Nghị luận: Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị (Ăng-ghen).

nghi-luan-trang-bi-quy-nhat-cua-con-nguoi-la-khiem-ton-va-gian-di

Nghị luận: Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị (Ăng-ghen).

  • Mở bài:

Có người từng nói: “Tài năng thường được tỏa sáng trong im lặng. Kém cỏi thường tự lan tỏa bằng âm thanh”. Người thông minh, tài trí thường chọn cách im lặng và sống một cuộc đời giản dị, không bao giờ tranh đoạt hơn thua với người khác hay phô trương đời sống vật chất của mình. Bàn về điều này, Ăng-ghen từng nói: Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị.

  • Thân bài:

1. Giải thích.

“Khiêm tốn”: Có ý thức và thái độ đúng mức trong đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người. Người khiêm tốn luôn có những nhận xét, đánh giá đúng mức và phù hợp với bản thân, không tự cho mình là đúng, không tỏ thái độ kiêu kỳ, tự mãn.

“Giản dị”: Đơn giản một cách tự nhiên trong phong cách sống, không khoe khoang hay phô trương vật chất. Người sống giản dị có gì dùng đó, thích những thứ đơn giản, hữu dụng hơn là những thứ màu mè hoa lá, họ sống một cách khoa học và tiết kiệm. Không chỉ là sự giản dị trong tiêu dùng mà còn là giản dị trong cả tâm hồn, lời ăn tiếng nói.

Ý nghĩa: Khiêm tốn và giản dị là hai đức tính cao cả, đáng quý của con người; những đức tính ấy góp phần làm nên nhân cách và giá trị đích thực của con người. Quang câu nói, Ăng-ghen khẳng định tầm quan trọng, sự quý giá và cần thiết của hai đức tính này trong quá trình phát triển của con người.

2. Phân tích và chứng minh.

a) Khiêm tốn là phẩm chất đáng quý, giúp con người ngày càng tốt đẹp hơn.

– Người khiêm tốn, không thích nói nhiều, họ quan tâm đến việc phải làm gì và luôn muốn phát triển bản thân một cách tích cực.

– Trong học tập, trong quan hệ giao tiếp,… người có đức tính khiêm tốn sẽ được mọi người quý trọng.

– Khiêm tốn sẽ giúp cho con người luôn có ý thức phấn đấu, hướng con người không ngừng vươn lên để hoàn thiện bản thân.

– Người sống khiêm tốn luôn nhận được sự tin tưởng, quý trọng từ người khác, được đánh giá một cách khách quan và trung thực, bởi họ thường chứng minh năng lực của bản thân bằng hành động, chính vì thế luôn đem đến cho người khác sự kỳ vọng vượt ngoài mong đợi.

(Dẫn chứng: Đacuyn là nhà bác học không ngừng học hỏi,…)

b) Giản dị làm nên vẻ đẹp đích thực của con người trong lòng mọi người.

– Giản dị trong cách sống, trong hành động, ngôn ngữ,… sẽ giúp con người dễ hòa đồng với xã hội. Người sống giản dị thường sẽ trở thành thành phần trung tính trong xã hội, với lối ăn mặc, sinh sống, trang điểm giản dị, họ thường dễ được chào đón trong môi trường xã hội.

– Giản dị tạo ấn tượng tốt về giá trị đích thực của bản thân.

– Giản dị không chỉ ở lối sống mà còn phải giản dị trong cách suy nghĩ, tư tưởng, nghĩ đơn giản, sống lạc quan, tư duy một cách tích cực, không toan tính thực dụng. Họ thường dễ tạo thiện cảm với mọi người, đồng thời có được mối quan hệ tốt đẹp.

– Sống giản dị, tiết kiệm giúp chúng ta tiết kiệm chi tiêu, dành tiền bạc của cải vào các quỹ tiết kiệm, hoặc thực hiện được những việc có ý nghĩa.

(Dẫn chứng: Tấm gương Hồ Chí Minh – Chủ tịch nước nhưng cuộc sống hết sức giản dị và khiêm tốn. Nơi ở và làm việc là ngôi nhà sàn đơn sơ; trang phục với bộ kaki, đôi dép cao su, bữa ăn thường là những món dân dã; Người luôn khiêm tốn với tất cả mọi người – với những người giúp việc, luôn thân mật gọi là cô hay chú, luôn trân trọng, lễ độ khi tiếp xúc với các vị nhân sĩ; Quốc hội đề nghị tặng Bác Huân chương cao quý nhất Nhà nước là Huân chương Sao vàng, Bác khiêm tốn từ chổi và nói: “Miền Nam còn chưa được giải phóng, khi nào thống nhất đất nước xin Quốc hội ủy quyền cho đồng bào miền Nam thay mặt Quốc hội trao tặng thì tôi xin nhận”; Di chúc Người còn dặn dò: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”…)

– Khiêm tốn và giản dị không hề làm giảm giá trị của bản thân mà trái lại sẽ được mọi người tôn trọng và tin cậy.

3. Bàn luận mở rộng.

Đánh giá: Câu nói của Ăng-ghen thể hiện một quan niệm nhân sinh sâu sắc, hướng con người vươn tới những giá trị cao quý. Nó giúp con người tránh khỏi thói hợm hĩnh, kiêu ngạo để hoàn thiện mình.

Phản biện: Phê phán thói tự cao, tự phụ, khoe khoang, đua đòi, thích phô trương, chạy theo hình thức…

Mở rộng: Trong hành trang cuộc sống, mỗi người cần biết làm giàu có tâm hồn mình từ trau dồi hai phẩm chất khiêm tốn và giản dị. Giá trị đích thực của con người bắt đầu từ đó.

4. Bài học nhận thức và hành động.

Nhận thức: Khiêm tốn sẽ giúp con người luôn hướng thiện, nêu cao tinh thần học hỏi, có ý thức phấn đấu không ngừng. Giản dị là một trong những nét đẹp của lối sống thời hiện đại hôm nay. Tuy nhiên, khiêm tốn không phải là tự ti, giản dị không phải là xuề xòa, dễ dãi.

Hành động: Mỗi con người nên học lối sống khiêm tốn và giản dị (trong cách sống, học tập, hành động, ngôn ngữ…) để có thể hòa đồng Với cộng đồng và luôn phấn đấu đóng góp thật nhiều cho xã hội.

  • Kết bài:

Tri thức làm ta khiêm tốn, ngu si làm ta kiêu ngạo. Tự khiêm thì người ta càng phục, tự khoe thì người ta càng khinh. Người càng vĩ đại thì càng khiêm tốn. Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị. Hãy trở thành con người có nhân cách tốt đẹp hơn và biết rõ mình là ai, trước khi gặp gỡ mọi người và hy vọng người ta biết mình là ai. Đó mới là cách tu dưỡng nhân cách, là cách sống chuẩn mực mà tất cả chúng ta cần thực hành.

Nghị luận về tính khiêm tốn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.