cau-hoi-tu-tu

Câu hỏi tu từ

1. Khái niệm

Câu hỏi tu từ là câu hỏi không nhằm mục đích tìm kiếm câu trả lời mà được sử dụng để nhấn mạnh nội dung người nói, người viết muốn gửi gắm.

– Tùy vào mục đích giao tiếp của người hỏi, hoặc dụng ý nghệ thuật trong văn học mà câu hỏi tu từ có thể biểu đạt, hay tượng trưng cho một ý nghĩa nhất định nào đó.

Ví dụ:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

(Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử)

2. Nhận biết đặc điểm của câu hỏi tu từ

– Câu hỏi tu từ có đầy đủ hình thức của một câu nghi vấn và luôn có dấu chấm hỏi để kết thúc một câu.

– Câu hỏi tu từ được sử dụng nhằm khẳng định, hoặc nhấn mạnh nội dung, ý nghĩa nào đó mà người nói hoặc người viết muốn biểu đạt đến người khác.

– Thông tin được truyền đạt phải dễ hiểu, dễ tiếp thu đối với người đọc, người nghe.

– Thông tin luôn mang ý nghĩa tượng trưng cho một vấn đề nào đó.

– Được dùng theo cách nói ẩn dụ, nhằm thể hiện sắc thái biểu đạt.

– Có thể mang hàm ý phủ định với nội dung được người nói, người viết nhắc đến trong câu.

3. Tác dụng của câu hỏi tu từ

– Nhấn mạnh nội dung, thông tin mà người nói hoặc người viết muốn biểu đạt.

– Giúp cho câu văn trở nên sinh động, hấp dẫn và trực quan hơn. Giúp tăng hiệu quả diễn đạt nội dung, làm cho sắc thái ý nghĩa trong câu trở nên đa dạng và phong phú hơn.

– Thu hút sự chú ý và tập trung của người nghe, người đọc vào cuộc đối thoại, hoặc câu văn.

4. Phân loại câu hỏi tu từ

Câu hỏi tu từ gồm 2 dạng:

– Câu hỏi tu từ mang nghĩa khẳng định: Được sử dụng để khẳng định lại mệnh đề đã được nhắc đến trước đó, đồng thời nhấn mạnh lại nội dung, ý nghĩa mà người viết muốn truyền đạt.

– Câu hỏi tu từ mang nghĩa phủ định: Có thể không chứa những từ phủ định như: không, chưa… Nhưng chúng vẫn mang ý nghĩa tương phản, đối lập, phủ định mệnh đề được nhắc đến trong câu/đoạn.

5. Phân biệt câu hỏi tu từ và câu nghi vấn

a. Câu hỏi tu từ:

– Loại câu hỏi được dùng nhiều trong văn học – nghệ thuật nhằm mục đích khẳng định lại, nhấn mạnh hơn nội dung mà tác giả muốn gửi gắm qua câu hỏi ấy.

– Về chủ thể, người nêu câu hỏi có thể xác định được, nhưng không xác định rõ ràng người được hỏi là ai.

b. Câu nghi vấn:

– Câu hỏi nhằm mục đích làm sáng tỏ một nội dung nào đó, người hỏi mong muốn nhận được câu trả lời từ người được hỏi.

– Về chủ thể, có ít nhất hai chủ thể – người hỏi và người được hỏi – thường là trực tiếp (người hỏi nêu câu hỏi, người được hỏi nghe câu hỏi và trả lời), hoặc gián tiếp qua công cụ nào đó (qua thư, qua tin nhắn,…) Câu nghi vấn thường được dùng trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày.

»»»Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang