dac-trung-cua-ki-van-hoc

Đặc trưng của kí văn học

Đặc trưng của kí văn học

1. Xác định phạm vi của kí qua các hệ thống phân loại.

Trước hết, phải xác định tọa độ của kí trong một hệ thống loại thể văn học một cách đúng đắn và nhất quán để có những giới thuyết cần thiết. Sở dĩ hiện nay phạm vi kí bao gồm quá trình nhiều loại khác nhau về tính chất, là bởi vì nó được đặt trong hệ thống phân loại: thơ – tiểu thuyết – kịch – kí. Nếu chúng ta thừa nhận việc phân chia tổng quát văn học ra loại: trữ tình, tự sự, kịch là đúng cho văn chương thẩm mĩ. Nhưng thực tiễn văn học hiện nay và cả xưa kia, có một loại tuy vốn không phải là văn chương thẩm mĩ nhưng vẫn có thể có giá trị nghệ thuật, đó là loại văn chính luận, cần được đưa thêm vào hệ thống loại thể văn học.

a. Theo hệ thống thơ – tiểu thuyết – kịch – kí.

Qua đối sánh với ba loại kia, kí buộc phải bao hàm tất cả những loại văn xuôi còn lại. Nhưng nếu chúng ta thừa nhận việc phân chia tổng quát văn học ra ba loại: trữ tình, tự sự, kịch vẫn là tương đối hợp lí hơn cả thì theo hệ thống này rất ít, chẳng hạn, không phải chỉ có thơ trữ tình mà bất cứ loại văn thơ nào đậm chất trữ tình là chủ yếu thì dứt khoát phải xếp vào loại trữ tình như tùy bút chẳng hạn. Viết tùy bút không nhằm thông tin sự thật mà là thông tin tâm trạng. Trong tùy bút, sự thật chỉ là một cái cớ để chủ thể bộc lộ nội tâm hay dùng ngay hình ảnh trong một thiên tùy bút của Nguyễn Tuân là “cái đinh” để tác giả móc treo lên bức tường tình cảm của chính mình.

Trong hệ thống này, kí buộc phải bao hàm các loại văn xuôi còn lại. Và nếu chấp nhận hệ thống trữ tình – tự sự – kịch thì có thể, trước hết, có một số tác phẩm giàu chất trữ tình mà từ trước đến nay thường được gọi là kí hư tùy bút cần phải được xếp vào loại trữ tình. Bởi vì, trong tùy bút, chủ yếu không phải là thông tin sự thực.

b. Theo hệ thống trữ tình – tự sự và kịch.

Việc phân phân chia ra ba loại trữ tình – tự sự và kịch là đúng cho văn chương thẩm mĩ. Như thế buộc kí phải đối sánh thêm với một loại văn học mới nữa. Kết quả cụ thể là phải xếp những loại vốn trước đây được xem là kí, như bút kí chính luận vào hẳn loại văn chính luận. Bút kí chính luận chủ yếu không nhằm thông tin sự thật mà là thông tin lí lẽ. Hiển nhiên, sự thật là có trong bút kí chính luận nhưng đó chỉ mới thuộc phần luận cứ. Phần lớn hơn và quan trọng hơn trong bút kí chính luận là luận chứng và luận điểm.

Phản ánh hiện thực là quy luật chung của loại văn học, phản ánh đúng sai, thiếu đủ đó là vấn đề khác. Nhưng ngay những loại văn học trữ tình và nghị luận một cách chân thực, thậm chí xác thực cũng chưa hẳn là tùy bút và bút kí chính luận. Cho nên, đặt kí vào hệ thống trữ tình – tự sự – kịch – chính luận, kí sẽ được giới thuyết thêm chặt chẽ, không bao hàm tùy bút bà bút kí chính luận nũa, thì nó không bị nghèo nàn mà rất phong phú. Tuy nhiên, không thể xếp văn chính luận vào kí như từ trước đến nay vì văn chính luận chủ yếu không phải nhằm thông tin sự thật mà thông tin lí lẽ. Có thể sắp xếp bút kí chính luận vào văn nghị luận. Như vậy, kí sẽ không bao gồm tùy bút và bút kí chính luận. Kí có thể phân biệt được với kịch, trữ tình và chính luận.

2. Người thật – việc thật trong kí.

Tính xác thực của kí trước hết là ở việc trình bày người thật việc thật. Đó là những sự kiện, những địa danh, những tên người, những con số có thật. Vì gắn chặt vào người thật việc thật, nên kí mang tính thời sự cao phục vụ kịp thời hơn cho những nhu cầu hiểu biết sự thật, những thông tin thực tế của người đọc. Nó đáp ứng nhu cầu thông tin sự thật đến với người đọc. Ví dụ, trong truyện kí Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, những sự việc và con người mà còn nóng hổi không khí của những cuộc đấu tranh chính trị và vũ trang. Viết về cái có thật trong cuộc sống, kí tôn trọng tính chính xác thực của đối tượng miêu tả. Đặc điểm này tạo nên niềm tin cậy và gần như là một định lệ giao ước giữa người viết với người đọc. Cũng nội dung sự thật này, nếu phản ánh kịp thời, kí mang tính hấp dẫn và gây những xúc động lớn.

Do trần thuật người thật việc thật, tác phẩm kí văn học có giá trị như những tư liệu lịch sử quý giá, có ý nghĩa và tác dụng rất lớn ngay đối với sự sáng tạo nghệ thuật về sau. Tính xác thực là đặc trưng quan trọng nhất và có tính nguyên tắc của kí. Dĩ nhiên, tính xác thực về người thật, việc thật bao hàm những tâm trạng và lí lẽ chứa đựng trong người thật việc thật đó. Pôlêvoi từng nói: “Kí có địa chỉ chính xác của nó”. Những nhân vật tạo nên phải là những người thật trong cuộc sống hiện thực, những sự việc mô tả phải dính chặt với địa điểm. Cũng không phải ngẫu nhiên mà loại thể văn học này ở nước ngoài gọi là “văn học báo cáo”, “văn học tư liệu – nghệ thuật”, …

Xét từ bản chất và gốc gác, kí không nhằm thông tin thẩm mĩ mà là thông tin sự thật nhưng không vì vậy mà kí thiếu tính nghệ thuật. Sở dĩ kí có tính nghệ thuật bởi vì trước hết ngay trong hiện thực cũng đã bao hàm cái thẩm mĩ đồng thời chính nhiệt tình khát khao mong biết được sự thật cũng góp phần tạo nên những quan hệ thẩm mĩ. Bám chặt cả người thật, việc thật, các tác phẩm kí xét một cách tương đối có thể rút ngắn khoảng cách giữa sáng tạo nghệ thật và cuộc sống, phục vụ kịp thời hơn cho những nhu cầu hiểu biết cuộc sống của người đọc.

3. Tính chất, mức độ, phạm vi hư cấu của tác phẩm kí.

a. Tính chất:

Kí là viết về người thực việc thực. Người viết phải đạt được tính xác thực đến mức tối đa với những thành phần xác định như tên tuổi, lai lịch, ngoại hình, nguồn gốc gia đình, ngọn nguồn văn hóa, thành tích, thời gian, địa điểm, địa hình, địa thế, thời tiết, những quan hệ xã hội cơ bản, những diễn biến chính của sự việc, con số, … Nghĩa là kí phải đảm bảo tính chân thực của sự kiện và con người. Ngoài ra, tác giả được quyền sắp xếp, liên kết các sự kiện cho hợp lí, bổ sung một số nội dung phụ theo một mục đích nhất định.

Hư cấu sẽ được quyền sử dụng ở những thành phần không thật xác định, trước hết là nội tâm của nhân vật. Người viết kí có thể căn cứ vào tính cách và hoàn cảnh chung để tưởng tượng về diễn biến nội tâm của họ. Liên quan với trên, là những cảnh sắc thiên nhiên trong cảm xúc trữ tình của nhân vật. Cuối cùng là những nhân vật phụ điểm xuyết cho thêm sinh động, nhưng không được vi phạm lôgíc khách quan của câu chuyện.

b. Mức độ:

Tác phẩm kí văn học có thể hư cấu, nhưng nói chung là ít và thường ở những thành phần không xác định và với mục đích góp phần tái hiện lại một cách xác thực người thật việc thật. Tác giả được quyền sắp xếp, liên kết các sự kiện cho hợp lí, bổ sung một số nội dung phụ theo mục đích nhất định, trước hết là nội tâm của nhân vật. Người viết kí có thể căn cứ vào tính cách và hoàn cảnh chung để tưởng tượng về diễn biến nội tâm của họ. Bên cạnh đó, chúng ta thấy sự thật lại xảy ra trong không gian và thời gian xác định của quá trình vận động lịch sử nên càng có ý nghĩa của một hiện tượng không lặp lại trong lịch sử. Nó có thể hiện được miêu tả, kể lại trong tương lai với sự hỗ trợ của khả năng hư cấu tưởng tượng

Nhà văn có tư tưởng, tình cảm hoàn toàn đúng đắn chỉ việc chép lại thì trước khi chép, ít nhất cũng phải nghe hoặc thấy, tức là nghe kể lại hoặc chứng kiến. Trong trường hợp chứng kiến và viết lại, nhà văn vẫn không thể bao quát hết mọi sự việc hoặc nhớ hết mọi sự diễn biến một cách tường tận, … Nhà văn chỉ nghe kể lại mà không chứng kiến thì có thể sẽ nghe từ nhiều nguồn khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp và trong trường hợp nào, người kể cũng không thể biết hết, nhớ hết.

c. Phạm vi:

Đây không phải là vấn đề cơ bản nhất nhưng lại có ý nghĩa then chốt, miễn là chúng ta thừa nhật rằng phạm vi nào cũng có ý nghĩa tương đối. Trong người thật việc thật, có những thành phần xác định như tên tuổi, lai lịch, ngoại hình, nguồn gốc gia đình, ngọn nguồn văn hóa, thành tích, … thời gian địa điểm, địa hình địa thế, thời tiết, những quan quan hệ xã hội cơ bản, những diễn biến chính của sự việc, … Ở những thành phần xác định này, người viết kí phải phấn đấu đến mức xác thực tối đa. Tuy nhiên, ngay ở những thành phần này cũng có nhiều chỗ người viết bất lực và cũng không biết thêm gì hơn thì đành phải dùng đến hư cấu. Hư cấu sẽ được quyền sử dụng rộng rãi ở những thành phần không thật xác định, trước hết là nội tâm của nhân vật. Người viết kí có thể căn cứ vào tính cách và hoàn chung để tưởng tượng về diễn biến nội tâm của họ, cũng như thiên nhiên, nhân vật phụ, việc sắp xếp, tổ chức hệ thống cốt truyện.

Trong tác phẩm kí văn học, nhà văn có thể hư cấu nhưng nhìn chung có phần hạn chế và thường ở những thành phần không xác định.

d. Nhân vật trần thuật của kí:

Nhân vật người trần thuật thường là tác giả, đóng vai trò người chứng kiến, để tăng cường tính xác thực của con người và sự việc trong tác phẩm kí. Nhân vật này trực tiếp bàn bạc, đánh giá đối tượng khác hẳn với nhân vật người kể chuyện thường ẩn mình trong thể loại truyện. Do cái “tôi” tác giả bộc lộ một cách trực tiếp nên tính khuynh hướng của tác phẩm rất rõ ràng, khen chê, yêu ghét phân minh.

Chính vì bộc lộ vai trò người chứng kiến, người kể chuyện một cách trực tiếp nên tính trữ tình của nhân vật trần thuật rất cao, thậm chí có thể gọi là nhân vật trữ tình. Cái “tôi” tác giả hoàn toàn có quyền bộc lộ trực tiếp khuynh hướng qua ngôn ngữ trữ tình và chính luận của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang