»» Nội dung bài viết:
Cảm hứng triết luận về những giá trị nhân bản đời thường trong truyện ngắn “Chiếc ngoài ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu
I. Mở bài:
Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề cần nghị luận: sự thể hiện của cảm hứng triết luận về những giá trị nhân bản đời thường thể hiện qua cuộc sống của gia đình hàng chài trong truyện ngắn Chiếc ngoài ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
II. Thân bài:
* Khái quát tác phẩm:hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, sơ lược cốt truyện…
* Giải thích:
+ Cảm hứng triết luận là bình luận, lí giải, phân tích về một vấn đề thông qua hình tượng nghệ thuật.
+ Nhân bản nghĩa là căn bản đạo đức của con người
* Phân tích:
– Cái nhìn hiện thực mới mẻ:
Sớm ý thức được nhu cầu đổi mới nền văn học và nhu cầu của mình, từ cảm hứng sử thi – lãng mạn thời chiến tranh, Nguyễn Minh Châu chuyển dần sang cảm hứng triết luận với những vấn đề đạo đức và giá trị nhân bản đời thường. Ông từ biệt con đường mòn của nền văn học “mô phỏng” trước đây để tìm cách khám phá đời sống mới với những phương diện cảm nhận mới. Cuộc sống mới đòi hỏi nhà văn phải nhận thức lại hiện thực.
Hiện thực của Chiếc thuyền ngoài xa không phải là khung cảnh chiến trường ác liệt cùng những chiến công vang dội của những thanh niên xung phong vừa rời ghế nhà trường phổ thông, mà là hiện thực trần trụi đời thường mà con người phải đối mặt. Cái nhìn hiện thực đa chiều giúp Nguyễn Minh Châu nhận ra đời sống con người với những quy luật tất yếu và cả những nghịch lí không ai có thể đoán biết được. Ông trăn trở, xót xa cho những mảnh đời méo mó, tối tăm, lạc hậu. Trở về với đời thường, ông vẫn canh cánh đi tìm vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người dù cho họ đang lâm vào hoàn cảnh đáng sợ nhất.
– Sự thể hiện cảm hứng triết luận đời thường:
+ Vẻ đẹp đời thường của thiên nhiên: Đó là “cảnh trời cho” – một sự ngẫu hứng của thiên nhiên hay đó là một bức hoạ kì diệu và hiếm hoi mà con người vô tình bắt gặp được? Đó là dụng công của tạo hoá cũng là cái may mắn trong cuộc đời nghệ thuật mà không phải người nghệ sĩ nào cũng may mắn “chớp” được. Cái đẹp đời thường thông qua lăng kính của người nghệ sĩ sẽ “lột xác” thành cái đẹp của nghệ thuật.
+ Đời thường của những người lao động cực nhọc quanh năm chỉ có thể được phát hiện bằng con mắt trần trụi, không che đậy, không áp đặt chủ quan. Người nghệ sĩ trong quá trình đi tìm cái đẹp cần có góc “nhìn gần” để hiểu sâu, hiểu đúng bản chất của hiện thực.
+ Người đàn bà xấu xí, bất hạnh, sẵn sàng nộp mình cho người chồng bạo ngược, dữ dằn bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ mờ sương là hiện thực kinh hoàng, bất ngờ nhất đối lập với cái đẹp. Nó khiến cho người nghệ sĩ “chết lặng” bởi đằng sau cái đẹp huyền ảo là cái xấu xa, tàn bạo đến không ngờ. Đó cũng là triết lí ngầm ẩn của nhà văn về mặt trái của cuộc đời: những nghịch lí đau lòng, không lí giải nổi. Cuộc sống luôn có hai mặt song hành là đẹp – xấu, thiện – ác, thực – mộng, gần – xa, tất nhiên – ngẫu nhiên…
+ Người đàn bà chịu để cho chồng đánh có lẽ là một giải pháp tốt cho hoàn cảnh của chị lúc đó. Những điều giản dị nhất của cuộc sống lại được đánh đổi bằng sự hi sinh cao cả của người mẹ, người vợ : “vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông”.
+ Người phụ nữ đó cam chịu như vậy là bởi vì chị cần người đàn ông – chỗ dựa vững chắc nhất cho một gia đình nhỏ lênh đênh; chị cần sống cho con cái và hạnh phúc nhỏ nhoi bởi cuộc sống trên thuyền cũng có lúc hòa thuận, vui vẻ… Như vậy trong đời thường, cảnh ngộ mỗi người là khác biệt, không thể đem cái bình thường để xét đoán cái bất thường được. Người đàn bà trong truyện chính là người giàu đức hi sinh, am hiểu sâu sắc lẽ đời và giàu lòng vị tha.
+ Đời thường là cái đang tiếp diễn, chưa hoàn chỉnh với những biến đổi. Người chồng vũ phu trước đây thực ra là con người “hiền lành”, ‘‘không bao giờ đánh đập”. Nhưng vì đông con, nghèo túng mà anh ta đánh mất chính mình, trở thành kẻ tàn nhẫn, vô cảm. Như vậy, hoàn cảnh đã làm thay đổi bản chất vốn tốt đẹp của con người. Con người như một sản phẩm của cái tha hoá. Nhân vật được nhà văn cấu trúc với tất cả sự phức tạp của nó, con người vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của cuộc sống đầy tăm tối. Người chồng cục súc nhưng vợ anh hiểu rằng chỉ vì áp lực cuộc sống quá lớn khiến con người bức xúc, cần được giải toả.
– Nghệ thuật thể hiện:
+ Tình huống truyện độc đáo, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống.
+ Tác giả lựa chọn ngôi kể, điểm nhìn thích hợp, làm cho câu chuyện trở nên gần gũi, chân thực và có sức thuyết phục.
+ Ngôn ngữ nhân vật sinh động, phù hợp với tính cách. Lời văn giản dị mà sâu sắc, đa nghĩa.
– Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
Dựng lên sự đối lập giữa hình ảnh chiếc thuyền trên bức ảnh nghệ thuật và tấn bi kịch của gia đình người ngư dân bên trong chiếc thuyền đẹp đẽ ấy, nhà văn thể hiện rõ quan niệm nghệ thuật của mình : nghệ thuật chân chính bao giờ cũng bắt nguồn tử cuộc sống, phục vụ cuộc sống ; tài năng và tấm lòng của người nghệ sĩ là những nhân tố không thể thiếu được trong sự sáng tạo nghệ thuật.
Nguyễn Minh Châu đã không trực tiếp phát ngôn cho quan niệm nghệ thuật của mình nhưng hệ thống nhân vật của tác phẩm và đặc biệt quá trình tự ý thức của người nghệ sĩ nhiếp ảnh (ở đoạn kết) đã toát ra điều đó (xem phần trích tác phẩm). Bằng hành động tự ý thức, Phùng đã nhận ra cái chưa đến được của mình để rồi đấu tranh tự hoàn thiện. Đây cũng chính là khát vọng kết nối Chân – Thiện – Mĩ mà suốt đời nhà văn Nguyễn Minh Châu luôn khao khát và tìm kiếm
III. Kết bài:
– Chiếc thuyền ngoài xa mang dấu ấn rõ nét phong cách Nguyễn Minh Châu. Vấn đề được nhà văn quan tâm thể hiện kín đáo qua hình tượng các nhân vật.
– Giá trị nhân sinh của tác phẩm chính là sự thể hiện cụ thể, chân thực cuộc sống lam lũ của người hàng chài, đồng thời hiện thực đa chiều của cuộc sống cũng đặt ra yêu cầu nghệ sĩ phải nhìn sâu, nhìn kĩ vào cuộc sống để nhận ra bản chất của nó và sống sâu sắc hơn.
Bài văn tham khảo:
Nguyễn Minh Châu là cây bút tiên phong của văn học thời kì đổi mới. Nhà văn “thuộc một trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay” (Nguyên Ngọc). Trước năm 1975, trang văn của ông thiên về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn với quan niệm: cái đẹp là cái anh hùng cao cả, tiêu biểu là truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng in trong tập Dấu chân người lính (1972). Sau 1975, bằng sự tìm tòi, đổi mới, ngòi bút của ông hướng vào những vấn đề thế sự, đời tư, đậm chất triết lí nhân sinh.
Bằng cái nhìn đa diện đa chiều, ông đã đi sâu khai thác đời sống con người trong những mối quan hệ xã hội phức tạp để khám phá “hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Các truyện ngăn Chiếc thuyền ngoài xa, Bến quê, Bức tranh của ông đều khai thác khá sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người trong cuộc sống mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Trong đó, Chiếc thuyền ngoài xa sáng tác tháng 8/1983 là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975, đồng thời cũng là một tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam thời kì đổi mới .
Cốt truyện là phát hiện mới mẻ về cuộc sống.
Truyện kể về chuyến đi thực tế của Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa, thiết tha với cái đẹp, tâm huyết với nghề, một con người có trái tim giàu lòng trắc ẩn. Theo yêu cầu của trưởng phòng, Phùng đã đến một vùng ven biển miền Trung cũng là chiến trường xưa của anh thời kháng chiến chống Mỹ để chụp một bức ảnh với cảnh biển buổi sáng có sương về bổ sung cho bộ lịch năm sau. Sau một tuần “phục kích”, anh đã chụp được một “cảnh đắt trời cho”: cảnh chiếc thuyền đánh cá thu lưới lúc bình minh.
Nhưng khi chiếc thuyền ấy vào bờ, anh đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài: người chồng đánh vợ một cách tàn nhẫn mà người vợ không kêu, không chống trả, không chạy trốn, còn thằng con vì bảo vệ mẹ mà đánh cha rồi lại bị cha đánh. Ba ngày sau, cảnh tượng đó lại diễn ra và lần này Phùng đã xông ra buộc lão đàn ông phải chấm dứt hành động độc ác. Lão đàn ông đánh trả, Phùng bị thương, anh được đưa về trạm y tế của tòa án huyện. Ở đấy, anh đã gặp chánh án Đẩu, bạn chiến đấu năm xưa của mình. Và cũng tại đây, anh đã nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài với bao sự cảm thông và ngỡ ngàng. Anh đã ngạc nhiên khi chứng kiến việc người đàn bà đáng thương kia được chánh án Đẩu mời đến để giải quyết công việc gia đình đã van lạy quý tòa đừng bắt bà bỏ người chồng vũ phu. Phùng và Đẩu đã vỡ lẽ ra nhiều điều sau khi nghe câu chuyện cuộc đời của người đàn bà.
Rời vùng biển với tấm ảnh ưng ý, Phùng đã hoàn thành nhiệm vụ mà trưởng phòng giao. Sau đó, mỗi lần ngắm kĩ tấm ảnh ấy, Phùng vẫn thấy hiện lên màu hồng hồng của ánh sương mai và nếu nhìn lâu hơn, Phùng lại thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh. Vậy là trong chuyến đi ấy, Phùng đã chụp được bức ảnh chiếc thuyền ngoài xa và chứng kiến một câu chuyện đẫm nước mắt, đầy trái ngang của một gia đình làng chài để rồi anh đã nhận thức ra nhiều điều về con người, về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật.
Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đã mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, về cách phát hiện ra bản chất sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng. Theo câu chuyện kể cùng những phát hiện của Phùng, nhà văn đã gửi gắm nhiều thông điệp có ý nghĩa triết lí nhân sinh sâu sắc. Đây cũng là cách xây dựng cốt truyện hấp dẫn, tình huống truyện độc đáo của Nguyễn Minh Châu.
Nhan đề hàm chứa triết lý nhân sinh.
Nguyễn Minh Châu đã dụng công khi đặt cho truyện ngắn của mình một nhan đề độc đáo, gợi nhiều liên tưởng sâu xa. Hình ảnh “chiếc thuyền” vốn rất quen thuộc trong đời sống đã trở thành là hình ảnh ẩn dụ trong nghệ thuật. “Chiếc thuyền” vừa gợi ra sự thi vị, thơ mộng vừa gợi ra sự lênh đênh, bất trắc. Còn “ngoài xa” là giới định không gian, gợi ra sự xa vời, khó tới, mông lung, vô định.
Khi đặt hình ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” trong mối quan hệ với các nhân vật thì nhan đề ấy lại gợi ra nhiều ý nghĩa. Với nghệ sĩ Phùng, “chiếc thuyền ngoài xa” trong sương sớm là cảnh đắt trời cho, một vẻ đẹp toàn bích mà anh đã mất công tìm kiếm, là biểu tượng của cái đẹp mà khi chiêm ngưỡng nó, anh thấy tâm hồn mình trong ngần. Nhưng với một gia đình hàng chài đông con thì chiếc thuyền đó lại là không gian sinh sống chật chội, là cuộc sống mưu sinh khó nhọc, bấp bênh. Hơn nữa, nhìn xa thì đẹp thế, còn thuyền đó về bờ lại diễn ra cảnh tượng đau lòng: chồng đánh vợ, con đánh cha, cha đánh con. Những hình ảnh ấy, cảnh tượng ấy nếu nhìn từ xa sẽ không bao giờ thấy được.
Vậy là chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa, còn sự thật cuộc đời thì ở rất gần, người nghệ sĩ đừng vì nghệ thuật mà bỏ quên cuộc đời. Xa và gần, bên ngoài và thẳm sâu, đẹp và xấu, thiện và ác… đó cũng là cách nhìn, cách tiếp cận của nghệ thuật chân chính. Vì thế người nghệ sĩ không thể nhìn nhận, đánh giá sự vật, con người một cách đơn giản, đừng nhầm lẫn hiện tượng với bản chất, hình thức bên ngoài và nội dung bên trong không phải bao giờ cũng thống nhất, đừng vội đánh giá con người sự vật ở dáng vẻ bề ngoài, phải phát hiện bản chất thực sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng. Người nghệ sĩ cần có cái nhìn đa diện nhiều chiều, có cả sự cảm thông, thấu hiểu chân thành sâu sắc thì mới có thể gắn bó và khám phá bản chất cuộc đời đa đoan, đa sự, để phản ánh hiện thực ẩn kín từ cuộc sống, từ con người bên trong. “Chiếc thuyền ngoài xa” đúng là một nhan đề đặc sắc vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa biểu tượng về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, về cách nhìn con người của người nghệ sĩ. Với nhan đề này, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm những trăn trở của mình về nghệ thuật cùng sự tin yêu, khắc khoải lo âu đối với cuộc sống và con người.
Mỗi nhân vật là một mảnh ghép của cuộc đời.
Đặc sắc nghệ thuật
“Chiếc thuyền ngoài xa” là một tác phẩm có tình huống truyện rất độc đáo, hấp dẫn. Nó được thể hiện qua những phát hiện chân thực của nhân vật Phùng. Tình huống truyện đầy bất ngờ và chứa nhiều câu chuyện mà qua đó tạo bước ngoặt trong nhận thức của nhân vật về nghệ thuật và cuộc sống. Chính tình huống đã làm cho truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” vừa chân thực, vừa mang ý nghĩa phát hiện sâu sắc về đời sống.
Về ngôn ngữ, dường như tác giả rất dụng công trong việc tỉ mỉ điều khiển đội quân ngôn ngữ của mình. Truyện ngắn cho ta thấy được sự tài hoa của ngòi bút Nguyễn Minh Châu trong việc tả cảnh, tả người, dựng đối thoại hay kể chuyện. Bên cạnh đó là thứ ngôn ngữ đậm màu sắc triết lí, ngôn ngữ kể chuyện theo lối đổi ngôi khiến câu chuyện vừa khách quan vừa thuyết phục.
Về cách xây dựng nhân vật, nhà văn đã tạo ra những nhân vật vừa quen vừa lạ, có những vẻ đẹp khuất lấp, chứa đựng nhiều quan niệm về con người của Nguyễn Minh Châu.
Về giọng văn thì thay đổi linh hoạt: lúc say sưa tả cảnh, lúc hài hước tự trào, lúc lại suy tư day dứt chiêm nghiệm,…
Nói tóm lại, “Chiếc thuyền ngoài xa” là một truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu. Cốt truyện giản dị mà chứa đựng những tình huống mang tính khám phá về cuộc sống. Truyện ngợi ca con người và giãi bày những trăn trở của nhà văn về cuộc sống đa chiều, phức tạp với bao nhọc nhằn đè nặng lên số phận con người. Tác phẩm đặt ra vấn đề về cách nhìn nhận cuộc sống và con người, nhất là mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.