»» Nội dung bài viết:
Đọc hiểu văn bản:
Nam quốc sơn hà.
I. Chuẩn bị đọc.
Tìm đọc thông tin về cuộc kháng chiến chống quân Tống của nhà Lý và trận chiến dọc phòng tuyến sông Như Nguyệt dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt (năm 1077).
Gợi ý:
Trận Như Nguyệt là một trận đánh lớn diễn ra ở một khúc sông Như Nguyệt (hay sông Cầu) vào năm 1077, là trận đánh có tính quyết định của cuộc Chiến tranh Tống-Việt, 1075-1077, và là trận đánh cuối cùng của nhà Tống trên đất Đại Việt. Trận chiến diễn ra trong nhiều tháng, kết thúc bằng chiến thắng của quân đội Đại Việt và thiệt hại nhân mạng lớn của quân Tống, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược Đại Việt của họ, buộc họ phải thừa nhận Đại Việt là một quốc gia.
II. Trải nghiệm cùng văn bản.
Em hiểu thế nào là “thiên thư”?
Trả lời:
– “Thiên” có nghĩa là trời.
– “Thư” có nghĩa là sách.
→ “Thiên thư” được hiểu là sách trời, ý trời.
III. Suy ngẫm và phản hồi.
Câu 1. Xác định bố cục của bài thơ.
Trả lời:
Bố cục của bài thơ có thể được xác định theo hai cách:
– Cách 1: có thể chia bố cục bài thơ thành bốn phần
+ Khai (câu 1): giới thiệu vấn đề chủ quyền với giọng điệu rõ ràng, cương quyết.
+ Thừa (câu 2): bổ sung ý đã nhắc đến ở câu 1 và giữ mạch cảm xúc.
+ Chuyển (câu 3): chuyển ý sang vấn đề xâm lược lãnh thổ của quân giặc.
+ Hợp (câu 4): khẳng định kết cục không tốt đẹp của quân giặc khi xâm lược lãnh thổ nước Nam.
– Cách 2: có thể chia bố cục bài thơ thành hai phần
+ Câu 1 + 2: giới thiệu vấn đề chủ quyền và khẳng định tính tất yếu không thể thay đổi của chủ quyền đất nước.
+ Câu 3 + 4: cảnh cáo việc quân giặc sang xâm lược và khẳng định kết cục không tốt đẹp của quân giặc khi xâm lược lãnh thổ nước Nam.
Câu 2. Theo em, bài thơ đã tuân thủ quy định về luật, niêm, vần, đối của một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt luật Đường như thế nào?
Trả lời:
– Luật: Tuân thủ theo luật trắc vần bằng.
+ Số câu: 4.
+ Số chữ trong câu: 7.
– Niêm: Chữ thứ hai của câu 1 là “trắc” niêm với chữ thứ hai của câu 4 cũng là “trắc”, chữ thứ hai của câu 2 là “bằng” niêm với chữ thứ hai của câu 3 cũng là “bằng”.
– Vần: chỉ hiệp theo một vần ở các câu 1, 2 và 4 (cư – thư – hư)
– Đối: thơ tứ tuyệt không có quy định đối cụ thể và khắt khe như thất ngôn bát cú
→ Bài thơ tuân thủ quy định về luật, niêm, vần, đối của một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt luật trắc vần bằng theo luật Đường.
Câu 3. Qua hai câu đầu, tác giả muốn khẳng định điều gì? Từ đó, cho biết:
a. Tác dụng của cách dùng từ, ngắt nhịp trong câu: Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
b. Tác dụng của việc nói đến “thiên thư” (sách trời) trong câu thơ thứ hai.
Trả lời:
Hai câu đầu giới thiệu vấn đề chủ quyền và khẳng định tính tất yếu không thể thay đổi của chủ quyền đất nước.
a. Câu đầu có thể ngắt theo nhịp 4/3 hoặc 2/2/3. Cách ngắt nhịp trong câu theo nhịp 4/3 “Nam quốc sơn hà/ Nam để cư” hoặc “Nam quốc/ sơn hà/ Nam đế cư”: tỏ rõ hai vấn đề quan trọng nhất là “sông núi nước Nam”, và “vua nước Nam” đi liền với nhau ngay trong câu mở đầu của bài thơ. Đây là cách ngắt nhịp tiêu biểu của thơ thất ngôn tứ tuyệt luật Đường, tạo âm điệu chậm rãi, trang nghiêm.
b. Việc nói đến “thiên thư” (sách trời) trong câu thơ thứ hai cho thấy “tính pháp lí” của chủ quyền chủ quyền đã được ghi rõ, quy định rõ bằng văn bản của “nhà trời”, không phải chuyện người thường muốn mà thay đổi được và cũng không thể thay đổi được bằng hành vi xâm lược.
Câu 4. Ở hai câu cuối, tác giả nói về điều gì, nói với ai và bằng thái độ, tình cảm như thế nào?
Trả lời:
– Hai câu cuối: “Chúng bay hãy chờ xem chúng bay sẽ thất bại như thế nào!”. Tác giả đang nói với kẻ thù với một tinh thần tự tôn dân tộc và thái độ kiên quyết, mạnh mẽ, khẳng định chủ quyền dân tộc và tinh thần đoàn kết chiến đấu của nhân dân.
Câu 5. Nêu chủ đề và cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
Trả lời:
– Văn bản thể hiện niềm tin về sức mạnh của chính nghĩa và được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên. Khẳng định chủ quyền về lãnh thổ của đất nước và nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù xâm lược. Tuy nhiên qua từng câu chữ, ta vẫn bắt gặp những dòng cảm xúc, tâm trạng của tác giả. Đó là tình cảm yêu nước mãnh liệt, lòng tự tôn dân tộc sâu sắc và ý thức về chủ quyền của dân tộc.
Câu 6. Nam quốc sơn hà thường được xem là một “bản tuyên ngôn độc lập” bằng thơ trong văn học Việt Nam và còn được gọi là bài thơ “Thần”. Hãy phát biểu ý kiến của em về điều này.
Trả lời:
– Nam quốc sơn hà thường được xem là một “bản tuyên ngôn độc lập” bằng thơ trong văn học Việt Nam và còn được gọi là bài thơ “Thần”. Bài thơ đã cho thấy niềm tự hào và tự tôn dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đồng thời ca ngợi truyền thống anh hùng bảo vệ đất nước từ ngàn đời nay.
Câu 7. Nêu một số dẫn chứng lấy từ lịch sử hoặc từ văn chương cho thấy tinh thần và ý chỉ về độc lập chủ quyền đã trở thành một truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Trả lời:
Văn bản “Bình Ngô đại cáo”
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập
Đến Hán, Đường, Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Để khẳng định tiền đề lý luận vững chắc, Nguyễn Trãi tiếp tục tận dụng chân lý về độc lập dân tộc. Chỉ qua một đoạn thơ ngắn gọn, Nguyễn Trãi đã đưa ra sự đánh giá toàn diện với đầy đủ nhân tố gồm văn hiến, lịch sử, phong tục tập quán và nhân tài. Trong đoạn này, Nguyễn Trãi đã sử dụng cách diễn đạt sóng đôi để khẳng định “Đại Việt và Trung Hoa là hai dân tộc song song tồn tại”. Những gì đất nước Đại Việt có được không kém gì với bề dày lịch sử của Trung Hoa.
Đọc thêm:
- Phân tích sức mạnh lập luận của Nguyễn Trãi qua đoạn trích Nước Đại Việt ta (trích Bình Ngô Đại Cáo)
- Vì sao có thể nói Nam quốc sơn hà là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam ?