cam-nhany-nghia-ba-kho-tho-cuoi-bai-tho-dan-ghi-ta-cua-lorca

Cảm nhận ý nghĩa 3 khổ thơ cuối bài thơ Đàn ghi ta của Lorca

Cảm nhận ý nghĩa ba khổ thơ cuối bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”

(………..)

“không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng

đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi-ta màu bạc

chàng ném lá bùa cô gái di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt

li-la li-la li-la…”

(Đàn ghi ta của Lor-ca)


Bài làm:

Với thủ pháp nghệ thuật so sánh và liên tưởng, Thanh Thảo đã làm sống dậy một không gian sinh tồn đầy sức sống mãnh liệt:

“không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng

Không ai chôn cất tiếng đàn hay không ai có thể chôn cất được tiếng đàn? Có lẽ nên hiểu theo cách thứ hai. Thứ nhất bởi nó là di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm của tinh thần được kết tinh từ hương sắc cuộc đời của người nghệ sĩ nhân dân. Thứ hai bởi sức sống mãnh liệt và hoang dại của nó như loài cỏ mọc hoang không gì có thể ngăn nổi chúng. Đây chính là sự bất tử, sự vĩnh hằng của nghệ thuật. Dù Lorca hi sinh nhưng sản phẩm tinh thần mà ông để lại đó chính là tâm hồn mình, nghệ thuật của mình.

Những bài ca tranh đấu của L vẫn đồng hành cùng thời gian và đi cùng năm tháng thăng trầm của lịch sử và nó mãi mãi được hát vang trong lòng của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Hình ảnh cỏ mọc hoang cũng có thể hiểu sau khi Lorca chết, nền nghệ thuật của đất nước Tây Ban Nha không có người dẫn đầu nên nó như cỏ mọc hoang. Như vậy ta mới hiểu hết được vai trò của người nghệ sĩ tiên phong trong cuộc cách tân, đổi mới nền nghệ thuật Tây Ban Nha của Lorca và sự ngưỡng mộ của Thanh Thảo và nhân dân Tây Ban Nha đối với nghệ sĩ anh hùng này.

Nếu liên hệ câu thơ này với lời đề từ của bài thơ: Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn thì ta thấy rằng tâm nguyện của Lorca chưa được thực hiện nên có một cảm giác chua xót. Bởi hậu thế không dám chôn cất tiếng đàn của Lor-ca, những đổi mới nghệ thuật nên đã vô hình chung đã chôn vùi những cách tân đổi mới của Lor-ca.

Cả hai nét nghĩa tồn tại đồng thời trong câu thơ này mà không hề đối lập. Vì nó mang quy luật của cuộc sống: quy luật phủ định. Vì sự sống là đổi mới không ngừng đổi thay. Nhưng nó không phủ định hoàn toàn mà là sự kế thừa và phát triển. Phủ định nhưng không xóa bỏ, vượt qua nhưng không lãng quên.

Tính gián đoạn của câu thơ thể hiện đậm nét. Các liên kết trong câu thơ bị xóa mờ, như một đặc điểm của thơ tượng trưng, siêu thực. Nhà thơ không chỉ đảo lộn thi pháp mà còn đảo lộn cả ngữ pháp bởi ta có rất nhiều cách kết hợp từ ngữ trong hai câu thơ trên:

giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng

Giọt nước mắt vầng trăng long lanh trong đáy giếng hoặc giọt nước mắt long lanh vầng trăng trong đáy giếng. Không chỉ bất tử, tiếng đàn của chàng ca sĩ hát rong còn mang vẻ đẹp của giọt nước mắt vầng trăng. Một hình ảnh mang nhiều liên tưởng gợi nhiều thi vị. Phải chăng đó chính là vẻ đẹp của nghệ thuật được kết tinh từ những giọt mồ hôi, từ máu và nước mắt của sự lao động nghệ thuật chân chính qua bao thời gian công sức đã nhào nặn thành viên ngọc lấp lánh mang hình hài của giọt nước mắt vầng trăng tinh khiết. Hay đó chính là vẻ đẹp của cuộc đời Lor-ca đã hóa thân thành viên ngọc quý lung linh tỏa sáng giữa đời.

Bất ngờ thay, nơi đáy giếng tối tăm và lạnh lẽo, nơi mà bọn phát xít ngỡ tưởng đã vùi lấp được linh hồn và thể xác của người công dân L, lại là nơi tỏa sáng tâm hồn anh. Trước sự ra đi của Lorca, trước những công lao của Lorca thì nhân dân Tây Ban Nha, và hậu thế cũng như nhân dân tiến bộ trên thế giới đã, đang và sẽ khóc thương Lorca.

Ở khổ cuối của bài thơ, Thanh Thảo đưa người đọc vào thế giới suy tư về sự giải thoát của Lorca:

“đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi-ta màu bạc

chàng ném lá bùa cô gái di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt”.

Hai khổ thơ tiềm ẩn những hình ảnh mang sắc thái tương phản đậm nét. Đối lập giữa đường chỉ tay đã đứt với dòng sông rộng vô cùng như số phận con người ngắn ngủi với cuộc đời mênh mông. Đối lập lá bùa với xoáy nước gợi lên sự may mắn, hi vọng với nỗi kinh hoàng, bất hạnh. Đối lập giữa tim mình với lặng yên thể hiện tình yêu và sự sống với tịch mịch, hư vô của cõi chết. Tất cả như một lần nữa khẳng định một cuộc đời, sinh mệnh ngắn ngủi của một con người, hay của chính L trước sự khắc nghiệt của định mệnh.

Khi cuối cùng chàng nghệ sĩ của chúng ta đã dừng bước giang hồ trước dòng sông của định mệnh và chủ động trước số phận cuộc đời khi đường chỉ tay đã đứt. Sinh mệnh chấm dứt. Chàng rũ bỏ mọi hệ lụy trần gian để trở về cõi vĩnh hằng. Dòng sông vô hình dung là dòng sông cuộc đời, dòng sông của số phận và cũng là đường ranh giới ngăn cách giữa sự sống và cõi chết. Trên dòng sông ấy, Lorca đang bơi sang ngang cùng di vật đàn ghi-ta. Màu bạc của cây đàn là sự biến ảo từ màu nâu trầm tĩnh sang xanh thiết tha hi vọng và cuối cùng là màu của sự hư ảo trong cõi siêu sinh. Lorca đang bơi trên con thuyền thi ca mà cây đàn chính là con thuyền bàng bạc chở tình yêu và nỗi nhớ của chàng đang trôi dần vào bến bờ bất tử. Chàng dứt khoát rũ bỏ mọi hệ lụy trần gian ném lá bùa vào xoáy nước, ném trái tim vào cõi lặng yên.

Xoáy nước là cuộc tranh đấu hay sự hiểm nguy trên dòng sông của định mệnh ? Cõi lặng yên phải chăng là phút giây mà trái tim người nghệ sĩ ngừng đập? Có lẽ ta không cần phải lí giải về nó. Bởi L đã về nơi an nghỉ cuối cùng. Chỉ còn vang vọng nơi đây âm vọng của tiếng đàn li-la, li-la, li-la như bản nhạc thiết tha, thấm đẫm hương thơm của loài hoa Lila – tử đinh hương đưa người nghệ sĩ, chiến sĩ về với cõi vĩnh hằng với bao niềm tiếc thương vô hạn:

“Khi nào tôi chết hãy vùi thây tôi
cùng với cây đàn dưới lớp cát hàng bạch dương Khi nào tôi chết
hãy vùi thây tôi giữa rặng cây cam và đám bạc hà.
Khi nào tôi chết
hãy vùi thây tôi, tôi xin các người đó, nơi một chiếc chong chóng gió”

Có lẽ ở một nơi nào đó, chàng nghệ sĩ nhân dân đang được sống giữa những sự yên vui và đầy ánh nắng của tự do nơi đó không có bạo tàn và chết chóc.

  • Kết bài:

Ba khổ thơ cuối bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca đã rất thành công khi tạo dựng một tượng đài Lorca bằng ngôn ngữ của thơ và âm nhạc. Với lối thơ không viết hoa đầu dòng, cảm xúc liền mạch, Thanh Thảo đã mang đến cho người đọc một mĩ cảm hiện đại giàu tính sáng tạo. Sự trộn lẫn giữa trường phái tượng trưng siêu thực và sức sáng tạo của Thanh Thảo đã cho ra đời một tuyệt bút đầy ngẫu hứng giàu chất nhạc. Trên hết là nhà thơ đã mang đến cho người đọc một tình yêu vô bờ bến đối với nhà thơ nhân dân chống phát xít bạo tàn. Bất kỳ một cuộc chiến nào cũng có người chiến thắng và kẻ bại trận nhưng những người biết hi sinh vì mọi người luôn luôn là người anh hùng với chiến thắng vĩ đại nhất. Gac-xi-a Lor-ca là một người như thế.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang