Nghị luận: Không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ. Nhưng một nghệ sĩ không thành thực chỉ là một người thợ khéo tay thôi (…) không có gì đáng bỉ cho một nhà văn hơn là tự dối mình

nghi-luan-khong-phai-cu-thanh-thuc-la-tro-nen-mot-nghe-si-nhung-mot-nghe-si

Một nhà văn không thành thực, không bao giờ trở nên một nhà văn giá trị. Không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ. Nhưng một nghệ sĩ không thành thực chỉ là một người thợ khéo tay thôi” (…) không có gì đáng bỉ cho một nhà văn hơn là tự dối mình”. (Tiểu luận Theo dòng – Thạch Lam)

Làm sáng tỏ ý kiến của Thạch Lam qua một số tác phẩm văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ XX đến Cách mạng tháng 8 năm 1945?


1. Giải thích:

“Thành thực”: Sự thành thật, chân thực trong cảm xúc, cách nhìn, thái độ của nhà văn trước cuộc đời, trước hiện thực khách quan. Đồng thời, nhà văn truyền tải, thể hiện được sự thành thực đó trong ngòi bút của mình, trên trang giấy.

“Không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ”: thành thực là phẩm chất cần có ở người nghệ sĩ nhưng không phải cứ thành thực là sẽ trở thành nghệ sĩ.

“Nghệ sĩ không thành thực”: chỉ là một người thợ khéo tay thôi: Người thợ khéo tay ở đây là nói đến kỹ thuật trong viết văn.

“Tự dối mình”: tự lừa dối chính mình.

→ Ý nghĩa: Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thành thật trong tư cách nghệ sĩ của một nhà văn trong quá trình sáng tạo.

2. Bình luận, chứng minh:

– Quan niệm cho thấy tư duy nghệ thuật sắc bén cũng như nhân cách nghệ sĩ của Thạch Lam, ông thấu hiểu một điều giản dị: muốn là nghệ sĩ đích thực trước hết phải là người thành thật, nghiêm khắc với chính mình rồi sau đó là thành thật, nhân hậu với cuộc đời qua những trang văn. Thạch Lam cũng từng viết: “Cái cần đối với nhà văn, phải biết suy xét tâm hồn mình. Qua tâm hồn ta chúng ta có thể đoán biết được tâm hồn mọi người. Và chỉ khi nào chúng ta hiểu biết được những trạng thái tâm lý của mình một cách sâu sắc, chúng ta mới hiểu biết được trạng thái tâm lý người ngoài”.

– Muốn là nhà văn đích thực thì trước hết cần phải biết chính mình là ai, đã buồn vui cùng cuộc đời như thế nào? Và chỉ có trải nghiệm, trả lời được những câu hỏi như vậy mới mong chia sẻ được buồn vui với cuộc đời, với số phận con người. Đó là chân lý hiển nhiên nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận thấy. Tất nhiên, theo nhà văn sự thành thực chưa đủ cho nghệ thuật, nhưng một nhà văn không thành thực, không bao giờ trở nên một nhà văn có giá trị.

– Ngẫm về hai chữ “thành thực” mà Thạch Lam nhiều lần nhắc đến trong Theo dòng, thiết nghĩ điều này liên quan đến vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực và đặc biệt là cách ứng xử của nhà văn trước vấn đề này. Thạch Lam cho rằng: “Cái gì nhà văn không cảm thấy mà bịa ra, nó vẫn có vẻ một vật thừa, một vật vô ích. Không bao giờ tự cảm thấy đôi lông mày cô thiếu nữ giống như nét xuân sơn mà cứ viết tưởng là hay, nhà văn đó suốt đời chỉ là một người đi vay mượn, một tâm hồn nghèo nàn đem của người khác đi cầm đồ để mua chút danh hão cho mình…”

– Thành thực trong cảm xúc, thành thực trong lối viết là yếu tố đầu tiên làm nên giá trị một nhà văn chân chính, một tác phẩm văn học chân chính.

3. Đánh giá:

– Thành thực là yếu tố đầu tiên, là điều kiện cần cho một nghệ sĩ chân chính. Nó gắn liền với cái tâm của nhà văn. Bên cạnh đó, nhà văn cần phải có tài năng.

– Chân giá trị của người cầm bút: bằng vốn kinh nghiệm sống và năng lực tư duy của mình, người nghệ sĩ có thể tự sáng tạo một hiện thực nghệ thuật mang đầy cá tính. Nhà văn phải tâm huyết, đau đáu với nghề và chỉ khi nào thoát khỏi những cảm xúc sáo mòn, giải phóng tư duy một cách thực sự thì mới mong có những trang viết để đời, những trang viết không bị cằn cỗi, thiếu sức sống.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận: Sáng tác là đem liên tưởng của mình đến với người đọc. Liên tưởng của người đọc bắt gặp được liên tưởng của nhà văn càng nhanh nhạy, càng sâu sắc bao nhiêu thì hiệu quả tiếp n

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.