính nhân bản của con người.

– Người nghệ sĩ sáng tạo nên cái mới nhưng đồng thời cũng phải kế thừa, phát huy tinh hoa của truyền thống.

– Nhận định này không chỉ đúng cho sáng tạo nghệ thuật của nhà văn mà còn là một trong những tiêu chí đánh giá một trào lưu, khuynh hướng văn học, thời kỳ văn học và một nền văn học.

– Khẳng định các tác giả là những nghệ sĩ đích thực

– Ý kiến đặt ra bài học cho người sáng tạo và tiếp nhận văn học: Người sáng tạo phải coi việc tạo nên dấu ấn riêng, định hình phong cách là sự sống; người đọc khi đến với tác phẩm văn học phải không ngừng nâng cao tầm đón nhận để cảm nhận vẻ đẹp độc đáo trong sáng tạo nghệ thuật.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.