»» Nội dung bài viết:
Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
(Tràng giang – Huy Cận)
Hướng dẫn làm bài:
- Mở bài:
Giới thiệu khái quát về tác giả Huy Cận, bài thơ Tràng Giang và 2 khổ thơ đầu bài thơ “Tràng giang’
- Thân bài:
1. Giới thiệu sơ lược hoàn cảnh sáng tác bài thơ.
2. Phân tích 2 khổ thơ:
* Khổ 1: Tràng giang hiện lên với nhiều hình ảnh đẹp trong cổ thi: dòng sông, con thuyền, gợn sóng,…
– Nhưng cảnh đẹp mà lại thấm đượm một nỗi buồn da diết bâng khuâng.
– Hai chữ “điệp điệp” gợi hình ảnh những con sóng từng gợn nhẹ nhấp nhô hòa mình vào. Sóng của dòng sông, của thiên nhiên trong phút ấy cũng hóa thành con sóng lòng của thi nhân với từng nỗi buồn cứ thế trùng điệp ở trong lòng..
– Xưa nay, thuyền – nước vốn là hai sự vật không thể tách rời thế mà nay chúng lại hững hờ như không ăn nhập vào nhau.
– Thi nhân bắt gặp cành củi khô đơn độc “Củi một cành khô lạc mấy dòng” là hình ảnh ẩn dụ để biểu tượng cho kiếp người như thi nhân đang nổi trôi, bơ vơ, vô định giữa dòng chảy của cuộc đời, giữa cuồng phong của một đất nước mất chủ quyền?
⇒ Tác giả buồn về sự chia li, tách biệt của sự vật, buồn về kiếp người nhỏ bé, vô định giữa cuộc đời.
* Khổ 2:
– Câu thơ đầu: Huy Cận tâm sự rằng ông học được ý từ hai câu thơ của Chinh phụ ngâm: “Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo/ Bến phì gió thổi đìu hiu mấy gò”.
– Từ láy “lơ thơ” diễn tả sự rời rạc, thưa thớt của những cồn đất nhỏ nhoi mọc lên giữa dòng sông gợi cảm giác hoang vắng, cô tịch, tiêu điều, xơ xác.
– Hai chữ “đìu hiu” như càng khắc sâu thêm nỗi buồn hiu hắt làm câu thơ chùng xuống như một tiếng thở dài man mác.
– Là thứ âm thanh mơ hồ của một phiên chợ đã vãn theo làn gió lan xa mãi càng gợi thêm sự vắng vẻ, quạnh hiu.
– Không gian ba chiều rộng lớn “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu” ⇒ Đó chính là sự rợn ngợp của hồn người trước cái vô cùng của vũ trụ.
⇒ Nhà thơ đã cảm được một nỗi buồn cô đơn đến rợn ngợp, thấy mình nhỏ bé trước vũ trụ bao la, lạc lõng giữa cuộc đời.
* Đánh giá: Hai khổ thơ đầu là Nỗi sầu của một tâm hồn cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, chia lìa xa cách. Trong đó thấm đượm tình người, tình đời và lòng yêu nước thiết tha…
3. Nghệ thuật:
+ Sự kết hợp hài hòa giữa sắc thái cổ điển và hiện đại (Cổ điển: thể thơ thất ngôn; những hình ảnh thơ quen thuộc trong văn học trung đại. Hiện đại: sự xuất hiện của những cái tưởng như tầm thường, vô nghĩa; cảm xúc buồn mang dấu ấn “cái tôi” cá nhân…)
+ Nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm.
- Kết bài:
Đánh giá về giá trị của 2 khổ thơ đầu bài thơ “Tràng giang”, tài năng của tác giả…
- Chứng minh: “Tràng giang đã tiếp nối mạch thi cảm truyền thống với sự cách tân đích thực”
- Hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ “Tràng giang” (Huy Cận) và “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử).
Bài văn tham khảo:
- Mở bài:
Thơ là cây đàn muôn diệu của tâm hồn của nhịp thở con tim, thơ diễn tả rất thành công mọi cung bậc cảm xúc của con người, niềm vui, nỗi buồn sự cô đơn tuyệt vọng. Có những tâm trạng của con người chỉ có thể diễn đạt bằng thơ, vì vậy thơ không chỉ nói hộ lòng mình mà thơ còn thể hiện những băn khoăn suy nghĩ về sự biến đổi của thế sự với cảm xúc dạt dào khi thấy cái tôi nhỏ bé trước vũ trụ bao la Huy Cận đã viết nên tác phẩm “Tràng Giang”, đặc biệt qua hai khổ thơ đầu của đoạn thơ ta cảm nhận rõ được điều đó.
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả,
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu chót vót,
Sông dài trời rộng bến cô liêu”.
- Thân bài:
Hai khổ thơ là bức tranh thiên nhiên sông nước hùng vĩ đồng thời ẩn chứa trong đó là một trái tim đa sầu, đa cảm với biết bao cảm xúc chan chứa không nói nên lời.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ Huy Cận đã sử dụng một loạt các thi liệu trong thơ Đường “thuyền, sóng”. Đây là một bức tranh đẹp nhưng lại buồn đến tê tái, nói về điều này nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận xét thiên nhiên trong thơ mới đẹp, nhưng lại buồn đến da diết bâng khuâng. Nỗi buồn đó được lý giải trong câu nói của Huy Cận lúc đó chúng tôi mang một nỗi buồn đó là nỗi buồn thế hệ, chưa làm được gì cho đất nước trước cảnh nước mất nhà tan.
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song”.
Từ “điệp điệp”, đã diễn tả tinh tế hình tượng của sóng nước. Những con sóng ấy sao hết lớp này đến lớp khác triền miên, vô tận. Ở đây nhà thơ miêu tả cái buồn của thiên nhiên hay cái buồn của con người, có lẽ là cả hai bởi Nguyễn Du từng viết.
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Dường như nỗi buồn của tâm cảnh đã nhuộm vào ngoài cảnh để rồi những nỗi buồn ấy gợi lên theo từng đợt trong lòng thi nhân.
Thuyền và nước là hai sự vật luôn đi cùng với nhau vậy mà ở trong tác phẩm này nó lại trở nên bơ vơ, lạc lõng. Thuyền là hiện diện của sự sống con người, nhưng đó chỉ là sự xuất hiện thoáng qua trong giây lát, “con thuyền xuôi mái” là hình ảnh thực nhưng cũng đầy chất suy tưởng nó gợi cho ta nhớ tới hình ảnh của những kiếp người trôi nổi, lạc lõng không biết đi đâu. Phải chăng chính Huy Cận cũng đã bắt gặp bóng dáng đó trong cuộc đời mình khi.“Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước, Chọn một dòng hay để nước trôi đi”.
“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả,
Củi một cành khô lạc mấy dòng”.
Con thuyền và cành củi khô là hai hình ảnh được sử dụng hết sức táo bạo, chúng đang cùng xuôi trên dòng tràng giang. Trong thơ của mình Huy Cận đã nhiều lần nhắc đến nỗi sầu buồn thiên thu, đến đây ta lại bắt gặp thêm một nỗi sầu nữa đó là sầu trăm ngả, chỉ với 3 từ cùng một cành củi khô đã nói lên được hình ảnh của những kiếp người nhỏ bé trong xã hội cũ, nếu trong thơ trung đại mỗi hình ảnh chất liệu đưa vào thơ đều phải được gọt giũa, chọn lọc như tùng, cúc, trúc, mai thì trong Tràng Giang Huy Cận đã đưa vào một hình ảnh rất đời thường: củi khô.
Phải chăng cành củi khô ấy cũng chính là nỗi cô đơn lạc lõng trong lòng tác giả, chính lúc bắt gặp cành củi khô ấy tác giả đã đối diện với những cái hữu hạn lớn lao của đất trời từ đó nỗi sầu nhân thế ấy đã được nêu lên trở thành nỗi buồn chung của một thế hệ thanh niên yêu nước. Vẫn là bức tranh thủy mặc sông nước ấy nhưng nó đã được vẽ thêm đất, thêm làng vậy mà nỗi buồn tái tê ấy vẫn hiện diện, nó được gợi lên qua sự tiêu điều của những cồn cỏ, sự hiu hắt của gió và sự vắng vẻ của cảnh vật.
