Cảm nhận tính nhạc trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của nhà thơ Thanh Thảo.
- Mở bài:
Khúc tưởng niệm, khúc tri âm này lại được thể hiện bằng những hình thức rất độc đáo. Bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca có dáng dấp như một khúc tráng ca. Không chỉ thi trung hữu họa, thơ phương Đông đề cao thi trung hữu nhạc xem nhạc như phần hồn của thơ. Véc-len, đại diên của trường thơ tượng trưng phương Tây đòi hỏi thơ trước hết là nhạc. Và Thanh Thảo cũng muốn thơ của mình phỉa là những giao hưởng thơ hay ru-bích thơ. Đàn ghi ta của Lor-ca là thi phẩm rất giàu chất nhạc mà Chu Văn Sơn gọi là một ca khúc thơ.
- Thân bài:
Tính nhạc trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca thể hiện ngay tên của thi phẩm. “Đàn ghi-ta của Lorca” cũng đã gợi chất nhạc rồi. Tính nhạc trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” cũng thể hiện rất đặc sắc qua nhịp điệu câu thơ. Không phải ngẫu nhiên, bài thơ lại mở đầu bằng câu:
“Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”
Như một thứ chủ âm cho một nhạc phẩm. Và chạy dọc theo chiều dài bào thơ, liên tiếp gọi những âm thanh của một nhạc phẩm:
“Hát nghêu ngao…
Tiếng ghi ta nâu…
Tiếng ghi ta là xanh…
Tiếng ghi ta tròn…
Tiếng ghi ta ròng ròng…
Tiếng như cỏ mọc hoang…”
Phép diệp này chạy suốt bài thơ vẫn dẫn dắt mạch thơ vừa liên kết các khổ thơ vừa tạo nên độ luyến láy của một bản nhạc. Thú vị và bất ngờ nhất là Thanh Thảo đã cấy, đã khảm, đã chạm khắc khuôn nhạc vào mạch thơ chuỗi âm thanh: “li-la li-la li-la”. Nó như một cú vê ghi-ta của nhạc công khi đệm cho người hát ca khúc. Chuỗi âm thanh ấy mở đầu – có ý nghĩa như phần dạo đầu – đánh dấu khoảng ngắt cho người hát bắt đầu trình diễn ca khúc. Rồi chuỗi âm thanh đó lại khép lại bài ca: “li-la li-la li-la”. Nó tựa như tiếng đàn cuối cùng tạo dư âm khi lời hát đã ngừng. Nó có ý nghĩa như khúc ca của Thanh Thảo tiễn Lor-ca đi vào bất tử.
Tính nhạc trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” thể hiện qua hình tượng thơ. Không phải ngẫu nhiên, Thanh Thảo lại dụng công tạo cho bài thơ có dáng dấp một ca khúc. Lor-ca, một thi sĩ lớn, kiêm nhạc sĩ, Lorca thường đi khắp xứ sở như một gã Di – gan đơn độc mà hát lên những bài thơ của mình. Ông được xem như là con họa mi Tây Ban Nha. Cho nên khi viết về Lorca mà dùng hình thức ca khúc thì thật chẳng những gợi hình ảnh Lorca mà còn hợp người, hợp lời tạo sự hòa hợp giữa nội dung và hình thức. Có như vậy mới đáng gọi là tri âm.
Chất nhạc ấy nảy sinh, bắt nguồn từ đâu? Theo Thanh Thảo, chính nhạc trong nhiều bài thơ của Lorca đã dẫn dắt tôi viết bài thơ này. Nhưng cần nói thêm, chất nhạc đó còn vang lên từ tâm hồn thơ Thanh Thảo khi ông muốn cất lên lời ca để ca ngợi nhà thơ Tây Ban Nha vĩ đại này. Sự hòa trộn, vang hưởng của hai nguồn nhạc trên đã làm nên một khúc thơ độc đáo. Chất nhạc này thực sự đã tạo nên một hình tượng thơ. Tiếng đàn đầy sức ám ảnh. Nó đã biểu tượng cho nghệ thuật của Lor-ca và cũng là lời ca ngợi của Thanh Thảo trước một vĩ nhân.
Những thi ảnh mà Thanh Thảo sử dụng trong bài thơ này đều là những hình ảnh còn đọng lại trong tâm trí của Thanh Thảo sau khi nhà thơ đọc thơ Lorca (qua bản dịch của Hoàng Hưng) và những tác phẩm của Hê-minh-uê viết về đất nước Tây Ban Nha (dĩ nhiên đã được cải biến).
Những hình ảnh thơ lãng đãng, mơ hồ, mờ ảo ấy đọc kĩ lai thấy chúng gắn kết một cách vô thức với xứ sở Tây Ban Nha, dường như gần xa ám ảnh với cuộc đời, số phận, cái chết của Lorca. Và kì diệu thay, với những thi ảnh này, hình tượng Lor-ca hiện lên đậm nét như một thứ tượng đài mà Thanh Thảo dựng lên trang thơ để tưởng niệm ông. Không chỉ có vậy, cái độc đáo của bài thơ này là cách xử lý hình ảnh của Thanh Thảo xử lí ít nhiều nhuốm màu tượng trưng và siêu thực nhà thơ đã sử dụng thành thạo phép tương giao: Ví dụ: Tiếng đàn bọt nước).
Những hình ảnh thơ ấy được sử dụng như những biểu tượng bộc lộ suy ngẫm và cảm xúc của tác giả: ví dụ:
“Đường chỉ tay đã đứt
Dòng sông rộng vô cùng”
Những hình ảnh ấy lại được viết theo lối nghệ thuật sắp đặt:
“Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng”
Giữa chúng chẳng có quan hệ từ – tạo những khoảng trống để bạn đọc liên tưởng, tưởng tượng, đồng sáng tác với độc giả, tạo nên những ý nghĩa lấp lánh phong phú. Hay nói cách khác, Thanh Thảo đã xử lí thi ảnh rất gần gũi với cách thể hiện nghệ thuật của Lorca. Học tập Lorca để viết về Lorca đúng là tri kỉ, tri âm.
- Kết bài:
Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình. Mới đọc, người đọc bị choáng ngợp bởi chất nhạc của bài thơ, nhưng đọc kĩ ta lại thấy bài thơ được tổ chức, phát triền trên cái trục thống nhất – mang tên tự sự và trữ tình. Nó thể hiện ở kết cấu thi phẩm. Sự kết hợp này còn lặn cả vào từng ngôn từ, từng hình ảnh thơ, từng ý thơ. Cho nên, đọc Đàn ghi ta của Lorca khiến người ta nghĩ đến những bài thơ điếu, thơ viếng và cả văn tế trong văn học ở nước ta. Nó giúp ta nghĩ Thanh Thảo dù có cách tân, học tập thơ phương Tây nhưng cái gốc vẫn là nhà thơ phương Đông.
Cảm nhận hình tượng tiếng đàn trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca