»» Nội dung bài viết:
Giá trị văn học và tiếp nhận văn học
I. GIÁ TRỊ VĂN HỌC.
– Giá trị văn học là sản phẩm kết tinh từ quá trình văn học, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cuộc sống con người, tác động sâu sắc tới cuộc sống và con người. Ở đây chỉ nói về ba giá trị cơ bản của văn học.
– Phân biệt giá trị với tác dụng:
+ Giá trị của văn học gắn với đặc trưng, bản chất của văn học. Văn học có thể có nhiều tác dụng( giáo dục, thẩm mĩ, nhận thức, giải trí, giao tiếp, dự báo) nhưng có 3 giá trị cơ bản là Nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ. Tất cả nhằm nuôi dưỡng làm phong phú tâm hồn con người bằng nghệ thuật ngôn từ!
+ Giá trị của văn học được thể hiện, được cụ thế hoá qua hoạt động tiếp nhận văn học. Ở đây người đọc, người nghe chính là lí do sống còn số 1 của tồn tại Văn học, bởi mục đích của nhà văn xét đến cùng là kí thác, gửi gắm tâm sự, bộc lộ cảm xúc cá nhân và tinh thần thời đại của mình.
Tất cả hướng tới người đọc, hướng tới sự giao tiếp, đối thoại với người đọc qua tác phẩm. Người đọc tiếp nối và tham gia mục đích sáng tạo của nhà văn, hiện thực hoá ý đồ nghệ thuật của nhà văn qua sự đồng điệu và nhân lên cảm xúc, qua sự lay thức tâm hồn và thông qua những hiểu biết mới mẻ về cuộc đời.
1. Giá trị nhận thức.
Xét về thực chất, tác phẩm văn học là kết quả của quá trình nhà văn khám phá, lí giải hiện thực đời sống rồi chuyển hoá những hiểu biết đó vào nội dung tác phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức của con người. Vì sao con người lại có nhu cầu đó? Bởi vì mỗi người thường chỉ sống trong một khoảng thời gian nhất định, ở một địa điểm nhất định, với những mối quan hệ nhất định trong gia đình và xã hội. Văn học chính là một phương tiện có khả năng phá vỡ giới hạn tồn tại trong không gian và thời gian thực tế của mỗi cá nhân, đồng thời đem lại cho họ khả năng sống cuộc sống của nhiều người khác, sống ở nhiều thời đại, sống ở nhiều xứ sở. Như vậy, giá trị nhận thức là khả năng của văn học có thể đáp ứng được yêu cầu của con người muốn hiểu biết rõ hơn, sâu hơn cuộc sống xung quanh và chính bản thân mình, từ đó tác động vào cuộc sống có hiệu quả hơn.
Trước hết, văn học có thể mang tới cho người đọc những nhận thức mới mẻ và sâu rộng về nhiều mặt của cuộc sống trong những khoảng thời gian và không gian khác nhau. Những tác phẩm của một thời đã xa như Truyện Kiều, Hoàng Lê nhất thống chí, Chiến tranh và hoà bình... có thể đưa con người trở về với quá khứ của dân tộc và nhân loại, khi đó “văn học là tiếng nói của các thời đại, là cuộc đối thoại chứa chan tình nghĩa giữa người xưa và người nay” (Nguyễn Khánh Toàn). Những tác phẩm của thời hiện đại như Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Những đứa con trong gia đình,… mở ra trước mắt người đọc bao hiểu biết phong phú về cuộc sống trên đất nước mình với nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chiến đấu, sản xuất đến phong tục, tập quán, hoàn cảnh địa lí,…; lại có tác phẩm dẫn người đọc tới những miền đất xa lạ nào đó trên thế giới (Tam Quốc diễn nghĩa, Chiếc lá cuối cùng, Số phận con người,…). Đó chính là quá trình nhận thức cuộc sống của văn học. Thông qua cuộc sống và hình ảnh của nhiều người khác nhau được trình bày trong các tác phẩm cụ thể, văn học còn giúp cho mỗi người đọc hiểu được bản chất của con người nói chung (Đâu là mục đích tồn tại của con người? Đâu là tư tưởng, tình cảm, khát vọng và sức mạnh của con người? v.v…). Đồng thời chính từ cuộc đời của người khác, mỗi người đọc có thể liên hệ, so sánh, đối chiếu để hiểu chính bản thân mình hơn với tư cách là một con người cá nhân. Đó chính là quá trình tự nhận thức mà văn học mang tới cho mỗi người.
2. Giá trị giáo dục.
Trong sự tồn tại của văn học, giá trị nhận thức luôn là tiền đề của giá trị giáo dục. Không có nhận thức đúng đắn thì văn học không thể giáo dục được con người. Ngược lại, giá trị giáo dục làm sâu sắc thêm giá trị nhận thức của văn học đối với đời sống, bởi vì người ta nhận thức không phải chỉ để nhận thức mà nhận thức là để hành động. Do đâu mà văn học có giá trị giáo dục? Có lẽ bởi vì con người không chỉ có nhu cầu hiểu biết mà còn có nhu cầu hướng thiện, con người luôn khao khát một cuộc sống tốt lành, chan hoà tình yêu thương giữa người với người; mặt khác còn bởi vì trong khi phản ánh hiện thực, dù trực tiếp hay gián tiếp bao giờ nhà văn cũng bộc lộ một thái độ tư tưởng – tình cảm, một sự nhận xét, đánh giá của mình,… tất cả đều ít nhiều tác động tới người đọc và đó cũng chính là giáo dục.
Giá trị giáo dục của văn học trước hết biểu hiện ở khả năng đem đến cho con người những bài học quý giá về lẽ sống để họ tự rèn luyện bản thân mình ngày một tốt đẹp hơn.
+ Về tư tưởng, văn học hình thành trong người đọc một lí tưởng tiến bộ, giúp cho họ có thái độ và quan điểm đúng đắn về cuộc sống. Có thể thấy những ý nghĩa đó trong câu tục ngữ “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, trong lời thơ của Trần Quang Khải: “Thái bình nên gắng sức / Non nước ấy ngàn thu”.
+ Về tình cảm, văn học giúp con người biết yêu ghét đúng đắn, làm cho tâm hồn con người trở nên lành mạnh, trong sáng, cao thượng hơn; chẳng hạn câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng” khơi dậy biết bao thuỷ chung ân nghĩa của tình cảm đồng bào, bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi gợi biết bao yêu thương và tự hào về Tổ quốc.
+ Về đạo đức, văn học nâng đỡ cho nhân cách của con người phát triển, giúp cho họ biết phân biệt phải – trái, tốt – xấu, đúng – sai, có quan hệ tốt đẹp và biết gắn bó cuộc sống của cá nhân mình với cuộc sống của mọi người.
Tóm lại, giá trị giáo dục là khả năng của văn học có thể thay đổi hoặc nâng cao tư tưởng, tình cảm của con người theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp, tiến bộ, đồng thời làm cho con người ngày càng hoàn thiện về đạo đức.
Cũng cần thấy rằng đặc trưng giáo dục của văn học hoàn toàn khác với những nguyên tắc áp đặt của luật pháp hay những lời giáo huấn trực tiếp trong những bài giảng đạo đức, bởi văn học giáo dục con người bằng con đường từ cảm xúc tới nhận thức, bằng cái thật, cái đúng, cái đẹp của những hình tượng sinh động, đầy sức thuyết phục. Có lẽ vì thế tác dụng giáo dục của văn học không phải ngay lập tức mà dần dần, thấm sâu nhưng rất lâu bền, nó gợi những cảm nghĩ sâu xa về con người và cuộc đời, nó gián tiếp đưa ra những bài học, những đề nghị về cách sống. Tác dụng đó vẫn phát huy ngay cả khi văn học miêu tả cái xấu, cái ác, nếu như người viết có cái tâm trong sáng, biết đứng vững trên lập trường của cái tốt, cái thiện, biết nhân danh công lí và những giá trị nhân bản cao đẹp của con người. Như vậy, văn học chính là một phương tiện hiệu nghiệm để tạo nên ở con người tất cả những gì mang tính nhân đạo chân chính. Với khả năng ấy, văn học không chỉ góp phần hoàn thiện bản thân con người, mà còn hướng họ tới những hành động cụ thể, thiết thực, vì một cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn.
3. Giá trị thẩm mĩ.
Giá trị nhận thức và giá trị giáo dục của văn học chỉ có thể phát huy một cách tích cực nhất, có hiệu quả cao nhất khi gắn với một giá trị tạo nên đặc trưng của văn học, đó là giá trị thẩm mĩ. Con người luôn có nhu cầu cảm thụ, thưởng thức cái đẹp và trong sự tồn tại của mình, con người không những muốn cuộc sống tốt hơn mà còn đẹp hơn. Nói đúng ra, bản thân nhiều sự vật, hiện tượng trong thế giới hiện thực đã có sẵn vẻ đẹp, nhưng không phải ai cũng có thể nhận biết và cảm thụ được những vẻ đẹp ấy. Do vậy, giá trị thẩm mĩ là khả năng của văn học có thể phát hiện và miêu tả những vẻ đẹp của cuộc sống một cách sinh động, giúp con người cảm nhận được và biết rung động một cách tinh tế, sâu sắc trước những vẻ đẹp đó.
Giá trị thẩm mĩ của văn học được thực hiện trong một phạm vi hết sức rộng lớn, phong phú. Văn học mang tới cho con người những vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của cuộc đời: vẻ đẹp trong thiên nhiên, trong cảnh vật của đất nước (chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến), vẻ đẹp của những cảnh đời cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, vẻ đẹp hào hùng của chiến trận (sử thi I-li-át của Hô-me-rơ, truyện Thánh Gióng). Đặc biệt, văn học đi sâu miêu tả vẻ đẹp của con người từ hình thể bên ngoài đến những diễn biến sâu xa của tư tưởng – tình cảm và những hành động gây ấn tượng thật khó quên với mọi người: Thuý Kiều với tài sắc vẹn toàn, hành động bán mình cứu cha và nỗi lòng đau xót, nhớ thương khi ở lầu Ngưng Bích). Văn học có thể phát hiện ra vẻ đẹp của những sự vật rất nhỏ bé, bình thường và cả vẻ đẹp của một dân tộc suốt trường kì lịch sử:
Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững,
Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa
Trong và thật: sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hoà.
(Huy Cận, Đi trên mảnh đất này)
Cái đẹp trong văn học không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn ở hình thức, chỉ như thế văn học mới có tác dụng sâu sắc trong việc thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người. Hình thức đẹp là những thủ pháp làm cho hình tượng văn học trở nên sinh động, hấp dẫn, nghệ thuật kết cấu tác phẩm một cách chặt chẽ, hợp lí, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ một cách điêu luyện,… Chẳng hạn, nghệ thuật điển hình hoá rất đặc sắc của Nam Cao trong Chí Phèo, cách hùng biện pháp nhân hoá, đảo ngữ và các từ láy trong câu thơ rất tài hoa của Xuân Diệu “Những luồng run rẩy rung rinh lá” v.v… Với cả nội dung đẹp và hình thức đẹp, văn học làm cho con người thêm mến yêu cuộc sống, thêm khao khát hướng tới những gì là đẹp đẽ, tốt lành.
4. Mối quan hệ giữa các giá trị văn học.
– Ba giá trị có mối quan hệ mật thiết, không tách rời, cũng tác động đến người đọc (khái niệm chân-thiện-mĩ của cha ông).
– Giá trị nhận thức luôn là tiền đề của giá trị giáo dục. Giá trị giáo dục làm sâu sắc thêm giá trị nhận thức. Giá trị thẩm mĩ khiến cho giá trị nhận thức và giá trị giáo dục được phát huy. Không có nhận thức đúng đắn thì văn học không thể giáo dục được con người vì nhận thức không chỉ để nhận thức mà nhận thức là để hành động.
Tuy nhiên, giá trị nhận thức là giáo trị giáo dục chỉ có thể phát huy một cách tích cực nhất, có hiệu quả cao nhất khi gắn với giá trị thẩm mĩ-giá trị tạo nên đặc trưng của văn học.
Ngoài ra văn học còn có những chức năng sau:
- Chức năng dự báo:
– Dự báo: Chức nNgày ăng nhận thức tạo điều kiện, là tiền đề, cơ sở cho chức năng dự báo bởi khi phản ánh 1 cách toàn vẹn thì nó có khả năng vươn tới tầm cao của sự khái quát nắm bắt dc sự vận động bên trong của đời sống hiện thực và chính từ độ chín của sự khái quát văn học ccó khả năng dự báo tương lai
- Chức năng giao tiếp:
– Giao tiếp: Văn học thoả mãn nhu cầu giao tiếp: với các mối quan hệ: người nghệ sĩ với độc giả, người nghệ sĩ với đồi sống và giữa độc giả với độc giả.
Tố Hữu nói:” Viết văn, làm thơ là một điệu hồn đi tìm hồn đồng điệu”
- Chức năng giải trí:
– Giải trí:
+ Trong những khoái cảm về nghệ thuật, mang tính chất giải trí bởi giải trí là nhu cầu tự thân của con ng` trước nghệ thuật.
+ Động cơ thúc đẩy tinh thần phần lớn công chúng đến với nghệ thuật là dc nghỉ ngơi một cách lí thú. Như Raxum Gamzatốp từng nói: “Thơ vừa là nghỉ ngơi vừa là việc làm đầy lao lực. Thơ vừa là chỗ dừng chân vừa là cuộc hành trình.”
Ba giá trị trên đây của văn học có mối liên hệ rất mật thiết. Không thể quan niệm rằng bộ phận này của tác phẩm đưa lại những thông tin nhận thức, bộ phận kia có ý nghĩa giáo dục và bộ phận còn lại thì thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ, mà thực ra cả ba giá trị này cùng tác động tới người đọc. Cũng cần lưu ý, khi đề cập đến ba giá trị trên của văn học là nói theo thuật ngữ hiện đại, chứ thực ra từ xa xưa ông cha ta đã bàn tới những giá trị chân, thiện, mĩ của văn chương. Văn chương hướng tới chân, thiện, mĩ bao giờ cũng là văn chương cho mọi người và là văn chương của muôn đời.
II. TIẾP NHẬN VĂN HỌC.
Các giá trị văn học thể hiện sức tác động thông qua tiếp nhận văn học.
1. Tiếp nhận trong đời sống văn học.
Cũng như bất cứ một loại hình nghệ thuật nào khác, trong đời sống văn học luôn có mối liên hệ qua lại giữa sáng tạo, truyền bá và tiếp nhận. Nếu tác giả là người sáng tạo văn học thì tác phẩm là phương tiện truyền bá văn học và người đọc là chủ thể tiếp nhận văn học. Không có người đọc, không có công chúng thì những cố gắng của tác giả, mọi giá trị của tác phẩm cũng trở nên vô nghĩa.
Cần phân biệt tiếp nhận và đọc. Tiếp nhận rộng hơn đọc, vì trước khi có chữ viết và công nghệ in ấn, tác phẩm văn học đã được truyền miệng. Ngày nay, khi tác phẩm văn học chủ yếu được in ra, nhiều người vẫn tiếp nhận văn học không phải do đọc bằng mắt mà nghe bằng tai, như nghe chính tác giả đọc thơ, nghe “đọc truyện đêm khuya” trên đài phát thanh… Tiếp nhận văn học chính là quá trình người đọc hoà mình vào tác phẩm, rung động với nó, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật được dựng lên bằng ngôn từ, lắng nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp, tài nghệ của người nghệ sĩ sáng tạo. Bằng trí tưởng tượng, kinh nghiệm sống, vốn văn hoá và bằng cả tâm hồn mình, người đọc khám phá ý nghĩa của từng câu chữ, cảm nhận sức sống của từng hình ảnh, hình tượng, nhân vật, dõi theo diễn biến của câu chuyện, làm cho tác phẩm từ một văn bản khô khan biến thành một thế giới sống động, đầy sức cuốn hút. Như vậy, tiếp nhận văn học là hoạt động tích cực của cảm giác, tâm trí người đọc nhằm biến văn bản thành thế giới nghệ thuật trong tâm trí mình.
2. Tính chất tiếp nhận văn học.
Tiếp nhận văn học thực chất là một quá trình giao tiếp. Sự giao tiếp giữa tác giả với người tiếp nhận là mối quan hệ giữa người nói và người nghe, người viết và người đọc, người bày tỏ và người chia sẻ, cảm thông. Bao giờ người viết cũng mong người đọc hiểu mình, cảm nhận được những điều mình muốn gửi gắm, kí thác. Cao Bá Quát từng nói: “Xưa nay, nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình, mà cái khó ở đời không gì bằng sự gặp gỡ”. Gặp gỡ, đồng điệu hoàn toàn là điều vô cùng khó khăn. Song dẫu không có được sự gặp gỡ hoàn toàn, tác giả và người đọc thường vẫn có được sự tri âm nhất định ở một số khía cạnh nào đó, một vài suy nghĩ nào đó. Đọc Truyện Kiều, người không tán thành quan niệm “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” của Nguyễn Du vẫn có thể chia sẻ với ông nỗi đau nhân thế; người không bằng lòng việc tác giả để cho Từ Hải ra hàng vẫn có thể tâm đắc với những trang ngợi ca người anh hùng “Chọc trời khuấy nước mặc dầu – Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”,…
Trong sự giao tiếp giữa tác phẩm với độc giả, cần chú ý tính chất cá thể hoá, tính chủ động, tích cực của người tiếp nhận. Ở đây, năng lực, thị hiếu, sở thích của cá nhân đóng vai trò rất quan trọng; tuỳ theo lứa tuổi già hay trẻ, trình độ học vấn cao hay thấp, kinh nghiệm sống nhiều hay ít mà có kết quả tiếp nhận cụ thể, riêng biệt cho mỗi người. Thậm chí cùng một người, lúc nhỏ đọc tác phẩm ấy đánh giá khác, sau lớn lên đánh giá khác, về già lại đánh giá khác. Tính khuynh hướng trong tư tưởng, tình cảm, trong thị hiếu thẩm mĩ càng làm cho sự tiếp nhận văn học mang đậm nét cá nhân và chính sự chủ động, tích cực của người tiếp nhận đã làm tăng thêm sức sống của tác phẩm. Tác phẩm văn học tuy miêu tả cuộc sống cụ thể, toàn vẹn, sinh động, nhưng vẫn còn rất nhiều điều mơ hồ, chưa rõ. Người đọc phải quan sát, tri giác để làm nổi lên những nét mờ, khôi phục những chỗ còn bỏ lửng, nhận ra mối liên hệ của những phần xa nhau, ý thức được sự chi phối của chỉnh thể đối với các bộ phận. Ở đây không chỉ có tác phẩm tác động tới người đọc, mà còn có việc tác động, tìm tòi của người đọc đối với văn bản. Thiếu sự tiếp nhận tích cực của người đọc thì tác phẩm chưa thể hiện lên thật sinh động, đầy đặn, hoàn chỉnh.
Tính đa dạng, không thống nhất cũng là một điểm nổi bật trong sự giao tiếp của người đọc với tác phẩm. Tính chất này bộc lộ ở chỗ cùng một tác phẩm nhưng cảm thụ và đánh giá của công chúng có thể rất khác nhau. Đọc Truyện Kiều, người thấy ở Thuý Kiều tấm gương hiếu nghĩa, người coi nàng như là biểu tượng cho thân phận đau khổ của người phụ nữ,… Sự khác nhau trong cảm nhận, đánh giá tác phẩm có nguyên nhân ở cả tác phẩm và người đọc. Nội dung tác phẩm càng phong phú, hình tượng nghệ thuật càng phức tạp, ngôn từ càng đa nghĩa thì sự tiếp nhận của công chúng về tác phẩm càng lắm hình nhiều vẻ. Tuổi tác, kinh nghiệm sống, học vấn hay tâm trạng người đọc cũng tác động không nhỏ đến quá trình tiếp nhận tác phẩm. Chẳng hạn cùng đọc truyện Bà chúa tuyết của An-đéc-xen, trẻ em và người lớn đều thích thú, nhưng cách hiểu của mỗi người lại không giống nhau. Vẫn là bài Thơ duyên của Xuân Diệu nhưng khi buồn đọc khác, khi vui đọc khác, khi đang yêu đọc khác. Điều đáng lưu ý là, dù cách hiểu có khác nhau, nhưng người đọc cần cố gắng để đạt tới một cách hiểu đúng về tác phẩm, làm sao để tác phẩm toả sáng đúng với giá trị thực của nó.
3. Các cấp độ tiếp nhận văn học.
Đọc và hiểu tác phẩm văn học là một hành động tự do, mỗi người có cách thức riêng, tuỳ theo trình độ, thói quen, thị hiếu, sở thích của mình, nhưng nếu nhìn nhận một cách khái quát vẫn có thể thấy những cấp độ nhất định trong cách thức tiếp nhận văn học. Thứ nhất là cách cảm thụ chỉ tập trung vào nội dung cụ thể, nội dung trực tiếp của tác phẩm, tức là xem tác phẩm kể chuyện gì, có tình ý gì, các tình tiết diễn biến ra sao, các nhân vật yêu ghét nhau thế nào, sống chết ra sao… Đó là cách tiếp nhận văn học đơn giản nhất nhưng cũng khá phổ biến. Thứ hai là cách cảm thụ qua nội dung trực tiếp để thấy nội dung tư tưởng của tác phẩm. Ở đây người đọc có tư duy phân tích, khái quát, biết từ những gì cụ thể, sinh động mà thấy vấn đề đặt ra và cách thức người viết đánh giá, giải quyết vấn đề theo một khuynh hướng tư tưởng – tình cảm nào đó. Thứ ba là cách cảm thụ chú ý đến cả nội dung và hình thức biểu hiện của tác phẩm, thấy cả giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của nó, cảm nhận được cái hấp dẫn, sinh động của đời sống được tái hiện, lại biết thưởng thức cái hay, cái đẹp của câu chữ, kết cấu, loại thể, hình tượng…, qua đó không chỉ thấy rõ ý nghĩa xã hội sâu sắc của tác phẩm mà còn xem việc đọc tác phẩm là cách để nghĩ, để cảm, để tự đối thoại với mình và đối thoại với tác giả, suy tư về cuộc đời, từ đó tác động tích cực vào tiến trình đời sống.
Để tiếp nhận văn học thực sự có hiệu quả, người đọc phải không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết của mình, tích luỹ kinh nghiệm tiếp nhận, biết trân trọng sản phẩm sáng tạo của một ý thức khác, lắng nghe một tiếng nói khác, làm quen với một giá trị văn hoá khác, tìm cách để hiểu tác phẩm một cách khách quan, toàn vẹn, nhờ thế mà làm phong phú thêm vốn cảm thụ của mình. Không nên thụ động mà phải tiếp nhận văn học một cách chủ động, tích cực, sáng tạo, hướng tới cái hay, cái đẹp, cái đúng. Thói quen đọc – hiểu theo kiểu suy diễn tuỳ tiện chẳng những làm thui chột các giá trị khách quan vốn có của tác phẩm, mà còn làm nghèo năng lực tiếp nhận các tác phẩm mới, lạ và khó. Người ta bao giờ cũng có phát hiện mới về tác phẩm trên tầm cao của kiến thức, tình yêu thiết tha với cái đẹp, sự say mê và rung cảm mãnh liệt với văn chương.
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI.
1. Nêu vắn tắt cơ sở xuất hiện và nội dung cụ thể từng giá trị nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ của văn học.
2. Các giá trị của văn học có mối quan hệ với nhau như thế nào?
3. Tiếp nhận văn học là gì? Phân tích các tính chất trong tiếp nhận văn học.
4. Có mấy cấp độ tiếp nhận văn học? Làm thế nào để tiếp nhận văn học có hiệu quả thực sự
GHI NHỚ: Văn học có ba giá trị cơ bản: nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ. Các giá trị của văn học được thực hiện thông qua quá trình tiếp nhận văn học với các tính chất và cấp độ khác nhau. |
LUYỆN TẬP
1. Có người cho rằng giá trị cao quý nhất của văn chương là nuôi dưỡng đời sống tâm hồn con người, hay nói như Thạch Lam là “làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Nói như vậy có đúng không? Vì sao?
2. Tự chọn phân tích một tác phẩm văn học cụ thể để làm sáng tỏ các giá trị của văn học (hoặc các cấp độ tiếp nhận văn học).
3. Thế nào là cảm và hiểu trong tiếp nhận văn học?
Kiến thức ngắn gọn:
1. Giá trị văn học
a) Giá trị nhận thức:
– Khái niệm: Khả năng của văn học có thể đáp ứng được yêu cầu của con người muốn hiểu biết rõ hơn, sâu hơn cuộc sống sống xung quanh và chính bản thân mình, từ đó tác động vào cuộc sống có hiệu quả hơn
– Biểu hiện:
+ Văn học mang tới cho người đọc những nhận thức mới mẻ và sâu rộng về nhiều mặt của cuộc sống trong những khoảng thời gian và không gian khác nhau
+ Văn học giúp cho người đọc hiểu được bản chất của con người nói chung (Mục đích tồn tại của con người là gì? Đâu là tư tưởng tình cảm, khát vọng…)
+ Từ hiểu cuộc đời của người khác, người đọc liên hệ với bản thân, so sánh, đối chiếu để hiểu mình với tư cách là con người cá nhân.
b) Giá trị giáo dục:
– Khái niệm: Khả năng của văn học tác động tới nhu cầu hướng thiện, sự hình thành nên quan niệm, tư tưởng, tình cảm, đạo đức của con người
– Biểu hiện:
+ Đem tới cho người đọc những bài học quý giá về lẽ sống để họ rèn luyện bản thân mình ngày một tốt đẹp hơn
Về tư tưởng: Văn học hình thành trong người dọc một lí tưởng tiến bộ, giúp cho họ có thái độ và quan điểm đúng đắn về cuộc sống.
+ Về tình cảm: Văn học giúp con người biết yêu ghét đúng đắn, làm cho tâm hồn con người trở nên lành mạnh, trong sáng, cao thượng hơn.
+ Về đạo đức: Văn học nâng đỡ cho nhân cách của con người phát triển, giúp cho họ biết phân biệt phải – trái, tốt – xấu, đúng – sai
+ Cần phân biệt giáo dục trong văn học với nguyên tắc áp đặt của luật pháp hay những lời giáo huấn trực tiếp từ bài giảng đạo đức: văn học giáo dục con người từ đường cảm xúc tới nhận thức.
c) Giá trị thẩm mĩ:
– Khái niệm: khả năng của văn học có thể phát hiện và miêu tả những vẻ đẹp của cuộc sống một cách sinh động, giúp con người cảm nhận được và biết rung động một cách tinh tế, sâu sắc trước những vẻ đẹp đó
– Biểu hiện:
+ Nội dung: Vẻ đẹp muôn màu, muôn vẻ của đời sống, đặc biệt là vẻ đẹp của con người từ hình thể đến những diễn biến sâu xa của tư tưởng – tình cảm và những hành động gây ấn tượng khó quên với mọi người.
+ Hình thức: thủ pháp làm cho hình tượng văn học trở nên sinh động, hấp dẫn, nghệ thuật kết cấu tác phẩm một cách chặt chẽ, hợp lí…
2. Tiếp nhận văn học.
a) Tiếp nhận trong đời sống văn học
– Khái niệm: Tiếp nhận văn học là quá trình người đọc hòa mình vào tác phẩm, rung động với nó, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật được dựng lên bằng ngôn từ, lắng nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp tài nghệ của người nghệ sĩ.
– Tiếp nhận khác với đọc, vì nó là khái niệm rộng hơn. Tiếp nhận không chỉ là đọc mà còn là thưởng thức, suy ngẫm, biến thế giới nghệ thuật trong tác phẩm thành thế giới nghệ thuật sống động trong tâm trí mình.
b) Tính chất tiếp nhận văn học:
– Tiếp nhận văn học thực chất là một cuộc quá trình giao tiếp giữa tác giả với người tiếp nhận
+ Trong quá trình giao tiếp, cần chú ý tới tính chất cá thể hóa, tính chủ động, tích cực của người tiếp nhận
+ Tính đa dạng, không thống nhất trong tiếp nhận văn học: cùng một tác phẩm nhưng cảm thụ và đánh giá của công chúng lại khác nhau. Dù vậy, người đọc cũng cần cố gắng để đạt tới một cách hiểu đúng về tác phẩm để tác phẩm tỏa sáng với đúng giá trị của nó.
c) Các cấp độ tiếp nhận văn học:
– Đơn giản nhất, khá phổ biến: cách cảm thụ chỉ tập trung vào nội dung cụ thể, trực tiếp của tác phẩm. Tức là xem tác phẩm kể chuyện gì, có tình ý gì, các tình tiết ra sao, …
– Cảm thụ trực tiếp để thấy nội dung tư tưởng của tác phẩm: từ những gì cụ thể, sinh động mà thấy vấn đề đặt ra và cách thức người viết đánh giá, giải quyết vấn đề theo khuynh hướng tư tưởng, tình cảm nào đó.
Cảm thụ chú ý tới cả nội dung và hình thức: thấy cả giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của nó. Tức là không chỉ thấy rõ ý nghĩa xã hội sâu sắc của tác phẩm mà còn xem việc đọc là cách để nghĩ, để cảm, để tự đối thoại với mình, với tác giả, suy tư về cuộc đời và tác động tích cực vào cuộc sống.
– Đề làm được điều đó: người đọc phải tự nâng cao trình độ hiểu biết, tiếp nhận văn học chủ động.