»» Nội dung bài viết:
Dàn bài phân tích truyện ngắn CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA (Nguyễn Minh Châu).
- Mở bài:
– Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học Việt Nam 1954 – 1975. Những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu là một nhà văn có ảnh hưởng quan trọng đối với văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và là nhà văn mở đường tinh anh của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.thời kỳ đầu của đổi mới. Ông chính là “ là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này” (Nhà văn Nguyễn Khải).
– Chiếc thuyền ngoài xa viết năm 1983, là nhan đề truyện ngắn nhưng đồng thời cũng là tên tập truyện do Nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành năm 1987. Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đòi đằng sau bức ảnh, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.
- Thân bài:
1. Hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh:
* Phát hiện thứ nhất: một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp trên biển.
– Một cảnh “đắt” trời cho – một cảnh tượng tuyệt đẹp mà thiên nhiên, cuộc sống ban tặng cho con người. Đó là hình ảnh chiếc thuyền lưới vó ẩn hiện trong biển sớm mờ sương có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào, “từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”.
– Với người nghệ sĩ, khung cảnh đó chứa đựng “chân lí của sự toàn thiện”, làm dấy lên trong nghệ sĩ Phùng những xúc cảm thẩm mĩ, khiến tâm hồn anh như được gột rửa, trở nên trong trẻo, tinh khôi. Cái đẹp đã thanh lọc được tâm hồn con người.
* Phát hiện thứ hai: cuộc sống khắc nghiệt trên con thuyền.
– Một cảnh tượng phi thẩm mĩ: một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi; một gã đàn ông to lớn, dữ dằn, phi nhân tính. Gã đàn ông đánh đập người vợ một cách thô bạo; đứa con vì thương mẹ đã đánh cha để rồi nhận lấy hai cái bạt tai của bố… → một cảnh tượng hoàn toàn trái ngược, giống như một trò đùa quái ác của cuộc sống.
– Phùng “ngơ ngác” không tin vào mắt mình. Anh kinh ngạc, sững sờ, chết lặng bởi cái xấu, cái ác lại hiện hữu ngay trước mắt, ngay sau cái đẹp kì diệu kia.
→ Qua hai phát hiện của người nghệ sĩ, nhà văn muốn phát biểu: Cuộc đời không đơn giản, xuôi chiều mà luôn chứa đựng nhiều nghịch lí. Cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập, mâu thuẫn. Chính vì thế, con người, nhất là người nghệ sĩ, không nên vội đánh giá con người, sự vật, hiện tượng ở dáng vẻ bên ngoài mà phải phát hiện ra bản
chất thực sau vẻ ngoài ấy.
2. Câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện.
– Chị đến tòa án để nghe chánh án Đẩu khuyên bảo và đề nghị từ bỏ người chồng vũ phu. Nhưng chị đã từ chối và sẵn sàng đánh đổi mọi giá để không phải li hôn. Chị lí giải: Hắn là chỗ dựa quan trọng của những người đàn bà hàng chài như chị. Chị cần hắn để nuôi dưỡng đàn con. Hơn nữa, trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái hòa thuận, vui vẻ …
– Câu chuyện đã giúp chánh Đẩu hiểu ra rất nhiều điều, trong anh “có một cái gì mới vừa vỡ ra”. Còn nghệ sĩ Phùng nhận thấy người đàn bà hàng chài là một phụ nữ nghèo khổ, nhẫn nhục nhưng không ngờ nghệch mà kín đáo, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. Tuy bề ngoài thô kệch nhưng chị có tâm hồn đẹp đẽ, giàu đức hi sinh và lòng vị tha. Lòng tốt và pháp luật là rất cần thiết nhưng phải được xem xét trong những hoàn cảnh cụ thể …
→ Qua câu chuyện về cuộc đời người đàn bà hàng chài và cách ứng xử của các nhân vật, nhà văn muốn gửi đến người đọc thông điệp: đừng nhìn cuộc đời, con người một cách đơn giản, phiến diện, mà phải đánh giá sự việc, hiện tượng trong các mối quan hệ đa diện, nhiều chiều.
3. Ý nghĩa tấm ảnh được chọn trong “bộ lịch năm ấy”.
– Mỗi lần nhìn kĩ vào bức ảnh đen trắng, nghệ sĩ Phùng vẫn thấy “hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai” – đó là chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc đời, cũng là biểu tượng của nghệ thuật.
– Nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh” – đó hiện thân của những lam lũ, khốn khổ, là sự thật cuộc đời vẫn buộc những con người có lương tri phải trăn trở.
→ Qua tấm ảnh được chọn trong “bộ lịch năm ấy”, Nguyễn Minh Châu thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: Nghệ thuật chân chính không thể tách rời, tách li cuộc sống. Nghệ thuật phải gắn với cuộc đời và phải vì cuộc đời.
4. Nghệ thuật biểu hiện.
– Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, cốt truyện có ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống: Tác giả đã dựng nên tình huống nghịch lí giữa hình ảnh của con thuyền khi ở ngoài xa với con thuyền lúc đến gần để tạo ra tình huống nhận thức cho nhân vật của mình, cũng là cho người đọc.
– Cách khắc họa nhân vật, cốt truyện hấp dẫn kết hợp với ngôn ngữ nhân vật sinh động, phù hợp với tính cách; lời văn giản dị mà sâu sắc, đa nghĩa góp phần làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
– Nhà văn lựa chọn ngôi kể, điểm nhìn thích hợp, làm cho câu chuyện trở nên gần gũi, chân thực và có sức thuyết phục.
– Giọng điệu: chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở phù hợp với tình huống nhận thức. Đồng thời cũng làm nên nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.
– Xây dựng nhiều hình ảnh, hình tượng vừa chân thực vừa chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc.
- Kết bài:
– Từ câu chuyện về một bức ảnh nghê thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều chứ không thể đánh giá con người, sự vật qua vẻ bề ngoài của nó.
– Câu chuyện trong bức ảnh nghệ thuật cũng đặt ra một vấn đề về nghệ thuật cho người nghệ sĩ. Đó là không nên nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng mà cần phải lăn xả vào hiện thực để nhìn nhận nó một cách đúng đắn. Phải rút ngắn khoảng cách giữa cuộc sống và nghệ thuật, trả nghệ thuật về đúng với ý nghĩa thực của nó. Đugns như Nguyễn Minh Châu từng nói: “Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”.
Phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu