Cảm nhận khổ thơ 1 bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca” (Thanh Thảo)
- Mở bài:
Là một nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kì gian khổ nhưng Thanh Thảo không viết nhiều về thời kì kháng chiến. Có lẽ ông thực sự để lại tên tuổi của mình với những bài thơ thời hậu chiến. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca”, một thi phẩm xuất sắc của Thanh Thảo, đã thể hiện sự đồng điệu trong tâm hồn mình với bi kịch cuộc đời của Lor – ca, đồng thời đó cũng là sự phá cách đối với thơ ca giai đoạn thời kì hậu chiến.
- Thân bài:
Nhà thơ Thanh Thảo là một trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại. Muốn cuộc sống được cảm nhận và thể hiện ở chiều sâu nên luôn khước từ lối biểu đạt dễ dãi; đào sâu vào cái tôi nội cảm, tìm kiếm những cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, giải phóng mọi ràng buộc nhằm mở đường cho một cơ chế liên tưởng phóng khoáng, xoá những khuôn sáo bằng những nhịp điệu bất thường, đem đến cho thơ một mĩ cảm hiện đại bằng hệ thống hình ảnh và ngôn từ mới mẻ. Kiểu tư duy giàu suy tư, mãnh liệt, phóng túng trong xúc cảm và nhuốm màu sắc tượng trưng siêu thực.
Lor-ca là nhà thơ mà Thanh Thảo rất ngưỡng mộ. Cả thơ ca, cuộc đời và cái chết của Lor-ca đã gây cho tác giả những xúc cảm và ấn tượng. Chính những hình ảnh và nhạc điệu trong nhiều bài thơ của Lor-ca đã dẫn dắt Thanh Thảo. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” được viết liền mạch ngay sau đó. Đó là kết quả của cuộc gặp gỡ về cảm xúc, giọng điệu và hình ảnh (sự gặp gỡ của hồn thơ)
Từng được biết đến Tây Ban Nha qua những tác phẩm của Hê-ming-uê- một nhà văn Mĩ, lại đọc thơ Lor-ca từ khi còn trẻ, hình ảnh Tây Ban Nha và hình ảnh trong những câu thơ Lor-ca đã lặn sâu vào tâm trí và trở thành một ám ảnh để khi viết bài thơ, nó bật ra một cách hoàn toàn tự nhiên. Đây là kết quả sự thăng hoa của vô thức và ám ảnh về con người, cuộc đời và thơ Lor-ca – một con hoạ mi Tây Ban Nha.
Bài thơ được viết như một khúc tưởng niệm Lor-ca, làm sống dậy hình ảnh Lor-ca và thể hiện sự tri âm, đồng cảm và ngưỡng vọng một người nghệ sĩ tài hoa có cốt cách anh hùng và số phận bi thương.
Nhan đề “Đàn ghi-ta của Lor-ca” biểu trưng cho tiếng nói nghệ thuật của riêng Lor-ca – không thuần tuý chỉ là âm thanh, giai điệu mà còn là toàn bộ con người Lor-ca với tinh thần đấu tranh và khát vọng đổi mới nghệ thuật. Trong trường hợp này, cây đàn ghi-ta đã gắn bó và biểu hiện tâm hồn nghệ sĩ của Lor-ca – tình yêu cuộc sống và khí phách kiên cường của người chiến sĩ yêu tự do, hoà nhập trái tim mình với quần chúng nhân dân.
Câu thơ của Lor-ca “Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” thể hiện ước nguyện của Lor-ca gắn với cây đàn. Trong cuộc sống, Lor-ca đã dùng cây đàn ghi-ta cất lên lời ca tranh đấu thì khi đi vào cõi chết, ông vẫn muốn mang theo cây đàn để tiếp tục hát lên những lời ca tranh đấu thì khi đi vào cõi chết, ông vẫn muốn mang theo cây đàn để tiếp tục hát lên những bài ca của tình yêu và khát vọng tự do. Tiếng đàn ghi-ta sẽ là sự sống, là niềm tin, là hi vọng, là sức mạnh đấu tranh vượt lên cái chết. Sử dụng câu thơ này làm đề từ, Thanh Thảo có lẽ muốn khẳng định rằng Lor-ca sẽ bất tử cùng với tiếng đàn, cây đàn sẽ kéo dài sự sống, nối dài khát vọng của Lor-ca.
Lor- ca, con người tự do, người nghệ sĩ cách tân trên khung cảnh văn hóa và chính trị của Tây Ban Nha. Bài thơ có lối diễn đạt không viết hoa đầu dòng tạo nên một sự liền mạch như một dòng chảy của cảm xúc không có điểm dừng. Sự tài hoa của Thanh Thảo còn làm ta liên tưởng bài thơ như một bản đàn ngân vang với âm thanh “li-la” mênh mang, dìu dặt vút cao chắp cánh đưa người nghệ sĩ bay vút lên trên tất cả bạo tàn và chết chóc. Lor-ca trở thành nhà cách tân của Tây Ban Nha qua cảm quan của Thanh Thảo:
“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
Mở đầu bài thơ, Thanh Thảo miêu tả tiếng đàn: ““những tiếng đàn bọt nước”. Câu thơ là sự kết hợp của những hình ảnh nằm trong dòng liên tưởng : Tiếng đàn – bọt nước. Âm thanh tiếng đàn tài hoa, tuyệt diệu, tiếng đàn, cây đàn huyền thoại của đất nước Tây Ban Nha và của Lor-ca. Nhưng đó cũng là hình ảnh hoán dụ cho sự nghiệp, tiếng thơ, tiếng lòng của chính nghệ sĩ Lor ca, và thậm chí là cả cuộc đời của người nghệ sĩ tài ba này. Tất cả được làm sáng tỏ thông qua hình ảnh thứ 2. Hình ảnh bọt nước là một thi ảnh thường xuất hiện trong thơ của Lor-ca, là thế giới nghệ thuật trở đi trở lại trong thơ Lor-ca :
“Sóng ơi sóng về đâu Cứ cười và trôi đi
Đến những bờ biển cả
Tới những miền mênh mông”
(Sóng ơi sóng về đâu)
Câu thơ gợi hình ảnh những bọt nước nhỏ bé trong đại dương mênh mông hay chính là cái cô đơn, nhỏ bé của nhà thơ trong dòng đời mênh mông. Những bọt nước nhỏ bé, chơi vơi bất định như muốn tan biến vào đại dương mênh mông. Cho thấy một khát khao, khát vọng vô cù thi vị của một nghệ sĩ muốn hòa tan vào thế giới mênh mông, thế giới của tự do.
Những bọt nước nhỏ bé trên mặt nước mênh mông cứ xuất hiện rồi thoáng chốc lại tan vỡ, vụt biến. Cũng như cuộc đời và số phận ngắn ngủi của Lor-ca khi anh bị bọn thân phát xít bắt và hãm hại. Một sự tồn tại ngắn ngủi của cuộc đời một con người với bao khát khao hi vọng đã dừng lại ở tuổi 38. Đây cũng chính là bi kịch cuộc đời của Lor-ca.
Ngay sau đó, “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt” đột ngột bùng lên gợi nên hình ảnh truyền thống của đất nước Tây Ban Nha với những đấu trường đấu bó tót nổi tiếng trên thế giới không lẫn với bất cứ quốc gia nào, mang đậm màu sắc Tây Ban Nha. Chữ “gắt” là bổ ngữ đã trực tiếp miêu tả những đấu trường bò tót quyết liệt nhưng cũng gián tiếp miêu tả khung cảnh đất nước Tây Ban Nha đang nổi lên những xung đột xã hội dữ dội. Trong nghệ thuật, đó là sự xung đột mới – cũ, hiện đại – bảo thủ mà Lor-ca là người nghệ sĩ đi đầu trong công cuộc cách tân nghệ thuật. Trong chính trị, xã hội, đó là mâu thuẫn, xung đột không cân sức giữa một bên là nhân dân Tây Ban Nha lao động yêu tự do, hòa bình và một bên là bè lũ độc tài phản động thân Phơ-răng-cô mà Lor-ca là một chiến sĩ tiên phong trong cuộc đấu tranh đòi tự do cho nhân dân, đất nước Tây Ban Nha.
Nếu câu thơ thứ nhất gợi sinh mệnh ngắn ngủi thì câu thơ thứ hai lại là sứ mệnh khao khát đổi mới Tây Ban Nha của Lor-ca nhưng cuối cùng anh cũng hi sinh ở tuổi 38 và Thanh Thảo phát hiện mối quan hệ nhân quả thiêng liêng giữa sứ mệnh cao cả và sinh mệnh ngắn ngủi thông qua hệ thống hình ảnh biểu tượng của thơ tượng trưng siêu thực.
Những câu thơ mở đầu giàu sức gợi mang đến một trường liên tưởng về một đất nước đẹp tươi với tiếng ghi ta làm mê say lòng người, những vũ nữ Di-gan với làn da rám nắng và vũ khúc Fla-men-co cháy bỏng, những trận đấu bò rực lửa và danh dự của người kiếm sĩ và không thể thiếu những miền thảo nguyên bao la xanh bóng nắng. Giữa nắng và gió, giữa bao la thiên địa, Lor-ca hiện lên ngời sáng trong thơ. Sự chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang thị giác tạo nên “tiếng đàn bọt nước” đầy biến ảo, khi tròn to, khi phập phồng thổn thức, khi vỡ ra tức tưởi như một “thiên bạc mệnh” có tính dự báo về những chông gai, trắc trở mà số phận người nghệ sỹ sẽ phải đón nhận ở phía trước.
Và màu “áo choàng đỏ gắt” tiếp theo sau tiếng đàn bọt nước ấy chính là những trận đấu bò sinh tử. Nhưng đấu trường bò tót ngay trong sự chuyển gam của Thanh Thảo đã trở thành một đấu trường chính trị khổng lồ, ngột ngạt, căng thẳng, đẫm máu của Tây Ban Nha thời đó. Màu áo của kiếm sĩ “đỏ gắt” lên hay nền chính trị độc tài thân phát xít đang thiêu đốt tự do dân chủ và kiềm hãm sự phát triển của một nền nghệ thuật đang già cỗi. Đây là một trận chiến lớn giữa một bên là khát vọng dân chủ của nhân dân nói chung, của Lor-ca nói riêng với nền chính trị độc tài. Xét trong lĩnh vực nghệ thuật, đó là cuộc xung đột giữa khát vọng cách tân của nhà thơ với nền nghệ thuật già nua. Xét ở phương diện nào thì Lor-ca cũng là một chiến sĩ đơn độc đáng thương.
Câu thơ “li-la, li-la, li-la” vang lên như một điệp khúc. Qua cảm nhận được cảm về âm thanh thì không có âm thanh nào thân thuộc hơn với người nghệ sĩ chơi đàn ghi ta là âm thanh của tiếng đàn. Nếu hai câu thơ đầu là khúc dạo thì câu thơ thứ 3 với những chuỗi hợp âm tạo ra những nốt đàn buông, khoảng lặng để ca khúc bắt đầu. Giữa lúc trận đấu đang căng thẳng thì bỗng vang lên âm thanh du dương, bổng trầm của tiếng đàn: “li-la, li-la, li-la” một thanh âm trong trẻo, thanh tao quyện hòa mùi hương hoa Li-la dìu dịu, lan tỏa với những cánh hoa màu tím nồng nàn đầy sức sống giữa khung cảnh bạo tàn và chết chóc.
Đấu trường khốc liệt nhường chỗ cho sự thăng hoa của nghệ thuật. Ai nói nghệ thuật không có sức mạnh. Không! Nghệ thuật chính là sức mạnh vô địch có thể hóa giải mọi hận thù. Và chàng nghệ sỹ của chúng ta đang thăng hoa trong bản hòa tấu ghi-ta đầy lãng mạn. Nghệ thuật điệp với cấu trúc nhịp 2/2/2 như âm thanh da diết vô cùng của một niềm yêu, niềm kiên nhẫn vô cùng của những khát khao và cách tân đổi mới.
Không gian của đất nước Tây Ban Nha gợi nên qua hình ảnh miền đơn độc như vẽ ra trước mắt người đọc những thảo nguyên xanh mênh mông của Tây Ban Nha: “đi lang thang về miền đơn độc”. Cả câu thơ hầu hết là các thanh với từ láy lang thang mở ra một không gian mênh mông, rộng lớn. Từ láy đơn độc gợi ra những miền không gian hoang vắng, những miền ít dấu chân người. Trên khung cảnh không gian là những miền đơn độc là bi kịch của người nghệ sĩ Lor – ca, người nghệ sĩ vĩ đại, con người khái phá luôn đơn độc trên chặng đường đi tìm đổi mới cho đất nước Tây Ban Nha.
Vầng trăng xuất hiện trong thơ Lor – ca như một biểu tượng của cái đẹp với những vầng trăng đỏ, vầng trăng đen “với vầng trăng chếnh choáng”. Người đọc như đang dõi mắt theo từng bước chân lãng tử của người nghệ sỹ trên hành trình “lang thang về miền đơn độc” cùng với “vầng trăng – yên ngựa”. Đây là một hệ thống thi ảnh thường bắt gặp trong thơ Lor – ca, chàng kị sỹ một mình trên lưng «con ngựa đen/ vầng trăng đỏ » với những bản đàn gh ita phiêu bồng cùng giấc mơ tranh đấu.
Trong thơ Thanh Thảo, Lor – ca hiện lên với dáng điệu “chuếnh choáng”. Đây là một hình ảnh mang cái hồn say của người nghệ sỹ, không phải cái say tầm thường của những cốc rượu vang đỏ mà là say trong tranh đấu, say trong sáng tạo nghệ thuật. Nếu như chàng Đôn-ki-hô-tê trong trang văn của Xec- van-tec mải miết với giấc mơ hiệp sĩ thì Lor – ca mãi “mỏi mòn” trong hành trình chống lại tộc ác của bè lũ Phơ-răng-cô. Từ láy mỏi mòn cho cảm nhận về thời gian dằng dặc của những hành trình không có điểm dừng. Nhưng đồng thời cũng ẩn chứa cái vô thức trong cái tôi của Lor – ca: phải chăng cũng có lúc người nghệ sĩ, chiến sĩ ấy thi thoảng vẫn còn sự ám ảnh của những phút chùn lòng đâu đó tự nhiên quay trở về.
- Kết bài:
Nhưng đáng thương thay, trong hành trình khát vọng ấy, Lor-ca là một nghệ sĩ cô đơn trong sáng tạo nghệ thuật và cô độc trong chiến đấu. Nhưng không vì thế “con họa mi của xứ Granada lại ngừng hót“. Chàng vẫn “mãnh liệt như trăm ngàn sư tử/ Vững chắc như cẩm thạch” (Thơ Lor-ca). Chính vì thế với hai câu thơ này dù nhìn ở góc độ nào ta cũng thấy người nghệ sĩ Lor-ca với tâm hồn luôn khát khao sáng tao nghệ thuật, hướng tới cái đẹp nhưng luôn bị cô đơn.
Tóm tắt dàn ý phân tích:
Đoạn 1: Hình ảnh Lor-ca trong bối cảnh chính trị Tây Ban Nha
– Hình ảnh Lor-ca được phác qua những nét chấm phá với những mảng màu dường như không đồng chất đồng tông họa nên diện mạo con người và số phận Lor-ca.
- “những tiếng đàn bọt nước”: cấu tạo hình ảnh bằng sự ánh chiếu của nhiều kênh cảm giác.
- Tiếng đàn: âm thanh ⇒ cảm nhận bằng thính giác.
- Bọt nước: hình ảnh ⇒ cảm nhận bằng thị giác.
– Dùng cả thị giác và thính giác để cảm nhận tiếng đàn:
- Gợi vẻ đẹp của tiếng đàn dựa trên những liên tưởng ngoài thơ (bọt nước tạo nên từ bong bong trời mưa, lúc nào cũng như phập phồng, thổn thức) ⇒ tiếng đàn trong trẻo, dường như cũng mang tình cảm, có linh hồn.
- Bọt nước dường như dựng hình số phận tiếng đàn: mong manh, ngắn ngủi, dễ vỡ.
- Hình ảnh: “Áo choàng đỏ gắt”:
- Mở ra không gian văn hoá Tây Ban Nha (xứ sở của Tây Ban cầm, những cuộc đấu bò tót, những kiếm sĩ can đảm,…)
- Gợi bối cảnh chính trị ngột ngạt, căng thẳng, đẫm máu của Tây Ban Nha thời đó: đấu trường của cuộc đấu tranh giữa một bên là khát vọng dân chủ của nhân dân nói chung, của Lor-ca nói riêng với nền chính trị độc tài. Xét trong lĩnh vực nghệ thuật, đó là cuộc xung đột giữa khát vọng cách tân của nhà thơ với nền nghệ thuật già nua.
- 4/6 câu thơ kết thúc bằng tiếng mang thanh trắc (nước, gắt, độc, choáng) ⇒ cảm nhận về số phận, cuộc đời không bình yên, đầy bất trắc.
- Hệ thống hình ảnh: lang thang miền đơn độc, vầng trăng, yên ngựa ⇒ những hình ảnh gắn với thế giới nghệ thuật Lor-ca, những biểu tượng của thơ ca Lor-ca, tạo ra một miền Lor-ca, mĩ cảm Lor-ca trong đoạn thơ đầu tiên.
- Ý nghĩa nhan đề và lời đề từ bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca”
- Cảm nhận ý nghĩa khổ thơ 2 và 3 bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca”
- Cảm nhận ý nghĩa ba khổ thơ cuối bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca”
- Cảm nhận về hình tượng Lorca trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”