“Lơ thơ cồn cỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”,
Trong Chinh phụ ngâm ta đã từng bắt gặp:
“Non kỳ quạnh quẽ trăng treo,
Bến phì gió thổi đìu hiu mấy gò”.
Dường như ngọn gió đìu hiu ấy đã vượt thời gian, xuyên không gian và trôi vào thơ Huy Cận. Từ láy “lơ thơ”, đã diễn tả được sự thưa thớt, rời rạc của những hòn đất nhỏ mọc trên dòng “Tràng Giang”. Trên những cồn đất ấy là hình ảnh của những cây lau, cây sậy mỗi khi gió thoáng qua nó trở nên hắt hiu tiêu điều.
Câu thơ như chùng xuống càng xoáy sâu vào tâm hồn của nhà thơ, khiến ông càng trở nên bất lực và muốn tìm đến hơi ấm của con người. “Đâu tiếng làng xa”, là ở đâu không xác định, âm thanh ấy nghe thật mơ hồ, vậy mà đó lại là âm thanh của chợ đã vãn nghe càng buồn hơn, cũng viết về chợ nhưng trong thơ của Nguyễn Trãi hình ảnh ấy lại hiện lên thật náo nhiệt đông đúc.
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ”
Vui nhất là âm thanh của chợ vui, buồn nhất là âm thanh của chợ vãn. Ở câu câu thơ này cái tinh tế của Huy Cận là ở chỗ ông lấy động để nói tĩnh, lấy tiếng chợ vãn để gợi nên không khí vắng lặng của không gian đồng thời thể hiện mong muốn được giao hòa, giao cảm của con người dù đó chỉ là thính giác.
Đã có ý kiến cho rằng, dòng Tràng giang là một giải buồn mênh mang. Thật đúng như vậy và hai câu thơ tiếp theo cái buồn của thiên nhiên của con người đã được tác giả đặt đến cái khôn cùng của nó.
“Nắng xuống trời lên sâu chót vót,
Sông dài trời rộng bến cô liêu”.
Đến đây nhà thơ đã vẽ nên một không gian ba chiều rộng lớn là chiều cao, chiều dài, chiều rộng, còn nhà thơ thì đứng ở bến cô liêu nơi giao thoa của vũ trụ đối lập giữa không gian lớn lao với cái tôi nhỏ bé của con người, từng vạt nắng chiếu xuống mặt nước phản chiếu lên bầu trời không gian như được đẩy lên cao hơn đến sự khốn cùng của nó “sâu chót vót”, là từ ngữ không chỉ để nói về độ sâu, mà còn dùng để nói về độ cao, tạo cho người đọc cảm giác về sự rợn ngợp của không gian và đứng trước không gian đó con người càng trở nên nhỏ bé đáng thương hơn.
Cuộc sống là điểm xuất phát là, đối tượng khám phá, là cái đích cuối cùng của thơ ca. Những tác phẩm nghệ thuật chân chính luôn bắt rễ từ đời sống hiện thực và có sức lan tỏa mãi trong trái tim bạn đọc. Đến với Tràng Giang của Huy Cận ta như khám phá được những nỗi niềm nhà thơ ký thác, nghe được tiếng thở dài bất lực của thi nhân trước cảnh nước nhà đang chìm trong khói lửa và tan tốc của chiến tranh, sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, sử dụng nhiều thi liệu trong thơ cổ, từ ngữ giản dị giàu hình ảnh, tất cả đã được làm nên thành công cho Tràng Giang của Huy Cận.
- Kết bài:
2 khổ thơ đầu bài thơ Tràng giang là nỗi sầu nhân thế của tác giả trong cảnh thiên nhiên hùng vĩt. Đoạn thơ thể hiện nỗi buồn cô đơn trước vũ trụ, trước cuộc đời, luôn luôn khao khát hoà hợp cảm thông trong tình đất nước, tình nhân loại. Có lẽ, đó chính là lý do tại sao dù ra đời đã lâu nhưng Tràng giang vẫn không bị bụi thời gian phủ mờ nó vẫn còn sáng mãi trong lòng bạn đọc yêu thơ nhiều thế hệ.
- Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận
- Màu sắc cổ điển và hiện đại trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận