de-thi-hoc-sinh-gioi-lop-10-chu-de-doc-hieu-theo-duoi-su-hoan-hao-van-ban-tu-tinh-doc-tieu-thanh-ki

Đề thi HSG Ngữ văn 10. Chủ đề 1: “theo đuổi sự hoàn hảo”. Chủ đề 2: Qua bài thơ “Tự tình” và “Độc Tiểu Thanh kí”, hãy làm rõ ý kiến: “Thơ có thể bất chợt, rất nhẹ nhàng, chạm tới những tầng sâu, những nơi âm thầm nhất của phận người” (Thanh Thảo).

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÓA
TRƯỜNG THPT TRIỆU SƠN 1
ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG ĐỘI TUYỂN HSG (Lần 1)
LIÊN TRƯỜNG THPT TRIỆU SƠN 1,2,3,4
NĂM HỌC 2019-2020
ĐỀ CHÍNH THỨCMôn: Ngữ Văn – Lớp 11 THPT        
       Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
 (Đề có 02  trang)

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Chúng ta thường đặt mục tiêu cho một nghề nghiệp cụ thể vì ấn tượng với thành tích của những người xuất sắc nhất trong ngành nghề đó. Tham vọng của chúng ta có thể hình thành từ sự ngưỡng mộ dành cho người kiến trúc sư đã dựng nên một sân bay mới tuyệt đẹp cho thành phố, hay từ việc theo dõi những cuộc giao dịch liều lĩnh và bạo dạn của một nhà quản lý vốn giàu có nhất Wall Street, từ việc đọc những phân tích của một tiểu thuyết gia văn học nổi tiếng hay thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị tại nhà hàng do một đầu bếp từng đoạt giải mở. Chúng ta thường xây dựng những kế hoạch nghề nghiệp của mình dựa trên sự hoàn hảo.

Sau khi được những bậc thầy này truyền cảm hứng, chúng ta tự đi những bước đầu tiên và khó khăn bắt đầu từ đây. Những gì chúng ta cố gắng thường rơi vào dưới mức chuẩn so với những gì đã nhen nhóm lên tham vọng ban đầu.

Chúng ta bị mắc kẹt trong một nghịch lý khó chịu: trong khi những tham vọng của chúng ta được đốt lên bởi sự vĩ đại, ưu tú, thì tất cả những điều chúng ta nhận thức về bản thân lại chỉ ra thể hiện một sự kém cỏi từ bẩm sinh. Chúng ta đã rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa cầu toàn… Và càng ngày quan điểm của chúng ta trở nên bấp bênh vì chúng ta hiểu quá rõ những dằn vặt nội tâm, trong khi vẫn phải nhìn thấy những câu chuyện thành công trông có vẻ là không hề có chút khó khăn đớn đau nào đang nhan nhản xung quanh. Chúng ta tiếp tục không tha thứ cho bản thân mà chưa một lần nhìn thấy hết những “bản nháp thất bại” của những người chúng ta ngưỡng mộ. Chúng ta cần có một bức tranh đúng mực hơn về những khó khăn ẩn sau mọi điều chúng ta mong muốn vươn tới. Chúng ta cần công nhận vai trò chính đáng và thiết yếu của sự thất bại, và cho phép bản thân làm việc một cách không toàn vẹn trong một thời gian – điều này giống như cái giá phải trả để có một cơ hội làm điều mà một ngày nào đó, trong nhiều thập kỷ nữa, người khác nhìn vào sẽ cho rằng là thành công chớp nhoáng.

 (Dẫn theo http://tramdoc.vn/)

Câu 1. (1,0 điểm) Theo tác giả, tham vọng nghề nghiệp của chúng ta hình thành từ đâu?

Câu 2. (1,5 điểm)  Xác định nội dung chính của văn bản.

Câu 3. (1,5 điểm) Anh (chị) hiểu như thế nào về cụm từ “bản nháp thất bại” được nhắc đến trong bài viết.

Câu 4. (2,0 điểm) Anh/chị có đồng tình với ý kiến “Chúng ta cần công nhận vai trò chính đáng và thiết yếu của sự thất bại” hay không?

II. LÀM VĂN (14,0 điểm)

Câu 1:(4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 chữ) trình bày quan điểm của mình về vấn đề được gợi ra từ văn bản đọc hiểu : theo đuổi sự hoàn hảo.

Câu 2: (10,0 điểm)     

Trong cuốn “Thơ mãi mãi là bí mật”, nhà thơ Thanh Thảo khẳng định: “Thơ có thể bất chợt, rất nhẹ nhàng, chạm tới những tầng sâu, những nơi âm thầm nhất của phận người”.         

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ “Tự tình” (Bài 2) của Hồ Xuân Hương và “ Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) của Nguyễn Du.

====================HẾT===================

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÓA
TRƯỜNG THPT TRIỆU SƠN 1
ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG ĐỘI TUYỂN HSG (Lần 1)
LIÊN TRƯỜNG THPT TRIỆU SƠN 1,2,3,4
NĂM HỌC 2019-2020
HƯỚNG DẪN CHẤMMôn: Ngữ Văn – Lớp 11 THPT        
       Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
 (Đề có 02  trang)
PhầnCâuNội dungĐiểm
 
 
I
ĐỌC HIỂU6,0
Câu 1– Tham vọng nghề nghiệp của chúng ta có thể hình thành từ sự ngưỡng mộ dành cho người xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó: người kiến trúc sư đã dựng nên một sân bay mới tuyệt đẹp cho thành phố, hay từ việc theo dõi những cuộc giao dịch liều lĩnh và bạo dạn của một nhà quản lý vốn giàu có nhất Wall Street, từ việc đọc những phân tích của một tiểu thuyết gia văn học nổi tiếng hay thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị tại nhà hàng do một đầu bếp từng đoạt giải mở.1,0
Câu 2– Văn bản bàn về tham vọng nghề nghiệp và nghịch lí, dằn vặt mà chúng ta đang rơi vào khi theo đuổi sự hoàn hảo. Từ đó tác giả khuyên chúng ta cần công nhận vai trò chính đáng và thiết yếu của sự thất bại và cho phép bản thân mình làm việc một cách không hoàn hảo.1,5
Câu 3– “Bản nháp thất bại” được hiểu là những sai lầm, thất bại, những khó khăn mà con người đã trải qua trước khi thành công. Cũng giống như muốn viết một tác phẩm văn học hay viết một công trình khoa học đều phải có quá trình viết nháp để chỉnh sửa, hoàn thiện, “viết” nên thành công là bản chuẩn tất yếu phải trải qua những bản nháp thất bại. Vì thế để làm được một việc nào đó, chúng ta cần hiểu biết đầy đủ và chín chắn về những điều kiện cần thiết để đạt được, có cái nhìn đúng mực về những khó khăn ẩn sau mọi điều ta mong muốn vươn tới, và nhất là chấp nhận thất bại và vượt qua nó để đạt được mục đích đã đặt ra.1,5
Câu 4HS bày tỏ quan điểm và lí giải thuyết phục bằng lí lẽ, dẫn chứng.2,0
IICâu 11. Yêu cầu chung.

–  Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan niệm riêng của mình, nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

2. yêu cầu cụ thể.

2.1. Giải thích vấn đề

–  Hoàn hảo được hiểu là sự tốt đẹp về mọi mặt. Người theo chủ nghĩa hoàn hảo luôn theo đuổi mục tiêu hướng tới sự toàn thiện, toàn mĩ, cầu toàn trong mọi việc, mọi mối quan hệ.

– Người luôn nỗ lực vì cuộc sống tốt đẹp hơn biết đặt những mục tiêu trong khả năng và biết chấp nhận tình trạng của mình. Còn người theo chủ nghĩa hoàn hảo luôn muốn vượt qua khả năng của mình và không chấp nhận nếu kết quả đạt được chưa hoàn hảo.

2.2. Bàn luận.

* Mặt tích cực của việc theo đuổi sự hoàn hảo:

– Khát vọng vươn tới sự toàn thiện toàn mĩ là chính đáng.

– Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo không bao giờ hài lòng với những điều bình thường đang có mà luôn muốn mọi việc phải tốt hơn, tốt hơn nữa. Điều này tạo động lực để họ nỗ lực phấn đấu, sáng tạo để tạo nên những điều đẹp đẽ hơn.
*

* Mặt tiêu cực khi theo đuổi sự hoàn hảo:

– Người theo đuổi sự hoàn hảo luôn đặt ra những mục tiêu, yêu cầu, tiêu chuẩn quá cao. Họ sống khắt khe với mọi người, mọi việc và với chính mình. Cuộc sống ấy nhàm chán, mệt mỏi.

– Bản thân con người là không hoàn hảo và cuộc sống cũng không toàn mĩ.Vậy nên,  nhìn đời, nhìn người bằng “đôi mắt hoàn hảo” khiến con người rơi vào thất vọng, “vỡ mộng”.

– Việc ép mình phải trở thành hoàn hảo sẽ gây ra rối loạn, trầm cảm…

2.3. Bài học nhận thức và hành động

Trong con người ta, ai cũng có con người cầu toàn, yêu sự hoàn hảo nhưng chúng ta phải khôn ngoan để biết mình đang ở đâu , cần gì và cần biết hài lòng với những gì mình đang có.

1,02,0

1,0

Câu 21. Về kĩ năng
 

– Biết cách viết một bài văn nghị luận văn học.

– Thể hiện được những kiến thức lí luận về thể loại truyện ngắn, kết hợp giữa lí luận và cảm thụ văn học.

– Lập luận chặt chẽ, có cảm xúc, không mắc các lỗi chính tả, diễn đạt.

2. Về kiến thức
2.1.  Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận0,5
2.2. Thân bài:
a. Giải thích1,0
– Thơ chạm tới những tầng sâu, những nơi âm thầm nhất của phận người: Thơ phản ánh cuộc đời, con người nhưng không ở bề nổi, bên ngoài – thứ mà bất cứ ai cũng có thể cảm, thấy được. Thơ nói lên nỗi đau của  thân phận con người ở những góc khuất, những chiều sâu, những mảng tối. Từ đó đem đến cho người đọc niềm thương cảm sâu sắc.

– Tuy nhiên cách phản ánh của thơ không ồn ào, nặng nề mà bất chợt, nhẹ nhàng, thơ giúp người đọc nhìn ra được bản chất của đời sống, thấy được số phận con người một cách ngẫu nhiên và nhẹ nhàng nhất bằng cách người đọc từ thấu, tự cảm được.

– Chốt lại: Ý kiến của Thanh Thảo đề cập tới đặc trưng của văn học nói chung và thơ ca nói riêng là tiếng nói hướng về con người, đặc biệt là thân phận con người ở những chiều sâu, những góc khuất mà không phải ai cũng dễ dàng thấy được.

b. Bàn luận2,0
– Đây là những ý kiến đúng đắn, làm nổi bật được bản chất thơ.

– Vì sao thơ lại chạm tới những tầng sâu, nơi âm thầm nhất của phận người

+ Thơ cũng chính là cuộc đời, thơ ăn sâu bén rễ vào mảnh đất hiện thực để nói lên tiếng lòng của thi sĩ về kiếp nhân sinh, trong đó điều khiến nhà thơ luôn đau đáu, trăn trở chính là phận người.

+ Văn học nói chung và thơ nói riêng luôn giúp con người được sống, được biết nhiều cuộc đời, khái quát được số phận, bản chất của con người; đặc biệt khám phá được chiều sâu trong thế giới tinh thần của con người. Từ đó, khả năng thấu hiểu và đồng cảm với con người sâu sắc hơn.

+ Nhà thơ luôn mang trong mình một con mắt tinh tế, một trái tim nhạy cảm, “những điều trông thấy” về cuộc sống, đặc biệt những nỗi đau, bất công, oan trái mà phận người phải đối diện luôn khiến nhà thơ “đau đớn lòng”, từ đó làm nên những trang thơ day dứt về phận người.

c. Phần vận dụng
* Bài “Tự tình” (Bài 2)  của Hồ Xuân Hương đã chạm tới những tầng sâu, nơi âm thầm nhất của phận người:

– Bài thơ trước hết là lời tự tình của Hồ Xuân Hương về chính phận mình

+ Đó là phận của kiếp hồng nhan bạc phận, duyên phận hẩm hiu.(4 câu đầu)

+ Đó là thái độ không cam phận nhưng càng phản kháng quyết liệt cuối cùng vẫn rơi vào đau khổ.

– Bài thơ đã chạm tới thân phận bi kịch chung của những người phụ nữ mang thân đi lấy lẽ và của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

– Để chạm tới những tầng sâu, nơi âm thầm nhất của phận người, Hồ Xuân Hương đã có những sáng tạo độc đáo về ngôn từ, hình ảnh thơ…

Đọc Tiểu Thanh ký đã chạm tới những tầng sâu, nơi âm thầm nhất của phận người.

–  Đó là phận của người phụ nữ tài hoa mệnh bạc. (4 câu đầu)

–  Đó là phận của tất cả những bậc giai nhân tài tử trong cuộc đời

– Đó là phận của chính nhà thơ luôn chịu lận đận, cô đơn trước cuộc đời

– Đề chạm tới những tầng sâu, nơi âm thầm nhất của phận người một cách bất chợt, nhẹ nhàng Nguyễn Du đã sử dụng những hình thức nghệ thuật đặc sắc, độc đáo: nghệ thuật sử dụng ngôn từ, hình ảnh, …

* Nhận xét

– Điểm tương đồng: Cả hai bài thơ đều là nỗi đau cho thân phận con người nhất là những kiếp hồng nhan bạc mệnh, đều thấm đẫm tinh thân nhân đạo của hai nhà thơ. Cả hai tác giả đã có những sáng tạo đặc sắc về nghệ thuật để viết về phận người.

– Điểm khác biệt:

Tự tình (Bài 2) là nỗi niềm tự thương thân xót phận.  Hồ Xuân Hương là người phụ nữ viết về nỗi thân phận hẩm hiu của người phụ nữ vừa trữ tình vừa đậm đà tính dân tộc. Bài thơ in đậm phong cách độc đáo của “bà Chúa thơ Nôm”.

“Đọc Tiểu Thanh kí” vừa thương phận người mà thấm thía phận mình. Nguyễn Du đã mượn chén của người để rót rượu của mình. Bài thơ không chỉ thương cho phận của người xưa, người nay mà còn thương cho cả những kiếp tài hoa ở hậu thế.

+ Mỗi tác giả đã chọn những cách khác nhau để “chạm” vào phần thẳm sâu của phận người và qua đó lan tỏa tới người đọc: Hồ Xuân Hương sử dụng thơ Nôm với ngôn ngữ thuần Việt, sử dụng  biện pháp tu từ đảo ngữ,… ; còn Nguyễn Du sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật viết bằng chữ Hán hàm súc, đa nghĩa…

2,5

1,5

1,0

d. Đánh giá, mở rộng, nêu ý nghĩa của vấn đề:1,0
 * Nhận định đã đặt ra yêu cầu đối với người sáng tác và người tiếp nhận:

– Với người sáng tác: làm thơ không chỉ truyền đến người đọc tình yêu với nghệ thuật, cái đẹp mà còn khiến người đọc thấu hiểu và thương cảm trước thân phận con người. Để đạt được điều ấy, mỗi nhà thơ cần có tài năng, tấm lòng và sự trải nghiệm sâu sắc.

– Với người tiếp nhận: Nhận định của thanh Thảo định hướng cho người đọc trong quá trình tiếp nhận văn học, là tiêu chí giúp họ đánh giá được giá trị của một bài thơ hay đâu chỉ ở cảm xúc mà còn ở tấm lòng, ở cái tâm của người nghệ sĩ với cuộc đời, với con người.

2.3. Kết bài

– Khẳng định tính đúng đắn của nhận định

–  Nêu ý nghĩa của nhận định.

0,5

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang