cam-nhan-ve-dep-buc-tranh-thien-nhien-va-cuoc-song-trong-bai-tho-chieu-toi-cua-ho-chi-minh

Đọc hiểu văn bản Chiều tối (Mộ) của Hồ Chí Minh

Đọc – hiểu văn bản:

Chiều tối (Mộ)
– Hồ Chí Minh –

I. Tìm hiểu chung.

1. Tác giả: Hồ Chí Minh.

– Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969) là nhà lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là danh nhân văn hóa thế giới.

2. Tác phẩm:

– Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ Chiều tối trích trong tập “Nhật kí trong tù”, cảm hứng được gợi lên trên đường chuyển lao của Hồ Chí Minh từ nhà tù Tĩnh Tây đến nhà tù Thiên Bảo.

II. Đọc hiểu văn bản:

1. Bức tranh thiên nhiên buổi chiều nơi rừng núi (hai câu thơ đầu):

– Hai câu thơ đầu miêu tả bức tranh thiên nhiên mở ra những hình ảnh cụ thể: cánh chim, chòm mây, bầu trời, núi rừng. Đó là những hình ảnh khi tác giả nhìn lên trời cao và hướng tầm mắt ra xa.

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”

– Một khung cảnh thiên nhiên với núi rừng lúc chiều tối. Có cách chim chiều mệt mỏi đang bay về tổ. Có chòm mây lẻ loi, lững lờ trôi giữa tầng không. Một không gian rộng lớn, trống vắng trong cái thời khắc cuối cùng của một ngày.

“Quyện điểu” (chim mỏi): một cái nhìn tinh tế, cảm nhận rất sâu trạng thái bên trong của sự vật. Hình ảnh thơ có hồn và nhuốm màu tâm trạng của thi nhân nặng nề lê bước trên đường đi đày và khát khao một chốn dừng chân.

“Cô vân”: chòm mây lẻ loi, cô đơn → gợi cảm giác buồn vắng.

– “Mạn mạn”: chỉ sự trôi chậm chậm, lững lờ → không gian rộng, thoáng đãng, gợi sự ung dung thư thái trong tâm hồn thi nhân.

“Độ thiên không”: chuyển dịch từ chân trời này sang chân trời kia →Tâm trạng cô đơn, lạc lõng trước khoảng không bao la.

– Cảnh được miêu tả theo bút pháp cổ điển:

+ Hình ảnh chấm phá chủ yếu gợi cái hồn của tạo vật

+ Cảnh được nhìn từ cao, từ xa.

+ Cánh chim, chòm mây vốn là những hình ảnh quen thuộc trong thơ cổ.

– Cảnh thơ mộng, tĩnh lặng, khoáng đạt, phản ánh vẻ đẹp của tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, yêu thiên nhiên, một phong thái ung dung tự tại.

– Cảnh buồn: “Chòm mây lẻ loi’ (cô vân_; Cánh chim mỏi mệt bay về: “quyện điểu” → Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp cổ điển nhưng bình dị, gần gũi. Ẩn sau bức tranh ấy là vẻ đẹp tâm hồn Bác: yêu thiên nhiên và phong thái ung dung tự tại trong hoàn cảnh khắc nghiệt.

→ Bức tranh thiên nhiên chiều muộn với cánh chim mệt mỏi tìm chốn ngủ và chòm mây cô đơn trôi lững lờ giữa tầng không (so sánh với hình ảnh cánh chim, chòm mây trong thơ cổ). Đây cũng là cảnh thực trong cảm nhận của tù nhân- thi sĩ (chú ý sự tương đồng giữa người và cảnh). Hai câu thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu thiên nhiên và phong thái ung dung tụ tại (chú ý cảnh ngộ của tù nhân và những rung động dạt dào, bản lĩnh chiến sĩ, chất thép ẩn đằng sau chất tình)

2. Bức tranh cuộc sống tràn đầy niềm tin tưởng (hai câu thơ sau):

“Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng”

– Cảnh được miêu tả bằng bút pháp hiện đại:

+ Hình ảnh cô gái xay ngô toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn, trẻ trung trong công việc lao động đời thường, bình dị. Giữa núi rừng mênh mông, thiếu nữ miền sơn cước không bị hòa lẫn vào cảnh vật hay trở nên nhỏ bé, yếu ớt mà trái lại hình ảnh cô gái chính là điểm sáng của bức tranh, là trung tâm của cảnh vật.

+ Hình ảnh chân thực, đời thường, giản dị, tạo nên bức tranh lao động trẻ trung, khỏe khoắn, đầy sức sống.

– Hình ảnh lò than rực hồng: Thời gian chuyển về tối → nghệ thuật dùng ánh sáng chỉ bóng tối. Chỉ cần nhìn lò than đỏ rực , người ta cũng nhận ra bóng tối đã về bao trùm vạn vật.

– Hình ảnh “lò than” xua đi cái giá lạnh của đêm cuối thu. Bức tranh chiều tối đến đây không buồn bã, thê lương, ảm đạm mà tràn đầy sức sống ấm áp, tươi sáng.

+ Ánh sáng khơi dậy trong tâm hồn người tù khao khát chốn nghỉ chân, một gia đình bình dị.

+ Phản ánh tâm hồn luôn hướng về ánh sáng , hướng về sự sống của Hồ Chí Minh.

– Bác đã quên đi cảnh ngộ đau khổ của mình để quan tâm, chia sẻ với cuộc sống nhọc nhằn của người lao động → tấm lòng nhân đạo sâu sắc.

→ Bức tranh cuộc sống ở vùng sơn cước hiện lên với vẻ đẹp khỏe khoắn của người con gái xóm núi đang xây ngô bên lò than. Cuộc sống đời thường đã đem lại cho người tù hơi ấm, niềm vui (so sánh bản dịch với nguyên tác, chú ý nghệ thuật gợi chứ không tả, thủ pháp điệp liên hoàn). Câu 4 thể hiện sự vận động của tự nhiên cũng là sự vận động của tư tưởng, hình tượng thơ Hồ Chí Minh: chiều chuyển dần sang tối nhưng bức tranh thơ lại mở ra ánh sáng rực hồng (phân tích chữ hồng – nhãn tự của bài thơ).Cùng với sự vận động của thời gian là sự vận động của mạch thơ, tu tưởng người làm thơ: từ tối đến sáng, từ tàn lụi đến sinh sôi, từ buồn sang vui, từ lạnh lẽo cô đơn sang ấm nóng tình người.

III. Tổng kết:

1. Nội dung:

– Bài thơ cho ta thấy vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách người nghệ sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh: yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống. Luôn kiên cường, ung dung, tự tại và lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Bài thơ mang tên “Chiều tối” nhưng không kết thúc bằng bóng tối mà kết thúc bằng ánh sáng màu sắc rực rỡ. Chữ “hồng” chính là nhãn tự của bài thơ, thu được cả linh hồn, sức sống của toàn bài. Cả bức tranh bừng sáng bởi chữ “hồng”. Đồng thời thấy được sự vận động có chiều hướng lạc quan bởi luôn hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai.

2. Nghệ thuật:

– Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, hàm súc, cô đọng. Kết hợp với thủ pháp đối lập, điệp vòng …

– Bài thơ mang đậm sắc thái nghệ thuật cổ điển và hiện đại:

+ Cổ điển: Thể thơ: thất ngôn tứ tuyệt, văn tự: chữ Hán, bút pháp tả cảnh ngụ tình, nghiêng về cảm hứng thiên nhiên,…

+ Hiện đại: Cảnh vật có sự vận động hướng về sự sống. Con người là trung tâm trong bức tranh thiên nhiên. Nhân vật trữ tình không phải lả ẩn sĩ mà là chiến sĩ.

Bài thơ “Chiều tối” cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống,‎ chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh. Bài thơ đậm sắc thái cổ điển mà hiện đại.

BÀI TẬP VẬN DỤNG.

1/  Trong hai câu thơ cuối, những hình ảnh nào đã làm cho tâm trạng tác giả thay đổi ? Nêu ý nghĩa của những hình ảnh đó.

2/ Đọc bài thơ Chiều tối ( Mộ) sau và trả lời câu hỏi :

Phiên âm :

Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

Dịch thơ :

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không ;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết lò than đã rực hồng.

(Nam Trân dịch- HỒ CHÍ MINH, Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, hà Nội, 2003)

a/ Nêu thể thơ của bài thơ ?

b/ Xác định phép điệp ở hai câu thơ 3 và 4 phần phiên âm. Nêu hiệu quả nghệ thuật của phép điệp đó.

c/ Trong hai câu thơ cuối, những hình ảnh nào đã làm cho tâm trạng tác giả thay đổi ? Nêu ý nghĩa của những hình ảnh đó.

d/ Viết đoạn văn ngắn  phân tích ngắn gọn màu sắc cổ điển và hiện đại qua bài thơ Chiều tối.

3/ Cảm nhận hình tượng chiến sĩ- nghệ sĩ qua bài thơ Chiều tối (Mộ) của Hồ Chí Minh. Từ đó bày tỏ suy nghĩ về tình yêu thiên nhiên của tác giả

Phân tích sự hài hoà giữa bút pháp cổ điển với bút pháp hiện đại trong thơ Hồ Chí Minh trong bài thơ Mộ (Chiều tối)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang