»» Nội dung bài viết:
Tư tưởng nhân đạo trong truyện ngắn “Chí Phèo”
- Mở bài:
Chí Phèo là kiệt tác văn học của nhà văn Nam Cao và của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Qua cuộc đời khắc nghiệt và số phận bi thương của nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã dành cho người nông dân mà ông từng gắn bó sâu nặng những tình cảm nhân đạo rất sâu sắc và rộng lớn.
- Thân bài:
Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao ở đây trước hết được biểu hiện ở chỗ đã khám phá ra nỗi khổ bị đày đọa, lăng nhục, bị cự tuyệt quyền làm người của người lao động lương thiện. Nam Cao bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với nỗi khổ đó.
Qua tấn bi kịch và số phận bi thảm của Chí Phèo Nam Cao cất lên tiếng kêu cứu thảm thiết và đầy phẫn uất cho người lao động lương thiện: làm thế nào để cho con người được sống một cuộc sống xứng đáng trong cái xã hội vùi dập nhân tính ấy; hãy tiêu diệt hoàn cảnh phi nhân tính, hãy làm cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo hơn.
Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trong truyện ngắn “Chí Phèo” còn thể hiện qua thái độ lên án gay gắt những thế lực tàn bạo đã gây nên tấn bi kịch đau thương cho người lao động (bọn thống trị độc ác; nhà tù thực dân; những thành kiến, định kiến vô nhân đạo).
Tư tưởng nhân đạo đặc sắc, độc đáo của Nam Cao ở đây còn được thể hiện ở thái độ trân trọng, nâng niu những nét đẹp của người nông dân. Cao hơn nữa, nhà văn còn khám phá ra phẩm chất lương thiện của họ ẩn giấu đằng sau những tâm hồn tưởng như u mê, cằn cỗi.
1. Những vẻ đẹp đáng quý ở Chí Phèo:
– Chí Phèo vốn là người nông dân lương thiện. Hắn là một anh canh điền khoẻ mạnh, tính tình hiền lành, tốt bụng.
– Chí là người giàu lòng tự trọng. Biết “không thích cái gì người ta khinh”; biết phân biệt giữa tình yêu cao thượng và cảm giác nhục dục thấp hèn. Những lần “bà ba, cái con quỷ cái” bắt hắn làm những việc không chính đáng “hắn thấy nhục, chứ yêu đương gì”.
+ Hắn đã từng mơ ước rất bình dị: “Có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”, nuôi một con lợn để làm vốn liếng. “Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”.
– Khi đã bị nhà tù và xã hội thực dân phong kiến biến Chí thành “con quỷ dữ làng Vũ Đại”, nhưng dưới đáy sâu tâm hồn hắn vẫn lấp lánh ánh sáng nhân phẩm.
+ Khát khao tình yêu hạnh phúc lứa đôi: biết yêu thương, biết “say sưa”, “rưng rưng” và “bẽn lẽn” nhận ra hương vị cháo hành “Trời ơi mới thơm làm sao!”. Đó là hương vị của tình người, của tình yêu chân thành, của hạnh phúc giản dị và thấm thía lần đầu tiên Chí Phèo được hưởng. Chí Phèo muốn được sống với Thị Nở: “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?”. Và khi bị “cắt đứt mối tình”, Chí biết tiếc, biết buồn, biết khóc và uất ức, giận dữ.
+ Khát khao được làm người lương thiện. Chí Phèo “muốn được làm người lương thiện” ! “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao!”. “Thị Nở có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng… của những người lương thiện”. Điều đó đã có lúc khiến cho Chí Phèo hồi hộp hi vọng.
+ Có tinh thần phản kháng: Khi bị Thị Nở cự tuyệt và nhận ra mọi nẻo đường trở lại xã hội loài người bị chặn đứng, Chí Phèo đã đến thẳng nhà Bá Kiến, vung lưỡi dao căm hờn lên giết chết Bá Kiến- kẻ thù khủng khiếp đã cướp cả nhân hình lẫn nhân tính của Chí để đòi quyền làm người lương thiện của mình. Sau đó, Chí Phèo đã tự sát vì tuyệt vọng, vì Chí không muốn sống tăm tối, tủi nhục như kiếp sống thú vật nữa.
⇒ Dựng lên một hình tượng người nông dân bị tha hoá, “một con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, Nam Cao không hề có ý bôi nhọ người nông dân, trái lại đã dõng dạc khẳng định nhân phẩm của họ, trong khi họ đã bị rách nát cả hình hài lẫn tâm hồn. Điều đó chứng tỏ con mắt nhân đạo của Nam Cao rất sâu sắc, mới mẻ và “tinh đời”.
– “Chí Phèo” là tiếng nói yêu thương con người.
Nam Cao cảm thương sâu sắc trước những số phận đau khổ. Nhà văn dù không nói trực tiếp mà lại hết sức khách quan, khách quan tới mức sắc lạnh nhưng ân sau trong đó là một nỗi đau và niềm xót thương vô hạn về kiếp người bị tước đoạt, chà đạp về nhân hình lẫn nhân tính
Nam Cao miêu tả Thị Nở xấu đến nỗi không còn từ nào có thể diễn tả hết cái xấu xa, dở hơi của thị. Thị càng xấu, càng dở hơi, đần độn, cứ là tác phẩm không hoàn thiện của tạo hóa thì tác phẩm càng hay. Nếu thị mà đẹp như giai nhân thì có lẽ niềm cảm thương sâu sắc về bi kịch của Chí không sâu sắc và xúc động như ta nghĩ. Một sản phẩm bị lỗi lại là thứ mà Chí ao ước, khát khao mà không có được.
– “Chí Phèo” là bản cáo trạng đanh thép xã hội bất nhân.
Xã hội vô nhân đạo, giai cấp thống trị đẩy những người nông dân lương thiện vào con đường tha hóa. Xã hội tiêu diệt tận cùng quyền sống của con người, hủy hoại cả nhân hình lẫn tính.
Trong Chí Phèo không bao giờ tồn tại cả nhân hình lẫ nhân tính. Muốn tồn tại nhân hình thì nhân tính mất đi, phải bán đi linh hồn của mình để tồn tại. Còn khi nhân tính trở về thì phải tự thủ tiêu cuộc sống, chết thê thảm.
– “Chí Phèo” là tiếng nói khẳng định, đề cao con người.
Bản chất lương thiện trong những con người nghèo khổ và sức mạnh của sự thức tỉnh lương tâm.
2. Những vẻ đẹp ở nhân vật Thị Nở:
– Tư tưởng nhân đạo độc đáo và mới mẻ của Nam Cao trong tác phẩm “Chí Phèo” còn được biểu hiện ở việc phát hiện ra vẻ đẹp của nhân vật Thị Nở.
+ Dưới ngòi bút của Nam Cao, Thị Nở đã trở thành người phụ nữ rát giàu tình thương. Đằng sau cái bề ngoài xấu xí và tính khí “dở hơi” còn ẩn chứa một trái tim nhân hậu, đầy ắp tình thương ấm áp, là tấm lòng thiện lương đáng quý… Khi Chí Phèo bị ốm, Thị Nở đã chăm sóc tận tình… Với bàn tay dịu dàng, ấm nóng nhân tình của người phụ nữ, Thị đã mang đến cho Chí một bát cháo hành còn “bốc khói”. Chính bát cháo hành ấm nóng tình người ấy đá đánh thức dậy nhân tính ở Chí Phèo.
+ Cũng như những người phụ nữ khác, Thị Nở rất khát khao tình yêu và hạnh phúc. Cuộc gặp gỡ của hai kẻ khốn khổ đã tạo nên sự đồng cảm và Thị Nở đã yêu Chí Phèo, ước ao được chung sống với Chí. Tình yêu đã làm cho người đàn bà “xấu đến nỗi ma chê quỷ hờn” ấy biến đổi một cách kì diệu: “Trông Thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên”. Phát hiện ra điều đó chứng tỏ cái nhìn nhân đạo của Nam Cao có chiều sâu hiếm có.
3. Nhận xét:
– Bằng bút pháp độc đáo, tài hoa linh hoạt, giàu biến hóa, Nam Cao khi tả, khi kể theo một kết cấu tâm lý và mạch dẫn dắt của câu chuyện với một cách thức bề ngoài tưởng chừng như khách quan, lạnh lùng và tàn nhẫn, nhưng chất chứa bên trong biết bao nỗi niềm quằn quại, đau đớn trước thân phận đau đớn của kiếp người. Lồng vào bức tranh hiện thực trên kia là thái độ yêu ghét, là cách phân tích và đánh giá những vấn đề về hiện thực mà nhà văn đặt ra. Ngay việc lựa chọn một nhân vật cùng đinh thống khổ nhất của xã hội làm đối tượng miêu tả và gởi gắm biết bao thông cảm, suy tư thương xót… tự nó đã mang nội dung nhân đạo.
– Nhưng giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện tập trung nhất ở cách nhìn nhận của nhà văn đối với nhân vật bị tha hóa đến tận cùng. Nam Cao vẫn phát hiện trong chiều sâu của nhân vật bản tính tốt đẹp vốn dĩ, chỉ cần chút tình thương chạm khẽ vào là có thể sống dậy mãnh liệt, tha thiết. Sự xuất hiện của nhân vật Thị Nở trong tác phẩm có một ý nghĩa thật đặc sắc. Con người xấu đến “ma chê quỉ hờn”, kỳ diệu thay, lại là nguồn ánh sáng duy nhất đã rọi vào chốn tối tăm của tâm hồn Chí Phèo thức tỉnh, gợi dậy bản tính người nơi Chí Phèo, thắp sáng một trái tim đã ngủ mê qua bao ngày tháng bị dập vùi, hất hủi.
– Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Thị Nở, Chí Phèo giờ đây đã nhận ra nguồn ánh sáng ngoài kia rực rỡ biết bao, nghe ra một tiếng chim vui vẻ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng lao xao của người đi chợ bán vải… Những âm thanh ấy bao giờ chả có. Nhưng hôm nay Chí mới nghe thấy. Chao ôi là buồn, trong cái phút tỉnh táo ấy, Chí Phèo như đã thấy tuổi già của hắn, đói rét, ốm đau và cô độc – cái này còn sợ hơn đói rét và ốm đau. Cũng may Thị Nở mang bát cháo hành tới. Nếu không, hắn đến khóc được mất trong tâm trạng như thế… Nhìn bát cháo bốc khói mà lòng Chí Phèo xao xuyến bâng khuâng: Hắn cảm thấy lòng thành trẻ con, hắn muốn làm nũng với thị như làm nũng với mẹ… Ôi sao mà hắn hiền! “Hắn thèm lương thiện – Hắn khát khao làm hòa với mọi người”…
– Từ một con quỷ dữ, nhờ Thị Nở, đúng hơn nhờ tình thương của Thị Nở, Chí thực sự được trở lại làm người, với tất cả những năng lực vốn có. Một chút tình thương, dù là tình thương của một con người dở hơi, bệnh hoạn, thô kệch, xấu xí,… cũng đủ để làm sống dậy cả một bản tính người nơi Chí Phèo. Thế mới biết sức cảm hóa của tình thương kỳ diệu biết nhường nào!
- Kết bài:
Có thể nói Chí Phèo là truyện ngắn mang giá trị nhân đạo sâu sắc khi hướng đến đồng cảm, trân trọng giá trị bên trong tâm hồn của những con người bất hạnh, nạn nhân của xã hội.
- Phân tích truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao
- Phân tích bi kịch cuộc đời của nhân vật Chí Phèo
- Phân tích tiếng chửi của Chí Phèo trong truyện ngắn “Chí Phèo”
- Phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao