»» Nội dung bài viết:
Dàn bài nghị luận về vai trò của ý thức tự giác trong cuộc sống.
- Mở bài:
Không có giá trị nào trong cuộc sống trừ những gì bạn chọn đặt lên nó, và không có hạnh phúc ở bất cứ đâu trừ điều bạn mang đến cho bản thân mình. Tự giác học tập, tự giác làm việc là cơ sở của mọi thành công.
- Thân bài:
1. Tự giác là gì?
+ Tự giác là khi chúng ta tự mình suy nghĩ hoặc thực hiện một hành động nào đó từ động lực trong chính bản thân mình chứ không vì một sự thúc ép bên ngoài.
2. Vai trò của ý thức tự giác:
+ Ý thức tự giác giúp con người thực hiện được kế hoạch của cá nhân, tự nâng cao giá trị bản thân, dễ đạt được thành công.
+ Ý thức tự giác giúp một cá nhân, tập thể được xã hội tôn trọng, đề cao; giúp xã hội tiến bộ và văn minh hơn. (Ví dụ về ý thức của người Nhật)
+ Ý thức tự giác không phải kĩ năng bẩm sinh, nó được rèn luyện theo năm tháng và môi trường (một đứa trẻ sẽ tự giác cất gọn đô khi thấy bố mẹ ông bà luôn ngăn nắp).
+ Người có ý thức tự giác trong một xã hội ý thức tự giác chưa phát triển cao, có thể bị dè bỉu. Vì vậy, cần sự vững vàng tự rèn luyện và can đảm đứng trước dư luận.
3. Rèn luyện ý thức tự giác như thế nào?
+ Bản thân nỗ lực, chống lại thói lười biếng, ỷ lại, chần chừ, cần thực hiện đều đặn, tạo thói quen tốt ngay khi không có giám sát.
+ Giữ thái độ tôn trọng tập thể, “mình vì mọi người”.
4. Bài học cho bản thân:
+ Lập thời gian biểu, quản lý thời gian, lên kế hoạch cho mỗi công việc.
- Kết bài:
+ Không ai có thể bắt bạn làm việc trừ khi bạn muốn điều đó. Ý thức tự giác sẽ giúp bạn mở ra những cơ hội và tạo động lực đưa bạn đến với thành công.
Dàn bài nghị luận về vai trò của ý thức tự giác trong học tập.
I. Mở bài:
– Giới thiệu chung vấn đề cần nêu: tinh thần tự giác trong học tập.
II. Thân bài:
1. Giải thích:
– Tự giác có nghĩa là tự mình nhận thức về trách nhiệm, tự mình làm những công việc cần làm mà không cần ai nhắc nhở.
– Tự giác trong học tập là tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập một cách tốt nhất, tự mình xây dựng kế hoạch học tập, tự mình xác định mục đích học tập dựa trên sự hướng dẫn của cha mẹ và thầy cô giáo.
2. Vai trò của ý thức tự giác trong học tập.
– Kho tàng tri thức nhân loại là vô tận, sự học là mãi mãi và không phải thời điểm nào cũng có người ở bên chỉ dạy cho ta. Nếu chúng ta không tự giác học tập, không nhạy bén và tự tìm hiểu thì mãi mãi chúng ta cũng chỉ là những kẻ tụt hậu, ngu ngốc. Tiếp thu kiến thức một cách thụ động nhồi nhét cũng giống như bản thân chỉ thấy được phần nổi của tảng băng trôi, không thể hiểu sâu và nắm chắc vấn đề.
– Việc học theo một lối mòn sẽ khiến tư duy bị trì trệ, kéo đến nhiều hệ lụy về cuộc sống sau này. Nếu ta không có tinh thần tự học thì chúng ta sẽ trở nên máy móc, sách vở, không thể áp dụng linh hoạt những kiến thức đã học vào thực tiễn.
– Học sinh có ý thức tự giác trong học tập lúc nào cũng chủ động trong nhiệm vụ học tập. Họ luôn đúng giờ, luôn hoàn thành kịp thời và tốt nhất công việc học tập như: học thuộc bài, làm đủ bài tập, thực hiện trách nhiệm đối với trường lớp, giúp đỡ bạn bè cùng tiến bộ… Người tự giác trong học tập luôn là người năng động, sáng tạo, tích cực trong công việc của tập thể.
– Kiến thức được học ở trường lớp chỉ là một phần rất nhỏ của kho tàng tri thức nhân loại. Quá trình học tập của con người ở trường lớp cũng chỉ diễn ra một giai đoạn trong đời người. Nghĩa là, con người cần phải tự mình nỗ lực để tiếp nhận và chiếm lĩnh nhiều hơn nữa tri thức, kéo dài lâu hơn nữa quá trình học tập, làm tăng lên cơ hội thành công trong cuộc sống. Và không có cái gì khác có thể giúp con người thực hiện được điều đó tốt nhất ngoài ý thức tự giác học tập.
– Học hành là nhiệm vụ gian khó. Việc tiếp thu kiến thức và nắm vững kiến thức không phải là dễ dàng. Bởi vậy, phải luôn biết tự giác học tập, tự lựa chọn tri thức nâng cao cần thiết và phù hợp với bản thân.
– Tự giác trong học tập giúp bạn chủ động, sáng tạo hơn và không ngừng tiến bộ trên con đường học thức. Tự mình học tập, tự mình làm việc là một quá trình tất yếu nếu bạn khát vọng làm được những những điều lớn lao trong cuộc sống này. Tự giác trong học tập còn thể hiện tính tự lập, tự chủ, ý chí kiên cường, bền bỉ và những phẩm chất tốt đẹp khác của con người.
– Tự giác trong học tập, bạn sẽ được mọi người tin tưởng, yêu mến và giúp đỡ. Bởi chính ý thức tự giác của bạn sẽ trở thành động lực để người khác noi theo. Người khác sẽ luôn đặt niềm tin tưởng vào bạn, xem bạn là chỗ dựa vững chắc, là cơ sở của thành công.
– Tự giác trong học tập mang lại cho ta cảm giác hứng thú, say mê, trân trọng chiến thắng và động lực phấn đấu trên con đường chinh phục tri thức. Không những thế, sự tự giác còn giúp chúng ta tích lũy kiến thức một cách chủ động tránh được những lỗi lầm không đáng có, bài trừ tình trạng lệch tủ, học vẹt, học tủ.
– Tự giác trong học tập giúp chúng ta nắm rõ nắm sâu vấn đề mình tích lũy, rèn cho con người bản năng tự giác, độc lập, không ỷ nại, có thể làm chủ và xử lí nhanh nhạy trong mọi tình huống xảy đến.
– Tự giác trong học tập là cách tốt nhất phát triển khả năng sáng tạo, tìm tòi; thúc đẩy tư duy của con người, rèn luyện khả năng kiên trì, cần mẫn và sức chịu đựng của bản thân. Tự học giúp chúng ta có thể áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống một cách linh hoạt, có hiệu quả nhất.
– Tự học là chìa khóa hữu hiệu nhất để con người chinh phục được kho tàng tri thức bao la của nhân loại.
Phê phán:
Trong cuộc sống, vẫn còn có những kẻ lười biếng, không có ước mơ, khát vọng. Họ không tự giác làm việc, sống dựa dẫm vào người khác. Những người như thế thật đáng chê trách.
Bài học nhận thức và hành động:
– Học sinh phải có ý thức rõ ràng và đúng đắn về vai trò của việc học đối với cuộc sống con người. Thực hiện việc học một cách nghiêm túc và hiệu quả, không lười nhát, gian lận trong học tập và thi cử. Hãy xây dựng cho bạn một kế hoạch học tập phù hợp và kiên trì thực hiện kế hoạch ấy.
– Bản thân mỗi chúng ta phải xây dựng cho mình tinh thần tự học trên nền tảng của sự say mê, ham học, ham hiểu biết, giàu khát vọng và kiên trì trên con đường chinh phục tri thức. Mỗi con người cần chủ động, tích cực, sáng tạo, độc lập trong học tập. Có như vậy mới chiếm lĩnh được tri thức để vươn tới những ước mơ, hoài bão của mình.
III. Kết bài:
– Tự học có ý nghĩa quan trọng nên bản thân mỗi chúng ta phải xây dựng cho mình tinh thần tự học trên nền tảng của sự say mê, ham học, ham hiểu biết, giàu khát vọng và kiên trì trên con đường chinh phục tri thức. Từ đó bản thân mỗi con người cần có ý chí, nghị lực, chủ động, tích cực, sáng tạo, độc lập trong học tập. Có như vậy mới chiếm lĩnh được tri thức để vươn tới những ước mơ, hoài bão của mình.