
Cảm nhận bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan
- Mở bài:
Đèo Ngang thuộc dãy núi Hoành Sơn, phân cách hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình là địa danh nổi tiếng của nước ta. Địa danh Đèo Ngang đã được nhiều thi nhân làm thơ vịnh Đèo Ngang như Cao Bá Quát “Lên núi Hoành Sơn”, Nguyễn Khuyến “Qua núi Hoành Sơn” nhưng được yêu thích nhất là bài Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan.
- Thân bài:
Bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan miêu tả cảnh tượng Đèo Ngang vào thời khắc chiều tà. Chỉ bằng một vài nét chấm phá đơn sơ, người nữ sĩ tài danh đã gợi tả được khung cảnh Đèo Ngang hoang sơ, vắng vẻ, heo hút, thưa thớt… vào lúc trời chiều xế bóng. Khung cảnh thiên nhiên vắng lặng cùng với một không gian bao la, mênh mông, rợn ngợp và thời gian gợi nhiều ý nghĩa đã càng làm nổi bạt nỗi cô đơn, trống vắng và nỗi niềm hoài cổ sâu sắc của nhà thơ.
Bài thơ được mở đầu bằng lòi giới thiệu về thời điểm ngắm cảnh Đèo Ngang:
“Bước tới đèo ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”.
Chiều tà, bóng xế là thời điểm ánh mặt trời không còn rực rỡ, chói lọi như vào buổi trưa mà ánh nắng đã yếu ót, màn đêm đang dần buông rồi xâm chiếm không gian. Đây là thời điểm chim bay về tổ, con người trở về đoàn tụ cùng gia đình. Bởi vậy, thời gian này thường gợi cho con người, đặc biệt là những người đi xa nhớ tới gia đình, nhớ tới tổ ấm, quê hương, bản quán của mình.
Mặt khác, chiều tối còn là thời gian lắng đọng, thường gợi cho con người nỗi buồn mênh mang. Đây cũng là thời gian trở đi trở lại trong thơ cổ để gợi tả nỗi sầu:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?)
(Hoàng Hạc Lâu – Thôi Hiệu)
Bóng chiều ấy cũng có lần xuất hiện trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan với nỗi nhớ mong, khắc khoải, cô tịch, đìu hiu:
Buổi chiều bàng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa dưa vẳng trống dồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sùng mục tử lại cô thôn.
(Bà Huyện Thanh Quan, Chiều hôm nhớ nhà)
Cùng với bóng chiều ấy, không gian cảnh vật Đèo Ngang dần hiện lên thưa vắng, trơ trọi, đầy những xung đột. Bằng những hình ảnh “cỏ cây, đá, hoa” và từ “chen”, Bà Huyện Thanh Quan đã khắc hoạ được khung cảnh Đèo Ngang heo hút, vắng vẻ và hoang vu. Đèo Ngang tuy có cỏ cây, đá, lá, hoa… um tùm, chen lấn nhưng không hề gợi lên sự trù phú, tốt tươi mà càng khiến cảnh vật thêm đậm nét hoang sơ, rậm rạp. Hai câu thơ đề đã phần nào hé lộ tâm trạng của nhà thơ.
Đối với người xưa, chơi hoa, ngắm cảnh là một thú vui lớn. Bà Huyện Thanh Quan là người tao nhã, mấy khi được diện kiến cảnh này. Lẽ ra, được đến nơi kì sơn tuyệt cảnh này, tâm trạng phải vui vẻ, phấn khỏi mới đúng. Thế nhưng ta lại thấy một biểu hiện hoàn toàn khác. Ẩn sau bức tranh là một tâm trạng buồn lo, tiếc nhớ.
Lần này, bà Huyện Thanh Quan nhận lệnh triều đình vào kinh thành Huế để nhận chức Cung trung giáo tập, dạy dỗ công chúa, hoàng tử. Đường xa cách trở muôn trùng khiến cho bước chân bà không khỏi luyến lưu. Mỗi lần đi lại muôn trùng khó khoắn, nghĩ về điều ấy khiến bà thêm não lòng. Bởi thế, dù cảnh vật Đèo Ngang có hùng vĩ, hữu tình cũng không thể khiến tâm trạng của bà vui lên được. lại thêm bước tới nơi đây vào lúc chiều tà. Đứng trên đỉnh cao nhìn ra bốn phía, cảnh đẹp bao nhiêu, tình buồn bấy nhiêu.
Nỗi buồn ấy đọng lại trong bức tranh đời sống con người miền sơn cước. Khung cảnh Đèo Ngang đã có thêm sự xuất hiện hình bóng cuộc sống của con người nhưng càng khiến cho bức tranh thêm hiu hắt:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà”.
Hình ảnh con người, sự sống sinh hoạt tuy hiện diện trong bức tranh phong cảnh Đèo Ngang nhưng cũng thật ít ỏi, lè loi, chỉ là “vài chú” tiều đang kiếm củi. Đã thế hình ảnh ấy lại còn được nhấn mạnh ở cái dáng “lom khom” bé nhỏ và hút lăng vào không gian. “Chợ” vốn là nơi tụ họp chung vui, nhộn nhịp nhưng trong bài thơ, ta thấy chợ ở đây cũng chỉ có “mấy nhà” lác đác, lưa thưa, xơ xác bên triền sông hoang vắng.
Dấu hiệu của sự sống tuy có thấp thoáng trong bức tranh Đèo Ngang nhưng không hề làm cho nó tươi vui, ấm áp hơn mà ngược lại càng làm tăng lên sự vắng vẻ, thưa thớt, hoang vu của cảnh Đèo Ngang. Phép đảo ngữ và phép đối rất chỉnh vừa tạo nhạc điệu du dương, trầm bổng vừa thấm đẫm cảm giác lẻ loi, cô đơn và buồn bã.
Vang lên trong chiều tà, trong sự sống ít ỏi của Đèo Ngang là tiếng kêu của chim quốc và chim đa đa:
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”.
Âm thanh đó đâu thể làm cho cảnh vật xáo động. Nó não nùng, tăng thêm vẻ tĩnh lặng, u tịch của Đèo Ngang. Đây vốn là bút pháp lấy động tả tĩnh quen thuộc trong thơ cổ. Nó tấu lên khúc nhạc lòng da diết và khắc khoải trong Bà Huyện Thanh Quan. Dừng chân đứng lại nơi Đèo Ngang bóng xế, nỗi nhớ nhà dấy lên cồn cào như tiếng chim kia khản đặc trong không gian xa vắng.
Mượn tiếng kêu quốc quốc thiết tha, quằn quại, nữ sĩ muốn gửi gắm niềm tiếc nhớ về một thời vàng son của triều đại đã xa. Bởi Bà Huyện Thanh Quan vốn là người Đàng Ngoài, thuộc Lê Trịnh; nay đã là triều Nguyễn, con cháu chúa Nguyên ở Đàng Trong. Nói như xưa, mệnh trời thế là đã chuyển về họ Nguyễn. Tuy vậy, trong tâm tư thế hệ bà, người đất Bắc không khỏi ngầm lắng một niềm luyến tiếc nhà Lê, tiếc thương thời cũ. Gia đình bà lại ở Thăng Long xưa đã thay đổi và mất dần dấu tích xưa. Nay bà vào kinh, một nơi lạ nước lạ nhà, một mình ngàn dặm. Tình cảm nhớ cảnh cũ người xưa, nghĩ nước nhớ nhà vốn dã thường trực nay qua Đèo Ngang, chốn lạ gặp cảnh hoang vu, tình cảm ấy càng trào dâng mãnh liệt.
Phép đối rất chỉnh, cách chơi chữ đặc sắc và việc sử dụng điển tích khéo léo tạo cho câu thơ sự sang trọng, mực thước. Những từ “đau lòng” và ” mỏi miệng” đã thể hiện một cách chân thành và sâu sắc nỗi nhớ nước, thương nhà khắc khoải, cổn cào, da diết của nhà thơ. Hai câu thơ cuối càng thể hiện sâu sắc và rõ nét hơn tâm trạng của tác giả:
“Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta”.
Bằng việc sử dụng thủ pháp đối, tác giả đã thể hiện rõ sự đối lập giữa không gian trời, non, nước bao la, mênh mông, rợn ngợp đến vô cùng của cảnh vật với hình ảnh con người lẻ loi, cô đơn và bé nhỏ. Khung cảnh thiên nhiên mênh mông, bao la có trời, có non, có nước nhưng cảnh vật không hòa quyện với nhau mà giữa chúng có sự tách biệt rời rạc, gợi nên sự đơn lẻ. Cảnh vật mở ra đến vô cùng, vô tận mà nỗi lòng con người lại khép kín, trống vắng đến mênh mông. Nỗi buồn của bà như trải ra hòa; cùng cảnh vật, thấm vào cảnh vật.
Cụm từ “ta với ta” đã thể hiện sự cô đơn, lẻ loi, trống vắng tột cùng của Bà Huyện Thanh Quan giữa cảnh núi non điệp trùng, giữa cảnh trời nước bao la, mênh mông, rợn ngợp của Đèo Ngang. Bài thơ kết bằng cụm từ “ta với ta”, dư âm buồn như lan sang người đọc, nhuần thấm và lắng sâu. Nỗi buồn của Bà Huyên Thanh Quan vẫn là một nỗi buồn dẹp. Bởi nỗi buồn ấy khởi phát từ tình yêu dành cho gia đình, cho đất nước. Nên đọc bài thơ, tâm hồn ta cũng như được thanh lọc như đến với một dòng suối mát.
Bài thơ cực tả cảnh Đèo Ngang vào lúc chiều tà hoang vắng chỉ bằng vài nét vẽ I đơn sơ nhưng đã thể hiện được tâm trạng “nhớ nước”, “thương nhà” của Bà Huyện Thanh Quan. Cảnh chiều tà trong thơ cổ thường gợi buồn, gợi nhớ về cảnh cũ, ngườị xưa, về thời quá khứ đã qua. Ở bài thơ “Qua Đèo Ngang”, cảnh chiều tà cũng đã gợi cho Bà Huyện Thanh Quan nỗi buồn, nỗi cô đơn của người lữ khách xa gia đình, nỗi nhớ tiếc về triều đại huy hoàng xa xưa.
Thơ của Bà Huyện Thanh Quan thường hay viết về cảnh hoàng hôn: “Chiều hôm nhớ nhà”, ‘Tức cảnh chiều thu”… đều là những bài thơ miêu tả cảnh chiếu tà. Bài “Qua Đèo Ngang” cũng viết về cảnh hoàng hôn man mác buồn, giọng điệu bài thơ du dương, thấm đẫm phong cách thơ của Bà Huyên Thanh Quan: vừa trang nhã, cổ kính, uyển chuyển, mềm mại lại vừa man mác nỗi niềm hoài cổ sâu lắng, thiết tha.
Giọng thơ nhẹ nhàng, du dương đã diễn tả được nỗi niềm hoài cổ buồn man mác, bâng khuâng. Cách sử dụng phép đối đặc sắc ở các câu thực, luận và kết đã làm nổi bật được khung cảnh vắng vẻ, hoang vu, thưa thớt của Đèo Ngang và bộc lộ được tâm tạng thầm kín của nhà thơ. Phép đảo ngữ dược vận dụng tài tình ở các câu thực, luận đã nhấn manh sụ heo hút, thưa thớt của cảnh vật và nỗi “nhớ nước”, “thương nhà” tha thiết của nhà thơ. Phép chơi chữ đặc sắc độc đáo ở hai câu luận đã bộc lộ tâm trạng buồn, hoài cổ của nhà thơ một cách kín đáo. Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật hàm súc, cô đọng nhưng đã diễn tả được nội dung phong phú. Ngôn ngữ, hình ảnh thơ giàu sức gợi hình, gợi cảm. Tác giả lựa chọn điểm nhìn đặc sắc có tác dụng lớn trong việc quan sát và miêu tả cảnh vật.
Bài thơ đã sử dụng thành công bút pháp “tả cảnh ngụ tình” – một bút pháp quen thuộc thường được sử dụng phổ biến rộng rãi trong thơ ca trung đại. Ở bài thơ, bút pháp này đã có hiệu quả đặc sắc trong việc bộc lộ tâm trạng của tác giả một cách kín đáo. Tác giả không trực tiếp nói đến nỗi “nhớ nước”, “thương nhà”, không trực tiếp bộc lộ tâm trạng buồn, cô đơn nhưng nỗi niềm, tâm trạng ấy như thám sâu trong từng câu, từng chữ của bài thơ.
- Kết bài:
Bài thơ Qua Đèo Ngang tuy thể hiện tâm trạng buồn, cô đơn của nhà thơ nhưng đọc bài thơ, chúng ta thấy đây là nỗi buồn thấm đẫm chất nhân văn cao cả mà không hề bi lụy. Qua bài thơ, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm của Bà Huyện Thanh Quan và thêm trân trọng, yêu mến người nữ sĩ tài danh của một thời.
- LUYỆN TẬP.
Câu 1: Trả lời ngắn gọn.
- Bài thơ được làm theo thể thơ gì?
- Cảnh Đèo Ngang được- miêu tả vào thời điểm nào trong ngày?
- Em có nhận xét gì về cảnh Đèo Ngang?
- Hai câu thơ: “Lom khom dưới núi tiều vải chú. Lác dác bên sông chợ mấy nhà” đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật nào?
Câu 2: Thời điểm miêu tả cảnh Đèo Ngang trong bài thơ có gì đặc biệt? Thời gian này đã gợi lên điều gì? Tâm thế của nhà thơ như thế nào?
Câu 3: Cảnh Đèo Ngang được miêu tả như thế nào? Em có nhận xét gì về cảnh tượng Đèo Ngang?
Câu 4: Phân tích tính liên kết về nội dung và hình thức của bài thơ Qua Đèo Ngang
Câu 5: Qua bài thơ, em thấy Bà Huyện Thanh Quan có tâm trạng như thế nào? Qua tâm trạng ấy, em hiểu thêm điểu gì về vẻ đẹp tâm hồn của bà?
Câu 6: Theo em, Qua Đèo Ngang là bài thơ sử dụng cách biểu cảm trực tiếp hay gián tiếp ? Vì sao? Em học được gì từ nghệ thuật biểu cảm của bà Huyện Thanh Quan?
Câu 7: Em hiểu như thế nào về cụm từ “ta với ta” ờ cuối bài thơ? Cụm từ này đã thể hiện điểu gì?
Câu 8: Hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 10 dòng) nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ “Qua Đèo Ngang”.
Câu 9: Qua hai bài thơ Bánh trôi nước và Qua Đèo Ngang, em có nhận xét gì về đặc điểm ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan?
Tham khảo:
- Mở bài:
Bà Huyện Thanh Quan là một trong những nữ sĩ nổi bậc nhất của nền thơ trung địa Việt Nam. Tuy số thi phẩm còn lại vô cùng ít ỏi nhưng cũng đủ thể hiện tài năng thơ ca hiếm có của bà. Bài thơ Qua đèo Ngang là tác phảm xuất sắc của nữ sĩ. Bài thơ đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng sự sống con người nhưng vẫn còn hoang sơ; đồng thời nhà thơ còn qua đó gửi gắm nỗi nhớ nước thương nhà.
- Thân bài:
Phải hiểu rõ và yêu quý bài thơ mới thấy hết được tài năng cũng như tư tưởng luôn hướng về quê hương đất nước và gia đình của Bà huyện Thanh Quan. Ai dám bảo rằng người phụ nữ trong xã hội phong kiến không có được những tình cảm thiêng liêng đó?
Có nơi đâu đẹp tuyệt vời
Như sông như núi, như người Việt Nam
Câu thơ thể hiện niềm kiêu hãnh, tự hào về non sông đất trời Việt Nam. Thiên nhiên trên quê hương ta có vẻ đẹp mộng mơ, chan hoà sức sống. Chính vì vậy, thiên nhiên luôn là dề tài bất tận của thi ca. Lúc thì lung linh, huyền diệu như trong mộng, lúc lại rực rỡ, kiêu sa tựa ánh mặt trời. Nhưng đồng thời, cảnh vật cũng sẽ nhuốm màu ảm đạm, thê lương dưới ánh mắt của các nhà thơ mang một tâm sự u hoài khi sáng tác một bài thơ tức cảnh. Vì thế, đại thi hào Nguyễn Du đã từng nói: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Câu thơ thật thích hợp khi ta liên tưởng đến Bà huyện Thanh Quan với bài thơ Qua đèo Ngang.
Phải hiểu rõ và yêu quý bài thơ mới thấy hết được tài năng cũng như tư tưởng luôn hướng về quê hương đất nước và gia đình của Bà huyện Thanh Quan. Ai dám bảo rằng người phụ nữ trong xã hội phong kiến không có được những tình cảm thiêng liêng đó?
Chỉ mới đọc hai câu đầu của bài thơ thôi:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
là ta đã nhận ngay ra một nỗi buồn xa vắng.
Câu thơ xuất hiện cụm từ bóng xế tà và sự hiện diện của điệp từ chen cùng cách gieo vần lưng lá, đá đã tạo nên sự cô đơn, tĩnh mịch. Từ tà như diễn tả một khái niệm sắp tàn lụa, biến mất. Yếu tố thời gian làm cho câu thơ thêm phần buồn bã. Ca dao cũng đã có câu:
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau
Thế mới biết, những tình cảm cao quý của mỗi người dường như gặp nhau ở một điểm. Đó chính là thời gian. Mà quãng thời gian thích hợp nhất để bộc lộ sự nhớ nhung khắc khoải chính là lúc chiều về. Ở bài thơ Qua đèo Ngang, tác giả bỗng dâng lên cảm xúc man mác khi bà bắt gặp ánh hoàng hôn bao phủ cảnh vật ở Hoành Sơn. Cảnh vật đã buồn lại trống vắng hơn bởi điệp từ chen ở câu thứ hai. Nó làm cho người đọc thơ bỗng cảm nhận được sự hoang vắng của đèo Ngang lúc chiều tà, bóng xế mặc dù nơi đây rất đẹp: có cỏ cây, đá, lá, hoa. Vì ở đây vắng vẻ quá nên thi sĩ đã phóng tầm mắt để tìm kiếm một chút gì gọi là sự sống linh động. Và kìa, phía xa xa dưới chân đèo xuất hiện hình ảnh:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Câu thơ gợi cho tả hình dung trong ánh hoàng hôn lạnh lẽo, mấy người tiều phu đang đốn củi, mấy quán chợ xiêu xiêu trong gió. Đảo ngữ đưa hai từ láy lom khom, lác đác lên đầu câu đã được tác giả sử dụng như nhấn mạnh thêm sự u hoài ở đây. Nhà thơ đi tìm một sự sống nhưng sự sống đó lại làm cho cảnh vật héo hắt, buồn bã hơn, xa vắng hơn. Sự đối lập vốn có của hai câu thực khiến cho cảnh trên sông, dưới núi thêm rời rạc, thưa thớt. Từ vài, mấy như càng nói rõ thêm sự vắng vẻ ở nơi này. Trong sự hiu quạnh đó, bỗng nhiên vẳng lên tiếng kêu đều đều, man mác của loài chim quốc quốc, chim gia gia trong bóng hoàng hôn đang buông xuống.
Từ ghép đau lòng, mỏi miệng khiến cho ta có cám giác tha thiết, ray rứt. Từ nhớ nước, thương nhà là nỗi niềm của con chim quốc, chim gia gia do tác giả cảm nhận được hay chính là nghệ thuật ẩn dụ để nói lên tâm sự từ trong sâu thẳm tâm hồn của nữ sĩ? Nghệ thuật chơi chữ quốc quốc gia gia phải chăng là Tổ quốc và gia đình của Bà huyện Thanh Quan hồi đó?
Sự song song về ý, về lời của hai câu thơ trong phần luận của bài thơ này nhằm nhấn mạnh tình cảm của Bà huyện Thanh Quan đối với Tổ quốc, gia đình trước cảnh thật là khéo léo và tài tình. Từ thực tại của xã hội đương đời mà bà đang sống cho đến cảnh thực của đèo Ngang đã khiến cho tác giả sực nhớ đến mình và tâm sự:
Dừng chân dứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Câu thơ “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước” khắc họa hình ảnh nhà thơ một mình đứng tại nơi Đèo Ngang, đưa mắt nhìn ra xa cũng chỉ thấy thiên nhiên rộng lớn phía trước (có bầu trời, có núi non, dòng sông). Sự cô đơn của nhà thơ: “một mảnh tình riêng” – tình cảm riêng tư của nhà thơ không có ai để chia sẻ:
“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta”
Trong thơ Nguyễn Khuyến cũng từng sử dụng cụm từ “ta với ta”:
“Đầu trò tiếp khách trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta”
Trong “Bạn đến chơi nhà”, từ “ta” đầu tiên chỉ chính nhà thơ – chủ nhà, còn từ “ta” thứ hai chỉ người bạn – khách đến chơi. Từ “với” thể hiện mối quan hệ song hành, gắn bó dường như không còn khoảng cách. Qua đó thể hiện tình bạn gắn bó tri âm tri kỷ của nhà thơ. Còn trong thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, cụm từ “ta với ta” ở đây đều chỉ nhà thơ, lúc này bà chỉ có một mình đối diện với chính mình, cô đơn và lẻ loi. Sự cô đơn ấy dường như chẳng thể có ai cùng chia sẻ.
Tiếng lòng non nước thấm thía, không san sẻ buộc nhà thơ thốt lên giãi bày “ta với ta” nghe chua xót. Chỉ ta mới hiểu được lòng ta, sự cô đơn như tăng lên gấp bội. Dù sầu muội như bà Huyện Thanh Quan vẫn cảm nhận được vẻ đẹp non nước dù nơi dừng chân có vẻ hoang sơ, nhưng đã tô lên vẻ đẹp hùng vĩ, bao la của núi rừng.
- Kết bài:
Bài thơ “Qua Đèo Ngang” vừa gợi lên một bức tranh về cảnh đẹp thiên nhiên núi rừng hoang sơ, hùng vĩ, vừa gợi ra khung cảnh sống giản dị, đơn sơ mà ấm áp. Từ đó mang lại những cảm xúc, nỗi niềm, riêng tư của tác giả với tình yêu quê hương, đất nước da diết khi xa quê hương, lẻ loi một bóng hình nơi đất khách quê người.
Xem thêm:
hay nhưng mà rườm già quá