de-tai-va-chu-de-cua-tac-pham-van-hoc

Đề tài và chủ đề của tác phẩm văn học

Đề tàichủ đề của tác phẩm văn học.

Đề tài và chủ đề là những khái niệm chủ yếu thể hiện phương diện khách quan của nội dung tác phẩm văn học. Đọc bất cứ tác phẩm nào chúng ta cũng bắt gặp những người, những cảnh và tâm tình cụ thể sinh động. Đó là phạm vi miêu tả trực tiếp trong các tác phẩm, “tính chất của phạm vi miêu tả trực tiếp trong các tác phẩm có thể hết sức đa dạng: chuyện con người, con thú, cây cỏ, chim muông, đồ vật, lại có cả chuyện thần tiên, ma quái, chuyện quá khứ và chuyện viễn tưởng mai sau”

Nhưng mục đích của văn học không bao giờ chỉ là giới thiệu những hiện tượng cụ thể cá biệt của đời sống hay của tưởng tượng. Tác phẩm văn học bao giờ cũng xuyên qua một phạm vi miêu tả trực tiếp trong tác phẩm để khái quát lên một phạm vi hiện thực đời sống nhất định có ý nghĩa sâu rộng hơn.

Đề tài của tác phẩm văn học.

Ðề tài là phạm vi hiện thực mà nhà văn chọn lựa và miêu tả, thể hiện tạo thành chất liệu của thế giới hình tượng trong tác phẩm đồng thời là cơ sở để từ đó nhà văn đặt ra những vấn đề mà mình quan tâm. Có thể nói, đề tài là khái niệm trung gian giữa thế giới hiện thực được thẩm mĩ hóa trong tác phẩm và bản thân đời sống. Người ta có thể xác định đề tài trên 2 phương diện: bên ngoài và bên trong.

Nói đến phương diện bên ngoài là nói đến sự liên hệ thuần túy đến phạm vi hiện thực mà tác phẩm phản  ánh. Ở đây, sự xác đinh đề tài thường dựa trên cơ sở các phạm trù lịch sử – xã hội. Có thể nói đến đề tài chống Pháp, chống Mĩ, đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội, đề tài công nhân, nông dân, bộ đội…

Ðề tài gắn bó chặt chẽ với đối tượng phản ánh. Ðối tượng là một phần của khách thể mà con người có thể chiếm lĩnh, phù hợp với một nhu cầu, một năng lực nhất định nhưng là cái nằm bên ngoài tác phẩm, chưa được chủ thể nhận thức còn đề tài là đối tượng đã thông qua sự lựa chọn và miêu tả, thể hiện trong tác phẩm của nhà văn. Nói cách khác, đối tượng là cơ sở của đề tài, là sự khái quát những phạm vi xã hội, lịch sử trong tác phẩm.

Tuy nhiên, để tránh sự đồng nhất đề tài và đối tượng phản ánh và thấy được tính chất của phạm vi được phản ánh, cần phải đi vào phương diện bên trong của đề tài. Ðó là cuộc sống nào, con người nào…được thể hiện trong tác phẩm. Nói cách khác, đó chính là tính chất của đề tài bên ngoài. Trong trường hợp này, đề tài chính là vấn đề được thể hiện trong tác phẩm và trong nhiều trường hợp nó trùng khít với chủ đề. Chẳng hạn, Sống mòn của Nam Cao viết về người trí thức tiểu tư sản nhưng đó là người trí thức tiểu tư sản quẩn quanh, bế tắc, mòn mỏi. Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu viết về người con gái giang hồ với cuộc sống đau đớn, tủi nhục và ước mơ tốt đẹp của họ trong cuộc sống cũ…

Có bao nhiêu loại hiện tượng đời sống thì có bấy nhiêu đề tài. Tuy nhiên, cần thấy rõ, đề tài mang dấu ấn rõ rệt của đời sống khách quan nhưng nó cũng là sự ghi nhận dấu ấn chủ quan của nhà văn. Bản chất đề tài không mang tính tư tưởng nhưng cách thức lựa chọn đề tài trong tính hệ thống của quá trình sáng tác đã mang tính tư tưởng. Bởi vì, việc lựa chọn đề tài này chứ không phải đề tài khác để thể hiện đã cho thấy, nhà văn coi chính đề tài ấy là quan trọng hơn cả, đáng quan tâm hơn cả trong cái thời điểm sáng tác đó. Qua sự lựa chọn ấy, nhà văn đã thể hiện khá rõ tính khuynh hướng trong lập trường tư tưởng của mình.

Khái niệm loại của đề tài không chỉ bắt nguồn từ bản chất xã hội của tính chất mà còn gắn liền với loại hiện tượng lịch sử xuất hiện trong đời sống và có âm vang trong đời sống tinh thần một thời, hoặc trong thời đại nào đó. Ví dụ, đề tài số phận người chinh phu, người cung nữ, đề tài người tài hoa trong sáng tác của Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du. Còn trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu nổi lên đề tài những người trung nghĩa.

Việc xác định đề tài cho phép liên hệ nội dung tác phẩm với một mảnh đất đời sống nhất định của thực tại. Tuy nhiên, không nên đồng nhất đề tài với đối tượng nhận thức, chất liệu đời sống hay nguyên mẫu thực tế của tác phẩm. Bởi vì, đối tượng là một cái gì nằm ngoài tác phẩm, đặt đối diện với tác phẩm. Đề tài của tác phẩm là một phương diện nội dung tác phẩm, là đối tượng đã được nhận thức, kết quả lựa chọn của nhà văn. Đó là sự khái quát về phạm vi xã hội, lịch sử của đời sống được phản ánh trong tác phẩm. Nếu chúng ta lẫn lộn hai mặt này sẽ dẫn đến biến việc phân tích tác phẩm thành phân tích đối tượng được miêu tả trong tác phẩm.

Đối với một nền văn học, mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc đều có những đề tài trung tâm tương ứng; những đề tài đó xuất hiện do có sự đổi mới trong những quan hệ xã hội, nhất là trong những quan hệ giai cấp, đồng thời cũng do yêu cầu văn học phải nhận thức và phản ánh kịp thời những bước chuyển biến lớn lao của đời sống. Trong các bộ môn nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng, đề tài là thuật ngữ dùng để chỉ phạm vi các sự kiện tạo nên cơ sở chất liệu đời sống của tác phẩm nghệ thuật. Khái quát hơn, đề tài thể hiện phạm vi miêu tả trực tiếp của tác phẩm nghệ thuật.

Giới hạn của phạm vi đề tài có thể được xác định rộng hẹp khác nhau. Đó có thể là một giới hạn bề ngoài như đề tài loài vật, đề tài sản xuất, đề tài cải cách ruộng đất, đề tài kháng chiến chống Mỹ, đề tài bộ đội Trường Sơn, đề tài công nhân, … Ở giới hạn bề ngoài của đề tài này, các phạm trù xã hội, lịch sử đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, đối tượng nhận thức của nhà văn là cuộc sống, con người xã hội với tính cách và số phận của nó, với quan hệ nhân sinh phức tạp của nó.

Giới hạn bề ngoài cho phép nhìn nhận tầm quan trọng của các phạm trù xã hội hay lịch sử, tuy đối tượng nhận thức của tác phẩm nghệ thuật nói chung thường không chỉ giới hạn bởi cái bên ngoài của hiện tượng. Cũng cần nhắc đến các phương diện bên trong của đề tài, đó là bề sâu của phương diện phản ánh với cuộc sống, con người, bao gồm trong nó tất cả những giá trị hiện thực, tố cáo, viễn cảnh, được miêu tả trong tác phẩm thông qua những hình tượng nghệ thuật.

Đề tài của tác phẩm chẳng những gắn với hiện thực khách quan mà còn do lập trường tư tưởng và vốn sống của người nghệ sĩ quy định. Đề tài không chỉ được gợi, quy định bởi cuộc sống hiện thực mà còn luôn được xác lập bởi lập trường tư tưởng thẩm mĩ, cách nhìn, quan niệm nghệ thuật, cá tính, tài năng sáng tạo, phụ thuộc vào những yêu cầu của thời đại và hoàn cảnh sáng tác riêng của mỗi nhà văn. Bởi vì, có khi cùng sống trong một xã hội ở cùng một thời kì lịch sử nhưng các nhà văn xuất thân ở những giai cấp khác nhau hoặc có quan điểm lập trường chính trị khác nhau dẫn tới việc lựa chọn đề tài để sáng tác cũng khác nhau.

Đối với một nền văn học, mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc đều có những đề tài trung tâm tương ứng. Đề tài trung tâm được hiểu là một khái niệm lớn hơn, bao quát hơn những đề tài cụ thể của từng tác phẩm. Nó chính là mảng hiện thực tập hợp những sự kiện, những hiện tượng, những diễn biến quan trọng nhất của đời sống xã hội, nó thể hiện những nét bản chất nhất của thời kì lịch sử đó. Hà Minh Đức quan niệm: “Trong văn học nước ta từ sau 1945 đến nay, đề tài trung tâm là Tổ quốc và Chủ nghĩa xã hội, như Đảng ta đã nhấn mạnh trong nhiều bức thư gửi các đại hội văn nghệ: “Tổ quốc và Chủ nghĩa xã hội là đề tài cao đẹp trong văn học, nghệ thuật nước ta hiện nay”.

Lê Lưu Oanh cho rằng: “Đề tài là một phạm vi nhất định của cuộc sống đã được nhận thức, lựa chọn để thể hiện trong tác phẩm”.

Ðề tài gắn bó chặt chẽ với đối tượng nhưng không thể đồng nhất hai khái niệm này. Ðối tượng là một phần của khách thể mà con người có thể chiếm lĩnh, phù hợp với một nhu cầu, một năng lực nhất định nhưng là cái nằm bên ngoài tác phẩm, chưa được chủ thể nhận thức còn đề tài là đối tượng đã thông qua sự lựa chọn và miêu tả, thể hiện trong tác phẩm của nhà văn. Nói cách khác, đối tượng là cơ sở của đề tài, là sự khái quát những phạm vi xã hội, lịch sử trong tác phẩm.

Trong tác phẩm văn học, thường không phải chỉ có một đề tài mà có rất nhiều đề tài liên quan nhau, bổ sung cho nhau để tạo thành một hệ thống đề tài. Pospelôp cho rằng: “Hệ đề tài là toàn bộ đề tài của tác phẩm hoặc sáng tác”. Chẳng hạn, Truyện Kiều của Nguyễn Du vừa có đề tài về tình yêu, về hạnh phúc lứa đôi, về các quan mặt sắt đen sì, về nông dân khởi nghĩa, về cuộc đời của các cô gái lầu xanh… Các đề tài đó gắn bó chặt chẽ với số phận bi thảm của nàng Kiều. Trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, bên cạnh đề tài về cuộc sống bi thảm của người nông dân còn có các đề tài về cuộc sống của bọn quan lại tham lam, ích kỉ, về cuộc đời của các em bé nghèo khổ… Như vậy, khi nói đến đề tài của một tác phẩm hoặc của văn học nói chung, thực chất không phải chỉ nói một đề tài mà là cả một hệ thống đề tài.

Đề tài của tác phẩm thường gắn chặt với hiện thực cuộc sống của thời đại mà nhà văn đang sống, vì vậy nó mang tính lịch sử xã hội sâu sắc. Tìm hiểu quá trình phát triển của lịch sử văn học, có thể nhận thấy trong mỗi thời kì lịch sử khác nhau, thường nổi lên những loại đề tài trung tâm khác nhau. Trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ 18 nửa đầu thế kỉ 19, đề tài về số phận của người phụ nữ chiếm một vị trí đáng kể trong trào lưu văn học nhân đạo chủ nghĩa Việt Nam. Trong giai đoạn từ 1945-1975, đề tài về người chiến sĩ cách mạng, về những người công nhân tiên tiến lại nổi lên hàng đầu.

Có những đề tài dường như thường được lặp đi lặp lại trong văn học ở mọi nơi và mọi thời đại. Chẳng hạn đề tài về tình yêu và hạnh phúc, chiến tranh và hòa bình, sự sống và cái chết…Có người cho rằng đấy là những đề tài vĩnh cửu của văn học. Thật ra, đó chỉ là một cách nói. Bởi vì, ngay chính một nhà văn khi viết về một phạm vi cuộc sống thì đề tài của tác phẩm cũng đã là một cái gì mới mẻ, không lặp lại.

Ðề tài có tính khách quan vì bản thân nó chưa thể hiện tính tư tưởng. Những nhà văn có lập trường tư tưởng khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau vẫn có thể cùng viết về một đề tài. Raxun Gamzatôp từng viết:

“Ðừng nói: trao cho tôi đề tài.
Hãy nói: Trao cho tôi đôi mắt”.

Chế Lan Viên có lần nói về thơ Tố Hữu: “Hãy đi tìm tình cảm, tư tưởng công nhân hơn là đi tìm ống khói trong thơ Tố Hữu.”

Tính khách quan của đề tài cũng chỉ mang tính tương đối vì xét đến cùng, đề tài ít nhiều cũng gắn bó với thế giới tinh thần của nhà văn. Sự quan tâm và hứng thú của nhà văn đối với một loại đề tài nhất định nào đó nhiều khi cũng xuất phát từ chỗ đứng, quan điểm tư tưởng, thậm chí từ khuynh hướng chính trị của nhà văn đó.

Nguyễn Ðăng Mạnh có nhận xét về đề tài của một số nhà văn như sau: “Trong thực tế của đời sống văn học, thường thấy hiện tượng này: các nhà văn dù lớn đến đâu cũng chỉ có một vùng đề tài ưa thích nhất và ông ta chỉ có thể viết hay về những đề tài ấy mà thôi. Khi vì một lí do nào đó, ông ta hướng ngòi bút ra ngoài khu vực đề tài ấy, thì ông ta không còn sắc sảo nữa, tác phẩm trở nên nhạt nhẻo, hình tượng thiếu sức sống, thiếu linh hồn, tài năng dường như rời bỏ ông ta. Thiếu thực tế chăng? Không hẳn như vậy. Chẳng hạn, Nguyễn Ðình Thi đâu phải thiếu thực tế về những ngày sôi sục của Cách mạng tháng Tám mà chính ông là một nhân chứng? Nhưng trong Vỡ bờ, những trang tương đối xem được chỉ có ở tập 1 khi viết về đất nước còn chìm đắm trong cảnh nô lệ, tối tăm, cơ cực. Ðến tập 2, càng về cuối, càng thấy nhạt nhẻo, sơ lược: ấy là nhữg trang mô tả cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 và đất nước vùng lên tức nước vỡ bờ. Có lẽ Nguyễn Ðình Thi là cây bút sinh ra để làm thơ, soạn nhạc hơn là viết văn xuôi, chỉ có thể viết hay về đất nước mình đẹp trong đau khổ, bất hạnh:

“Anh yêu em như yêu đất nước,
Vất vả, đau thương, tươi thắm vô ngần.

Không phải ngẫu nhiên mà con người ấy chọn viết Nguyễn Trãi ở Ðông quan chứ không phải Nguyễn Trãi ở Lam Sơn. Và câu thơ hay nhất trong bài Ðất nước là những câu thơ viết về Hà Nội đẹp một cách hoang vắng, hiu hắt trước Cách mạng tháng 8 “Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” và những câu thơ viết về đất nước bị giày xéo, cào xé trong cuộc kháng chiến chống Pháp “Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều” (Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, tr12-13).

Chủ đề của tác phẩm văn học.

Chủ đề là vấn đề chủ yếu, trung tâm, là phương diện chính yếu của đề tài. Nói cách khác, chủ đề là những vấn đề được nhà văn tập trung soi rọi, tô đậm, nêu lên trong tác phẩm mà nhà văn cho là quan trọng nhất. Nếu đề tài là một nhân tố tương ứng với đối tượng miêu tả của tác phẩm thì chủ đề lại là một bộ phận quan trọng của tác phẩm theo một chiều tư tưởng nhất định.

Có thể nêu lên một số chủ đề của các tác phẩm: Tắt đèn của Ngô Tất Tố tập trung phản ánh số phận bi thảm của người nông dân do chế độ sưu thuế, sự bóc lột tàn khốc trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Chí phèo của Nam Cao lại tập trung tô đậm vấn đề tha hóa, biến chất của một bộ phận nông dân và ước mơ làm người lương thiện của họ. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nêu bật lên số phận bi kịch của người phụ nữ, những ước mơ vươn tới hạnh phúc, vấn đề đấu tranh để thực hiện tự do và công lí. Qua Vợ nhặt, Kim Lân đã phản ánh cuộc sống khốn khổ của nhân dân ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 và tình cảm hướng về cách mạng của họ đồng thời nêu lên một vấn đề có ý nghĩa nhân bản sâu sắc: Ðó là cái tình trong cuộc sống đời thường của những người lao động trong một hoàn cảnh gần như hoàn toàn bế tắc. Trong Mùa lạc, Nguyễn Khải quan tâm đến sự thay đổi số phận của những con người đã từng chịu nhiều bất hạnh trong xã hội cũ, nay đã tìm lại được niềm vui, hạnh phúc và chỗ đứng trong xã hội mới.

Chủ đề luôn được xây dựng từ một đề tài nhất định. Nói cách khác, chủ đề không phải là một cái gì bên trên, bên ngoài đề tài mà xuất phát từ ý đồ, từ những gợi ý của những hiện tượng cuộc sống cụ thể thông qua cái nhìn, quan niệm của nhà văn. Chủ đề thể hiện sự thống nhất hữu cơ giữa hiện thực khách quan và tư tưởng chủ quan của nhà văn. Vì vậy, cùng viết về một đề tài gần gũi, nhà văn vẫn nêu lên được những vấn đề sâu sắc khác nhau tùy thuộc vào tài năng, khả năng thâm nhập đời sống và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn.

Đi vào một loại đề tài nhất định nào đó để sáng tác, bao giờ người viết cũng thấy có ý nghĩa từ thực tế đời sống, từ những chất liệu thực tế do mình tích lũy và thu lượm được, đem khái quát lên thành những vấn đề cơ bản. Thông qua những vấn đề cơ bản đó người viết định ký gửi, truyền đạt một điều gì và trong nhiều trường hợp tác phẩm chính là sự thực hiện cụ thể của chủ đề trong quá trình sáng tác bằng những hình tượng sinh động. Chủ đề là một nhân tố khái quát, chủ đề không chỉ là chất liệu trực tiếp mà còn được thể hiện thông qua những chất liệu trực tiếp. Khi đi vào phân tích tác phẩm, có thể có những trường hợp cách khai thác chủ đề của người phân tích không giống nhau tùy theo quan điểm tư tưởng và trình độ nhận thức của từng người. Lê Bá Hán quan niệm: “Nói chủ đề là vấn đề cơ bản được đặt ra trong tác phẩm, nhưng chủ đề phải được toát lên từ hiện thực trực tiếp, từ hệ thống tính cách thì mới có sức mạnh. Chủ đề sẽ kém tác dụng khi nó chỉ là những vấn đề được phát biểu trực tiếp như một chủ định có trước và người viết lấy hình tượng chắp vá để chứng minh cho luận điểm của mình”.

Từ đề tài về các cô gái giang hồ trong xã hội cũ, các nhà văn có thể nêu lên những chủ đề không giống nhau. Có thể thấy rõ điều này qua những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Lời kĩ nữ của Xuân Diệu; Ðời mưa gió của Nhất Linh và Khái Hưng; Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu…

Từ đề tài về miếng ăn, nhiều tác giả đã đặt ra những vấn đề rất khác nhau: Ngô Tất Tố tiếp cận với miếng ăn như một điều kiện để tồn tại (Làm no), Nam Cao nêu lên những vấn đề về nhân cách (Một bửa no, Tư cách mỏ, Trẻ con không được ăn thịt chó, Sú vơ nia, Sống mòn….); Nguyễn Tuân lại chú trọng đến miếng ăn như một giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc ( Giò lụa, Hương cuội, Chén trà trong sương sớm, Phở, Cốm…) …Trần Ðăng Khoa nhận xét về vấn đề miếng ăn, vấn đề cơm áo trong tác phẩm Nam Cao có lẽ chưa thực xác đáng và thấu đáo: “Văn chương của Nam Cao cũng rất gần với văn chương của Tsêkhôp, Lỗ Tấn nhưng khoảng cách tầm cỡ thì hình như vẫn còn xa nhau lắm. Sở dĩ có cái khoảng cách ấy cũng là vì ở chỗ, Lỗ Tấn và Tsêkhốp quan tâm đến nỗi đau ở cõi tinh thần còn Nam Cao lại để tâm trí đến cái bụng (Tào VĂn Ân nhấn mạnh). Ðọc ông ấy, trang nào cũng thấy đói. Mà văn học chỉ luẩn quẩn xung quanh miếng ăn, cũng khó mà lớn được” (Chân dung và đối thoại)

Trong mối quan hệ giữa chủ đề và đề tài thì bao giờ chủ đề cũng phải được xây dựng từ một đề tài nhất định. Từ một đề tài có thể đề xuất nhiều chủ đề khác nhau. Người ta có thể bắt gặp qua nhiều sáng tác văn học hiện tượng giống nhau và trùng lặp về đề tài, nhưng ít có sự giống nhau về chủ đề. Sự gần gũi về chủ đề giữa hai tác phẩm cụ thể đòi hỏi sự giống nhau cơ bản trên nhiều phương diện. Muốn có những chủ đề gần gũi thì trước hết hai tác phẩm phải cùng xuất hiện từ một đề tài. Ví dụ, chủ đề tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố rất gần gũi với chủ đề tiểu thuyết Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Cả hai nhà văn này đều viết về nông thôn, phản ánh sinh hoạt của những người nông dân nghèo khổ. Cả hai đều cùng đứng trên lập trường dân chủ tiến bộ để phản ánh và phê phán hiện thực đen tối của xã hội.

Chủ đề là thành phần cơ bản nội dung khái quát của tác phẩm. Nó được cụ thể hóa qua toàn bộ hình tượng tác phẩm, từ cốt truyện, nhân vật, hành động, lời nói, tư tưởng tình cảm của nhân vật trữ tình, của tác giả. Có thể cùng hướng tới miêu tả, khái quát một phạm vi đời sống nhưng trong tác phẩm của mình, mỗi nhà văn lại nêu ra, đề xuất những vấn đề khác nhau. Một tác phẩm thường có một chủ đề chính, song cũng có trường hợp có những tác phẩm có nhiều chủ đề. Ví dụ, Truyện Kiều của Nguyễn Du có chủ đề trung tâm là tiếng kêu xé lòng về quyền sống của con người bị chà đạp. Ngoài ra, còn có chủ đề lên án sự tác oai, tác quái của đồng tiền, lên án bộ mặt tàn bạo của giai cấp thống trị và ca ngợi những người anh hùng đấu tranh cho tự do.

Chủ đề có một vai trò rất quan trọng, nó thể hiện bản sắc tư duy, chiều sâu tư tưởng, khả năng thâm nhập vào bản chất đời sống của nhà văn. Chính nó đã bước đầu tạo ra tầm khái quát rộng lớn của tác phẩm đối với hiện thực xã hội, từ đó tác phẩm tác động sâu sắc vào nhận thức tư tưởng của người đọc.

Nói đến chủ đề của một tác phẩm văn học là nói tới vấn đề chính yếu, vấn đề quan trọng được nhà văn nêu lên trong tác phẩm. Khi nhà văn xác định đề tài cho tác phẩm cũng là lúc nhà văn tập trung suy nghĩ của mình nhằm làm sáng tỏ những vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất, những vấn đề luôn luôn ám ảnh. Nhà văn Gorki cho rằng: “Chủ đề là một ý tưởng nảy mầm trong vốn kinh nghiệm của tác giả, do cuộc sống mách bảo cho tác giả, nhưng vẫn còn ẩn náu trong cái vốn ấn tượng của anh ta dưới một dạng thức chưa hình thành và đòi hỏi phải được thể hiện trong những hình tượng, thúc đẩy tác giả tìm cách hình tượng hóa nó”.

Nhận xét này của Gorki cho thấy, chủ đề của tác phẩm văn học nảy sinh từ cuộc sống và tác động mạnh vào tâm trí của nhà văn, thôi thúc nhà văn sáng tác. Nhà thơ Nguyễn Khuyến được chứng kiến cảnh học hành thi cử ô hợp, nhũng nhiễu ở nước ta cuối thế kỉ XIX, bất bình trước cảnh kẻ bất tài đỗ đạt, nghênh ngang võng lọng, ông đã viết bài thơ Tiến sĩ giấy thật hóm hỉnh, sâu sắc, dùng hình ảnh ông nghè tháng tám (làm bằng giấy), để châm biếm những kẻ bất tài nhưng đỗ “nghè”:

“Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son tô điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.”

Có nhiều tác giả cùng viết một đề tài gần gũi nhưng chủ đề khác nhau. Ví dụ, Tố Hữu và Chế Lan Viên đều có những bài thơ viết về Bác Hồ. Bài Bác ơi! của Tố Hữu viết ngay sau khi Người mất, nhấn mạnh tới tấm lòng thương đời bao la, gắn bó với non sông đất trời. Bài Người đi tìm hình của nước, Chế Lan Viên viết năm 1960, lại thể hiện Bác ở khía cạnh khác: con người đi tìm tương lai độc lập, tự do cho dân tộc, con người có mơ ước lớn, người lãnh đạo biết nhìn xa trông rộng, đi trước thời gian.

Trên cơ sở một đề tài gần nhau có thể phát huy những chủ đề sâu sắc khác nhau. Chủ đề gắn bó với đề tài nhưng nhiều khi nó vượt qua những giới hạn của những đề tài cụ thể mà nêu lên những vấn đề khái quát, rộng lớn hơn. Không nên nghĩ rằng viết về đề tài nông dân, công nhân, trí thức, … Những tác phẩm văn học lớn, bên cạnh việc phản ánh những nội dung lịch sử cụ thể, bao giờ cũng từ đó, nêu lên những vấn đề chung có ý nghĩa khái quát về thân phận, nỗi đau, hạnh phúc của con người. Vì vậy, không nên hạn chế ý nghĩa của chủ đề trong phạm vi đề tài xác định.

Chủ đề văn học không bao giờ là một vấn đề đơn nhất. Nếu trong thực tại, bản chất con người đã là một tổng hòa của các quan hệ xã hội thì điều đó có nghĩa là bất cứ một vấn đề nào của nhân sinh cũng liên quan đến hàng loạt vấn đề phức tạp khác của quan hệ xã hội. Trong các chủ đề của tác phẩm, có thể phân ra chủ đề chính quán xuyến toàn tác phẩm và chủ đề phụ, cục bộ thể hiện qua các nhân vật hoặc tình tiết riêng lẻ. Trong đó, có thể nổi lên vài chủ đề có ý nghĩa trung tâm, quán xuyến toàn bộ tác phẩm. Ðó là chủ đề chính. Bên cạnh đó, có những chủ đề có ý nghĩa bộ phận, góp phần bổ sung, làm nổi bật chủ đề chính, được gọi là chủ đề phụ. Trong một tác phẩm, các chủ đề không có giá trị ngang nhau nên việc xác định đúng đắn chủ đề chính, chủ đề phụ sẽ góp phần quan trọng trong việc lí giải ý nghĩa của tác phẩm.

Ví dụ, chủ để chính trong tiểu thuyết Tắt đèn là mâu thuẫn giữa quyền sống của người dân quê và tính chất phát xít tàn bạo trong chính sách sưu thuế của bọn thực dân nửa phong kiến. Còn chủ đề phụ là lòng tham vô độ, đạo đức thối nát, sự ngu dốt và độc ác của bọn quan lại, chức dịch, phẩm chất tốt đẹp của người dân quê, số phận của phụ nữ và trẻ em. Lẫn lộn chủ đề chính phụ sẽ hạn chế việc lí giải đúng đắn nội dung tác phẩm.

Như vây, chủ đề là vấn đề cơ bản, vấn đề trung tâm được tác giả nêu lên để giải quyết trong tác phẩm. Nó không phải là một vấn đề đơn nhất, có nhiều tác phẩm chứa đựng cả một hệ chủ đề với chủ đề chính và chủ đề phụ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang