Tiếng nói tri âm trong văn học

chung-minh-lao-dong-la-nguon-goc-cua-van-nghe

Tiếng nói tri âm trong văn học

Tri âm được hiểu là sự đồng điệu, thấu cảm. Cao bá quát trong Hoa Tiên tự truyện đã từng viết: “Xưa nay nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình, mà cái khó ở đời không gì bằng sự gặp gỡ.”

Sự tri âm giữa người đọc và người viết trước hết được bắt nguồn từ quy luật của sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ cầm bút là để giải bày lòng mình. Nhà thơ mang tiếng nói điệu đồng đi tìm những tâm hồn đồng điệu. Nhà văn viết tác phẩm như ban phát phấn thông vàng đi khắp nơi, mong có ngươi theo phấn tìm về. Cho nên bạn đọc là một mắt xích không thể thiếu trong chu trình sáng tác – tiếp nhận tác phẩm. Bạn đọc cũng có suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc, có niềm vui và nỗi buồn, có cảnh ngộ và tâm trạng, nhiều khi bắt gặp sự đồng điệu với nhà văn, nhà thơ. Khi hai luồng sóng tâm tình ấy giao hòa thì tác phẩm sẽ rực sáng lên, trở thành nhịp cầu nối liền tâm hồn với tâm hồn, trái tim với trái tim. Phải chăng vì thế Lưu Quý Kì viết : “nhà thơ gói tâm tình của mình trong thơ. Người đọc mở ra bỗng thấy tâm tình của chính mình”.

Xét về đối tượng phản ánh của văn học: Những cuộc đời bi kịch, đau thương, những số phận ngang trái thường dễ khơi gợi cảm xúc đồng cảm xót thương của con người, nhất là những người nghệ sĩ (quy luật của cuộc sống: con người nhạy cảm, quan tâm nhiều hơn trước nỗi buồn hơn là niềm vui, trước bất hạnh hơn là hạnh phúc, trước mất mát, thiệt thòi hơn là được, may mắn). Tiểu Thanh, Nguyễn Du, Lorca đã đi vào trong thơ của Nguyễn Du, Tố Hữu, Thanh Thảo bởi họ có chung số phận ấy.

Tri âm còn là tìm đến cái đẹp để ngưỡng mộ, ngợi ca. Bản thân cái đẹp có sức chinh phục lớn lao với những người nghệ sĩ. Cái đẹp có từ trong cuộc đời nhân cách của con người, cái đẹp còn có trong giá trị của tác phẩm nghệ thuật. Trong cảm xúc của các nhà thơ sự cảm thông, xót thương phải đi liền với sự ngợi ca, ngưỡng mộ, tôn vinh. Qua các tác phẩm thơ chúng ta thấy Nguyễn Du, Tố Hữu, Thanh Thảo luôn muốn lưu giữ lại với muôn đời những vẻ đẹp mà đối tượng tri âm của họ sở hữu – Trên cơ sở lí luận tiếp nhận văn học:

+ Khi nhà văn kết thúc trang viết cuối cùng của tác phẩm, thì lúc đó tác phẩm mới bắt đầu vòng đời của nó. Nói các khác quá trình hoạt động của tác phẩm không phải là một chu trình đóng kín, mà nó mở ra về phía đời sống. Và đối với những tác phẩm lớn thì cuộc đời của nó luôn luôn ẩn chứa những khả năng mới sẽ bộc lộ khi nó viễn du qua không gian và thời gian. Và khi đó sức sống của tác phẩm văn chương sẽ được bất tử hoá trong sợi dây tri âm linh diệu giữa tác giả và bạn đọc. Phải chăng vì vậy, M.Gorki đã viết: người tạo nên tác phẩm là tác giả nhưng người quyết định số phận của tác phẩm lại là độc giả.

+ Tác phẩm văn chương chỉ sống được trong tấc lòng của những người tri kỉ – là bạn đọc nhưng không phải bạn đọc nào cũng hiểu được tác phẩm và thông điệp của tác giả. Tiếp nhận văn học phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tâm lý và tâm thế tiếp nhận, môi trường văn hoá mà người đọc đang sống, đang tiếp thu, …. Chuyện khen hay chê trong văn chương là điều dễ thấy. Cho nên, ở bất kỳ thời đại nào, bất cứ nền văn học dân tộc nào cũng đều rất cần tiếng nói tri âm của bạn đọc dành cho tác giả. Nghĩa là bạn đọc ấy phải cảm thông, sẻ chia với những nỗi niềm tâm sự , nghĩ suy của người viết gửi gắm vào tác phẩm.

Thực tiễn văn học: Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân Nguyễn Đăng Tuyển từng có lời bình Truyện Kiều như sau: “Thuý Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm Truyện Thuý Kiều, việc tuy có khác nhau mà lòng thì là một, người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông luỵ của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy”. Chính bởi ý nghĩa đặc biệt của tiếng nói tri âm trong văn chương mà biết bao nhà thơ, nhà văn đã sáng tác những tác phẩm mà đối tượng lại chính là các nhà văn, nhà thơ. Bằng Việt viết về Pauxtôpxki, Ximônôp sung sướng khi tìm được tri âm là Tố Hữu: “Ở đây tôi thấy thơ tôi, Sống trong bản dịch tuyệt vời của anh”, hay Thanh Thảo đã viết về Lorca bằng những vần thơ với nỗi đau “bốc cháy như mặt trời”. Trường hợp của Nguyễn Du và Tố Hữu trong hai bài thơ Độc Tiểu Thanh kí và Kính gửi cụ Nguyễn Du cũng không nằm ngoài mạch nguồn cảm hứng giàu giá trị nhân văn ấy .

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.