»» Nội dung bài viết:
Bàn về bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, có ý kiến cho rằng: “ Bài thơ mang vẻ đẹp truyền thống của thi ca”. Ý kiến khác lại cho rằng: “Bài thơ mang hơi thở của thời đại cách mạng”
Gợi ý làm bài:
- Mở bài:
– Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Nội dung thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình, chính trị sâu sắc và nghệ thuật biểu hiện đậm đà tính dân tộc.0,25
– Bài thơ Việt Bắc trích trong tập thơ cùng tên, được viết nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử: Tháng 10 -1954, những người kháng chiến từ căn cứ miền ngược trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại Thủ đô. Bài thơ được coi là một thi phẩm xuất sắc, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.
- Thân bài:
1. Giải thích ý kiến :
– Ý kiến thứ nhất: vẻ đẹp truyền thống của thi ca nghĩa là bài thơ đã kế thừa, phát huy những nét đẹp của nền thi ca cổ điển và thi ca dân tộc ở cả phương diện nội dung và hình thức. Ý kiến đã nhìn nhận nét đặc sắc của hồn thơ Tố Hữu: đậm đà hồn dân tộc.
– Ý kiến thứ hai: Hơi thở của thời đại cách mạng nghĩa là nội dung cảm xúc của bài thơ mang làn gió của thời đại mới – phản ánh hiện thực đất nước, con người Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp.Hình thức nghệ thuật cũng hòa chung với vẻ đẹp của thi ca cách mạng.Ý kiến đã khẳng định thơ Tố Hữu là thơ hiện đại.
2. Bình luận 2 ý kiến:
– Hai ý kiến là hai cách nhìn nhận tưởng như đối lập nhau nhưng chúng không loại trừ nhau mà có mối quan hệ bổ sung để góp phần đánh giá toàn diện về vẻ đẹp của thi phẩm.
– Bài thơ vừa mang vẻ đẹp của thời đại cách mạng vừa kế thừa vẻ đẹp của thơ ca truyền thống. Thơ Tố Hữu có sự hòa quyện giữa cái hôm nay và cái xưa, cái mới mẻ và cái truyền thống, trở thành điệu hồn của con người Việt Nam qua mọi thế hệ.
– Đoạn thơ “Ta về….thủy chung” nằm ở phần giữa bài thơ Việt Bắc, nhà thơ đã hóa thân vào lời người ra đi để trao gửi tâm tình với người ở lại.
3. Phân tích, chứng minh:
a. Đoạn thơ Việt Bắc mang vẻ đẹp của thi ca truyền thống:
– Về nội dung:
+ Đoạn thơ là lời của người kháng chiến về xuôi nhắn gửi với người ở lại – đồng bào chiến khu Việt Bắc tình cảm thủy chung tha thiết, nỗi nhớ không nguôi về thiên nhiên và con người Việt Bắc. “Ta về, mình có nhớ ta” tái hiện tình cảm, nỗi nhớ đó, Tố Hữu một lần nữa khắc sâu thêm ân tình, ân nghĩa của con người cách mạng, cũng là đạo lí uống nước nhớ nguồn – vốn là vẻ đẹp truyền thống của dân tộc.
+ Bằng nghệ thuật ngôn từ, đoạn thơ đã vẽ ra bức tranh Xuân – Hạ – Thu – Đông là bức tranh tứ thời đã đi vào hội họa phương Đông và thơ ca dân tộc như Truyện Kiều – Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm… trở thành những nét đẹp có tính mẫu mực cổ điển.0,25
– Về hình thức nghệ thuật:
+ Thể thơ lục bát dân tộc, sử dụng cặp đại từ mình – ta thường xuất hiện trong thơ ca dân gian, ngôn ngữ bình dị, trong sáng gợi cảm, đậm đà hồn dân tộc. Kết cấu: Đoạn thơ có sự đăng đối, hài hòa về câu chữ:câu lục khắc họa về thiên nhiên song hành cân xứng một câu bát khắc họa vẻ đẹp con người.
+ Bút pháp chấm phá: mỗi bức họa từng mùa nhà thơ chỉ chọn một đôi hình ảnh nhưng đã ghi lại linh hồn rất riêng của thiên nhiên và con người Việt Bắc. Cùng với bút pháp là thi liệu cổ xưa đã từng đi về rất nhiều trong thơ ca cổ là hình ảnh trăng, hoa…
b. Đoạn thơ mang hơi thở của thời đại cách mạng:
Đoạn thơ mang hơi thở của thời đại cách mạng thể hiện vẻ đẹp của quê hương Việt Bắc tứ thời trong những năm kháng chiến chống Pháp và vẻ đẹp của con người lao động mới trong công cuộc dựng xây đất nước. Đoạn thơ tràn đầy niềm tin tưởng ngợi ca, lạc quan cách mạng.
– Bức tranh mùa đông:
+ Hội họa phương Đông thường bắt đầu bức tranh tứ thời ở mùa xuân nhưng Tố Hữu chọn bức tranh mùa đông để mở đầu cho vẻ đẹp quê hương cách mạng. Bởi bài thơ được sáng tác vào tháng 10 – 1954, cũng là mùa đông đầu tiên của đất nước sau ngày độc lập, vì thế bức tranh mùa đông hiện lên rất chân thực, mang đậm hơi thở của thời đại mới.Mùa đông không tái tê, ảm đảm như thơ xưa mà ấm nóng, tươi tắn sắc màu: rừng xanh, hoa chuối đỏ tươi.
+ Người đi rừng cũng khác với thơ xưa, không lẻ loi nhỏ bé mà đứng trên đèo cao lộng gió với tư thế khỏe khoắn, lấp lóa nắng ánh…trở thành hình tượng trung tâm của núi rừng.
– Bức tranh mùa xuân:
+ Tố Hữu góp vào gia tài thi liệu của mùa xuân một sắc riêng của Việt Bắc: hoa mơ trắng với một không gian thoáng rộng, sáng bừng lên một màu tinh khôi thanh khiết.0,25
+ Người đan nón: chuốt từng sợi giang gợi vẻ đẹp cần mẫn, miệt mài, nhẹ nhàng khéo léo mà cũng đầy trân trọng, nâng niu. Những động tác của họ nhịp nhàng, uyển chuyển như một vũ điệu mùa xuân.
– Bức tranh mùa hè:
+ Núi rừng Việt Bắc vang lên dàn đồng ca mùa hạ: đó là tiếng ve kêu thật quen thuộc, bình dị, trẻ trung. Tiếng ve ấy làm cho rừng phách đổ vàng, cảnh tràn trề sức sống.
+ Cùng với cái tươi trẻ của âm thanh và sắc màu, hình ảnh con người cũng rất đỗi trẻ trung – cô em gái hái măng một mình trong rừng mà không gợi cảm giác lẻ loi, lầm lũi.
– Bức tranh mùa thu:
+ Trăng thu: “rọi hòa bình” với ánh sáng mạnh, luồng sáng khỏe mang lại cảnh trí thanh bình yên ả nơi đây. Một thi liệu cũ, Tố Hữu vẫn diễn tả cái nhìn rất mới: cái nhìn tươi tắn, khỏe khoắn của con người cách mạng 0,25
+ Tiếng hát ân tình thủy chung của “ Ai” vang vọng. – của những con người Việt Bắc chăm chỉ, cần cù, tràn đầy tinh thần lạc quan, cũng có thể là chủ thể trữ tình cất lên lời ân tình thủy chung với Việt Bắc, với cách mạng, với quê hương xứ sở này.
- Kết bài:
– Bức tranh tứ bình không chỉ vẽ lên hình ảnh một quê hương cách mạng tươi sáng, căng tràn sức sống, ấm áp sắc màu mà còn khắc họa được bức chân dung con người mới, con người kháng chiến trong công cuộc dựng xây, kiến thiết đất nước. Đoạn thơ chan chứa niềm tin, niềm tự hào, lạc quan của nhà thơ cách mạng.
– Mới mẻ nhưng cũng rất truyền thống, với kết cấu cổ điển, thể thơ lục bất, đoạn thơ là khúc hát ân tình, ân nghĩa, lời thơ gần gũi, đi vào lòng người muôn thế hệ, trở thành điệu hồn chung của dân tộc.
- Phân tích nỗi nhớ Việt Bắc trong bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu)
- Cảm nhận 24 câu thơ đầu đoạn thơ “Việt Bắc” (trích Việt Bắc) của Tố Hữu
- Phân tích vẻ đẹp của bức tranh tứ bình về thiên nhiên và con người Việt Bắc: “Ta về, mình có nhớ ta… Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”