cam-nhan-suc-manh-cam-hoa-cua-cai-dep-qua-hinh-tuong-nhan-vat-vien-quan-nguc-va-loi-khuyen-cua-huan-cao

Cảm nhận sức mạnh cảm hóa của cái đẹp qua lời khuyên của Huấn Cao và hình tượng nhân vật viên Quản ngục

Cảm nhận sức mạnh cảm hóa của cái đẹp qua lời khuyên của Huấn Cao và hình tượng nhân vật viên Quản ngục.

Có thể nói lời khuyên của người tử tù Huấn Cao sau khi cho chữ quản ngục, “trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà” nơi “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián” đã trở thành điểm sáng nhất trong bức tranh ngục tù tăm tối, có sức mạnh cảm hóa con người. Bởi, làm sao không xúc động, không trân trọng những lời tâm huyết như thế này: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tôì, và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?… Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái ghế này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ớ đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.

Có thể nói cảnh cho chữ trong tác phẩm có vai trò tô đậm hình ảnh và tính cách của nhân vật. Không gian, thời gian như ngưng lại để lời người tử tù đĩnh đạc, cất lên và hóa thành bất tử. Không chỉ là lời khuyên, đó là những nhịp đập bồi hồi của trái tim Huấn Cao – người nghệ sĩ chân chính với quản ngục – kẻ tri âm có “tấm lòng biệt nhỡn liên tài”, “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.

Sang sảng, “đĩnh đạc” mà ấm áp ân tình, Huấn Cao khuyên Quản ngục hãy thay chỗ ở đi, hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Bởi đây, “không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”; bởi “ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”... Lời khuyên hay chính là lời khẳng định dõng dạc cho một chân lí: cái đẹp khồng thể chung sống với cái xấu xa, thấp hèn; con người chỉ có thể thưởng thức được cái đẹp nếu như giữ được bản chất trong sáng? Lời khuyên ấy chỉ có thể phát ngôn từ một con người hết lòng trân trọng, nâng niu cái đẹp, một con người đã qua nhiều suy nghĩ, trải nghiệm trong cuộc đời. Lời dặn dò cuối cùng là lời trăn trối của một đời hào kiệt. Nó không chỉ có sức mạnh cảm hóa với viên quản ngục, với thầy thơ lại, nó còn có ý nghĩa với muôn người. Bởi, đó là những quan niệm đẹp đẽ về cuộc đời, về nghệ thuật mà Nguyễn Tuân gửi gắm qua hình tượng nhân vật Huấn Cao – “quan niệm thống nhất giữa tâm và tài, giữa cái đẹp và cái thiện mà ông gọi là “thiên lương” (Nguyễn Đăng Mạnh).

Nhà văn L.Tônxtôi đã viết: “Chỉ có những tác phẩm nghệ thuật nào truyền đạt được cho mọi người những tình cảm mới mà họ chưa từng được thể nghiệm thì mới là tác phẩm nghệ thuật đích thực”. Nghệ thuật không chỉ cho người ta nhận thức thẩm mĩ mà còn giúp người ta cải tạo cuộc sông theo yêu cầu thẩm mĩ. Tiếng nói của cái đẹp đã hướng dẫn con người, thức tỉnh con người. Không phải là phép thần thông của tiên, của Phật, đưa cái thiện vượt bao gian nan để về bến bờ hạnh phúc, vẹn nguyên cái đẹp trắng trong mà đây là điều kì diệu trong đời thực. Chẳng bạo lực xích xiềng, chẳng đao to búa lớn mà rất gần gũi, thân thương, cái đẹp đã chinh phục lòng người bằng tự bản chất của nó: “Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?…”.

Ta có lầm chăng khi lắng nghe lời tâm tình sâu lắng, thiết tha ấy? Một kẻ tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” chỉ ngày mai là bị giải tới nơi pháp trường. Những lời nói cất lên từ trong “một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhộn, đất bừa băi phân chuột, phân gián…”. Hiện thực khắc nghiệt nhường ấy, những tưởng con người cùng tàn héo đi mà sao thốt ra những tiếng lòng tươi xanh đến thế?

Người bình thường đâu dễ có được cảm xúc như thế, đây lại là một tử tù. Vâng, đúng như vậy! Nhưng đây là kẻ tử tù mang trái tim nghệ sĩ! Ngục tối, cái chết làm sao có thể mang run sợ đến cho Huấn Cao khi ông đang sống với những phút giây thật nhất của lòng mình! Người nghệ sĩ tài hoa say mê với mùi thơm của chậu mực, say đến mê mẩn. Như không biết đến ngày mai… Tưởng như trái tim ông đang rạo rực, bồi hồi. Lời nói như trầm lắng hơn, thiết tha hơn. Thiết tha như hơi thở dập dồn…

Không phải ngẫu nhiên những tiếng lòng ấy lại xen giữa lời khuyên gan ruột của Huấn Cao với quản ngục. Có lẽ chính Huấn Cao cũng không biết mình đang nói gì bởi đó là lời tâm thức. Chỉ Nguyễn Tuân biết điều ấy. Những khoảng trông giữa lời (?…) là tiếng gọi lòng đồng cảm, là nơi hò hẹn của tấm lòng hướng về cái đẹp, cái “thiên lương”. Cùng nhau thưởng thức mùi thơm của mực, họ cùng sống trong những phút giây trong sáng nhất… Ngắn ngủi nhưng không vô nghĩa, không lạc lõng. Phảng phất mà quyến rũ đến không ngờ – hương thơm ấy đă chạm đến nơi sâu nhất của lòng người – làm rung lên những âm thanh tế nhị. Đó chính là sức mạnh chinh phục của nghệ thuật chân chính. Làm nên sức chinh phục ấy là sự đồng hóa của cái tài, cái tâm nghệ sĩ. Nó đã sinh thành ra một sự thật đầy tính lãng mạn – sự thật về những tác phẩm hướng về con người, chinh phục trái tim khôi óc con người bằng ánh sáng kì diệu hướng con người tới thiên lương, gìn giữ bản chất trong sáng nguyên sơ của con người – bản chất lương thiện, bản chất nghệ sĩ. Từ Truyện Kiều (Nguyễn Du) tới Chí Phèo (Nam Cao), văn học dân tộc đã không xa rời chức năng cao cả ấy.

Trở lại với lời khuyên của Huấn Cao, ta sẽ cảm nhận sâu sắc hơn sự chinh phục diệu kì của cái đẹp. Là suy tư trải nghiệm mà cũng là gan ruột, trái tim, lời khuyên giông như ngọn lửa châm vào cành khô, làm bùng cháy lên khát vọng về một sự đổi thay – đổi thay khỏi cái hiện thực trói buộc của cái nghề thất đức, bất lương để trở về quê sống với bản chất lương thiện sẵn có, để được chơi chữ, được sống hết mình với cái đẹp trong sâu thẳm tâm hồn quản ngục. Và rồi: “Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Cái cúi đầu của quản ngục là cái cúi đầu khuất phục trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương. Thêm một lần, ta được chứng kiến cái cúi đầu làm cho người ta cao quý, lớn lao hơn: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Cao Chu Thần)

Ớ đây, vị thế của nhân vật đã hoàn toàn thay đổi. Không phải quản ngục mà chính Huấn Cao – người tử tù hiện lên lồng lộng với lời khuyên sang sảng, đĩnh đạc. Không còn cách ngăn, Huân Cao – quản ngục và thầy thơ lại đã “đỡ nhau, đứng dậy, thực sự hòa đồng… tỏa sáng cho nhau: Lửa đóm cháy rừng rực. Ba người nhìn bức châm rồi lại nhìn nhau…” (Vũ Dương Quỹ). Cái đẹp đã gắn kết con người, đã đặt thiên lương lên trên tù ngục xấu xa, đã làm nên sự chiến thắng của tài hoa, khí phách. Xây dựng được tình huôrig đó, Nguyễn Tuân đã bộc lộ tư tưởng nghệ thuật tiến bộ của mình. Tư tưởng tiến bộ cùng với tài năng sẵn có khiến những trang văn – trang lòng của nhà văn “Cháy lên mà tỏa sáng” (Raxun Gamzatôp).

Từ Vang bóng một thời tới Người lái đò sông Đà, văn Nguyễn Tuân rất bay bổng lãng mạn nhưng là cái lãng mạn bắt nguồn từ hiện thực nên mang ý nghĩa tích cực. Nó hướng con người tới cái đẹp, làm “lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”, nhắc ta tránh xa cái xấu để luôn giữ “thiên lương lành vững”. Nó khiến con người gần gũi gắn bó với nhau hơn trong niềm dam mê cái đẹp. Nó “làm sáng lên những gì vôn đã trong sáng lung linh”, cho ta cách nhìn nhận đánh giá con người trên cơ sở thông nhất của chân – thiện – mĩ. Những điều thánh thiện ấy thể hiện chính trong thế giới nhân vật Nguyễn Tuân. Mỗi hành động của nhân vật đều xuất phát từ cái tâm đẹp đẽ của nhà văn, lấp lánh ánh sáng nhân văn làm rung động lòng người. Hành động Huấn Cao cho chữ quản ngục đã mang thứ ánh sáng huyền diệu đó.

Huấn Cao có tài viết chữ đẹp, nhưng “tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”, “không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Nhưng sau khi hiểu rõ tấm lòng chân thành của viên quản ngục, ông đã cảm động, nói: “thiếu chút nữa ta đi phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Và ông nhận lời cho chữ. Như vậy, uy vũ xích xiềng không làm Huấn Cao sợ mà “tấm lòng trong thiên hạ” đã khiến ông xúc động. “Những tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục và thầy thơ lại đã có sức mạnh để Huấn Cao chấp nhận họ như những kẻ tri kỉ, tri âm” (Vũ Dương Quỹ). Nghĩa là, ông đã coi họ như những người bạn thân thiết của mình. Không dễ dàng có được tình cảm đó, nhất là giữa những người khác nhau hoàn toàn, thậm chí đôì lập về chỗ đứng trong xã hội. Huân Cao tôn trọng họ bởi ông hiểu bản chất tốt đẹp của họ – những kẻ “tôi tớ nhưng tâm hồn không tôi tớ”.

Nhẹ nhàng mà sâu sắc, Nguyễn Tuân cho ta một chân lí để đánh giá con người: “Thân phận không phải là hệ quả của bản chất” (Văn Tâm). Quan niệm nhân sinh ấy mang chiều sâu trí tuệ và tình cảm giúp ta sống nhân ái hơn; và những tác phẩm văn học thể hiện nội dung ấy có giá trị chân chính, làm xúc động lòng người. Phải chăng đó cũng là điểm gặp gỡ của những nhà văn – nhà tư tưởng vĩ đại như V. Huygô {Những người khốn khổ), Đôxtôiépxki (Tội ác và trừng phạt), Nam Cao {Chí Phèo) và Nguyễn Tuân với Chữ người tử tù? Huấn Cao cho chữ “để đáp lại một tấm lòng, để thức tỉnh lương tâm, góp phần định hướng nhân cách, bảo vệ thiên lương cho một người vì hoàn cảnh trớ trêu mà bị đày ải giừa một đông cặn bã”. Là lời nói mà cũng là hành động, mục đích cao cả tự bản thân nó đã là cái đẹp. Cái đẹp là nơi gặp gỡ của những tấm lòng tri kỉ, cái đẹp hướng con người tới thiên lương – hành động.

Huấn Cao cho chữ quản ngục đã nhân mãi nhân mãi cái đẹp – tác phẩm chói ngời vẻ đẹp thẩm mĩ. Nó làm nên sức mạnh kì diệu thay đổi vị thế con người, thể hiện sâu sắc trong cảnh Huấn Cao cho chữ: “…Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực”.

Khoan hãy nói đến tính kịch, đến chất tạo hình và điện ảnh trong đoạn văn rất giàu tính nghệ thuật này. ơ đây, “cả ba nhân vật cùng thăng hoa thành những hình tượng kì vĩ phi thường – xây dựng những cốt cách phi phàm, những “con người khổng lồ” nhưng có khi phải ngụp lặn dưới đáy xã hội; đó cũng là một đặc trưng nổi bật của bút pháp lãng mạn chủ nghĩa nói chung” (Văn Tâm). Nhưng đâu chỉ đơn thuần là một thủ pháp, đó là cả tấm lòng của Nguyễn Tuân. Yêu cái đẹp, tác giả đã bất tử hóa giây phút sinh thành của cái đẹp, bất tử hóa giây phút thiêng liêng – giây phút chuyển giao nhân cách – nhân cách tự do, chuyển giao cái đẹp. Người tử tù đang “dậm tô nét chừ”, đang dồn cả tâm hồn vào những dòng chữ cuối cùng của một đời người – lần cuối cùng khẳng định tài hoa khí phách của mình cho những người tri âm tri kỉ. Quản ngục vì xót xa trước tài năng bị hủy diệt mà xin chữ Huấn Cao. ông đã đạt được sở nguyện. Hạnh phúc được chiêm ngưỡng nghệ thuật thư pháp mà sao nghe lòng cứ rưng rưng.

Xây dựng nhân vật ngục quan đã hết lòng trân trọng, “giữ gìn đến cùng thái độ tôn kính rất mực trước thiên lương và thư pháp kiệt xuất của người tù”… “Nguyễn Tuân như đã cất lèn khúc vãn ca đối với một mảng văn hóa truyền thông mà đến thời Nguyễn chỉ còn vang bóng”. (Văn Tâm). Bất tử hóa văn hóa cổ truyền dân tộc, tác giả đã thể hiện “nỗi xót xa oán hờn thế cục Tây Tàu nhố nhăng đã phạm tội với văn hóa Việt). Thì ra, ý nghĩa sâu xa là ở đó. Thể hiện lòng yêu nước thiết tha kín đáo, đoạn văn rất giàu tính dân tộc. Đồng thời cũng rất giàu sắc thái thẩm mĩ. Tất cả hài hòa đan xen bằng cái TÂM, cái TÀI Nguyễn Tuân. Lớp lớp ý nghĩa trong một hành động, đoạn văn như bông hoa ngát hương cứ nở mãi trong lòng người đọc, làm “sáng lên những cái gì vốn đã trong sáng, lung linh”.

Xây dựng hành động cho chữ quản ngục và lời khuyên của Huân Cao, Nguyễn Tuân đã thể hiện quan niệm về cuộc sông và những quan điểm nghệ thuật tiến bộ của mình – đó là sự thông nhất giữa cái TÂM và cái TÀI, cái ĐẸP và cái THIỆN – cái THIÊN LƯƠNG. Thể hiện tâm niệm của mình bằng nghệ thuật bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ, khắc họa nhân vật – đó là một bằng chứng sông về cái TÂM, cái TÀI Nguyễn Tuân – mang bản sắc Nguyễn Tuân, “người ca sĩ của những vẻ đẹp”. Nó hướng con người tới vẻ đẹp thánh thiện với những chân lí nhân sinh cao cả. Nguyễn Tuân chính là một nhà tư tưởng – tài hoa, một nhà văn chân chính với thế giới quan, nhân sinh quan tiến bộ.

Cái TÂM, cái TÀI của người nghệ sĩ luôn đặt ra với muôn đời. Cái đẹp luôn là đích hướng tới của con người. Và bởi thế, lời khuyên của Huấn Cao sau khi cho chữ quản ngục – tiếng lòng Nguyễn Tuân, “người ca sĩ của những vẻ đẹp” gửi gắm – sẽ còn xanh mãi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang