phan-tich-bao-tho-qua-deo-ngang-cua-ba-huyen-thanh-quan-duoi-goc-do-thi-phap

Cảm nhận bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan (dưới góc độ thi pháp)

Cảm nhận bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan dưới góc độ thi pháp

  • Mở bài:

Qua đèo Ngang là bài thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan, một nữ sĩ tài danh thời kì trung đại Việt Nam. Với phong cách trang nhã, bài thơ “Qua đèo ngang” cho thấy cảnh tượng Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng có sự sống của con người nhưng còn hoang sơ, đồng thời thể hiện nỗi nhớ nước thương nhà, nỗi cô đơn buồn tủi của tác giả trước cuộc đời.

  • Thân bài:

Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Trên đường từ quê nhà đến kinh đô Phú Xuân (Huế) nhậm chức Cung trung giáo tập của vua Minh Mạng, bước tới đèo Ngang lúc chiều tà, cảm xúc dâng trào lòng người, tức cảnh sinh sình, Bà huyện Thanh Quan sáng tác bài thơ này. Bài thơ tả cảnh Đèo Ngang lúc xế tà, đồng thời nói lên nỗi buồn cô đơn, nỗi nhớ nhà thương nước của một người con hiến mình cho tổ quốc.

Lần đầu nữ sĩ “bước tới Đèo Ngang”, đứng dưới chân con đèo cao vào thời điểm “bóng xế tà”, lúc mặt trời đã nằm ngang sườn núi, ánh mặt trời đã “tà”, đã nghiêng, đã chênh chênh:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Trời đã sắp tối mà lữ khách vẫn còn nơi hoang vu. Phía trước vẫn còn xa lắm mà phía sau đã cách mấy trùng. Âm “tà” ở cuối câu 1 gợi buồn thấm thía ấy. Câu 2, tả cảnh sắc: cỏ cây, lá, hoa… đá. Hai vế tiểu đối, điệp ngữ “chen”, vần lưng: “đá” – “lá”, vần chân: “tà” – “hoa”, thơ giàu âm điệu, réo rắt như một tiếng lòng, biểu lộ sự ngạc nhiên và xúc động về cảnh sắc hoang vắng nơi Đèo Ngang 200 năm về trước.

Có thể thấy, bài thơ Qua Đèo Ngang là sự phối kết giữa không gian nghệ thuật với thời gian nghệ thuật. Về không gian, đó là không gian của một con đèo hoang vắng, heo hút, đìu hiu. Với con đèo này, vào thời gian được đề cập đến trong bài thơ khi cư dân còn ít, sự định cư ở vùng đồi núi nơi đây còn rất thưa thớt thì lại càng vắng vẻ, đìu hiu. Đã thế, không gian đó, cảnh vật đó lại được cảm nhận vào lúc bóng xế tà là khoảng thời gian khi nắng thì không còn vàng xanh tươi mới nữa mà đã vàng xuộm, tàn úa, người lao động thì đã thấm mệt sau một ngày bươn chải…

Sự phối kết của thời gian và không gian như thế trong cái nhìn nghệ thuật của thi nhân đã tạo nên cái khung, cái nền hoang liêu, đượm buồn. Thời gian nghệ thuật ấy tạo một sắc màu vàng buồn phổ trùm lên mọi sự vật, sinh vật và con người nơi Đèo Ngang. Thiên nhiên thì “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa“. Từ “chen” được điệp lại, nhưng về ý nghĩa thẩm mỹ là sự chen chúc để sinh tồn, không phải là sự đua chen trổ sắc, khoe hương giữa lá với hoa, cỏ cây với đá. Hòa điệu với sự vật là những âm thanh của chim muông – những thứ âm thanh giàu tính biểu trưng cho khắc khoải nhớ thương, tiếc xót vì mất mát, vì chia ly càng gia tăng thêm sắc thái buồn thương.

Trong không gian đó, con người cũng đồng điệu xuất hiện ở những dáng nét thưa thớt, lam lũ, quạnh vắng:

Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Câu thơ có giá trị gợi hình, gợi cảm cao một phần nhờ vào tài nghệ sử dụng ngôn từ của thi nhân. Các cặp đối ở câu thực và luận làm nổi bật hồn cảnh vật trơ trọi, thưa vắng, buồn thương: lom khom dưới núi – lác đác bên sông; tiều vài chú – chợ mấy nhà; nhớ nước đau lòng. Đặc biệt, bài thơ sử dụng nhiều từ láy âm có giá trị biểu đạt xúc cảm cao: Từ “lom khom” – từ tượng hình miêu tả được dáng người lao động của những tiều phu kiếm củi; “lác đác” – từ tượng hình miêu tả sự thưa thớt, vắng vẻ của cảnh vật chợ, nhà vốn gắn liền với cuộc sống sinh hoạt thường nhật của con người. Nhà thơ đi tìm hình ảnh của con người và sự sống nhưng sự sống đó lại làm cho cảnh vật héo hắt, buồn bã hơn, xa vắng hơn.

Việc sử dụng phép đảo ngữ trong một số câu thơ cũng góp phần gia tăng biểu cảm cho bài thơ: Lom khom dưới núi tiều vài chú (dưới núi, vài chú tiều lom khom); Lác đác bên sông chợ mấy nhà (bên sông, chợ mấy nhà lác đác). Phép đảo ngữ được thực hiện như thế một phần vì câu thơ chịu sự ràng buộc của niêm luật bằng trắc, tuy nhiên, khi các từ láy và các trung tâm vị tính được để ở đầu các câu thơ thì đã tạo nên ấn tượng mạnh hơn đối với tâm lý tiếp nhận và mĩ cảm của người đọc.

Trong sự hiu quạnh đó, bỗng nhiên vẳng lên tiếng kêu đều đều, man mác của loài chim quốc quốc, chim gia gia trong bóng hoàng hôn đang buông xuống. Trên nền cảnh đìu hiu, hoang vắng, tác giả nghĩ về đất nước, nghĩ về gia cảnh của mình:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Tiếng kêu thiết tha hay chính là tiếng lòng tác giả. “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc” là câu thơ từ điển tích xưa về vua thục mất nước hóa thành con cuốc chỉ biết kêu “cuốc cuốc”. Tiếng cuốc kêu khắc khoải càng làm bóng chiều thêm tĩnh lặng. Còn tiếng “gia gia” là tiếng kêu tha thiết gợi nỗi “thương nhà”. Ở đây cảm xúc của nhà thơ được bộc lộ rõ rệt. Nghệ thuật chơi chữ đồng âm độc đáo kết hợp nhân hóa cùng chuyển đổi cảm giác gây ấn tượng mạnh đã cho ta thấy được tấm lòng yêu nước thương nhà của Bà Huyện Thanh Quan.

Cấu trúc bài thơ có sự phối kết tinh tế giữa cảnh và tình, vật với tâm. Nhà thơ đã bộc lộ xúc cảm một cách tế nhị, kín đáo và sâu lắng nỗi niềm với đất nước và tâm sự với riêng mình.

Đọc bài thơ, ta dễ nhạn tháy xúc cảm mãnh liệt ẩn trong hệ thống ngôn từ giàu sắc thái biểu cảm của sự hiu hắt, cô quạnh, vắng vẻ, buồn thương cả trong sắc nắng tà huy, trong hoa lá, cỏ cây, trong tiếng chim thấm đẫm điệu sầu nhớ nước thương nhà khắc khoải, tiếc xót gọi về những thời gian xưa cũ; và cả trong dáng người tiều phu lam lũ. Đây chính là cách thức các thi sĩ trung đại ưa sử dụng. Nguyễn Du miêu tả thân phận con người qua hình ảnh chìm nổi lênh đênh của lá buồm, cánh hoa giữa mênh mông sóng nước: Buồn trông cửa bể chiều hôm,/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa./ Buồn trông ngọn nước mới sa,/ Hoa trôi man mác biết là về đâu ? (Truyện Kiều); hoặc mượn hình ảnh thoi thót của cánh chim (Chim hôm thoi thót về rừng – Truyện Kiều), của lúa thành (Lúa thành thoi thót bên cồn – Truyện Kiều) để biểu đạt tâm trạng phấp phỏng, âu lo, hãi hùng của con người trong hành trình Canh khuya thân gái dặm trường (Truyện Kiều) khi Cõi người đầy khắp quỉ ma chờ (Phản Chiêu hồn). Với Bà Huyện Thanh Quan, ở một thi phẩm khác, trong cảnh chiều tha hương, cũng mượn những hình ảnh bóng hoàng hôn, ngư ông, viễn phố, mục tử, cô thôn, ngàn mai, gió cuốn, dặm liễu, sương sa…, để biểu thị tâm trạng cô lẻ, sầu thương:

Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn trang đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?

(Chiều hôm nhớ nhà)

Cái bao la, vô tận của non nước làm chơi vơi bóng hình một mình giữa thiên nhiên, hồn cảnh – hồn người như hòa lẫn vào nhau, làm nỗi buồn da diết bị lắng đọng cùng âm thanh da diết, nao lòng. Nhà thơ tự nhìn mình trong cái mênh mông, nhưng xa lạ, trống trải và rợn ngợp để bộc lộ cảm giác trơ trọi cô lẻ:

Dừng chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Không gian lữ thứ, thời gian chiều tà, tâm thế tha hương của nhân vật trữ tình đã hòa điệu buồn thương, hoang hoải, cô liêu cùng thiên nhiên, vũ trụ, cảnh vật và con người nơi Đèo Ngang. Cái đẹp ở cách tả, nét gợi về thiên nhiên và con người trong sự cảm nhận tinh tế của thi nhân hòa điệu với tâm trạng cô đơn, buồn thương của nhân vật trữ tình. Những điều đó tạo nên sự độc đáo trong giá trị nhân văn của bài thơ.

Với cách sữ dụng ngôn từ trang nhã nhưng rất điêu luyện đã giúp người đọc thấy được bức tranh vịnh cảnh ngụ tình sâu kín. Cảnh Đèo Ngang thật buồn vắng phù hợp với tâm trạng con người cô đơn hoài cảm. Từ bài thơ, cảm thụ tâm cảm của nhà thơ, ta càng cảm thông nỗi lòng của tác giả và kính phục tài năng thi ca của Bà huyện Thanh Quan.

  • Kết bài:

Bài thơ “Qua Đèo Ngang” vừa gợi lên một bức tranh về cảnh đẹp thiên nhiên núi rừng hoang sơ, hùng vĩ, vừa gợi ra khung cảnh sống giản dị, đơn sơ mà ấm áp. Từ đó mang lại những cảm xúc, nỗi niềm, riêng tư của tác giả với tình yêu quê hương, đất nước da diết khi xa quê hương, lẻ loi một bóng hình nơi đất khách quê người.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang