Hình tượng người nghệ sĩ chân chính Lor-ca trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” của Thanh Thảo.
- Mở bài:
“Đàn ghi ta của lor-ca” là bài thơ xuất sắc in trong tập Khối vuông ru bích (1985) của nhà thơ Thanh Thảo. Qua bài thơ, Thanh Thảo đã khắc họa thành công hình tượng người nghệ sĩ chân chính, người chiến sĩ bất khuất Lor-ca, đem lại cho người đọc những cảm xúc mới mẻ, hết sức đáng trân trọng.
- Thân bài:
Chân dung Lorca – người nghệ sĩ bẩm sinh, người chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho tự do.
Phêđêricô Garxia Lorca (1898 – 1936) là một nhà thơ lớn của Tây Ban Nha thế kỷ XX. Ông còn được biết đến như một nhà soạn kịch, một họa sĩ và nhạc sĩ tài năng. Lorca được mệnh danh là “con chim họa mi của xứ sở Tây Ban Nha. Granada- của sự nghiệp anh, nơi anh sinh ra, nơi anh về để nhận cái chết thảm khốc. “Nếu có ngày, nhờ Trời, tôi được vinh quang, thì vinh quang ấy phân nửa là thuộc về Granada, nơi đã tạc nặn nên cái tạo vật tôi: thi sĩ bẩm sinh không thể cải hồi”.
Có thể hiểu chất nghệ sĩ mà nhà thơ tự nhận là “thi sĩ bẩm sinh” là phần thiên bẩm mà bà Mẹ tự nhiên của mảnh đất và tâm hồn Tây Ban Nha đã ban tặng cho Lorca. Cái chất lãng mạn, bay bổng, đam mê đến cuồng nhiệt của xứ sở bò tót, cùng những điệu nhạc Flamenco phiêu bồng, lãng tử đã sản sinh ra chất nghệ sĩ, chất thơ đắm say trong tâm hồn thơ Lorca. Lorca có một sức quyến rũ lạ lùng “ từ con người anh với phong độ thanh quý, vẻ vui hoạt, đôi mắt u tối nhưng lại tươi cười, nước da màu đồng, giọng nói như đồng “một cái gì như chớp lóe trong thể chất, một năng lượng luôn luôn chuyển động, một niềm vui, một sự bộc phát mãnh liệt, một vẻ trìu mến hoàn toàn siêu việt. Con người anh kì diệu, màu nâu, kêu gọi sự toàn phúc” (Pablo Neruda), đến kì tài ngẫu hững của anh về nhạc, về họa, về sân khấu, về thơ, cả sáng tác lẫn thể hiện (trước khi học văn và luật, Lorca say mê âm nhạc, anh còn là một họa sĩ có nét vẽ duyên dáng, là một người chơi dương cầm đặc sắc.
Hình ảnh Lor-ca được xuất hiện qua các hình ảnh tượng trưng siêu thực. Đó là hình ảnh những tiếng đàn bọt nước không phải ngẫu nhiên Thanh Thảo lấy lại hình ảnh những tiếng đàn để gợi tả Lor-ca. Đàn ghi-ta gắn bó mật thiết với Lor-ca trên những nẻo đường ca hát và sáng tạo, Lor-ca đã viết về cây đàn ghi-ta:
“cây đàn ghi-ta cất tiếng thở than
như cốc rượu ban mai sóng sánh đổ tràn
cây ghi-ta bắt đầu lời ai oán
dỗ nó nín đi phỏng có ích gì
chẳng thể nào làm cây đàn im tiếng
nó van vỉ như dòng nước sâu
thổn thức như gió thở dài trên đỉnh tuyết lạnh băng.
ơi ghi-ta!
trái tim người tư thương dưới năm ngọn kiếm sắc”
Vì thế đàn ghi-ta trở thành biểu tượng cho con đường nghệ thuật, cho khát vọng nghệ thuật cao cả mà ông nguyện phấn đấu suốt đời. Với Lor-ca đàn ghi-ta là sự quyến rũ kì lạ của âm nhạc mà người nghệ sĩ này đã dùng tiếng đàn ghi-ta cất lên lời tranh đấu chống lại chủ nghĩa phát xít.
