Đọc hiểu chủ đề: Lòng khiêm tốn

doc-hieu-chu-de-long-khiem-ton

Đọc hiểu chủ đề: Lòng khiêm tốn

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:

Người khiêm tốn

“Người có tính khiêm tốn thường hay cho mình là kém, còn phải phấn đấu thêm, trau dồi thêm, cần được trao đổi, học hỏi nhiều thêm. Người có tính khiêm tốn không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường, không đáng kể, luôn luôn tìm cách để học hỏi thêm nữa.

Tại sao con người lại phải khiêm tốn như thế? Đó là vì cuộc đời là một cuộc đấu tranh bất tận, mà tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng, nhưng thật ra chỉ là những giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la. Sự hiểu biết của mỗi cá nhân không thể đem so sánh với mọi người cùng chung sống với mình. Vì thế, dù tài năng đến đâu cũng luôn luôn phải học thêm, học mãi mãi.

Tóm lại, con người khiêm tốn là con người hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự đề cao vai trò, ca tụng chiến công của cá nhân mình cũng như không bao giờ chấp nhận một ý thức chịu thua mang nhiều mặc cảm tự ti đối với mọi người.

Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời”.

(Trích Tinh hoa xử thế, Lâm Ngữ Đường, Ngữ văn 7, tập hai, NXB Giáo dục)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2. Anh/ Chị hiểu như thế nào về ý kiến sau: “Tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng, nhưng thật ra chỉ là những giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la”.
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn thứ nhất?
Câu 4. Đoạn trích nói về lòng khiêm tốn. Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với anh/ chị?
Câu 5. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về câu nói của Ăng-ghen: “Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị”.

GỢI Ý LÀM BÀI.

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận.

Câu 2. Ý kiến trên có nghĩa: Tài năng, hiểu biết của mỗi người tuy quan trọng nhưng hữu hạn, bé nhỏ như “những giọt nước” trong thế giới rộng lớn, “đại dương bao la”. Vì thế, cần phải khiêm tốn học hỏi.

Câu 3.

Biện pháp liệt kê: Liệt kê các biểu hiện của khiêm tốn: tự cho mình là kém, phải phấn đấu thêm, trau dồi thêm, học hỏi thêm,…

– Tác dụng của biện pháp liệt kê: Diễn tả được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những biểu hiện của đức tính khiêm tốn.

Câu 4. Thí sinh tự rút ra ý nghĩa sau khi đọc đoạn trích.

Có thể trình bày theo hướng sau:

– Đoạn trích là bài học sâu sắc giúp ta hiểu rằng: khiêm tốn là phẩm chất tốt đẹp, cao quý của con người.

– Muốn thành công trên đường đời, mỗi người cẩn trang bị lòng khiêm tốn cho bản thân.

Câu 5. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cẩn hợp lí và có sức thuyết phục. Có thể tham khảo gợi ý sau để viết đoạn văn:

Đọc thêm: Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị” (Ăng-ghen).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.