»» Nội dung bài viết:
Đặc trưng của thể loại tiểu thuyết
Tiểu thuyết là một tác phẩm tự sự thuộc loại văn xuôi có hư cấu, thông qua hoàn cảnh, sự việc, nhân vật để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn. Nó có nhiều đặc điểm riêng biệt như:
1. Tiểu thuyết tái hiện con người và cuộc sống bằng cái nhìn giàu chất văn xuôi.
Đây là một đặc điểm khá độc đáo. Theo Trần Đình Sử, “chất văn xuôi tức là một sự tái hiện cuộc sống những chi tiết giống như thật không thi vị hóa, lãng mạn hóa, lí tưởng hóa chính điểm này tạo ra ngộ nhận sự ra đời của tiểu thuyết đồng nhất của chủ nghĩa hiện thực miêu tả cuộc sống như một thực tại cùng thời gian sinh thành tiểu thuyết có khả năng miêu tả cuộc sống một thực tại cùng thời gian sinh thành tiểu thuyết có khả năng miêu tả cuộc sống một cách chi tiết như thật”.
Chất văn xuôi tạo nên sự gần gũi với người đọc dễ tiếp thu, cảm nhận. Nó mô tả cuộc sống con người một cách chân thật, nhìn nhận cuộc sống bằng cái nhìn khách quan. Chính chất văn xuôi này đã nói lên hết những nỗi đau, sự mất mát của con người, niềm vui, sự hân hoan. Từ đó, nhà văn có mối liên hệ mật thiết với các nhân vật. Qua cái nhìn văn xuôi, sự gần gũi giữa tác giả và nhân vật thể hiện rõ. Từng suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật được nhà văn gửi gắm. Lê Lưu Oanh cho rằng: “Tiểu thuyết miêu tả cuộc sống với mọi bồn bề, ngổn ngang của cuộc đời, bao gồm cái cao cả lẫn cái tầm thường, nghiêm túc và buồn cười, bi hài lẫn lộn. Nói cách khác, đó là chất văn xuôi của cuộc đời. Chất văn xuôi thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết của Bandắc, Stăngđan, Phlôbe, Tônxtôi, Tsêkhốp, Nam Cao, Ngô Tất Tố. Chính chất văn xuôi đã mở ra một vùng tiếp tục tối đa với thời hiện tại đang sinh thành, làm cho tiểu thuyết không bị giới hạn nào trong nội dung phản ánh”.
Cái nhìn giàu chất văn xuôi trong tiểu thuyết thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ giữa nhà văn với nhân nhân vật, đó là mối quan hệ thân mật, bình đẳng. Các nhân vật bất luận thuộc tầng lớp, đẳng cấp nào trong xã hội cũng đều được nhà văn hướng tới mô tả bằng nhãn quan không thiên vị, bằng thái độ khách quan. Ví dụ, các tiểu thuyết Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, … Nó có khả năng tiếp cận với mọi phạm vi hiện thực, khiến cho nội dung phản ánh của tác phẩm có điều kiện mô tả cuộc sống một cách sinh động, không bị giới hạn nào.
2. Tiểu tuyết nhìn đời sống từ góc độ đời tư.
Điều này đã phác họa nên một bức tranh sông động về số phận của những con người trong cuộc sống. Miêu tả cuộc đời từ khía cạnh đời tư của nhân vật là một việc rất khó khăn, đòi hỏi nhà văn phải có một tài năng, suy nghĩ rất kĩ. Cuộc sống luôn biến động và thay đổi chính là yếu tố đời tư của từng nhân vật cũng thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống. M. Kunđra, nhà lí luận tiểu thuyết cuối thế kỉ XX, cho rằng: “Đặc trưng của thời hiện tại là sự thay thế của thế giới nhất nguyên bằng thế giới đa nguyên, thế giới cùng tồn tài với nhiều niềm tin, nhiều chân lí. Với kinh nghiệm cá nhân, thế giới sẽ mở ra nhiều chiều kích khác nhau, vô cùng phong phú và đa dạng. Do đó, hình thức tiểu thuyết chính là hình thức xác định rõ nhất của chủ nghĩa cá nhân giàu tính sáng tạo”2.
Đời tư của nhân vật sẽ thể hiện rõ được tính cách, lối sống, số phận của nhân vật nhưng ở tiểu thuyết thì con người luôn có những suy nghĩ riêng tư, có đời tư bên trong. Chính vì vậy, nhà văn phải nhìn cuộc đời của nhân vật phải thật gần, dùng những kinh nghiệm của nhà văn để có thể phác thảo nhân vật. Theo Trần Đình Sử, “trong tiểu thuyết sự xóa bỏ khoảng cách giữa người kể và nhân vật trong cảm nhận và miêu tả con người hiện tại cho phép nhà văn dùng kinh nghiệm cá nhân của mình để lí giải nhân vật, nhìn ngắm nhân vật một cách gần gũi”. Tùy theo từng thời kì phát triển, cái nhìn đời tư có thể sâu sắc đến mức thể hiện được, kết hợp được với các chủ đề thế sự hoặc lịch sử dân tộc. Nhưng yếu tố đời tư càng phát triển, chất tiểu thuyết càng tăng, yếu tố lịch sự dân tộc càng phát triển, chất sử thi càng đậm đà. Ví dụ, tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của L. Tônxtôi, nhân vật Cutudốp đã được tiếp cận vừa góc độ đời tư tiểu thuyết, vừa từ góc độ sử thi anh hùng ca. Cutudốp hiện lên với phẩm chất ưu tú của một vị tướng yêu nước, giỏi giang, mưu lược, nhưng đồng thời cũng được giới thiệu như một ông già đáng thương lắm lúc khốn đốn, bị bọn đại thần và cố vấn quân sự Đức hoạnh họe.
3. Nhân vật trong tiểu thuyết là con người nếm trải.
Con người ấy đã từng trải qua những buồn, vui, cay đắng. Đây là đặc điểm rất riêng mà không có một thể loại nào có được: “Nhân vật tiểu thuyết khác với nhân vật sử thi, nhân vật truyện trung đại là ở nhân vật tiểu thuyết là con người nếm trải trong khi các nhân vật kia thường là nhân vật hành động, nhân vật đạo đức”1. Các nhân vật trong tiểu thuyết phải trải qua nhiều vấn đề trong cuộc sống. Các nhân vật có khi bị lên án hoặc biểu dương. Thông qua nhân vật, ta thấy được cuộc sống của họ luôn gặp nhiều biến cố xảy ra như thử thách họ. Con người trong tiểu thuyết được xây dựng ở nhiều khía cạnh để thể hiện rõ được cuộc sống của họ như thiện – ác, tốt – xấu, khoan dung – hẹp hòi, … các khía cạnh này làm nổi bật con người trong tiểu thuyết.
Trong tiểu thuyết con người luôn trải qua những mâu thuẫn với cuộc sống và chính bản thân mình. Các nhân vật không chỉ nếm trải những hoàn cảnh cuộc sống mà còn phải nếm trải những cảm xúc của chính mình. Ví dụ, Bính (Bỉ vỏ – Nguyên Hồng), Lý (Mùa lá rụng trong vườn – Ma Văn Kháng), Giang Minh Sài (Thời xa vắng – Lê Lựu), … đều là những con người “nếm trải” và tư duy, gặp nhiều oan nghiệt của số phận. Nhân vật phải chịu rất nhiều những trải nghiệm trong cuộc đời với bao nhiêu thăng trầm, biến đổi, những đau khổ dằn vặt, nghĩ suy. Bởi lẽ, nhân vật trong tiểu thuyết luôn chịu tác động của hoàn cảnh. M. Bakhtin nhận xét: “Con người trong tiểu thuyết khác với sử thi là thường không đồng nhất với chính nó. Một người có địa vị cao nhưng lại xử sự rất xấu và ngược lại”. Nghĩa là nhân cách con người tiểu thuyết phức tạp hơn nhiều so với những lược đồ đơn giản về vị thế, giới tính, giai cấp … của chính họ. Vì vậy, mặt tâm lí của nhân vật luôn là trung tâm nhấn mạnh của tiểu thuyết. Điều này, sử thi cổ đại và truyện trung đại chưa chú ý nhiều. Phương pháp phân tích tâm lí là đặc trưng của tiểu thuyết. Có người nói, tiểu thuyết khai phá cuộc sống bên trong con người, là cuộc thăm dò cuộc sống con người là lí do đó”1.
4. Tiểu thuyết luôn có xu hướng xóa khoảng cách trần thuật và nội dung trần thuật.
Đây là một đặc điểm giúp cho nhà văn gần gũi hơn nhân vật. Theo Trần Đình Sử, “tiểu thuyết miêu tả hiện thực như cái hiện tại đương thời của người trần thuật và sự miêu tả hiện tại cùng thời tiểu thuyết cho phép người trần thuật tiếp xúc nhìn nhận các nhân vật một cách gần gũi như những người bình thường”2. Tác giả đã xóa bỏ những khoảng cách đối với nội dung tiểu thuyết nói chung và nhân vật trong tiểu thuyết nói riêng tạo một sự thân thiện như sống cùng tiểu thuyết, xem tiểu thuyết là “đứa con tinh thần”. Bằng tình cảm chân thành gửi gắm qua tiểu thuyết, nhà văn cũng tạo được sự dễ gần đối với bạn đọc khi tiếp xúc với tiểu thuyết.
Chính tiểu thuyết đã xóa bỏ đi khoảng cách của nhà văn đối với cuộc đời, viết tiểu thuyết để nói về cuộc sống đang diễn ra là một gương phản chiếu với đời sống con người, chỉ khi dùng cái tâm thật sự chân thật, gần gũi, nhà văn mới có thể làm được điều đó. Thông qua đó, nhà văn mới bộc lộ được cảm thông, chia sẻ của mình đối với số phận, cuộc đời của nhân vật trong tiểu thuyết. Nếu trong sử thi, khoảng cách này quy định sự tôn kính, lí tưởng hóa với đối tượng miêu tả, thì việc xóa bỏ khoảng cách này ở tiểu thuyết lại làm cho tiểu thuyết hướng về miêu tả hiện thực như cái đang xảy ra so với thời của người kể chuyện. Là người cùng thời, nên cách nhìn nhận các nhân vật một cách gần gũi như những người bình thường, có thể hiểu được họ bằng kinh nghiệm của mình. Chính khoảng cách gần gũi này làm cho người trần thuật có thể có thái độ thân mật, thậm chí suồng sã đối với nhân vật, do đó có thể nhìn nhân vật từ nhiều chiều, sử dụng nhiều giọng nói. Nó hấp thu mọi loại giọng điệu khác nhau của đời sống, cho nên có khả năng tạo nên những đối thoại giữa các giọng khác nhau.
Với cách kể của tiểu thuyết, giọng điệu kể luôn luôn thay đổi, mỗi nhân vật có giọng điệu riêng, nhịp điệu riêng. Ví dụ, tiểu thuyết Mảnh đất tình yêu, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã hòa vào từng nhân vật và thế giới riêng, kể bằng ngôn ngữ và tiết tấu của nó: “Cũng bằng lời kể của ông tôi thì cách đây vài trăm năm, cả dải cát dài dằng dặc ven biển của khúc giữa miền Trung này chỉ là những miếng đất để cho những con sông lang thang tìm lối ra biển – lời ông tôi – nếu không thì chúng đã trở thành những người đàn bà “bà cô” khó tính nết vì suốt đời không kiếm được chồng. Trên dải cát hoang vắng lơ thơ vài khóm nhà dân chài, đi đến rũ cẳng suốt ngày không gặp một bóng người, một bóng nhà, không nghe một tiếng gà chó, chỉ thấy mọc độc một giống cây lá cứng có khía và quả của nó không bao giờ chín, gọi là quả mật sát”. Nhà văn Xô Viết Antônốp cho rằng: “Trao ngòi bút cho nhân vật tự viết lấy giọng điệu riêng của nó”1. Sự xóa bỏ khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật trần thuật cho phép người trần thuật có thể có thái độ thân mật thậm chí “suồng sã” đối với nhân vật của mình. Từ đó có cái nhìn toàn diện hơn, dân chủ hơn về nhân vật và các hiện tượng miêu tả.
5. Tiểu thuyết chứa đựng nhiều cái yếu tố thừa.
Đây cũng là đặc điểm tiêu biểu của tiểu thuyết. Thừa không phải là sai, cũng không phải là sự dư thừa của yếu tố nào khi nhà văn cho vào tiểu thuyết. Nhà văn sử dụng những yếu tố thừa để làm tác phẩm cảng trở nên chi tiết, cụ thể hơn. Tiểu thuyết khác so với truyện ngắn ở chỗ tiểu thuyết lấy cốt truyện làm vai trò chủ đạo và phác họa tính cách nhân vật. Chính yếu tố thừa giúp nhà văn thể hiện nhân vật một cách kĩ càng hơn. Nhân vật về cái thế giới, đời người sự phân tích cặn kẽ các diễn biến tình cảm được trình bày một cách tường tận. Khi đó, nhà văn sẽ phân tích sâu hơn về những khía cạnh bên ngoài của nhân vật như tiểu sử, nghề nghiệp, hoàn cảnh, những mối quan hệ giữa con người với con người, sự tác động của đời sống đến với từng nhân vật và nói chung về toàn bộ tồn tại của con người.
Tuy là những yếu tố thừa nhưng lại rất quan trọng vì thông qua những yếu tố đó, chúng ta càng hiểu rõ hơn nhân vật đang nói đến là người như thế nào, có cuộc sống ra sao. Từ các yếu tố đó, còn thể hiện được những suy tư, tính cách bên trong của nhân vật đó. Ví dụ, tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao, những suy nghĩ đủ các loại của Thứ: về nghề, về đồng nghiệp, về ước mơ, về sự đói, về thói thành kiến nghi kị, về bản thân, về tính yếu đuối, … những tình tiết về San, về Mô, về Oanh, về ông học, về đôi vợ chồng nhà lá, về bữa ăn, … đều không thiết thực cho một cốt truyện nào, nhưng nó phơi bày ra toàn bộ sự đầy đặn của tồn tại như một trạng thái và quá trình.
Với các đặc điểm đã nêu, tiểu thuyết là thể loại văn học có khả năng tổng hợp nhiều nhất nghệ thuật của các loại văn học khác. Tiểu thuyết có thể có sự kết hợp các loại hình nội dung với những khả năng nghệ thuật của các loại văn học khác. Nó luôn thay đổi và phát triển vận động một cách mạnh mẽ. Ví dụ, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, ngoài thể loại tiểu thuyết ra còn kết hợp thể loại phóng sự. Những hiện tượng tổng hợp đó cho thấy thể loại tiểu thuyết là thể loại luôn vận động không đứng yên. Bên cạnh đó, nó tập hợp đầy đủ và làm sáng tỏ về mọi khía cạnh của kết cấu, ngôn ngữ, nhân vật, giọng điệu để tạo nên sự hấp dẫn, phong phú và đa dạng. Đồng thời, nó có thể tổng hợp tất cả về mặt nội dung và nghệ thuật một cách hoàn chỉnh. Các đặc điểm nói trên đã khiến hình thức tiểu thuyết là sự phát triển cao nhất của loại hình tự sự. Từ đó, ta thấy được tiểu thuyết là một thể loại miêu tả đạt đến sự toàn vẹn và có sự thành công lớn trong tất cả các thể loại của nền văn học.
Những đặc điểm điểm trên giúp ta thấy được tiểu thuyết có khả năng bao quát toàn bộ sự việc, sự kiện và phản ánh toàn vẹn về đời sống ở mọi khía cạnh khác nhau. Từ đó, người đọc biết được không một thể loại văn học nào thể hiện cuộc sống chân thật, sống động như tiểu thuyết.