cau-truc-tuong-phan-doi-lap-trong-tac-pham-van-hoc

Cấu trúc tương phản, đối lập trong tác phẩm văn học.

Cấu trúc tương phản, đối lập trong tác phẩm văn học.

Tác phẩm văn học tồn tại cụ thể qua văn bản ngôn từ, có một cấu trúc vô cùng chặt chẽ, sinh động gồm nhiều yếu tố với nhiều cấp độ và nhiều quan hệ khác nhau. Theo Roman Ingarden: “Đặc trưng cấu trúc cơ bản của tác phẩm văn học là nó được xây dựng từ nhiều lớp không thuần nhất (lớp ngôn ngữ, lớp nghĩa, lớp các sự kiện được mô tả, lớp cảnh tượng sơ lược). Giữa các lớp có quan hệ gắn bó với nhau, mỗi lớp mang những chất lượng giá trị đặc biệt theo cách của nó, và trong tổng thể của chúng hình thành chất lượng thẩm mĩ chung cho tác phẩm. Đó là sự đa thanh hài hòa”. Ở phương diện này, người ta chú ý nghiên cứu các mối quan hệ: giữa yếu tố với chỉnh thể, giữa lựa chọn và kết hợp, giữa bổ sung và đối lập, giữa nội dung và hình thức.

Quan hệ bổ sung và đối lập là quan hệ phản ánh rõ nhất bản chất của đời sống nên cũng rất phổ biến trong tác phẩm văn học. Quan hệ bổ sung và đối lập được biểu hiện rất đa dạng. Bổ sung có hai dạng cơ bản là song hành và trùng điệp. Còn quan hệ đối lập thì thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau: đối lập trong hình tượng toàn tác phẩm; đối lập trong hình tượng nhân vật; đối lập trong câu, trong cách dùng từ ngữ,…

Trong bản chất của cuộc sống, mọi thứ đều tồn tại trong mối quan hệ đối lập và bổ sung. Đó là quy luật của triết học. Vận dụng triết học vào nghiên cứu văn học, dựa vào lý thuyết mô hình hóa, người ta xem văn học như là một loại mô hình về hiện thực, có những quy luật trong cấu trúc hình tượng. Trong đó, cấu trúc đối lập trở nên rất phổ biến.

Trong thơ, đối lập trở thành cấu trúc cơ bản của toàn bài thơ, của tứ thơ: “Sóng” (Xuân Quỳnh), “Qua nhà” (Nguyễn Bính), “Vi mô và vĩ mô” (Trần Mạnh Hảo), “Có gì đâu” (Trần Ninh Hồ), Thời gian (Văn Cao),…

Trong truyện, đối lập cũng là cấu trúc cơ bản tạo nên mâu thuẫn, xung đột ở mọi phạm vi của tác phẩm, từ cốt truyện đến nhân vật, tính cách,… Chẳng hạn như trong:

– “Chí Phèo” (Nam Cao): có sự đối lập giữa khát vọng chính đáng với thực tế xã hội vô nhân đạo, giữa nhân tính với thú tính, giữa ý thức và vô thức, giữa say và tỉnh.

– “Dưới bóng hoàng lan” (Thạch Lam): có sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa bên trong và bên ngoài cánh cổng gỗ của khu vườn êm ả. Phía ngoài cánh cổng là một thế giới ồn ào, phồn tạp, nắng nôi; bên trong là bầu không khí mát rượi thoảng mùi hương để ta lắng nghe những rung động tinh vi của tâm hồn và sự sống.

“Bước qua lời nguyền” (Tạ Duy Anh) có sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại, giữa hận thù và tình yêu, giữa lí trí và tình cảm,…

– “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam) có sự đối lập giữa bóng tối và ánh sáng, giữa hình ảnh đoàn tàu với cuộc sống phố huyện; giữa tĩnh và động; giữa quá khứ với hiện tại; giữa thực tại và ước mơ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang