Các thao tác cơ bản trong bài văn nghị luận xã hội (NLXH)

cac-thao-tac-co-ban-trong-bai-van-nghi-luan

CÁC THAO TÁC CƠ BẢN TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN (NLXH)

1. Thao tác giải thích.

Khái niệm: Giải thích là vận dụng tri thức lí giải cho người khác hiểu vấn đề mà mình đề cập tới. Trong bài văn NLXH, thao tác giải thích thể hiện cụ thể trước hết là đi vào lí giải các từ ngữ, các khái niệm khó, nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa hẹp…Trên cơ sở đó giải thích toàn bộ vấn đề.

Trong thao tác giải thích, người viết vừa dùng lí lẽ để phân tích, lí giải là chủ yếu, vừa dùng dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề, xác lập một cách hiểu đúng đắn, có tính biện chứng, chống lại những cách hiểu sai, hiểu không đầy đủ về vấn đề xã hội đã được đưa ra.

– Thực chất của thao tác này là việc đi vào trả lời các câu hỏi: Vấn đề xã hội đưa ra nghị luận là gì? Cần hiểu vấn đề đó như thế nào? Tại sao lại có cách hiểu như vậy? Và vấn đề đó dẫn đến kết quả như thế nào? Kết thúc thao tác giải thích, người viết phải làm cho người đọc, người nghe hiểu được vấn đề được đưa ra nghị luận, rút ra được chân lí để sau đoa vận dụng vào cuộc sống hiện tại, vào bản thân.

– Ví dụ: Trong đề: Đức phật dạy: Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi”

* Giải thích:

– Nghĩa đen:

+ Giọt nước: Một giọt nước riêng rẽ dễ bay hơi, khó tồn tại.

+ Biển cả: Triệu triệu giọt nước hòa thành biển cả thì bền vững không cạn

– Nghĩa bóng:

+ Mỗi cá nhân là một giọt nước, đứng một mình thì khó tồn tại và phát triển.

* Tại sao như vậy?

– Cuộc sống có nhiều khó khăn, vất vả, một cá nhân không thể làm hết mọi việc, đáp ứng mọi nhu cầu.

– Bước vào tập thể, con người học tập, sẻ chia, giúp đỡ, động viên nhau, xây dựng tập thể vững mạnh trong đó mỗi cá nhân đều được đáp ứng nhu cầu.

– Cá nhân và tập thể có mối quan hệ khăng khít: cá nhân xây dựng nên tập thể, tập thể tạo điều kiện cho cá nhân phát triển.

Trên cơ sở giải thích ý nghĩa lời dạy, giải thích ý nghĩa của vấn đề xã hội được đưa ra bàn luận: Vai trò cũng như mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể.

2. Thao tác chứng minh.

Khái niệm: Chứng minh là đưa ra những cứ liệu – dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ, một ý kiến, làm sáng tỏ vấn đề xã hội đang bàn luận, thuyết phục người đọc, người nghe tin tưởng vào vấn đề đang được nghị luận đó.

– Để chứng minh một vấn đề, trước hết người viết cần phải hiểu về vấn đề chứng minh, chứng minh làm sáng rõ cho những thao tác giải thích như chứng minh cho những luận điểm, luận cứ trong bài viết….

Khi đưa dẫn chứng vào bài văn cần chọn những dẫn chứng tiêu biểu. Dẫn chững đưa ra cần có lí lẽ phân tích, để làm nổi bật những điểm phục vụ cho việc nghị luận, làm sâu sắc hơn vấn đề.

– Để dẫn chứng và lí lẽ có tính thuyết phục cao, phải sắp xếp chúng thành một hệ thống mạch lạc và chặt chẽ theo các mặt của vấn đề, theo trình tự thời gian, không gian, từ xa đến gần, từ ngoài vào trong… cho hợp lí và lô-gich. Các dẫn chứng đưa ra phải là những dẫn chứng phục vụ đắc lực cho việc bàn luận về các vấn đề xã hội, tức cũng mang tính xã hội, có ý nghĩa trong đời sống xã hội.

3. Thao tác phân tích.

– Khái niệm: Phân tích là việc chia tách đối tượng, sự vật, hiện tượng thành nhiều bộ phận, yếu tố nhỏ để đi sâu xem xét kĩ lưỡng nội dung và mối liên hệ bên trong của đối tượng.

– Đối tượng phân tích của bài NLXH: là một vấn đề nào đó thuộc lĩnh vực xã hội, được thể hiện trực tiếp trong yêu cầu của đề bài hay qua một câu tục ngữ, một danh ngôn, một nhận xét, một ý kiến…qua vấn đề xã hội thể hiện trong văn học.

– Tác dụng: là thấy được giá trị ý nghĩa của sự vật, hiện tượng,mối quan hệ giữa hình thức bên ngoài và bản chất bên trong của sự việc, hiện tượng đó. Phân tích để nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về các vấn đề xã hội đang được đưa ra xem xét, bàn luận.

– Yêu cầu: khi phân tích cần phải nắm vững đặc điểm cấu trúc của đối tượng để chia tách một cách hợp lí. Sau khi phân tích, tìm hiểu từng bộ phận, chi tiết, phải tổng hợp khái quát lại để nhận thức đối tượng đầy đủ, chính xác.

4. Thao tác bình luận.

– Khái niệm: Bình luận là bàn bạc, đánh giá vấn đề, sự việc, hiện tượng…chỉ ra sự đúng – sai, phải – trái, tốt – xấu, lợi – hại…để nhận thức đối tượng, có cách ứng xử phù hợp, phương châm hành động đúng. Đây là thao tác có tính tổng hợp vì nó bao hàm cả công việc giải thích lẫn chứng minh. Tuy nhiên, đây là thao tác giải thích và chứng minh được viết cô đọng để tập trung làm sáng tỏ cho phần việc quan trọng nhất là phần mở rộng vấn đề. Việc bình luận phải dựạ trên sự nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, khách quan, có lập trường tư tưởng đúng đắn, rõ ràng.

– Bình luận gồm hai phần:

+ Đưa ra nhận định về đối tượng nghị luận

+ Trên cơ sở của những nhận định, đánh giá của vấn đề. Muốn đáng giá vấn đề một cách thuyết phục cần có lập trường đúng đắn và nhất thiết là phải có tiêu chí. Trong nghị luận về văn học, đó là các tiêu chí giá trị đặc trưng của văn học nghệ thuật như giá trị nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ,nhân đạo…Còn trong NLXH thường dựa vào lập trường mang tính đạo đức truyền thống của nhân dân, các tiêu chí đạo lí của xã hội.

– Người viết thể hiện ý kiến của mình đối với vấn đề xã hội được đưa ra nghị luận: đồng ý hay không đồng ý? Đồng ý ở những khía cạnh nào? sau đó bình luận mở rộng vấn đề một cách sâu hơn, toàn diện và triệt để hơn. Cuối cùng cần chỉ ra phương hướng vận dụng vào cuộc sống, chỉ ra ý nghĩa, tác dụng của vấn đề đối với bản thân và đời sống xã hội.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.