Điểm nhìn nghệ thuật trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.
- Mở bài:
Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu là ra đời sau năm 1975. Truyện được kể theo phương thức trần thuật thứ hai và cũng là tác phẩm có nghệ thuật kể chuyện đặc sắc trong chương trình văn học ở nhà trường. Người kể chuyện cũng là nhân vật chính trong tác phẩm, xưng tôi và kể lại những chuyện mà mình đã chứng kiến và đã tham gia, hơn nữa còn bày tỏ cả những suy nghĩ, đánh giá và cảm xúc.
- Thân bài:
Điểm nhìn nghệ thuật là điểm nhìn của nhân vật, của nhà nhiếp ảnh Phùng, người nghệ sĩ say mê cái đẹp cũng là một người lính từ chiến trường trở về làm cho câu chuyện trở nên tự nhiên, chân thật. Điều này có tác dụng rút ngắn khoảng cách giữa người đọc và tác phẩm. Mô hình về ngôi kể, điểm nhìn nghệ thuật và nhân vật trong tác phẩm có thể khái quát: Nhà văn = Người kể chuyện = Nhân vật = Tôi (ngôi 1). Theo điểm nhìn đó các nhân vật khác đều thuộc ngôi thứ ba. Chẳng hạn: người đàn bà = chị, người đàn ông = lão, thằng Phác = nó, Đẩu = anh…
Điểm nhìn nghệ thuật của tác phẩm chủ yếu là điểm nhìn của nhân vật Phùng = Tôi = Người kể chuyện. Điểm nhìn ấy trước hết là điểm nhìn của người nghệ sĩ say mê và tìm kiếm cái đẹp nên khi tìm thấy cái đẹp, Phùng hoàn toàn choáng ngợp trước cảnh vật thiên nhiên mà anh cho là cảnh trời cho, cả đời bấm máy anh mới gặp một lần. Điểm nhìn tiếp theo là điểm nhìn của người ngoài cuộc chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài. Điểm nhìn của một người lính từ chiến trường trở về, đã từng phải vào sinh ra tử để bảo vệ đất nước, vì cuộc sống tốt đẹp của con người khiến Phùng không thể chấp nhận cảnh tượng đó. Anh đã xông vào can thiệp để từ đây điểm nhìn của Người kể chuyện = Nhân vật là điểm nhìn của người trong cuộc có những ảnh hưởng nhất định đến diễn biến của câu chuyện.
Từ điểm nhìn nghệ thuật của nhân vật đồng thời là người kể chuyện, thời gian trần thuật được kể theo trật tự tuyến tính, tức là theo trình tự thời gian thông thường làm cho mạch truyện diễn ra tự nhiên, các chi tiết truyện kết nối với nhau một cách hợp lý và chặt chẽ. Bắt đầu từ chuyện Phùng được giao nhiệm vụ đến vùng biển để chụp một bức ảnh về cảnh biển trong một buổi sáng có sương mù. Anh đã đến vùng biển cũng là chiến trường cũ nơi anh từng chiến đấu để chụp ảnh, ở đó anh còn có một người bạn chiến đấu nay làm chánh án tòa án huyện. Tại đây anh có hai phát hiện bất ngờ. Phát hiện thứ nhất là một bức tranh nghệ thuật toàn bích và lãng mạn về cảnh vật thiên nhiên buổi sáng hôm ấy. Phát hiện thứ hai là bức tranh hiện thực đời sống đầy nghiệt ngã về cuộc sống của gia đình hàng chài. Anh đã tham gia vào câu chuyện của gia đình hàng chài và từ trái tim của người nghệ sĩ mang nặng tình đời, tình người anh rút ra những chiêm nghiệm về đời sống và nghệ thuật.
Xét về góc độ điểm nhìn thì truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu và “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành đều không tạo dựng cốt truyện theo một điểm nhìn đơn nhất mà xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Nhưng điểm khác nhau là ở chỗ, trong truyện ngắn này người kể chuyện còn đồng thời là nhân vật.
Trong “Chiếc thuyền ngoài xa” ta còn thấy có điểm nhìn của người đàn bà, của Đẩu khi họ nói về nhân vật người đàn ông ở tòa án huyện. Điểm nhìn của Đẩu là điểm nhìn của một vị chánh án, người bảo vệ công lý, trừng trị cái xấu và cái ác. Trong mắt anh người đàn ông là kẻ độc ác không thể chấp nhận được. Nhưng từ điểm nhìn của người đàn bà xấu xí, thất học và cam chịu thì ông ta là người ơn vì đã lấy chị, vì đã giúp chị nuôi đàn con. Theo người đàn bà ông ta là nạn nhân của cuộc sống đói nghèo, thậm chí chị còn cho rằng về bản chất ông ta là người “cục tính nhưng hiền lành lắm”…
Chính vì xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau mà sự phản ánh hiện thực được thể hiện một cách khách quan và phong phú. Để rồi từ chỗ nhìn nhận về sự việc, nhân vật ở nhiều góc độ xa và gần, bên ngoài và bên trong và từ nhiều phía nhà văn Nguyễn Minh Châu đã bộc lộ nhìn nhận của mình về cuộc đời và con người. Cuộc đời hóa ra không hề đơn giản, xuôi chiều mà nhiều khi rất phức tạp, bản chất của cuộc đời là đa sự và con người thì đa đoan. Vì vậy con người cần có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để nhận ra bản chất bên trong của đời sống và con người. Điều đó làm tăng giá trị nhận thức cho tác phẩm.
Truyện được kể từ điểm nhìn của nhân vật nên diễn biến sự kiện mang đậm tính chủ quan. Ở đây, nhân vật phải có cái nhìn của một nghệ sĩ thì mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên một cách trực tiếp “trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thật đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Những tình cảm, cảm xúc và thế giới nội tâm của nhân vật Phùng cũng xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm như “Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy cảnh “đắt” như trời cho như vậy”, “Trong giây phút bối rối tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”, “Tất cả mọi việc xảy đến khiến tôi kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn”, “Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng…”. Khi nhân vật là người kể chuyện thì thái độ, tình cảm của anh ta thường được bộc lộ qua động từ phán đoán hay khắng định:“Có lẽ”, “chắc chắn”, “ chắc mẩm”, “tưởng”… Những động từ này có tác dụng truyền đến cho người đọc những xúc cảm, đánh giá của người kể chuyện.
Có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã chọn điểm nhìn người kể chuyện là điểm nhìn của một người lính đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường và chọn không gian chuyện ở một vùng biển vốn là chiến trường cũ vẫn còn dấu tích chiến tranh với những chiếc xe tăng hỏng. Điểm nhìn nghệ thuật cũng như không gian nghệ thuật này đã gợi mở thêm giá trị cho tác phẩm, giúp người đọc nhận ra rằng cái nghèo đói, thất học là hậu quả của chiến tranh tàn khốc và cuộc chiến chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ cái đẹp, cái thiện trong đời thường có khi còn cam go hơn việc chiến đấu chống lại kẻ thù trong chiến tranh. Hơn nữa, cũng không phải ngẫu nhiên Nguyễn Minh Châu chọn điểm nhìn của một nghệ sỹ đam mê nghệ thuật, bởi chỉ có như vậy nhà văn mới thể hiện những phát hiện và phát ngôn những triết lý về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật. Con thuyền nghệ thuật lung linh, huyền ảo và đầy lãng mạn thì ở rất xa còn hiện thực đời sống nhiều khi nghiệt ngã lại ở rất gần. Hãy đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời vì nghệ thuật chân chính phải là cuộc đời và vì cuộc đời. Người nghệ sĩ tài năng cần biết nhìn cuộc đời bằng cái nhìn đa diện, nhiều chiều, phải là người nhận ra sự thật ẩn khuất sau màn sương huyền ảo, phải tiếp cận sự thật để nhận ra ý nghĩa của cuộc sống và nghệ thuật chân chính.
- Kết bài:
Nguyễn Minh Châu là các nhà văn xuất sắc, có nhiều đóng góp cho Văn học Việt Nam hiện đại. Chiếc thuyền ngoài xa là những truyện ngắn tiêu biểu, có nội dung và tư tưởng sâu sắc, có giá trị nghệ thuật cao. Điểm nhìn nghệ thuật không chỉ giúp người đọc thâm nhập sâu vào tác phẩm trên bình diện nghệ thuật mà từ đó còn khám phá một cách sâu sắc giá trị nội dung, tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm ở đứa con tinh thần của mình. Từ việc phân tích điểm nhìn nghệ thuật của tác phẩm người đọc còn có thể tìm ra được nét riêng độc đáo trong phong cách nghệ thuật của nhà văn, cao hơn nữa là nhận thức tác phẩm ở góc độ phong cách học và thi pháp học.