cam-nhan-dong-chay-tinh-cam-trong-bai-tho-bep-lua-cua-bang-viet

Cảm nhận dòng chảy tình cảm trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Dòng chảy tình cảm trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

  • Mở bài:

Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ Bằng Việt mang phong cách trẻ trung, hồn nhiên và tài hoa, cảm xúc tinh tế, giọng điệu tình cảm, trầm lắng, chiêm nghiệm và giàu triết lý. Bếp lửa là tác phẩm tiêu biểu của ông. Bài thơ mở ra hình ảnh bếp lửa, gợi những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà. Từ những kỉ niệm ấm áp, người cháu nay đã trưởng thành suy ngẫm, thấu hiểu cuộc đời bà, về lẽ sống của bà. Trong hoàn cảnh xa cách quê hương, người cháu gửi nỗi nhớ mong được gặp lại bà, được trở về trong sự che chở của gia đình, quê hương. Có thể nói, dòng chảy tình cảm trong bài thơ Bếp lửa đã tạo nên sức sống của bài thơ qua năm tháng.

  • Thân bài:

Nếu như Tiếng gà trưa đánh thức trong Xuân Quỳnh những kỷ niệm về một thời thơ ấu trong tình thương yêu của bà thì với Bằng Việt lại là hình ảnh bếp lửa, nó là biểu tượng cho sự ấm áp, nồng đượm của tình bà cháu. Bếp lửa đã khơi gợi nhóm lên, lan tỏa, tan chảy mãi dòng hồi ức tuổi ấu thơ… Hình ảnh bếp lửa thật giàu ý nghĩa, cho nên mở đầu bài thơ là mở đầu cho nỗi nhớ của tác giả – nỗi nhớ bà, nhớ cái bếp lửa thân quen ấy:

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”

Những hình ảnh vừa thực vừa hư như trong truyện cổ tích. Khói bếp lửa hòa trong làn sương sớm – hình ảnh lúc ẩn, lúc hiện … tạo nên một khung cảnh trữ tình làm lay động cảm xúc của tác giả. Từ “ấp iu” được dùng rất sáng tạo. Đó là sự kết hợp có biến thể của các từ “ấp ủ”, “chắt chiu”, “nâng niu”. Bếp lửa như có một linh hồn, trở thành bếp lửa ủ chứa tình thương của cháu đối với cuộc đời lam lũ, trải “nắng mưa” của người Bà. Từ đây, hai hình ảnh, hai nỗi nhớ đan xen nhau trong cảm xúc của nhà thơ.

Từ khói bếp nồng cay,  tác giả sống lại thời thơ bé cùng với người bà chịu thương chịu khó:

“Lên 4 tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay.

Tác giả đã ghi lại những cảm nhận từ khứu giác “mùi khói”, “khói hun nhèm mắt” và thị giác “bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy” để nói về đoạn đời đói khổ của gia đình. Tất cả đều hội tụ trong mùi khói hun đến nghẹt thở. Mùi khói hay nỗi niềm khó nhọc của tuổi thơ đến bây giờ còn làm cay sống mũi? Ấn tượng về cuộc sống đói khổ và khói bếp nhà nghèo đã đọng lại và da diết trong kí ức của nhà thơ. Tuy chỉ là một đoạn thời thơ ấu nhưng thời gian ấy biết bao kỷ niệm với bà:

“Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tú hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế”

“Cháu cùng bà nhóm lửa”, nhóm lên ngọn lửa của sự sống và của tình yêu bà cháy bỏng trong tâm hồn một cậu bé hồn nhiên, trong trắng như một trang giấy. Chính hình ảnh bếp lửa quê hương, bếp lửa của tình bà cháu đã gợi nên một liên tưởng khác, một hồi ức khác trong tâm trí thi sĩ thuở nhỏ. Đó là tiếng chim tu hú kêu. Đời bà và cháu chỉ quanh quẩn bên chiếc bếp gần gũi mà nghe tiếng tu hú kia sao giục giã những khao khát rộng dài đến một không gian xa xôi nơi có những cánh đồng lúa chín vàng, có mùa quả ngọt…

Trong những năm kháng chiến chống Mĩ, mẹ cùng cha bận công tác không về, cháu lại càng quấn quýt bên bà hơn:

“Cháu ở cùng bà bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm bà chăm cháu học”

“Cháu ở cùng bà “, ” bà bảo”, ” bà dạy”, “bà chăm” khẳng định vai trò của bà trong gia đình thật to lớn. Bao năm tháng trôi qua, thế mà bà vẫn khó nhọc, vất vả nhóm bếp mỗi ngày để nuôi cháu lớn khôn. Bên bếp lửa hồng, nghe tiếng tu hú gọi bầy, đứa cháu nhỏ bỗng thốt lên câu nói giản dị nhưng dạt dào tình yêu thương. Câu thơ cảm thán và câu hỏi tu từ diễn tả nỗi thương nhớ bà trào lên như sóng vỗ:

“Tu hú ơi ! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa”

Cháu đã dần khôn lớn trong vòng tay chở che ấm áp của bà để sớm biết yêu thương – thương bà và thương cả cho cuộc đời của chim tu hú côi cút nơi đồng xa. Cái âm thanh quen thuộc ấy cứ nhắc đi, nhắc lại nhiều lần làm cho người đọc cảm nhận được tình cảnh côi cút, vắng vẻ của hai bà cháu và nỗi niềm da diết, khắc khoải của đứa cháu trong cái không gian mênh mông của nỗi nhớ thương.

Kỷ niệm cứ hiện dần lên trong ký ức. Năm ấy giặc đốt nhà, cuộc sống bà đã khổ rồi giờ còn khó khăn thêm. Nhưng vẫn giữ vững niềm tin sắt đá, vẫn mang trong mình dòng máu bà mẹ Việt Nam anh hùng, bà đã nén đau thương, để con mình yên tâm đánh giặc:

“Bố ở chiến khu , bố còn việc bố
Mày có viết thư chớ kể này kể nỏ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên !”

Lới dặn của bà nôm na giản dị nhưng chất chứa biết bao tình. Gian khổ, thiếu thốn, bao nỗi nhớ thương con bà đều phải nén vào trong lòng để yên lòng người nơi tiền tuyến. Hình ảnh người bà không chỉ còn là người bà của riêng cháu mà còn là một biểu tượng rõ nét cho những người phụ nữa Việt Nam giàu đức hi sinh, thương con quý cháu:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”

Trong bài thơ, khi cháu nhớ về bà thì luôn gắn liền với hình ảnh bếp lửa. Mỗi sớm, mỗi chiều bà đều nhóm bếp lửa. Phải chăng ngọn lửa bà nhóm lên là tình thương, tình yêu mà bà dành cho cháu. Bên bếp lửa, bà đã khơi dậy trong tâm hồn cháu cảm giác ấm áp của tình làng nghĩa xóm, những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ. Điệp từ “nhóm” vừa mang nghĩa thực vừa mang nghĩa chuyển đã nhấn mạnh công lao, sức mạnh diệu kỳ của đôi bàn tay bà: Bà không chỉ nuôi dưỡng cháu về thể chất mà còn nuôi dưỡng cháu về tâm hồn. Đến tận bây giờ, dù đã ở một nơi xa, tác giả đã ở trong một cuộc sống tiện nghi, nhiều niềm vui mới, vậy mà ngọn lửa bà nhen vẫn còn tỏa sáng, ấm nóng tâm hồn đứa cháu ngày nào – Ngọn lửa ấy kỳ diệu biết bao!

“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẳn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng….”

Điều kỳ lạ là bà nhen lên bếp lửa đâu phải chỉ bằng những nhiên liệu bên ngoài. Bà thắp lên bếp lửa bằng chính ngọn lửa trong lòng bà: ngọn lửa của tình yêu thương, của sức sống mãnh liệt và của một niềm tin bất diệt vào một ngày mai tươi sáng. Đến đây, ngọn lửa đã trở thành một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.

Suốt dọc bài thơ, mười lần xuất hiện hình ảnh bếp lửa là mười lần tác giả nhắc tới bà. Âm điệu những dòng thơ nhanh mạnh như tình cảm dâng trào. Người bà đã, đang và sẽ mãi mãi là người quan trọng nhất đối với cháu dù ở bất kì phương trời nào. Giờ đây, khi đang ở xa bà nửa vòng trái đất, Bằng Việt vẫn luôn hướng lòng mình về bà:

“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

Xa vòng tay chăm chút của bà để đến với chân trờì mới, chính tình cảm bà cháu đã sươỉ ấm lòng tác giả trong mùa đông lạnh giá của nước Nga. Đứa cháu nhỏ của bà ngàu xưa giờ đã trưởng thành nhưng trong lòng vẫn luôn đinh ninh nhớ về góc bếp, nơi nắng mưa hai bà cháu có nhau. Đứa cháu sẽ không bao giờ quên và chẳng thể nào quên được vì đó chính là nguồn cội, là nơi mà tuổi thơ, tâm hồn cháu đã được nuôi dưỡng để lớn lên.

Bài thơ đi theo mạch cảm xúc từ những hồi tưởng xa xăm đến hiện tại, từ kỉ niệm thời ấu thơ đến những suy ngẫm về quê hương, đất nước, về tình bà cháu thiêng liêng. Lựa chọn bố cục như thế là thích hợp với việc khắc hoạ kỉ niệm tuổi thơ. Bố cục đó còn cho thấy hình ảnh của bà khắc sâu vào tâm khảm của người cháu, thành chỗ dựa tinh thần để người cháu trưởng thành.

  • Kết bài:

Đọc bài thơ, ta cảm nhận được ở đây tấm lòng biết ơn sâu nặng, nhớ nhung da diết, tâm chân tình của nhà thơ đối với người bà kính yêu. Bài thơ đã khơi dậy cho chúng ta một tình cảm cao đẹp đối với gia đình, quê hương và đất nước. Bài thơ gửi gắm một triết lý: Những gì gắn bó thân thiết đối với tuổi thơ mỗi người đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ tâm hồn con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang