Các kiểu câu trong tiếng Việt.

cac-kieu-cau-trong-tieng-viet

Các kiểu câu trong tiếng Việt.

Câu và các thành phần câu.

1. Các thành phần câu.

– Thành phần chính: Chủ ngữ, Vị ngữ
– Thành phần phụ: Trạng ngữ, Khởi ngữ.

2. Các thành phần biệt lập.

Thành phần tình thái: được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.  Những yếu tố tình thái gắn với độ tin cậy của sự việc được nói đến, như:

+ Chỉ độ tin cậy cao: chắc chắn, chắc hẳn, chắc là,… 

+ Chỉ độ tin cậy thấp: hình như, dường như, hầu như, có vẻ như…. 

Ví dụ:  Anh quay lại nhìn con vừa khe khẽ vừa lắc đầu cười. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi.

+ Những yếu tố tình thái gắn với ý kiến của người nói, như:  theo tôi, ý ông ấy, theo anh

+ Những yếu tố tình thái chỉ thái độ của người nói đối với người nghe, như: à, ạ, a, hả, hử, nhé, nhỉ, đây, đấy… (đứng cuối câu).

VD: Mời u xơi khoai đi ạ! (Ngô Tất Tố)

– Thành phần cảm thán: được dùng để bộc lộ tâm lí của người nói (vui, buồn, mừng, giận,…).

VD: Trời ơi! Chỉ còn có năm phút.

– Thành phần gọi – đáp: được dùng để tạo lập hoặc duy trì quan hệ giao tiếp.

VD:

+ Bác ơi, cho cháu hỏi chợ Đông Ba ở đâu?

+ Vâng, mời bác và cô lên chơi

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

Thành phần phụ chú: được dùng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu. Thành phần phụ chú thường đặt giữa hai dấu gạch ngang, hai dấu phẩy, hai dấu ngoặc đơn hoặc giữa một dấu gạch ngang với một đấu phẩy. Nhiều khi thành phần phụ chú còn được đặt sau dấu hai chấm.

VD: Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh- và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

– Các thành phần tình thái, cảm thán, gọi- đáp, phụ chú là những bộ phận không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa sự việc của câu nên được gọi là thành phần biệt lập.

Phân loại câu.

1. Câu phân theo cấu tạo ngữ pháp: câu đơn, câu ghép, câu đặc biệt,…

a. Câu đơn.

– Khái niệm: Câu đơn là câu có một cụm C-V là nòng cốt.

VD: Ta/hát bài ca tuổi xanh.
C      V

b. Câu đặc biệt.

– Khái niệm: Là câu không có cấu tạo theo mô hình chủ ngữ – vị ngữ, câu đặc biệt có cấu tạo là một từ hoặc cụm từ làm trung tâm cú pháp của câu.

VD: Gió. Mưa. Não nùng.

c. Câu ghép.

Câu ghép là những câu do hai hoặc nhiều cụm C – V không bao chứa nhau tạo thành. Mỗi cụm C – V được gọi là một vế câu.

VD: Gió/ càng thổi mạnh/ thì /biển /càng nổi sóng
C             V                        C            V

– Có hai cách nối các vế câu ghép:

+ Dùng các từ có tác dụng nối:

  • Nối bằng một quan hệ từ: và, rồi, nhưng, còn, vì, bởi vì, do, bởi, tại ….
  • Nối bằng một cặp quan hệ từ: vì … nên (cho nên) …., nếu … thì …; tuy … nhưng …
  • Nối bằng một cặp phó từ (vừa … vừa ..; càng … càng …; không những … mà còn …;
    chưa … đã …; vừa mới … đã …), đại từ hay chỉ từ thường đi đôi với nhau (cặp từ hô ứng) (ai…nấy, gì … ấy, đâu … đấy, nào…. ấy, sao … vậy, bao nhiêu ….bấy nhiêu)

+ Không dùng từ nối: Trong trường hợp này, giữa các vế câu cần có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm.

– Quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu.

+ Những quan hệ thường gặp: quan hệ nguyên nhân, quan hệ điều kiện (giả thiết), quan hệ tương phản, quan hệ tăng tiến, quan hệ lựa chọn, quan hệ bổ sung, quan hệ tiếp nối, quan hệ đồng thời, quan hệ giải thích.

+ Mỗi quan hệ thường được đánh dấu bằng những quan hệ từ, cặp quan hệ từ hoặc cặp từ hô ứng nhất định. Tuy nhiên, để nhận biết chính xác quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu, trong nhiều trường hợp, ta phải dựa vào văn cảnh hoặc hoàn cảnh giao tiếp.

Biến đổi câu.

1. Rút gọn câu.

– Khi nói hoặc viết có thể lược bỏ một số thành phần của câu tạo thành câu rút gọn.

– Câu rút gọn còn được dùng để ngụ ý rằng hành động, tính chất được nêu trong câu là của chung mọi người.
-VD: Học, học nữa, học mãi. (Lê-nin)

2. Tách câu.

– Khi sử dụng câu, để nhấn mạnh người ta có thể tách một thành phần nào đó của câu (hoặc một vế câu) thành một câu riêng.

– VD: Đơn vị thường ra đường vào lúc mặt trời lặn. Và làm việc có khi suốt đêm. (Lê Minh Khuê – Những ngôi sao xa xôi)

3. Câu bị động.

– Là câu có chủ ngữ chỉ đối tượng bị hành động nêu ở vị ngữ hướng tới.

– VD: Thầy giáo khen Nam. (Câu chủ động)
Nam được thầy giáo khen. (Câu bị động)

Câu phân theo mục đích nói: câu trần thuật, câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán, câu phủ định.

1. Câu nghi vấn.

Câu nghi vấn là câu chứa các từ nghi vấn: có thể là đại từ (ai, gì, nào, bao nhiêu, sao, đâu…); các phụ từ (chưa, đã, không…) hoặc các tình thái từ (à, ư, hử, hả, chứ, chăng…) hoặc có từ hay nối các vế có quan hệ lựa chọn.

– Khi viết, câu nghi vấn kết thúc bằng dấu chấm hỏi.

– Chức năng chính: dùng để hỏi.

VD:

– Bạn nói gì đấy mà tôi nghe không rõ?
– Bác trai đã khá rồi chứ?
– Chiếc áo này giá bao nhiêu?
– Chị đi hay tôi đi?
– Sáng nay người ta đấm u có đau lắm không?

– Chức năng khác:

+  Trong nhiều trường hợp,câu nghi vấn không dùng để hỏi mà dùng để cầu khiến, khẳng định, đe dọa, biểu lộ tình cảm, cảm xúc,…và không yêu cầu người đối thoại trả lời.

+ Nếu không dùng để hỏi thì trong một số trường hợp, câu nghi vấn có thể kết thúc bằng dấu chấm, dấu chấm than hoặc dấu chấm lửng.

VD:

– Những người muôn năm cũ
  Hồn ở đâu bây giờ?

→  Biểu lộ cảm xúc thương nhớ, nuối tiếc.

– Mày định nói cho cha mày nghe đấy à?

Dùng để đe dọa.

2. Câu cầu khiến.

– Câu cầu khiến là câu có chứa những từ cầu khiến như: hãy, đừng, chớ, đi, thôi, nào… hoặc ngữ điệu cầu khiến.

– Khi viết, câu cầu khiến thường được kết thúc bằng dấu chấm than (!) hoặc dấu chấm nếu ý cầu khiến không được nhấn mạnh (.)

– Câu cầu khiến thường dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo.

VD:

– Em hãy đứng lên nào!
– Con đừng khóc nữa!
– Nay chúng ta đừng làm gì nữa, thử xem lão Miệng có sống được không.
– Mở cửa!

3. Câu cảm thán.

– Câu cảm thán là câu có chứa các thán từ: ôi, ô hay, ôi chao, chao ôi, ối giời ơi, trời đất ơi… hoặc từ ngữ cảm thán: biết bao, biết chừng nào, xiết bao, thay…

– Khi viết, cuối câu cảm thán thường kết thúc bằng dấu chấm than(!).

– Chức năng câu cảm thán dùng để bộc lộ trực tiếp những cảm xúc tình cảm, thái độ của người nói ( người viết) đối với sự vật, sự việc được nói tới.

VD:

– Ôi, trời đẹp quá!
– Thương thay thân phận con tằm
Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.

(Ca dao)

4. Câu trần thuật.

– Câu trần thuật là câu không có đặc điểm hình thức của các kiểu câu nghi vấn, cầu khiến , cảm thán. Khi nói, viết, câu trần thuật thường kết thúc bằng dấu chấm (.) hoặc dấu chấm lửng (…).

– Đôi khi câu trần thuật còn dùng để yêu cầu, đề nghị hay bộc lộ tình cảm …khi đó nó được dùng bằng tình thái từ hoặc dấu chấm than (!).

– Chức năng chính của câu trần thuật dùng để kể, thông báo, nhận định, miêu tả,…

VD: Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính nết hiền diệu.
( Sơn Tinh, Thủy Tinh)

– Ngoài ra còn dùng để yêu cầu , đề nghị hay bộc lộ tình cảm , cảm xúc …

VD:- Chiếc áo này đẹp! ( cảm xúc, khen).

5. Câu phủ định.

– Câu phủ định là câu có những từ ngữ phủ định như: không, chẳng, chả, chưa, không phải (là), chẳng phải (là), đâu có phải (là), đâu (có),…

– Câu phủ định dùng để:

+ Thông báo, xác nhận không có sự vật, sự việc, tính chất, quan hệ nào đó (câu phủ định miêu tả).

+ Phản bác một ý kiến, một nhận định (câu phủ định bác bỏ).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.