Viết mở bài và kết bài phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

mo-bai-va-ket-bai-phan-tich-bai-tho-chieu-toi-cua-ho-chi-minh

Viết mở bài và kết bài phân tích bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh

  • Mở bài:
Nhật kí trong tù là một thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh, gồm hơn trăm bài thơ được sáng tác trong lao tù từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943. Đây là một tập thơ rất giá trị, kết tinh được nhiều tinh hoa của thơ cổ dân tộc, của cách mạng hiện đại và thơ Đường. Bài thơ Chiều tối ghi lại cảm xúc của nhà thơ trên một quãng đường bị giải đi, lúc trời sắp tối, giữa một vùng miền núi. Căn cứ thứ tự trong tập thơ, Chiều tối được sáng tác sau ngày bị bắt không bao lâu. Bài thơ thể hiện tinh tế và sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh vừa hồn nhiên, tự nhiên, vừa trẻ trung, hiện đại, vừa đậm đà phong vị cổ điển, vừa đầy chất thép kiên cường, vừa chan chứa tinh thần nhân đạo vừa dạt dào cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên.
  • Kết bài:

Bài thơ Chiều tối thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời và phong thái ung dung tự tại của người tù Hồ Chí Minh trong buổi chiều nơi rừng núi, trên đường chuyển lao. Trong hoàn cảnh bị đày ải trên đường xa, cô giữa núi rừng nơi đất khách quê người, giữa cảnh hoàng hôn đang dần tắt, trong cùm kẹp, tác giả vẫn nhìn cái ấm áp, tươi vui của cảnh vật. Nhất là qua ánh lửa hồng chiếu rọi bóng dáng con người đang miệt mài lao động. Bài thơ chứng tỏ mọi vui buồn của con người hầu như không phụ thuộc vào cảnh ngộ riêng mà phụ thuộc vào cách mỗi chúng ta nhìn nhạn nó. Điều đó cũng phản ánh một tầm hồn dào dạt tình yêu thiên nhiên, một tâm hồn luôn rộng mở luôn hướng về cuộc sống con người, một khí phách kiên định phi thường, một ý chí mạnh mẽ hướng đến tương lai của Bác.


Bài văn tham khảo:

Phân tích bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh

  • Mở bài:

Hồ Chí Minh viết tập Nhật kí trong tù trong những ngày bị giam cầm trong nhà tù Tưởng Giới Thạch. Dù người cho rằng, lấy thơ “ngày dài ngẫm ngợi cho khuây”, nhưng tập thơ chứa đựng nhiều giá trị quý giá. “Chiều tối” là bài thơ được viết trong thời điểm gần kết thúc của một chuyến chuyển lao. Bài thơ là một bức tranh vẽ cảnh chiều tối nơi núi rừng – cảnh đẹp bởi nó ánh lên sự sống ấm áp của con người. Qua đó, bộc lộ một tâm hồn thi nhân nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, một tấm lòng nhân hậu đối với con người, một phong thái ung dung luôn hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Hay nói đúng hơn đây là một thực thể của sự kết hợp hài hoà giữa màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại.

  • Thân bài:

Đặt bài thơ vào trong tổng thể tập Nhật kí trong tù để hiểu: Chiều tối là bài thơ ra đời trong khoảng thời gian đầu, nên ở Bắc chưa xuất hiện tâm trạng bực bội, buồn khổ. Cũng trong quãng thời gian đầu này, có nhiều bài thơ Bác ghi lại cảnh trên đường chuyển lao (“Năm mươi ba cây số một ngày – Áo mũ đầm mưa, rách hết giầy” – Mới đến nhà lao Thiên Bảo). Bài thơ này trong mạch các bài thơ “Đi đường” ấy.

Cũng cần đặt bài thơ vào trong phong cách nghệ thuật nhất quán (thống nhất trong đa dạng) của tập Nhật kí trong tù để có điều kiện hiểu sâu cái hay, cái đẹp của thi phẩm. Đó là sự vận động cua hình tượng thơ trong thơ Bác bao giờ cũng từ bóng tối hướng ra ánh sáng, từ lạnh lẽo đến ấm áp, từ nỗi buồn đến niềm vui. Điều này thể hiện đặc biệt rõ trong bài thơ Chiều tối.

Đối với các bài thơ của Bác được viết bằng chữ Hán, trong quá trình phân tích tác phẩm, rất cần được thường xuyên đối chiếu với nguyên tác. Bởi vì so với nguyên tác thì bản dịch thơ thường có độ chênh: hoặc hao hụt, hoặc sai lệch ít nhiều (ý tứ, âm điệu, hình ảnh, …) Người xưa nói “Dịch tất diệt”, “Dịch tất phản” cũng là để thấy cái khó của việc dịch thơ. Việc đối chiếu với nguyên tác, một mặt để hiểu sâu sắc về tác phẩm, mặt khác để cảm thông với người dịch, chứ không nên chê trách hoặc phê phán họ với một thái độ quá khe khắt hoặc vô lối. Mấy điều lưu ý trên đây không chỉ áp dụng cho việc tìm hiểu và phân tích bài thơ Chiều tối, mà có liên quan đến quá trình tìm hiểu, khám phá tất cả các bài thơ trong tập Nhật kí trong tù của Bác.

Hai câu thơ đầu vẽ nên bức tranh thiên nhiên núi rừng lúc chiều tà. Cánh chim mỏi mệt (“quyện điểu”) đang đập cánh bay đi tìm chốn ngủ. Phụ hoạ với cánh chim này là chòm mây lẻ loi, lững lờ, uể oải trôi (“cô vân”, “man man”), chứ không phải là trôi nhẹ như trong bản dịch thơ. Cả cánh chim và chòm mây đều mang cảm giác mệt mỏi, cô độc.

Qua hai câu thơ, bắt gặp một cái nhìn mới của chủ thể trữ tình, người tù thi sĩ: có sự tương đồng, hoà hợp và cảm thông giữa tâm hồn người tù với những hình ảnh của thiên nhiên. Hẳn là người tù cũng đang mỏi mệt và khao khát một chốn dừng chân.

Thời gian chiều tà, không gian rừng núi. Con người giữa nơi chốn ấy, lại trong hoàn cảnh đang bị áp giải trên đường chuyển lao, không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng.

Hai câu thơ sau hướng về khung cảnh sinh hoạt của con người với hình ảnh xóm núi. Tiếp đó là hình ảnh cô gái xay ngô, và tiếp ngay sau đó là hình ảnh bếp lửa hồng. Sự xuất hiện theo trình tự này cho phép ta hình dung bước chân của người tù đang tiến đến gần, cái nhìn mới đầu từ xa, bao quát toàn cảnh, sau tới gần, ngày càng rõ rệt, cụ thể trong từng chi tiết. Vậy là từ không gian trên cao (vốn rất quen thuộc trong Đường thi và thơ ca trung đại Việt Nam) ở hai câu trên hạ xuống không gian trần thế (không gian sinh hoạt) của con người. Con người, chứ không phải thiên nhiên mới là trung tâm điểm, là “nhân vật chính” của thơ hiện đại, trong trường hợp cụ thể này là thơ của Bác.

Bức tranh về sự sống sinh hoạt của con người được đặc tả: Lúc này thời gian đã tối dần. Vòng quay của cối xay được thể hiện trong sự lập lại “ma bao túc” ở câu trên và “bao túc ma hoàn” trong câu tiếp theo. Nhịp 4/3 ở câu cuối tạo một nốt ngưng: vòng quay tắt, và lò than bỗng rực hồng lên (vốn lò than đã có sẵn, giờ đây trời càng tối, nhìn càng rõ hơn). Chữ “hồng” làm bừng sáng cảnh thơ. Nó mang hai ý nghĩa: Thứ nhất, nó biểu thị thời điểm trời đã tối hẳn, trời có tối thì mới nhìn thấy bếp hồng rực; không cần có chữ tối nào (như trong bản dịch thơ) mà vẫn thấy trời tối. Thứ hai, “nó sáng bừng lên, nó cân lại, chỉ một chữ thôi, với 27 chữ khác dầu nặng đến mấy đi chăng nữa” (Hoàng Trung Thông) Đến đấy ta có thể thấy sự vận động của hình tượng thơ: từ bóng tối vươn ra ánh sáng, từ sự tàn lụi đến sự sống, từ cô đơn tới sum vầy ấm áp; từ nỗi buồn hướng tới niềm vui; trong đó con người thành trung tâm điểm, như một chủ thể hành động tích cực.

Qua bức tranh thiên nhiên và cuộc sống nơi rừng núi, bài thơ hiện lên hình ảnh người tù cộng sản kiên trung, bất khuất, người thi sĩ có tâm hồn rộng mở, phong thái ung dung tự tại.  Bài thơ thể hiện tấm lòng hoà hợp, cảm thông, nâng niu của Bác đối với thiên nhiên tạo vật. Đó cũng là “tấm lòng nâng niu trìu mến, chút reo vui trước cuộc sống bình thường, nghèo khổ nhưng bình yên của người làm thơ đang bị giải đi trên đường” (Lê Trí Viễn). Trái tim của Bác đập vì con người. Trong tâm hồn người tù ấy không giấu nổi khao khát về một chốn dừng chân, về một tổ ấm gia đình. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói: Bác là người rất giàu tình ảm, và vì giàu tình cảm mà đi làm cách mạng. Trái tim của nhà cách mạng vẫn đập theo nhịp đập của con người bình thường, với những khao khát bình thường của con người. Chính vì thế ta cảm thấy thương Bác hơn.

Chế độ lao tù tàn bạo Tưởng Giới Thạch không thể làm cằn khô tâm hồn dào dạt chất nhân văn của Bác. Ngay cả những lúc đang bị đoạ đày, Bác vẫn để lòng cảm thông với tạo vật và con người. Đó cũng chính là biểu hiện của một chất thép cứng cỏi trong tâm hồn Bác.

  • Kết bài:

“Chiều tối” là một tác phẩm đậm đà màu sắc cổ điển mà cũng rất hiện đại, thể hiện một cách tự nhiên và phong phú vẻ đẹp của hình ảnh người tù – thi sĩ, người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. Bài thơ đã thể hiện tình yêu thiên nhiên tha thiết của Bác. Điều đặc biệt ở đây là cảm quan thiên nhiên của Bác gắn liền với cảm quan nhân đạo, cảm quan về sự sống.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.