binh-luan-y-kien-truyen-ngan-la-cach-cua-lay-mot-khuc-doi-song-to-hoai

Bình luận ý kiến: Truyện ngắn là cách cưa lấy một khúc đời sống (Tô Hoài)

“Truyện ngắn là cách cưa lấy một khúc đời sống” (Tô Hoài)

  • Mở bài:

Khi đọc xong một truyện ngắn hay, người đọc không sao ý giải được những nỗi niềm sâu kín man mác, những cảm xúc bâng khuâng xao xác khắp tâm hồn mà thiên truyện ấy mang lại. Và điều càng không thể lý giải hơn nữa, là bằng cách nào mà chỉ vài trang truyện, mà truyện ngắn có thể truyền tải những cảm xúc mãnh liệt, ồ ạt cuộn trào như thác lũ! Là trái tim người đọc đa cảm, hay bản thân truyện ngắn có một phép màu? Phép màu ấy là bởi “Truyện ngắn là cách cưa lấy một khúc đời sống” (Tô Hoài).

  • Thân bài:

Lời nhận định của nhà văn Tô Hoài là một cách định nghĩa truyện ngắn trên phương diện đặc trưng thể loại. Nhưng thật ra, truyện ngắn là gì? Truyện ngắn là một thể loại văn xuôi nằm trong phương thức tự sự. Đúng như tên gọi, tất nhiên truyện ngắn phải ngắn, và có truyện. Chính vì vậy, truyện ngắn là “cách cưa lấy một khúc của đời sống”. Cách nói hình tượng của Tô Hoài đã định nghĩa truyện ngắn một cách khá độc đáo! Nếu xem đời sống, hiện thực cuộc sống là một cái gì đó hữu hình cụ thể, như một cái cây chẳng hạn, thì chặt khúc cái cây – đời sống ấy ra, ta có truyện ngắn.

Vậy khúc cây – truyện ngắn ấy sẽ như thế nào? Tất nhiên là ngắn gọn, bé nhỏ hơn rất nhiều so với đời sống. Tuy chỉ là một “khúc”, nhưng từ một khúc ấy người ta vẫn phải thấy được “trăm năm đời thảo mộc”, nghĩa là truyện ngắn phải có tính khái quát cao độ. Tóm lại, lời nhận định của nhà văn Tô Hoài quan tâm đến hai khía cạnh của truyện ngắn. Về mặt nội dung, truyện ngắn phải khái quát được hiện thực cuộc sống, mang trong mình cái hơi thở phập phồng nóng hổi của lịch sử, thời đại. Về mặt đặc trưng thể loại, truyện ngắn hay phải là chỉnh thể thống nhất, dung hòa được các đối cực, giữa cái khái quát, nắm bắt được các quy luật với cái chi tiết, cụ thể; giữa cái chung và cái riêng; giữa tổng thể và cá thể…

Cũng là một nhà văn rất thành công với truyện ngắn, hơn ai hết Tô Hoài hiểu rõ đặc trưng của thể loại này. Lời nhận định của ông, do vậy, đã khái quát một cách xác đáng mà cụ thể, về những đặc trưng của truyện ngắn, một thể loại tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng lại có sức hấp dẫn vô cùng mãnh liệt!

Vấn đề chúng ta cần quan tâm ở đây là tạ sao truyện ngắn là “cách cưa lấy một khúc của đời sống”, tại sao phải là “đời sống” mà không phải là bất kì một yếu tố nào khác? Với vị trí là một thành phần của văn học, đặc điểm của truyện ngắn không thể nằm ngoài sự vận động chung của toàn bộ nền văn học. Mà đối tượng phản ánh của văn học còn là gì nữa, ngoài hiện thực cuộc sống – “đời sống” hằng ngày ngoài kia? Nhà thơ Tố Hữu từng nhận định “Cuộc đời là điểm xuất phát và là điểm đi tới của văn chương”. Hiện thực cuộc sống rộng lớn, bao la phong phú với nhiều hình thái tinh vi, phức tạp, vừa là mạch nguồn cảm hứng dồi dào của người nghệ sĩ, vừa là chất liệu sáng tác sống động, nóng hổi, làm nên sức sống cho tác phẩm. Do vậy, việc hể hiện cuộc sống vào tác phẩm, vừa là một mục đích tất yếu, vừa là một nhiệm của cao cả, là trách nhiệm của nhà văn chân chính.

Như vậy, lẽ dĩ nhiên nội dung truyện ngắn phải là cuộc sống ngoài kia với những hơi thở rất thực của nó. Nhưng vấn đề là “khúc cưa của đời sống”, truyện ngắn, sẽ thể hiện biển lớn hiện thực như thế nào? Là một “khúc cưa” với đặc trưng ngắn gọn vệ dung lượng, truyện ngắn đòi hỏi sự chắt lọc tinh tế, sắc bén của người cầm bút. Truyện ngắn không chấp nhận kiểu ngôn ngang, dông dài, suy tư bất tận của tiểu thuyết, nó đòi hỏi sự súc tích, cô đọng, tạo “những chiều sâu chưa nói hết”.

Hiện thực cuộc sống, cái đời sống trong truyện ngắn, là cái đời sống đã qua lựa chọn, sàng lọc, để gạn lấy những gì tinh túy nhất, bản chất nhất, nắm bắt được thần thái của sự vật, hiện tượng. Với truyện ngắn, một bức chân dung tỉ mỉ nhiều khi chỉ còn đọng lại vài đường nét, cả một đời người nhiều khi chỉ giữ lại vài khoảnh khắc, và một tiến trình nhiều lúc chỉ chọn ra một vài mốc quan trọng.

Như vậy, một khi đã lựa chọn truyện ngắn làm mảnh đất ươm mầm nghệ thuật, người nghệ sĩ, muốn thành công, không thể không trau dồi năng lực thâu tóm nhạy bén, sắc sảo giữa biển lớn hiện thực xô bồ, hỗn tạp, vàng thau lẫn lộn. Với truyện ngắn, đôi khi nhà văn đồng thời cũng phải là những nhà phẫu thuật, nhà khoa học chân chính, với ngòi bút là ngọn dao không né tránh, rạch sâu, cắt bén vào thớ thịt hiện thực, để chắt lọc lấy cái gì tuy túy nhất, bản chất nhất: Những mẩu hiện thực còn phập phồng hơi thở sống động của nó, và mới mẻ như còn ròng ròng máu chảy khi cắt ra từ cơ thể hiện thực.

Tóm lại, một khi hiện thực muốn mượn truyện ngắn làm sinh thể để biểu hiện chính nó, thì buộc nó phải chịu đau đớt, phân tách, để vừa in với chiếc giày pha lê của cô bé lọ lem mang tên truyện ngắn.

Nhưng thiết nghĩ, điều làm nên sức sống muôn đời của truyện ngắn hay, chưa hẳn là ở chỗ thu nén, cô đọng. Vì là “một khúc cưa” lấy trực tiếp từ đời sống, nên truyện ngắn thể hiện đầy đủ và tập trung những đặc tính của hiện thực mà nó được cưa lấy. Khả năng khái quát hiện thực thành nhũng quy luật cuộc sống mới chính là sức hấp dẫn đích thực của truyện ngắn. Người đọc mong đợi gì ở một truyện ngắn hay? Chắc chắn họ đọc truyện ngắn không phải là để chiêm ngưỡng cái tài nghệ thuật thu nén, dồn ép của nhà văn.

Truyện ngắn với sức khái quát của “khúc cưa từ đời sống”, một mẫu vật thí nghiệm chiết tách trực tiếp của đời sống, có khả năng thực hiện chức năng nhận thức của văn chương để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết về cuộc sống, thời địa, lịch sử của người đọc. Nó cho học cảm nhận những biến động ngầm của xã hội, cho họ thấy những mảnh đời cơ cực, những thân phận bất hạnh giữa cuộc đời dâu bể, để rồi nó chạm vào tận đáy tim họ khi cho họ đối diện với chính mình, với những buồn vui yêu ghét, với những khát khao và ước vọng của đời mình. Chỉ có thể, truyện ngắn mới có thể neo đậu trong trái tim người đọc, mới có thể sống mãi.

Về với tâm hồn bình dị của “làng”, của “đất” của “thuần hậu nguyên thủy” trong trang văn Kim Lân, ta bắt gặp một “khúc cưa của đời sống” đầy đặc sắc. Đó là truyện ngắn “Vợ nhặt”.

Truyện “Vợ nhặt” không dông dài, không dàn trải, chỉ vỏn vẹn khoảng mười trang, đúng nghĩa với một “khúc cưa đời sống”, ngắn gọn, súc tích. Có nhiều nhặn gì cho cam – chỉ một vài khung cảnh, một vài đường nét, một vài âm thanh… được Kim Lân chiết tách ra từ hiện thực cuộc sống. Ngay cả các nhân vật anh Tràng, bà cụ Tứ, cô vợ nhặt, cũng chỉ hiện lên từ buổi chiều chập choạng hôm trước đến sáng hôm sau, cái thời gian cũng chẳng thâm là bao so với cả đời người. Tất cả những gì tưởng như rộng lớn nhấ, bao quát nhất đã được Kim Lân khéo léo thu nhặt, cắt xẻ rất gọn, vừa vặn với truyện ngắn.

