Cảm nhận bài thơ Tỏ lòng và chữ “thẹn” của Phạm Ngũ Lão trong bài thơ.
- Mở bài:
– Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320), người làng Phù Đổng, huyện Đường Hào (nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông là người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên. Tuy là võ tướng nhưng ông thích đọc sách, ngâm thơ và được ngợi ca là người văn võ song toàn. Tỏ lòng (Thuật Hoài) là một trong hai tác phẩm còn sót lại của Phạm Ngũ Lão. Bài thơ miêu tả khí phách và hoài bão của vị tướng đời Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên.Vẻ đẹp của con người thời Trần với tầm vóc, tư thế, lý tưởng và tinh thần chiến đấu được thể hiện qua chữ “thẹn” cùng những hình ảnh kỳ vĩ, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm.
- Thân bài:
1. Hào khí Đông A qua hình tượng trang nam nhi: “Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu”.
a. Hình tượng trang nam nhi nhà Trần:
– Tư thế “hoành sóc”: Múa giáo → tư thế người tráng sĩ hiên ngang, có tầm vóc của một vị anh hùng.
– Không gian “giang sơn”: Không chỉ là sông núi mà còn chỉ non sông, đất nước, tổ quốc → Không gian vũ trụ rộng lớn để nam nhi nói chí tỏ lòng.
– Thời gian “kháp kỉ thu”: mấy thu – mấy năm → Thời gian trải dài, thể hiện quá trình bền bỉ chiến đấu lâu dài.
→ Chính thời gian, không gian đã nâng cao tầm vóc của người anh hùng vệ quốc, họ trở nên lớn lao kì vĩ, sánh ngang tầm vũ trụ, trời đất, bất chấp sự tàn phá của thời gian họ vẫn luôn bền bỉ cùng nhiệm vụ.
+ Bản dịch nghĩa dịch “cắp ngang ngọn giáo” diễn đạt sự vững trãi, kiên cường, uy dũng, tư thế sẵn sàng chiến đấu của người lính.
+ Bản dịch thơ dịch thành “múa giáo”: Thiên về phô trương biểu diễn, không thể hiện sức mạnh nội lực vì vậy không truyền tải được ý nghĩa hình ảnh thơ trong nguyên tác.
→ Trong câu thơ dịch, tuy sát nghĩa nhưng chưa thể hiện được hết vẻ đẹp của người tráng sĩ với tư thế hiên ngang, khí thế anh hùng, sẵn sàng chiến đấu lập công.
b. Sức mạnh của quân đội nhà Trần: “Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu”.
– “Tam quân”: Ba quân – tiền quân, trung quân, hậu quân. Hình ảnh chỉ quân đội nhà Trần → Sức mạnh của quân đội nhà Trần: “tì hổ”, khí thôn ngưu”.
+ Quân đội được so sánh với “tì hổ” – hổ báo: loài mãnh thú chốn rừng sâu qua đó cụ thể hóa sức mạnh và sự dũng mãnh, khí thế hừng hực làm chủ của quân đội nhà Trần.
+ Tác giả làm rõ sức mạnh ấy bằng hình ảnh “khí thôn ngưu”. “Khí thôn ngưu” còn được dịch là “nuốt sao Ngưu”, ý nói khí thế rất mạnh, có thể át cả sao Ngưu, sao Đẩu. Đây là biểu tượng chỉ người trẻ tuổi mà khí phách anh hùng.
→ Với các hình ảnh so sánh, phóng đại, tác giả đã thể hiện sự ngợi ca, tự hào về sức mạnh, khí thế của quân đội nhà Trần đập tan âm mưu xâm lược của kẻ thù.
+ Hai câu thơ đầu làm sống dậy thời đại nhà Trần với hào khí Đông A vang núi dậy sông bằng hình ảnh của những người anh hùng vệ quốc tư thế hiên ngang, kiêu dũng tầm vóc sánh ngang tầm vũ trụ cùng lực lượng quân đội hùng hậu khí thế ngút trời.
+ Ẩn sau đó là niềm tự hào của tác giả về sức mạnh và chiến công của dân tộc. Đó là biểu hiện của lòng yêu nước
– Nghệ thuật:
+ Bút pháp gợi, không tả, kể chi tiết
+ Sử dụng các hình ảnh ước lệ: Kháp kỉ thu, tì hổ, khí thôn ngưu
+ Sử dụng các biện pháp so sánh, ước lệ độc đáo
2. Nỗi “thẹn” của Phạm Ngũ Lão.
– Nợ công danh: Theo quan niệm nhà Nho, đây là món nợ lớn mà một trang nam nhi khi sinh ra đã phải mang trong mình.
+ Nó gồm 2 phương diện: Lập công (để lại chiến công, sự nghiệp), lập danh (để lại danh thơm cho hậu thế). Kẻ làm trai phải làm xong hai nhiệm vụ này mới được coi là hoàn trả món nợ.
+ Liên hệ với Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ. Họ đều là những người trăn trở về món nợ công danh.
– Phạm Ngũ Lão quan niệm: Thân nam nhi mà không lập được công danh sự nghiệp thì “luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”. Chưa hoàn thành nghĩa vụ với dân, với nước, hai chữ “vương nợ’ khắc sâu trong lòng nhà thơ, đã là trang nam nhi phải xác định công danh là món nợ lớn với đời phải trả. Ông cho rằng mình chưa trả được món nợ ấy, chưa lập được công danh nên ông dùng chữ “thẹn”.
+” Thẹn”: Tự cảm thấy mình chưa bằng người khác, cảm giác thua kém, xấu hổ. “Thẹn” là biểu hiện cao nhất về ý thức tự giác của người nam tử, thể hiện lí tưởng, hoài bão lớn trong lòng kẻ làm trai nhưng còn chưa thành.
+ “Vũ Hầu”: Tức Khổng Minh là tấm gương về tinh thần tận tâm tận lực báo đáp chủ tướng. Hết lòng trả món nợ công danh đến hơi thở cuối cùng, để lại sự nghiệp vẻ vang và tiếng thơm cho hậu thế. Tác giả nhắc đến Vũ Hầu (Gia Cát Lượng) là người đã lập công danh để tiếng thơm ngàn thu. Kẻ sĩ nào cũng phải coi ông là tấm gương. Cho nên “thẹn” với Vũ Hầu nghĩa là thẹn chuyện trả được nợ công danh.
+ Phạm Ngũ Lão: Con người từ thuở hàn vi vì lo việc nước quên sự nguy hiểm của mình, hết lòng phục vụ nhà Trần, được phong tới chức Điện Súy, tước Nội Hầu. Vậy mà ông vẫn cảm thấy hổ thẹn.
→ Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão hết sức cao cả của một nhân cách lớn. Thể hiện khát khao, hoài bão hướng về phía trước để thực hiện lí tưởng. Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão đánh thức ý chí làm trai, chí hướng lập công cho các trang nam tử đời Trần.
3. Bài học cho thế hệ trẻ hôm nay.
– Hình ảnh nam nhi đời Trần mang vẻ đẹp của những tâm hồn lí tưởng. Người đọc thấy được sức mạnh phi thường và vẻ đẹp cao cả của ngọn giáo tung hoàng vì non sông đất nước, thấy hùng khí của ba quân dũng mãnh sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng. Đó cũng chính là vẻ đẹp của tâm hồn vị tướng đang nóng lòng lập công danh đền nợ nước, thỏa chí tang bồng.
– Tuổi trẻ hôm nay sống phải có ước mơ, hoài bão, biết vượt qua khó khăn, thử thách để biến ước mơ thành hiện thực, có ý thức trách nhiệm với cá nhân và cộng đồng.
- Kết bài:
Không phải ngẫu nhiên mà Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão) cho đến nay vẫn được xem là bài thơ hay, có ý nghĩa xuyên suốt mọi thời đại. Một trong những lí do mang đến sức sống bất tử của tác phẩm chính là vẻ đẹp nhân cách tướng quân họ Phạm. Bài thơ nói lên quan niệm sống trong thời kì phong kiến của những người quân tử. Vì vậy mà cái “thẹn” của Phạm Ngũ Lão sẽ sống mãi với lịch sử dân tộc.