Cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên mùa xuân trong 2 đoạn thơ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

cam-nhan-ve-dep-cua-thien-nhien-mua-xuan-trong-2-doan-tho-dau-bai-tho-mau-xuan-nho-nho-cua-thanh-hai

Cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên mùa xuân trong 2 đoạn thơ đầu bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”

(Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)

Cảm nhận vẻ đẹp của đoạn thơ trên. Từ đó hãy liên hệ với một khổ thơ hoặc đoạn thơ có miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân mà em biết để thấy điểm gặp gỡ giữa những tác giả khi viết về nội dung này.


  • Mở bài:

Thanh Hải quê ở Thừa Thiên – Huế, là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam từ những ngày đầu. Ông nổi bật với hồn thơ chân chất, binh dị, đôn hậu và chân thành. Bài thơ được viết năm 1985 ”, khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh và không bao lâu trước khi ông qua đời. Lúc này, đất nước đã thống nhất, đang xây dựng cuộc sống mói với muôn ngàn khó khăn, thử thách. Nổi bậc trong bài thơ là vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên tươi xanh, tràn trề sức sống và lòng tin tưởng của nhà thơ về tương lai đất nước được thể hiện rõ qua 2 đoạn thơ đầu bài thơ.

  • Thân bài:

Bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải được vẽ bằng những hình ảnh, màu sắc, âm thanh hài hòa, sống động, tràn đầy sức sống. Trên gam màu xanh của dòng sông thơ mộng, nổi bật lên một sắc hoa tím biếc bình dị. Không gian mùa xuân rộng mở tươi tắn với hình ảnh một dòng sông trong xanh chảy hiền hoà. Cái màu xanh ấy phản ánh được màu xanh của bầu trời, của cây cối hai bên bờ, cái màu xanh quen thuộc mà ta có thể gặp ở bất kì một con sông nào ở mọi miền đất nước.

Bức tranh mùa xuân không chỉ hài hòa, tươi mát về sắc màu mà còn rộn ràng tiếng chim hót trong veo mở ra một không gian cao vời và trong lành, báo hiệu mùa xuân về, khiến bức tranh xuân thêm sinh động, trong trẻo, đầy sức sống và lòng người thêm náo nức, say sưa, ngây ngất.

Thiên nhiên, nhất là mùa xuân vốn hào phóng, sẵn sàng trao tặng con người mọi vẻ đẹp nếu con người biết mở rộng tấm lòng. Thanh Hải đã thực sự đón nhận mùa xuân với tất cả sự tài hoa của ngòi bút, sự thăng hoa của tâm hồn. Nhà thơ lặng ngắm, lặng nghe bằng cả trái tim xao động, bằng trí tưởng tượng, liên tưởng độc đáo

Vẻ đẹp và sực sống của mùa xuân đất nước: từ cảm hứng về mùa xuân thiên nhiên, tác giả đã liên tưởng đến mùa xuân đất nước với một niềm tự hào, xúc động thiêng liêng về lịch sử bốn nghìn năm dẫu “vất vả và gian lao” nhưng vẫn lấp lánh, trường tồn, bất diệt. Hình ảnh đất nước nổi bật với không khí náo nức, khẩn trương khi bước vào mùa xuân mới vừa bảo vệ vừa dựng xây Tổ quốc. Hai nhiệm vụ ấy đặt nặng lên vai của “người cầm súng” và “người ra đồng”, những người đã gieo mùa xuân, bảo vệ mùa xuân, tạo nên sức sống mùa xuân trên mọi miền đất nước.

Thể thơ năm chữ nhẹ nhàng, tha thiết, mang âm hưởng gần gũi với dân ca; giọng điệu có sự biến đổi phù họp với nội dung từng đoạn, kết hợp hài hòa giữa những hình ảnh tự nhiên, giản dị và những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát, ngôn ngữ thơ trong sáng, gợi tả, gợi cảm, phát huy triệt để giá trị các hình thức điệp và biện pháp tu từ.

Liên hệ với đoạn thơ đầu trong đoạn trích Cảnh ngày xuân ( trích Truyện Kiều của Nguyễn Du).

“Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa)”

Đoạn thơ khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên tuy đã vào cuối xuân nhưng vẫn đầy sức sống, mới mẻ, tinh khôi, sống động với thảm cỏ xanh non mượt mà trải rộng, điểm xuyết một vài cành hoa lê trắng đẹp tươi, thanh khiết. Cả không gian xuân hiện lên khoáng đạt, trong trẻo với màu sắc hài hòa tuyệt diệu.

Hai câu thơ đầu vừa gợi tả thời gian, vừa gợi tả không gian mùa xuân vừa tả không gian: ngày xuân, chim én bay đi bay lại,chao liệng như thoi đưa; vừa gợi thời gian: ngày xuân trôi nhanh quá, tựa như những cánh én vụt bay trên bầu trời. Câu thơ thứ hai vừa gợi thời gian: chín chục ngày xuân mà nay đã ngoài sáu mươi ngày (tức là đã qua tháng giêng, tháng hai và đã bước sang tháng ba); vừa gợi không gian: ngày xuân với ánh sáng đẹp, trong lành (thiều quang)

Hai câu thơ sau là một bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân với hai sắc màu xanh và trắng. Không gian mở ra một không gian bát ngát, thảm cỏ non trải rộng đến tận chân trời làm nền cho bức tranh xuân. Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng. Không gian như thoáng đạt hơn, trong trẻo, nhẹ nhàng và thanh khiết hơn.

Mùa xanh của cỏ non và sắc trắng của hoa lê làm cho màu sắc có sự hài hòa tới mức tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, tràn trề sức sống (cỏ non); khoáng đạt, trong trẻo (xanh tận chân trời); nhẹ nhàng, thanh khiết (trắng điểm một vài bông hoa). Bằng một vài nét chấm phá, Nguyễn Du đã phác họa nên một bức tranh xuân sinh động, tươi tắn và hấp dẫn lòng người.

Hai đoạn thơ đều miêu tả vẻ đẹp mùa xuân tràn đầy sức sống với không khí nhộn nhịp, xôn xao. Nếu Thanh Hải lấy ánh sáng để mở ra không gian cao thoáng rộng thì Nguyễn Du lại vẽ nên một không gian xanh đến vô tận. Nếu cánh chim trong thơ Thanh Hải rộn ràng tươi vui thì cánh chim trong thơ Nguyễn Du tuy âm thầm nhưng là tín hiệu của mùa vui. Nếu Thanh Hải chuộng hoa tím mộng mơ thì Nguyễn Du lại vận hoa trắng tinh khiết. Mỗi nhà thơ đã có một điểm nhìn khác nhau nhưng đều hướng đến phơi bày ra sức sống của thiên nhiên và lòng người. Điều này giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn về giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, cũng như thấm thìa hơn tình cảm của tác giả thể hiện trong bài thơ.

  • Kết bài:

Dù trong những giờ phút cuối của cuộc đời, Thanh Hải vẫn tươi vui. Ông như con chim nhỏ cất lên tiếng thơ ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi sự hi sinh của nhân dân miền Nam và khẳng định niềm tin vào chiến thắng của cách mạng. Có thể nói cuộc đời ông đã cống hiến trọn vẹn cho đất nước, cho quê hương. Tình cảm ấy mãi mãi được con người trân trọng và ngợi ca.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.