dac-diem-va-tinh-chat-cua-tiep-nhan-van-hoc

Đặc điểm và tính chất của tiếp nhận văn học

Đặc điểm và tính chất của tiếp nhận văn học.

1. Tiếp nhận là giai đoạn cuối cùng của quá trình sáng tác.

Nếu ví tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần của nhà văn, nhà văn phải thai nghén, mang nặng, đẻ đau thì hoàn thành văn bản tác phẩm chỉ ứng với lúc đứa con được sinh ra, đứa con chào đời. Còn sự sống, cuộc đời, số phận của nó như thế nào là chưa nói đến. Số phận đứa con sẽ được định đoạt như thế nào là tùy thuộc vào nó và xã hội chung quanh. Số phận của tác phẩm nghệ thuật như thế nào là tùy thuộc vào nó và người tiếp nhận nó. Chỉ đến khi được người đọc tiếp nhận thì hoạt động sáng tạo nghệ thuật mới hoàn tất. Một tác phẩm nghệ thuật được viết xong nhưng nằm im trong ngăn kéo của nhà văn hoặc không được ai đoái hoài tới thì chưa phải là tác phẩm nghệ thuật thực sự. Sơ đồ của quá trình sáng tác – giao tiếp của văn chương như sau: Nhà văn – Tác phẩm – Bạn đọc.

Như vậy, có ba giai đoạn của quá trình sinh tồn sản phẩm văn chương: Giai đoạn một là giai đoạn hình thành ý đồ sáng tác, giai đoạn hai là giai đoạn sáng tác. Ðây là giai đoạn ý đồ sáng tác cộng với tài năng sáng tạo được vật chất hóa trong chất liệu ngôn ngữ, thành tác phẩm. giai đoạn ba là giai đoạn tiếp nhận của bạn đọc. Ðây là giai đoạn văn bản tác phẩm thoát ly khỏi nhà văn để tồn tại một cách độc lập trong xã hội, trong từng người đọc.

2. Tiếp nhận văn học là một quá trình giao tiếp.

Tiếp nhận văn học là một quá trình giao tiếp. Sự giao tiếp giữa tác giả và người tiếp nhận là mối quan hệ giữa người nói và người nghe, người viết và người đọc, người bày tỏ và người chia sẻ, cảm thông. Bao giờ gười viết cũng mong người đọc hiểu mình, cảm nhận những điểu mình muốn gửi gắm, kí thác. Cao Bá Quát từng nói: “Xưa nay , nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình, mà cái khó ở đời không gì bằng sự gặp gỡ. Gặp gỡ, đồng điệu hoàn toàn là điều vô cùng khó khăn. Song dẫu không có được sự hoàn toàn, tác giả và người đọc thường vẫn có được sự tri âm nhất định ở một số khía cạnh nào đó, một số suy nghĩ nào đó.

Đọc Truyện Kiều, người không tán thành quan điểm “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” của Nguyễn Du vẫn có thể chia sẻ với ông nỗi đau nhân thế; người không bằng lòng với việc tác giả để cho Từ Hải ra hàng vẫn có thể tâm đắc với những trang ngợi ca người anh hùng “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”…

3. Tính khách quan của tiếp nhận văn học.

Tiếp nhận văn chương là một hoạt động xã hội – lịch sử, mang tính khách quan. Tác phẩm sau khi thoát ly khỏi nhà văn thì nó trở thành một hiện tượng tinh thần, một khách thể tinh thần tồn tại một cách khách quan đối với người đọc. Người đọc tiếp nhận nó là một kiểu phản ảnh, nhận thức thế giới. Mà nhận thức nào cũng có phương diện chủ quan và phương diện khách quan của nó. Hơn nữa, một nhận thức đúng đắn là một nhận thức tiếp cận được với bản chất và quy luật của đối tượng. Nội dung của tác phẩm trước hết là do những thuộc tính nội tại của nó tạo nên, là cái vốn có chứa đựng trong bản thân tác phẩm.

Có thể nói tác phẩm nghệ thuật gồm có hai phần, phần cứng và phần mềm. Phần cứng là văn bản, là sự khái quát đời sống, là một hệ thống ý nghĩa, tiếp nhận phụ thuộc vào các tương quan đời sống xã hội, phụ thuộc vào lòng người đọc. Phần cứng tạo ra cơ sở khách quan của tiếp nhận. Trong phần cứng này, có nhiều phương diện để tạo ra tính khách quan cho tiếp nhận văn chương. Thứ nhất là hiện thực đời sống được phản ảnh. Thứ hai là chất liệu nghệ thuật xây dựng hình tượng phản ánh đời sống là trên cơ sở ngôn ngữ toàn dân, thứ ba là sự định hướng nội tại của tác phẩm vào việc tác động thẩm mĩ do nhà văn tạo nên. Nhà văn không giản đơn chỉ làm cái truyền đạt những hiểu biết đời sống, những quan sát, những phát hiện nghệ thuật của mình mà anh ta còn hướng tới việc thể hiện những cái đó sao cho chúng gây ấn tượng nhiều nhất đến công chúng độc giả. Ðây là thuộc tính tất yếu của tác phẩm ở cả nội dung và hình thức.

Phải thấy, Văn bản là một tổ chức có tính liên kết và mạch lạc. Văn bản có đặc điểm thể loại. Từ ngữ và hình ảnh có những ý nghĩa do truyền thống văn hóa dân tộc và thời đại quy định. Người đọc không thể bất chấp các đặc trưng biểu đạt của văn bản, không thể tùy tiện cắt xén câu văn hay áp đặt ý nghĩa. Như thế văn bản vẫn là phương thức tồn tại khách quan của tác phẩm, quy định hoạt động tiếp nhận của người đọc. Sự tiếp nhận phải phù hợp với dữ liệu khách quan của văn bản mới thực sự có giá trị. Do đó, cần khẳng định tính khách quan của tiếp nhận. Mọi người đọc đều có thể phát huy sự tìm tòi, cảm nhận của mình, song sự cảm nhận đó phải có cơ sở trong toàn bộ văn bản.

Chính cơ sở khách quan của việc tiếp nhận tác phẩm đã tạo ra ấn tượng chung đồng nhất ở mọi người đọc. Phần cứng của tác phẩm tạo ra phần nội dung tương đồng bất biến từ tác giả đến mọi người đọc. Rõ ràng là, độc giả hay khán giả sau khi cùng xem xong một tác phẩm nghệ thuật nào đó đều có một ấn tượng chung về một nhân vật nào đó. Trong dân gian những nhân vật nghệ thuật sau đây đã đi vào cuộc sống có ấn tượng tương đồng ở mọi người: Trương Phi, Tào Tháo; (Nóng như

Trương Phi, Ða nghi như Tào Tháo) Sở Khanh, Hoạn Thư (người nào lừa đảo phụ nữ được gán cho hiệu Sở Khanh, người phụ nữ nào hay ghen và ghen một cách cay độc thì được gán cho hiệu máu Hoạn Thư).

4. Tính chủ quan của tiếp nhận văn học.

Trong tính giao tiếp giữa tác phẩm và độc giả, cần chú ý tính chất cá thể hóa, tính chủ động, tích cực của người tiếp nhận. Ở đây, năng lực, thị hiếu, sở thích cá nhân đóng vai trò rất quan trọng; tùy theo lứa tuổi già hay trẻ, trình độ học vấn cao hay thấp, kinh nghiệm nhiều hay ít mà có kết quả tiếp nhận cụ thể, riêng biệt cho mỗi người. Thậm chí cùng một người, lúc nhỏ đọc tác phẩm ấy đánh giá khác, sau lớn lên đánh giá khác, về già lại đánh giá khác. Hơn thế, người đọc khi đến với tác phẩm văn học có nhiều tâm trạng vui buồn khác nhau, có trình độ văn hóa khác nhau, có thái độ định kiến hoặc vô tư, phóng khoáng khác nhau. Có bao nhiêu người đọc một tác phẩm thì có bấy nhiêu dị bản về tác phẩm ấy trong tâm hồn, xét về đậm nhạt, nông sâu, toàn diện hay phiến diện. Người thì hứng thú với các chi tiết này, người lại kể lể say sưa với các chi tiết nọ, và hình như ai cũng có cái lí của mình. Chẳng hạn, cùng đọc truyện Bà chúa tuyết của An-đéc-xen, trẻ em và người lớn đều thích thú nhưng cách hiểu của mỗi người lại không giống nhau. Vẫn là bài Thơ duyên của Xuân Diệu nhưng khi buồn đọc khác, khi vui đọc khác, khi đang yêu đọc khác, …

Tính khuynh hướng trong tư tưởng, tình cảm, trong thị hiếu thẩm mĩ càng làm cho sự tiếp nhận văn học mang đậm nét cá nhân và chính sự chủ động của người tiếp nhận đã làm tăng thêm sức sống của tác phẩm. Nhưng khẳng định tính chủ quan của tiếp nhận không có nghĩa là người đọc hoàn toàn tự do muốn hiểu văn bản thế nào cũng được.

5. Tính khuynh hướng xã hội của tiếp nhận văn học.

Tiếp nhận văn chương tuy mang dấu ấn cá nhân sâu sắc nhưng chưa bao giờ là hoạt động thoát ly khỏi điều kiện lịch sử xã hội. Hoạt động nghệ thuật luôn luôn là hoạt động mang tính khuynh hướng xã hội mạnh mẽ. Khuynh hướng xã hội, đời sống thực tế sẽ chi phối mạnh mẽ đến quá trình tiếp nhận văn chương của mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân đến với tác phẩm không chỉ đem đến cho nó cái tôi mà còn cái ta nữa.

Họ cắt nghĩa tác phẩm trên cơ sở lập trường giai cấp, lợi ích xã hội. Tiếp nhận Truyện Kiều, Nguyễn Khuyến suy ngẫm về xã hội đồng tiền trở thành cán cân công lí mà Nguyễn Du lên án:

Có tiền việc ấy mà xong nhỉ
Ðời trước làm quan cũng thế a?

Rõ ràng Nguyễn Khuyến đã nhìn Truyện Kiều từ điều kiện lịch sử mà ông đang sống. Vịnh Kiều nhưng lên án xã hội đương thời. Ðời trước làm quan cũng thế, cũng như đời nay. Ðó là tiền.

Sau khi nhà văn hoàn tất văn bản tác phẩm thì, tác phẩm nghệ thuật bắt đầu trôi nỗi trong dòng đời và đón nhận số phận lịch sử của mình. Có tác phẩm vừa mới ra đời, liền được người đọc vồ vập ấp iu, nhưng sau đó bị lãng quên. Có tác phẩm, lúc mới ra đời thì bị hắt hủi, lãng quên nhưng sau đó lại được nâng niu trân trọng. Có tác phẩm đời sống của nó êm ả hoặc sáng chói lâu dài, có tác phẩm mờ mờ ảo ảo… Có tác phẩm cùng trong một thời đại nhưng bạn đọc, người ghét, kẻ yêu, người khen, kẻ chê. Lại có tác phẩm ý đồ nhà văn một đằng mà người đọc hiểu một nẻo. Truyện Kiều ở ta là một thí dụ. Ngày nay chúng ta xem Truyện Kiều là một kiệt tác văn chương dân tộc. Và thực sự Truyện Kiều đã làm nhiều thế hệ mê mẫn. Trong đó, có vua Tự Ðức:

Mê gì mê thú tổ tôm
Mê ngựa Hậu bổ, mê nôm Thúy Kiều.

Nhưng không phải đã không có thời, có người sợ Truyện Kiều

Làm trai chớ đọc Phan Trần
Làm gái chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều.

Hiện tượng có những tác phẩm nào đấy mà số phận của nó sự thăng trầm qua các thời đại thì không phải lúc thăng là do công chúng thời đại đó thông minh còn lúc trầm là do công chúng thời đại đó dốt nát. Ðiều chính yếu là do xu hướng tư tưởng thời đại tác động đến. Việc tiếp nhận Thơ mới ở ta chẳng hạn. Khi phong trào Thơ mới ra đời, người đọc rầm rộ đón nhận, nhất là thanh niên, nhưng sau đó, khi đất nước tiến hành cuộc sống chiến chống Pháp, Mĩ thì Thơ mới đã trở nên cũ. Vì nó làm ủy mị con người kiên cường xông pha lửa đạn. Ngày nay, đất nước hoà bình xây dựng, người ta lại tiếp nhận Thơ mới như là nó vẫn mới. Ðúng như Kharavchenko nói: Mỗi thời đại riêng thường thích hợp với những sắc điệu khác nhau trong tác phẩm nghệ thuật với những phương diện khác nhau của khái quát hình tượng của nó.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang