Cảm nhận bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh

cam-nhan-bai-tho-tieng-ga-trua-cua-xuan-quynh

Cảm nhận bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh

  • Mở bài:

Xuân Quỳnh là một trong những nữ sĩ nổi bậc nhất trên nền thơ Việt Nam hiện đại. Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ. Bài thơ Tiếng gà trưa là tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ đằm thắm, nhẹ nhàng của nhà thơ Xuân Quỳnh.

  • Thân bài:

Bài thơ Tiếng gà trưa in lần dầu trong tập thơ Hoa dọc chiến hào (1968), và in lại trong tập Sân ga chiều em đi” (1984). Bài thơ được sáng tác trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Bài thơ chắc hẳn được viết ra từ chính những kỉ niêm được sống bên bà của nhà thơ. Xuân Quỳnh mồ côi mẹ từ lúc ấu thơ, người cha thường vắng nhà, hai chị em sống với bà trong suốt những năm tuổi nhỏ ở làng quê La Khê (Hà Tây), một làng có nghề dệt the lụa nổi tiếng. Bài thơ đã gợi lại tình bà cháu qua những chi tiết thật bình dị.

Qua Tiếng gà trưa, Xuân Quỳnh đã gợi nên những kỉ niêm tuổi thơ êm đềm, tình bà cháu đẹp đẽ và nhà thơ cũng khẳng định tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm tình quê hương đất nước. Mở đầu bài thơ là những rung cảm ban đầu của người lính khi nghe tiếng gà trưa:

Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục… cục tác cục ta”

Người chiến sĩ xa quê hương làm nhiệm vụ chiến đấu. Hoàn cảnh nghe thấy tiếng gà trưa là khi “trên đường hành quân xa”, người chiến sĩ cùng đồng đội nghỉ chân bên một xóm nhỏ. Âm thanh tiếng gà nhảy ổ vang vọng “cục, cục tác, cục ta” làm xáo động cả buổi trưa trưa nắng. Đây là âm thanh bình dị, thân thuộc, gợi nhớ, gợi thương của mỗi làng quê Việt Nam. Tiếng gà thân thuộc ấy làm cho người chiến sĩ cảm thấy thiên nhiên xung quanh mình như đẹp hơn. Nắng lung linh, xao động, nắng cũng xao xuyến như con người:

Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ

Tiếng gà như tiếp thêm sức mạnh để người chiến sĩ vững bước hành quân, đồng thời khơi gợi dậy những kỉ niêm tuổi thơ. Tiếng gà trưa là tiếng gọi thân thuộc của quê hương, là “cái cớ” để thể hiện nỗi nhớ quê hương một cách trong trẻo và tha thiết. Tiếng gà nhiều lần xuất hiện trong thơ ca chứ không phải chỉ đến Xuân Quỳnh, âm thanh ấy mới vang lên. Trong bài Nắng mới của Lưu Trọng Lư đã từng nghe thấy tiếng gà xao xác:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng

Hay tiếng gà u buồn, oán giận như trong thơ Hồ Xuân Hương:

Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.

Điệp ngữ “nghe” ba lần lặp lại diễn đạt những kí ức tuôn về ào ạt. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã diễn tả sinh động niềm xúc động trào dâng trong lòng người chiến sĩ:

Tiếng gà trưa 
Ổ rơm hồng những trứng 
Này con gà mái mơ 
Khắp mình hoa đốm trắng 
Này con gà mái vàng 
Lông óng như màu nắng 

Tiếng gà trưa gợi về những kỉ niệm thời thơ ấu. Đó là kỉ niêm vể ổ trứng và những con gà mái. Kỉ niệm được gợi nên từ những hình ảnh rất đỗi bình dị, quen thuộc nhưng qua nỗi nhớ nó đẹp đẽ và lung linh kì diệu. Sắc màu tươi sáng, tinh khôi: hồng, hoa đốm trắng, vàng, óng như màu nắng của dồn dập hiện lên. Những sắc màu này được vẽ nên từ cuộc sống no ấm, yên bình của quê hương. Điệp ngữ “này” với cấu trúc sóng đôi làm câu thơ trở nên thật độc đáo:

Này con gà mái mơ
Này con gà mái vàng

Ta nghe như có tiếng reo vang và cánh tay thơ ngộ của bé thơ đang giơ ra trỏ. Ẩn đằng sau mỗi hình ảnh trên là nét cười hồn nhiên, là ánh mắt yêu thương, thích thú của trẻ nhỏ. Với tuổi thơ, những hình ảnh này thật bí ẩn và lạ lùng. Những hình ảnh đó còn là biểu trưng cho cuộc sống thanh bình, ấm cúng và vui tươi của dân ta trong những năm tháng thanh bình, không giặc giã.

Tiếng gà trưa gợi về hình ảnh người bà hiền hậu, tảo tần:

Tiếng gà trưa 
Có tiếng bà vẫn mắng: 
– Gà đẻ mà mày nhìn 
Rồi sau này lang mặt! 
Cháu về lấy gương soi 
Lòng dại thơ lo lắng 

Với lời mắng yêu thể hiện sự yêu thương chăm sóc của bà gắn với những sợ hãi dại khờ của cháu. Giờ đây biết rõ mới hiểu lòng bà và càng kính yêu hơn. Bà chăm chút từng quả trứng hồng, tất cả là vì cháu đó thôi:

 Tiếng gà trưa 
Tay bà khum soi trứng 
Dành từng quả chắt chiu 
Cho con gà mái ấp.

Hình ảnh bà khum tay soi trứng, chọn quả tốt nhất để đem cho gà mái ấp gợi nân một người bà tần tảo, chắt chiu. Cháu thương bà niềm vui chưa trọn, nỗi lo đã tới:

Cứ hàng năm hàng năm 
Khi gió mùa đông tới 
Bà lo đàn gà toi 
Mong trời đừng sương muối 

Đây là nỗi lo rất đời thường. Qua nỗi lo ấy, ta càng cảm nhận thấm thìa tình thương yêu vô bờ bà dành cho cháu. Sự chắt chiu, yêu thương của bà đã đem lại cho cháu niềm hạnh phúc xênh xang:

Để cuối năm bán gà 
Cháu được quần áo mới 
Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất 
Cái áo cánh trúc bâu
Đi qua nghe sột soạt 

Tục ngữ có câu: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”. Niềm vui tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn xưa thật đơn sợ, giản dị và cảm động biết bao! Qua hồi tưởng chân thực trẽn, ta cảm nhận được tình yêu thương, biết ơn sâu sắc mà người lính trè giành cho bà. Hình ảnh người bà hiện lên thật gẩn gũi, giàu đức hi sinh, hết lòng yêu thương cháu.

Tiếng gà trưa gợi nhớ về những giấc mơ thơ ngây. Kỉ niệm ấy được hồi tưởng lại trong một đoạn thơ tách biệt hẳn với các đoạn thơ trước. Mối quan hệ với những đoạn thơ trước là mối quan hệ nhân quả:

Tiếng gà trưa 
Mang bao nhiêu hạnh phúc 
Đêm cháu về nằm mơ 
Giấc ngủ hồng sắc trứng 

Sống trong ăm ắp tình thương của bà, trong những điều kì diệu của cuộc sống xung quanh, giấc mơ đến với cháu cũng thật tự nhiên, đẹp đẽ. Hơn thế, “giấc ngủ hồng sắc trứng” chính là những điều tuyệt vời của cuộc sống đó còn nâng cánh cho ước mơ và khát vọng tươi sáng trong tâm hồn trẻ thơ. “Giấc ngủ hồng sắc trứng” còn là biểu hiện của một tâm hồn trong sáng, giàu ước mơ. Đoạn thơ là những suy tư về hạnh phúc của cháu. Hạnh phúc tuổi thơ bắt nguồn từ những điều bình dị nhất và tạo nên hạnh phúc đó là nhờ sống trong vòng tay yêu thương của bà.

Trở lại với hiện tại, tiếng gà trưa trở thành động lực của ý chí chiến đấu của người cháu trong cuộc chiến với kẻ thù hơ, nay:

Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ

Tiếng gà trưa khơi lên ngọn lửa yêu nước nhiệt thành. Biểu hiện cao độ của nó là ý chí quyết tâm chiến đấu đổ bào vệ Tổ quốc, bảo vê xóm làng, bảo vệ bà, bảo vệ cuộc sống thanh bình của nhân dân, bảo vệ những điều đẹp đẽ và thiêng liêng trong kí ức. Tiếng gà cũng tham gia vào cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại này.

Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến trình tự sắp xếp của những sự vật trong đoạn thơ (từ khái quát đến chi tiết, từ cụ thể – biểu tượng). Chính trình tư sắp xếp như vậy cũng có tác dụng nhấn mạnh mục đích chiến đấu vừa cao cả, thiêng liêng vừa binh dị của người lính trẻ.

Điệp từ “vì” (3 lần) nêu cao mục dích chiến đấu cụ thể, rõ ràng. Lời thơ tâm tình như một lời tâm sự hướng về người bà thân yêu vừa là lời tự nhủ mình hãy quyết chí đấu tranh bảo vệ hoà bình đất nước. Đoạn thơ hay, xúc động mà không giáo điều bởi nó là sự hoà quyện thắm đượm tình cảm gia đình và tình yêu quê hương đất nước, ý chí quyết tâm của người lính trẻ là lý tưởng sống cao đẹp mà chúng ta cần noi theo.

Bài thơ sử dụng sáng tạo thể thơ năm chữ, có những biến đổi linh hoạt, nhuần nhuyễn. Hình ảnh thơ giản dị, gần gũi, chân thực song có sức lay động. Biện pháp tu từ: điệp ngữ, ẩn dụ, so sánh được vận dụng linh hoạt làm tăng sức liên tưởng cho bài thơ. Làm nên sức hấp dẫn của bài thơ, không thể không kể đến những hình ảnh đẹp của hình ảnh thơ “ổ ơm hồng những trứng”; của “giấc ngủ hồng sắc trứng”; của “ổ trứng hồng tuổi thơ”.

  • Kết bài:

Tiếng gà cục tác là một biểu tượng đẹp, là ước mơ về cuộc sống bình yên của mỗi người lính, của mỗi người dân Việt Nam trong những năm chống Mĩ. Hình ảnh tiếng gà trưa làm lung linh cả một thế giới trong tâm tưởng, mãi mãi được lưu giữ trong kí ức, như là một ngọn nguồn tình cảm sâu xa của con người đem đến một sức mạnh tinh thần to lớn để chiến đấu cho những mục đích cao đẹp của cuộc đời.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Soạn bài: "Tiếng gà trưa" của Xuân Quỳnh - Theki.vn
  2. Văn bản: Tiếng gà trưa (Ngữ văn 7, Cánh Diều) - Theki.vn
  3. Cảm nhận dòng chảy tình cảm trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.