Đàn ghi-ta còn là tâm hồn Lor-ca, là khí phách kiên cường của người nghệ sĩ yêu tự do, hòa nhịp trái tim mình với quần chúng nhân dân, là biểu tượng cho tình yêu của ông với đất nước của cây Tây Ban cầm. Đàn ghi-ta còn là định mệnh, là linh hồn của người nghệ sĩ. Cho nên ngay từ khi còn trẻ Lor-ca đã linh cảm: khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi-ta.”
Hình ảnh bọt nước đã gắn liền với hình ảnh đàn ghi-ta. Hình ảnh bọt nước gợi sự nhỏ bé mong manh, chìm nổi, phù du. Sự kết hợp những tiếng đàn với bọt nước gợi liên tưởng cho người đọc về cuộc đời của Lor-ca. Cuộc đời của Lor-ca cũng mỏng manh, ngắn ngủi tựa như những bọt nước nổi lên rồi nó lại vỡ tan. Sinh mệnh người nghệ sĩ trong xã hội cũ vô cùng ngắn ngủi.
Lor-ca còn được gợi tả qua hình ảnh “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”. Hình ảnh này gợi liên tưởng tới đấu trường bò tót – một nét đặc trưng của văn hóa Tây Ban Nha. Nhưng ở đây Thanh Thảo không muốn nói tới một đấu trường bò tót mà là một đấu trường chính trị, trong đó Lor-ca là người chiến sĩ đấu tranh cho tự do công lí, là người nghệ sĩ có khát vọng đổi mới nền nghệ thuật già nua Tây Ban Nha.
- Ý nghĩa nhan đề và lời đề từ bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca“
- Cảm nhận khổ thơ 1 bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca (Thanh Thảo)
Thanh Thảo đã chọn hai hình ảnh này khởi đầu cho thi phẩm giống như kiểu tạo âm chữ cho một nhạc phẩm. Chúng là những tương phản kín đáo mà gay gắt đó là sự tương phản giữa âm thanh hồn nhiên với màu sắc chói gắt, tương phản giữa tiếng đàn thảo dân với áo choàng đấu sĩ, tương phản giữa vẻ khiêm nhường với sự ngạo nghễ, giữa niềm hân hoan với nỗi kinh hoàng, giữa nghệ thuật và bạo lực, giữa thân phận bọt bèo với thực tại tàn khốc. Sự đối chọi ấy đã miêu tả đầy sức ám gợi về cả sinh mệnh và sứ mệnh của Lor-ca. Sinh mệnh của Lor-ca rất ngắn ngủi nhưng sứ mệnh của chàng vô cùng cao cả. Và trên cái nền hiện thực tranh chấp đối chọi ấy nổi lên chân dung Lor-ca.
“đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếch choáng
trên yêu ngựa mỏi mòn.”
Các từ láy “lang thang” “đơn độc” “chếch choáng” “mỏi mòn” đã tạo nên bức tranh bi tráng về thân phận người nghệ sĩ trong một thời đại biến động đầy bão táp. Trong không khí ngột ngạt của nền chính trị độc tài trên đất nước Tây Ban Nha, trong sự già nua của nền nghệ thuật đang cần sự cách tân, đổi mới. Chàng trai trẻ Lor-ca một mình một ngựa đi lang thang về miền đơn độc, về những vùng đất làng quê hẻo lánh của đất nước Tây Ban Nha. Với cây đàn ghi-ta chàng hát những khúc ca tư tình mang đậm màu sắc dân gian Tây Ban Nha bày tỏ tình yêu quên hương xứ sở và cổ vũ tinh thần, khát vọng tự do của nhân dân Tây Ban Nha trên hành trình đấu tranh cho công lí, chỉ có tiếng đàn ghi-ta với âm thanh dìu dặt tha thiết: “li la li la li la”
Vẻ đẹp của văn hóa Tây Ban Nha “áo choàng đỏ gắt”, sắc tím dìu dịu của hoa từ đinh hương trên mọi nẻo đường Tây Ban Nha và vầng trăng chếnh choáng cùng chàng trai trẻ phiêu du đơn độc mỏi mòn. Phải chăng những hình ảnh âm thanh sắc màu ấy là vẻ đẹp lung linh của nghệ thuật. Vượt lên trên sự đe dọa của các thế lực bạo tàn là vẻ đẹp lãng du của Lor-ca trên con đường đấu tranh cho tự do và công lí. Nhìn theo góc độ nào cũng vẫn chỉ thấy hành trình của con người tự do và nhà cách tân nghệ thuật mong manh và đơn độc.
Như vậy trong khổ thơ đầu, bằng những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng siêu thực, mang tính biểu tượng đối lập kín đáo kết hợp những từ láy, Thanh Thảo đã phác họa chân dung Lor-ca người chiến sĩ đấu tranh cho sự nghiệp công lí, người nghệ sĩ cô đơn trên hành trình. Tuy nhiên có một điều đáng nói là Lor-ca luôn xuất hiện trên nền của cái đẹp của nghệ thuật, của văn hóa Tây Ban Nha. Một vẻ đẹp lãng mạn và bi tráng.
Lorca là mẫu nghệ sĩ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật nhưng bị giết hại oan khuất.
Từ những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng siêu thực nhưng ẩn chứa những dự cảm về dòng đời mong manh ngắn ngủi của một nghệ sĩ thiên tài. Trong hai khổ thơ tiếp theo Thanh Thảo đã miêu tả cái chết đầy bi phẫn của Lor-ca và khát vọng cách tân nghệ thuật đầy dang dở.
“Tây Ban Nha
hát ngêu ngao
bỗngng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bi điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du”
Cái chết của Lor-ca được miêu tả qua những hình ảnh tả thực đó là hình ảnh áo choàng bê bết đỏ, hình ảnh này có khả năng gợi tả cái chết bi thảm và đẫm máu của Lor-ca vì thế mà tấm áo choàng của chàng ướt đẫm một màu máu. Bọn phát xít Frăng-cô đi bắn hàng loạt súng vào người nghệ sĩ thiên tài, người chiến sĩ đấu tranh cho tự do công lí. Cho nên từ áo choàng đỏ gắt đầy kiêu hãnh chuyển thành áo choàng bê bết đỏ vô cùng đau thương.
Cùng với hình ảnh tả thực ở khổ thơ này ngôn từ trong các dòng thơ này cũng được tình lược đến mức tối đa: Tây Ban Nha (một từ), hát nghêu ngao (hai từ), bóng kinh hoàng (hai từ)…. Câu thơ gọn nhưng nỗi đau thương thì đậm đặc, nhà thơ nhạc sĩ thiên tài Lor-ca đã ngã xuống ngay trên quê hương mình khi mới 38 tuổi, ngã xuống cùng cây đàn ghi-ta huyền thoại của anh. Cái chết của Lor-ca làm chấn động cả đất nước Tây Ban Nha và làm chấn động cả tâm hồn người nghệ sĩ trẻ tuổi Lor-ca bị giết vào lúc không ngờ nhất, khi cả đất nước Tây Ban Nha đang hát vang những khúc ca lãng du phóng khoáng tự do của người nghệ sĩ thiên tài. Và khi Lor-ca đang hát ngêu ngao những bài ca tranh đấu, bọn phát xít đã điệu chàng về bãi bắn, họng súng bạo tàn của bọn phát xít hướng về chàng, tấm áo đẫm ướt một màu máu mà Lor-ca đi như người mộng du như không biết mình bị giết chết hay chàng không để ý tới cái chết.
Đặc biệt trong cấu trúc dòng thơ cả bài thơ có hai lần tên Lor-ca xuất hiện, trong lần thứ hai Lor-ca bơi sang ngang trên chiếc ghi-ta màu bạc – hình ảnh Lor-ca xuất hiện trong những câu thơ siêu thực. Còn trong lần xuất hiện đầu tiên, Lor-ca bị điệu về báo bắn, hình ảnh Lor-ca xuất hiện trong những câu thơ tả thực, so với phần lớn những câu thơ trong bài đây là câu thơ có chủ thể, để cho Lor-ca xuất hiện nhà thơ muốn nhấn mạnh một sự thật buồn đau của quá khứ bạo tàn và hình tượng nhà thơ Tây Ban Nha đấu tranh vì tự do công lí hiện ra rất thực và đầy chất bi tráng.
Như vậy với hình ảnh tả thực, sự tình lược tối đa về mặt ngôn ngữ và để Lor-ca xuất hiện trực tiếp người đọc hình dung rất chân thực về thời điểm bi phân nhất trong cuộc đời Lor-ca. Cái chết của chàng đã tạo nên một niềm đồng cảm xót thương cho cuộc đời người nghệ sĩ trẻ tuổi. Đồng thời gợi lên người đọc lòng căm thù với chế độ phát xít độc tài. Nhưng ngày sau hình ảnh tả thực là những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng siêu thực
“tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn giọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy”
Những hình ảnh này gợi cho ta rất nhiều liên tưởng. Từ những tiếng đàn bọt nước đã trở thành tiếng ghi ta nâu. Màu nâu gợi liên tưởng tới những làn da rám nắng của những cô gái Tây Ban Nha. Nhưng màu nâu còn gợi liên tưởng tới màu của đất đai màu mỡ của quê hương xứ sở.
Cùng với hình ảnh ghi ta nâu là hình ảnh bầu trời cô gái ấy. Bầu trời gợi không gian bao la và cao rộng, nó biểu tượng cho khát vọng tự do. Còn cô gái ấy chính là Mariana, là người yêu của Lor-ca. Trong thời khắc Lor-ca bị bắn chết hướng về tình yêu của mình. Bên cạnh hình ảnh “bầu trời cô gái ấy” còn là “tiếng ghi ta lá xanh biết mấy”. Lúc sinh thời Lor-ca đã viết trong bài “ghi nhớ”:
“bao giờ tôi chết
hãy chôn tôi giữa những cây cam và cây bạc hà tốt lành”
Vậy phải chăng màu lá xanh chính là màu của sự sống bất tận. Cái chết của Lor-ca còn tạo một phản ứng dây chuyền, từ âm thanh trở thành màu sắc, từ âm thanh trở thành hình khối “tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” và cuối cùng thành sự chuyển động “tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy”
Việc kết hợp các danh từ liên kết tiếp bên cạnh nhau qua thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã có khả năng diễn tả cái chết đầy bi tráng của Lor-ca. Mặc dù bị bọn phát xít Frăng có giết hại một cách tàn nhẫn nhưng khi ngã xuống trên quê hương Tây Ban Nha, Lor-ca vẫn hướng về con người, quê hương, tình yêu, sự sống và khát vọng tự do. Điều đó chứng tỏ, bọn phát xít có thể giết chết được Lor-ca những không thể giết chết được tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu đối với con người và sự sống của chàng. Và chúng càng không thể tiêu diệt được khát vọng tự do công lí và nghệ thuật của Lor-ca. Vì thế tiếng đàn ròng ròng máu chảy vỡ ra như nước mắt khóc thương người nghệ sĩ thiên tài. Như vậy cái chết của Lor-ca từ sự bi thảm đã được nâng lên từ màu sắc trữ tình và bi tráng. Niềm sót thương Lor-ca khi những tiếng đàn không được ai tiếp tục.
“không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”
Để diễn tả niềm xót thương Lor-ca Thanh Thảo đã sử dụng nghệ thuật so sánh tiếng đàn với cỏ mọc hoang. Nói tới tiếng đàn là nói đến nghệ thuật Lor-ca, cỏ mọc hoang tượng trưng cho sự sống mãnh liệt và bất diệt. Thủ pháp nghệ thuật so sánh đã diễn tả sâu sắc niềm sót thương trước cái chết của Lor-ca. Sự ra đi của Lor-ca là một tổn thất lớn đối với quá trình cách tân nghệ thuật của đất nước Tây Ban Nha. Khi Lor-ca ra đi quá trình cách tân nghệ thuật ấy đã trở thành dang dở, nền nghệ thuật của Tây Ban Nha đã trở nên loạn nhịp vì thiếu một người nhạc trưởng chỉ huy, dẫn đầu. Vì vậy nghệ thuật của Tây Ban Nha sẽ ra sao. Sự ra đi của Lor-ca để lại một niềm tiếc thương vô bờ bến bởi khi còn sống Lor-ca đã viết: “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”.
Cây đàn là sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của Tây Ban Nha vì thế cây đàn còn có tên gọi khác là Tây Ban Nha cầm. Biết bao thế hệ người dân Tây Ban Nha đã sống và chết với cây đàn ấy. Lor-ca cũng tha thiết yêu quê hương xứ sở, chàng cũng muốn được chôn cùng cây đàn ghi ta để khi về còn lặng yêu chàng vẫn được hát những giai điệu dân ca của dân tộc mình. Nhưng khi Lor-ca bị giết chết, sự thực là chàng đã không được chôn cùng với cây đàn. Điều đó có nghĩa người ta đã không hiểu được tình yêu quê hương xứ sở của chàng.
Với người nghệ sĩ đây là một nỗi đau lớn. Hơn nữa Lor-ca là một người nghệ sĩ thiên tài, là con chim họa mi của xứ sở Tây Ban Nha vì thế Lor-ca muốn người dân Tây Ban Nha hãy chôn vùi tên tuổi của Lor-ca, chôn vùi những khám phá, sáng tạo nghệ thuật của ông để sáng tạo ra một nền nghệ thuật thực sự và vượt lên trên tên tuổi của Lor-ca. Nhưng rất tiếc người ta cũng không hiểu di nguyện của chàng. Vì quá ngưỡng mộ Lor-ca người ta đã đặt chàng lên bệ thờ tên tuổi và sự nghiệp của Lor-ca đã trở thành vật cản đối với những cách tân khám phá sáng tạo của người đời sau. Đó là nỗi đau lớn nhất của người nghệ sĩ chân chính. Hai câu thơ sau nhà thơ Thanh Thảo đã cụ thể hóa niềm xót thương Lor-ca:
“giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”
Câu thơ có sự giao hòa của ánh sáng và màu sắc gợi lên suy tư và liên tưởng nhiều chiều. Có thể hiểu vầng trăng sáng lung linh là giọt nước mắt khổng lồ và giọt nước mắt ấy long lanh tựa như trăng ở đáy giếng. Ta đã từng gặp cách liên tưởng này trong “Nguyệt cầm” của Xuân Diệu.
“Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần
Đàn buồn đàn lặng ôi đàn chậm
Môi giọt nơi tàn như lệ ngân.”
Trong “Nguyệt cầm” Xuân Diệu” đã vận dụng thuyết tương giao của chủ nghĩa tượng trưng siêu thực để cảm nhận sự giao hòa của thiên nhiên mà ở đó trăng hóa thành đàn, ánh sáng của trăng thành sợi dây đàn và giọt âm thanh cũng đồng thời là giọt ánh sáng và giọt lệ. Sự cảm nhận tinh tế của Xuân Diệu về sự tương giao của vạn vật trong trời đất nhằm diễn tả sự cô đơn đến rợn ngợp trong tâm hồn người nghệ sĩ. Còn Thanh Thảo lại cảm nhận sự tương giao màu sắc và ánh sáng để làm nổi bật lên sự xót thương. Vì thế trước cái chết của người nghệ sĩ thiên tài, ánh trăng đã hóa thánh nước mắt.
Tuy nhiên, câu thơ cũng có thể hiểu theo cách thứ hai: ánh sáng của trăng chiếu xuống nơi đáy giếng tạo nên một vẻ đẹp lung linh với niềm xót thương cho cái chết của người nghệ sĩ thiên tài. Thanh Thảo đã tưởng tượng làn nước ấy là những giọt nước mắt mà người đời đã khóc thương Lor-ca. Dù hiểu theo cách nào người đọc có thể cảm nhận được cái chết của Lor-ca đã chạm thấu cả đất trời, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho thiên nhiên, con người, sự sống và niềm tiếc thương ấy là vĩnh cửu. Suy tư về cuộc giải thoát và giã từ của Lor-ca.
“đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc”
Cái chết của Lor-ca để lại một niềm thương tiếc nhưng với Lor-ca đó lại là một sự giải thoát. Thanh Thảo đã suy tư về cuộc giải thoát và giã từ của Lor-ca Thanh Thảo đã sử dụng yếu tố có tính chất tâm linh để chỉ số phận và cái chết bi thảm của Lor-ca “đường chỉ tay đã đứt”. Đường chỉ tay là đường sinh mệnh của con người nhưng đường chỉ tay đã đứt diễn tả số mệnh của Lor-ca vô cùng ngắn ngủi trong dòng sông cuộc đời bao la. Lor-ca đã ra đi rất thanh thản:
“Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc”
Lần thứ hai tên Lor-ca lại xuất hiện nhưng không phải trong đời thường mà trong thế giới siêu thực. Để tên Lor-ca xuất hiện lần này nhà thơ muốn khẳng định rằng thế lực bạo tàn không thể tiêu diệt được anh. Câu thơ có sự xuất hiện của chủ thể nhưng hình tượng Lor-ca bắt đầu nhòe và mờ dần. Nhà thơ ảo hóa hình tượng nhân vật để khẳng định sự bất tử của Lor-ca. Ta có thể hình dung Lor-ca hiện ra trên chiếc ghi ta lấp lánh sắc bạc của tình yêu đã hòa quyện làm nên sắc thái đa dạng tâm hồn. Những thế lực bạo tàn đã giết chết Lor-ca, người nghệ sĩ đấu tranh cho tự do công lí, cho sự cách tân nghệ thuật nhưng không một thế lực bạo tàn nào có thể tiêu diệt được tiếng đàn Lor-ca. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng Lor-ca đã:
“ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt”
Lá bùa của cô gái Di-gan cho chàng để làm vật hộ mệnh nhưng bây giờ “đường chỉ tay đã đứt” lá bùa đâu còn ý nghĩa gì. Chàng ném cả trái tim mình vào lặng yên bất chợt. Những câu thơ siêu thực ấy diễn tả sự ra đi dứt khoát dã từ của Lor-ca. Chàng muốn tự mình giải thoát khỏi những hệ lụy của trần gian để về với cõi vĩnh hằng. Nhưng tiếng đàn ghi ta bất chợt lại ngân lên “li la li la li la”. Tiếng đàn ấy đã hòa nhập với non sông đất nước Tây Ban Nha, vượt qua biên giới và vang vọng trong tim mọi người. Thanh Thảo đã nhiều lần viết về tình yêu cái chết và sự bất tử. Thật đặc sắc qua âm thanh và giai điệu của tiếng đàn:
“anh rung giữa những sợi dây đàn
giữa những dây đàn dòng sông bỗng chảy xiết
và cô gái hiện lên đột ngột
cuốn ta về dòng sông.”
(Những người đi tới biển)
Một lần nữa dư âm của tiếng đàn ghi ta kéo dài sự sống của Lor-ca. Bài thơ khép lại bằng những âm vô nghĩa nhưng chiếm một dòng thơ. Đây là khổ thơ duy nhất chỉ có một dòng: “li la li la li la” đưa Lor-ca vào cõi yên lặng vĩnh hằng.
- Kết bài:
Như vậy qua tác phẩm “Đàn ghi ta của Lor-ca” nhà thơ Thanh Thảo đã xây dưng rất thành công hình tượng người nghệ sĩ chân chính Lor-ca, một người nghệ sĩ chân chính mang khát vọng đổi mới, cách tân nghệ thuật. Một người chiến sĩ khao khát đấu tranh cho tự do công lí nhưng cuộc đời đầy ngang trái bi phẫn. Đó là cuộc đời của con người “nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương”. Cái chết của Lor-ca là một tổn thất lớn với nền nghệ thuật của Tây Ban Nha và để lại niềm tiếc thương muôn đời cho hậu thế. Tuy nhiên người nghệ sĩ ấy sẽ mãi mãi bất tử với những âm thanh giai điệu của tiếng đàn ghi ta.
- Cảm nhận về hình tượng Lorca trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”
- Nghị luận: “Nhà văn chân chính là người suốt đời chỉ truyền bá một thứ tôn giáo: “Tình yêu thương con người”
- Nghị luận: “Không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ. Nhưng một nghệ sĩ không thành thực chỉ là một người thợ khéo tay thôi (…) không có gì đáng bỉ cho một nhà văn hơn là tự dối mình”.