Như đã nói ở trên, nếu chỉ dừng chân ở lằn ranh “thu nén”, thì truyện ngắn – khúc cửa của đời sống không thể chạm vào trái tim bạn đọc đang thổn thức ở phía bên kia trang giấy. “Vợ nhặt”, truyện ngắn ấy hấp dẫn ta trước hết bởi hiện thực cuộc sống được khái quát lên từ những chi tiết cô đọng, hàm súc.

Đập ngay vào mắt chúng ta là một khung cảnh tăm tối, tang tóc, hoang tàn của cái đói và cái chết. Bức tranh toàn cảnh của hiện thực đau đớn quằn quại lẩn khuất sau những chi tiết mà nhà văn khắc họa. Cái đói bao trùm khắp nơi, bóng tối lan tỏa. “Nhà hai dãy phố up súp tối om”. Mùi tử khí nồng nặc. “Khắp nơi vẫn còn vẩn lên mùi hôi thối của rác và mùi gây của xác người”. Âm thanh thì ghê rợn, kinh hãi, “tiếng quạ kêu thê thiết”, “tiếng người khóc từ xa vọng lại, lúc to lúc nhỏ”.

Đó quả là một bức tranh kinh hoàng! Người đọc như kinh hãi khi mường tượng ra một tên thần chết nhởn nhơ đi trên con đường làng lênh láng đau thương và đói khổ, nhếch miệng cười khi lia lưỡi hái qua “những xác chết nằm còng queo”. “Người chết như ngả rạ”. Người đọc như nghẹt trước thế giới ấy, cái thế giới cõi âm cõi dương như nhòa trộn. Người chết tồn tại cùng người sống. Người sống thì “vất vưởng, xanh xao như những bóng ma”, còn người chết thì nhan nhản, la liệt khắp nơi.

Chỉ chọn một vài chi tiết từ bức tranh toàn cảnh, Kim Lân đã phác họa nên toàn cảnh nạn đói năm 1945 cướp hơn một phần mười dân số nước ta. Cái hiện thực ấy quặn đau và ám ảnh, đè trĩu tâm can những con người từng trải qua thời ấy, đòng thời vương lại những thoáng đau thương ghê sợ trong tâm trí những người sinh sau. Và hiện thực mà “khúc cây” – truyện ngắn ấy khái quát, còn là lời tố cáo đanh thép đầy căm thù, đến bè lũ phát xét, thực dân đang ăn mòn sự sống của con người.

Không chỉ khái quát hiện thực thời đại, không chỉ nắm bắt những hiện trạng khách quan, cái hoàn cảnh bên ngoài, “khúc cưa” – truyện ngắn còn đi sâu vào khái quát con người thời đại, tức là từ một nhân vật cụ thể, từ một tên tuổi rõ ràng, nhà văn phải tìm ra được những nét tính cách chung của một lớp người, thậm chí của một thời đại.

Qua Tràng, bà cụ Tứ, cô vợ nhặt, những nhân vật thuần hậu bước ra trừ trái tim giản dị gắn bó với cuộc đời, Kim Lân đã tìm ra được những nét tính cách tốt đẹp, tìm ra chất người bất từ trong những kiếp người nhỏ bé, lọt thỏm giữa bão giông của thời đại.

Dù đói khổ, nhưng hoàn cảnh không thể dập tắt đi niềm ham sống, dù bắt nguồn từ bản năng ham số,g hay thăng hoa thành khát khao sống đúng với chất người, thì đó vẫn là những nét tính cách đáng quý, đáng trọng. Việc cô vợ nhặt bị chấp nhận đi theo Tràng giữa hoàn cảnh thê lương, tang tóc đó chính là một biểu hiện của khát vọng sống, của bản năng ham sống. Nhưng ở Tràng, cái khát vọng ấy có phần còn cao quý hơn: Khát vọng được làm người. Chính vì thế, mà anh mới “Chậc, kệ” như để đánh cược với số phận, trong cái cảnh “gạo thóc đến thân mình không biết có nuôi nổi mình không mà còn đèo bòng”.

Cái đánh cược ở đây là Tràng đã giao phó sinh mạng mình để đối lấy hạnh phúc, trong canh bạc nghiệt ngã của số phận. Anh khao khát hạnh phúc biết bao nhiêu! Chính niềm hạnh phúc ấy làm anh “quên hết cảnh sống ê chề tăm tối quanh mình”, là nguồn gốc của cái cảm giác mơn man như ôm ấp, “như có bàn tay vuốt nhẹ sống lưng” nơi Tràng. Đó là cái run rẩy của con người lần đầu tiên chạm tay vào hạnh phúc.

Một nét tính cách nữa mà “khúc cưa” – truyện ngắn “Vợ nhặt” đã đi sâu vào tìm tòi, khơi phá, đó chính là lòng nhân hậu, lòng trắc ẩn cao quý, ấm áp luôn tỏa sáng trong tâm hồn mỗi con người. Tràng không nhân hậu hay sao? Giữa cảnh chết chóc ê chề mà vẫn quyết định cưu mang một người xa lạ, lại còn cảm thấy “có tình nghĩa với người đàn bà kế bên”. Bà cụ Tứ lại chẳng nhân hậu sao? Tuy nhận ra cái cợ sự vừa “xót xa vừa ai oán”, mà bà vẫn yêu thương cô vợ nhặt, “coi như con, như dâu trong nhà”.

Đỉnh điểm của tình thương ấy có lẽ nằm ở nồi chè khoán nấu bằng cám mà bà muốn thiết đãi con dâu trong ngày đầu tiên thị về nhà chồng. Chè nấu bằng cám! Trời ơi! Tủi biết bao nhiêu? Thứ chè cám vừa đắng vừa bã, lại “nghẹn bứ trong miệng”. Nhưng nghèo quá, nhà bà chẳng có gì hơn… Chẳng hiểu sao, nhìn dáng bộ người mẹ ấy ta chẳng thấy khinh thường cái thức ăn kia. Bà “lễ mễ bưng”, “vừa khuấy vừa cười”, lại còn niềm nở “Chúng mày đợi u, cái có cái này hay lắm cơ!”. Ta có cảm tưởng như cái nồi chè cám kia thực ra được nấu bằng tình thương cao cả của bà cụ Tứ, cả một bầu yêu thương ấm áp. Và cũng nhận ra điều ấy, nên sau cái sầm lại thất vọng có chút gì đó bản năng và thoáng qua, cô vợ nhặt vẫn điềm nhiên và vào miệng. Chính là bởi cô cũng không muốn phụ một tấm lòng. Nhân hậu làm sao những con người ấy! Chính nhờ họ còn tồn tại, nên ta còn hy vọng thay đổi, nên truyện ngắn không rơi vào bi lụy.

Đi sâu vào nỗi lòng được chắt lọc từ những cá thể, nhưng truyện ngắn “Vợ nhặt” vẫn khái quát lên được những quy luật của cuộc sống, những triết lý nhân sinh sâu sắc. Với Tràng, đó là bài học về hạnh phúc, con người ta chỉ có được hạnh phúc khi rơi vào tận cùng dâu bể. Giữa hoàn cảnh đau thương muốn tước đoạt tất cả của con người, muốn tồn tại, con người phải giữ vững chất người trong mình, đó là niềm ham sống, tình yêu, lòng trắc ẩn, niềm tin, lòng vị tha, sự lạc quan… Đó là bài học sâu sắc mà “khúc cây” – truyện ngắn “Vợ nhặt” đã khái quát từ những mảnh cuộc sống thu nhỏ, những lát cắt sống động mà nó ấp ủ.

Và “khúc cưa” – truyện ngắn ấy cũng đã mở ra một lối thoát cho con người, một nét phát triển rất nhân văn của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, khi cho Tràng nhìn thấy lá cờ đỏ, manh nha một tia hy vọng đổi đời. Điều ấy hoàn toàn phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, lịch sử, mang tính tất yếu.

“Nghệ thuật nằm ngoài sự băng hoại của thời gian. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” (Sedrin). Dòng thời gian là người bạn nghiệt ngã của trí nhớ và những người hay hoài niệm… Thuận theo dòng chảy vô thủy vô chung của nó, vạn vật đều nhòa dần, và nằm yên nơi bóng đêm như chiếc lá tịnh lại nơi cội cây. Duy có nghệ thuật nói chung và những thiên truyện ngắn hay nói riêng là còn sống mãi. Vì truyện ngắn, bản thân nó là “một cách cưa lấy một khúc của đời sống”, là sự kết tinh của những tâm hồn đa cảm, những khối óc miệt mài và những trái tim ấm nóng – những nhà văn chân chính!

  • Kết bài:

Như vậy, “Truyện ngắn là cách cưa lấy một khúc của đời sống”, đó là đặc trưng và cũng là tiêu chí của một truyện ngắn hay. Nhà văn chân chính không thể không lưu tâm đến điều này. Anh ta phải chú trọng đến việc quan sát tỉ mỉ cuộc sống để gạn lọc, chắt chiu những gì tinh túy nhất, nhưng đồng thời mẩu hiện thực chắt lọc cũng phải thâm đẫm tâm huyết của anh ta trước. Và người đọc cũng đừng phụ bạc tấm chân tình ấy. Hãy đọc bằng tất cả trái tim nình để hiểu nắm bắt mọi hàm ý ẩn sau vẻ ngoài ngắn gọn, súc tích của khúc cây – truyện ngắn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang