dan-bai-cam-nhan-cua-anh-chi-ve-bai-tho-chieu-toi-mo-cua-tac-gia-ho-chi-minh

Dàn bài: Cảm nhận của anh (chị) về bài thơ Chiều tối (Mộ) của tác giả Hồ Chí Minh

Cảm nhận của anh (chị) về bài thơ “Chiều tối” (Mộ) của tác giả Hồ Chí Minh:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.

(Ngữ văn 11-Ban cơ bản, tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr.41)


I. Mở bài:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Hồ Chí Minh, tập thơ Ngục trung nhật kí và bài thơ Mộ

II. Thân bài:

* Giải quyết vấn đề:

1. Bức tranh thiên nhiên lúc chiều tối qua cảm nhận của nhà thơ (hai câu thơ đầu):

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không.

(Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ,
Chòm mây lẻ trôi lững lờ trên tầng không;)

* Bức tranh thiên nhiên:

– Không gian: Rộng lớn, thinh vắng → làm nổi bật sự lẻ loi, cô đơn của con người, cảnh vật

– Thời gian: Chiều tối – thời khắc cuối cùng của một ngày→ mỏi mệt, cần được nghỉ ngơi

– Điểm nhìn: Từ dưới lên cao → phong thái ung dung, lạc quan của tác giả.

– Cảnh vật: Sự xuất hiện của hai hình ảnh:

+ Chim mỏi: Biểu tượng cho buổi chiều tà → cảm nhận từ trạng thái bên trong của sự vật.
+ Chòm mây: Cô đơn, đang trôi chầm chậm giữa bầu trời bao la.

* So với bản phiên âm:

+ “Cô vân” dịch thành “chòm mây” → dịch chưa sát, bản dịch làm mất đi tính chất cô độc, lẻ loi của áng mây trên bầu trời.
+ “mạn mạn” dịch thành “trôi nhẹ” → chưa thấy được tư thế chậm chạp gợi vẻ uể oải, lững lờ không muốn trôi của áng mây.

* Hình ảnh người tù cách mạng trên đường đi chuyển lao.

+ Ung dung tự tại
+ Hòa nhập với thiên nhiên
+ Tinh thần lạc quan vượt lên trên hoàn cảnh
+ Yêu tự do.

⇒ Đề tài, hình ảnh quen thuộc, bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình. Bức tranh thiên nhiên lúc chiều tối thật đẹp và khoáng đãng mang đậm màu sắc cổ điển.

2. Bức tranh đời sống con người (hai câu thơ cuối):

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

(Thiếu nữ xóm núi xay ngô,
Ngô xay vừa xong, lò than đã đỏ.)

* Bức tranh đời sống:

– Hai câu thơ cuối có sự chuyển đổi của tứ thơ:

+ Điểm nhìn: trên trời → mặt đất.
+ Thời gian: chiều muộn → tối.
+ Không gian: rộng (núi rừng) → hẹp (xóm núi).
+ Hình ảnh: thiên nhiên → con người lao động.

→ Hình ảnh con người lao động trở thành trung tâm của bức tranh.

⇒ Lao động vất vả nhưng tự do, khoẻ khoắn.

– Điệp vòng: “ma bao túc” – “bao túc ma”:

+ Diễn tả vòng quay của chiếc cối xay ngô;
+ Nhịp điệu lao động hăng say;
+ Vòng quay của thời gian, không gian;
+ Đem lại cho người đi đường lúc chiều hôm chút hơi ấm của sự sống.

* So với bản phiên âm:

+ Chữ “thiếu nữ” dịch thành “cô em” chưa thật phù hợp.
+ Dịch thừa chữ “tối” → làm mất sự kín đáo, hàm súc của ý thơ “ý tại ngôn ngoại”.

– Chữ “hồng” được xem là nhãn tự của bài thơ, nơi hội tụ ánh sáng, sự ấm áp và cả ý nghĩa toàn bài thơ:
+ “hồng” – của ánh lửa lò than hiện thực nơi cô gái đang xay ngô
+ “hồng” – màu hồng của ngọn lửa cách mạng luôn thôi thúc Bác không bỏ cuộc;
+ “hồng” – màu hồng của niềm tin tưởng, sự lạc quan luôn cháy trong tim Bác.

→ Chữ “hồng” rực sáng cả bài thơ vừa làm cho bức tranh chiều tối trở nên sáng hơn vừa sưởi ấm người tù thi sĩ trên con đường giải lao lạnh lẽo, cô đơn.

* Vẻ đẹp tâm hồn tác giả

+ Lạc quan, yêu đời
+ Yêu lao động
+ Ý chí, nghị lực phi thường;
+ Tình yêu thương nhân dân, nâng niu tất cả chỉ quên mình

⇒ Tiểu kết: Bằng thủ pháp điệp vòng, lấy sáng tả tối, tác giả cho ta thấy bức tranh lao động hiện ra thật gần gũi, tươi vui. Qua đây ta cũng thấy chất thép và chất tình trong thơ Bác.

III. Kết luận:

Bài thơ “Chiều tối” cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt mang vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại.


Dàn bài: Phân tích “Chiều tối” để làm nổi bật nét cổ điển, hiện đại.

Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài: Giới thiệu vài nét về bài thơ

“Nhật ký trong tù” là tập thơ đặc sắc của HCM. Qua những bài thơ hay và tiêu biểu của tập thơ, người đọc thấy màu sắc đậm đà của hồn thơ HCM là màu sắc cổ điển. Đó là giàu tình cảm với thiên nhiên, hình tượng nhân vật trữ tình ung dung thư thái, bút pháp chấm phá như muốn ghi lấy linh hồn của tạo vật, tuy cổ điển mà vẫn gắn bó tinh thần của thời đại. Hình tượng thơ luôn luôn vận động hướng về sự sống, ánh sáng, tương lai; trong quan hệ với thiên nhiên, con người luôn giữ vai trò chủ thể. Không phải là ẩn sĩ mà là chiến sĩ. Bài thơ “Chiều tối” thể hiện rõ sự kết hợp chất cổ điển và chất hiện đại đó.

  • Thân bài:

Vẻ đẹp cổ điển trong bài thơ “Chiều tối”:

Trong bài thơ “ Chiều tối” HCM đã sử dụng hình ảnh cánh chim và chòm mây để diễn tả không gian và thời gian buổi chiều. Đó là hình ảnh rất quen thuộc trong thơ ca truyền thống.

Ở bài “Chiều tối”, chúng ta bắt gặp một pháp nghệ thuật rất quen thuộc – đó là bút pháp chấm phá, tả ít gợi nhiều. Đặc biệt tác giả dùng chữ “hồng” ở cuối bài thơ để miêu tả cái tối.

Vẻ đẹp hiện đại của bài thơ “Chiều tối”:

Nếu như trong thơ xưa, con người thường trở nên nhỏ bé nhạt nhòa trước thiên nhiên rộng lớn, thì ở bài thơ “Chiều tối”, hình ảnh người lao động, “cô gái xay ngô” nổi bật lên và là hình ảnh trung tâm của bức tranh thiên nhiên, là linh hồn, là ánh sáng của bức tranh, chi phối toàn bộ khung cảnh nước non sơn thuỷ.

Trong bài thơ “Chiều tối”, chúng ta nhận thấy tư tưởng, hình tượng thơ luôn có sự vận động khoẻ khoắn, đó là sự vận động từ bức tranh thiên nhiên chuyển sang bức tranh đời sống, từ nỗi buồn đến niềm vui ấm áp, từ tàn lụi đến sự sống.

  • Kết bài:

Tóm lại bài thơ mang đậm tính chất cổ điển, hiện đại mang đậm phong cách Hồ Chí Minh vì thế bài thơ viết về chiều tối mà không những không âm u mà còn bừng sáng ở đoạn cuối.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang