giai-thich-y-nghia-cau-nhieu-dieu-phu-lay-gia-guong

Giải thích ý nghĩa câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương…

Giải thích ý nghĩa câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…”

  • Mở bài:

Lòng yêu thương con người, sự chia sẻ đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau vốn là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ bao đời nay. Khẳng định điều đó, người xưa từng khuyên: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đây là một lời khuyên rất đúng đắn, sâu sắc và cần thiết đối với mỗi con người trong thời đại ngày nay.

  • Thân bài:

1. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Nhiễu điều phủ lấy giá gương:

– Về nghĩa đen: 

+ “Nhiễu điều” là tấm vải lụa tơ mềm, mịn, có màu đỏ, đẹp và đắt đỏ, quý giá.

+ “Giá gương” là giá để nâng đỡ, giữ vững chiếc gương soi. Đây là vật dụng làm bằng gỗ chạm khắc kheo léo đặt trên bàn thờ gia tiên. Một biểu trưng thiêng liêng của người đã khuất. Trên giá gương có thể là một tấm ảnh, một tờ giấy ghi tiểu sử, công đức của người đang được thờ cúng.

+ “Phủ” là phủ lên, trùm lên, bao bọc → biểu thị một thái độ, một tấm lòng trân trọng, tôn quý.

– Về nghĩa bóng: 

+ “Nhiễu điều” là tình cảm yêu thương, máu mủ, ruột thịt.

+”Giá gương” là giá trị thiêng liêng, bền vững, tấm gương sáng còn lưu mãi đến muôn đời sau.

+ “Phủ” là che chở, chia sẻ, sự tương thân tương ái.

+ “Người trong một nước phải thương nhau cùng” là lời răn dạy trực tiếp của ông cha ta: phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

– Ý nghĩa: Con người dù không chung huyết thống, máu mủ nhưng khi đã ở cùng trên một đất nước thì đều phải biết đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Câu tục ngữ khẳng định tinh thần đoàn kết, lối sống nghĩa tình, tương thân, tương ái của dân tộc ta.

2. Vì sao sống cần phải biết yêu thương, chia sẻ, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau?

Cuộc sống không bao giờ bằng phẳng. Có những lúc êm đềm, thuận lợi, cũng có những lúc hết sức khó khăn, trắc trở. Khi đó, rất cần sự giúp đỡ của người khác.

– Yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là phẩm chất, lối sống tốt đẹp của người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Tất cả người dân Việt Nam dù khác họ khác tên, dù ở miền Bắc hay miền Nam, dân tộc Kinh hay Mường,… thì đều là con cháu Rồng Tiên, mang trong mình dòng máu Lạc Việt, phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau xây dựng đất nước.

Nếu chúng ta biết yêu thương, đùm bọc, đoàn kết lẫn nhau thì sẽ tạo ra được sức mạnh to lớn vượt qua nghịch cảnh. Trong quá khứ, nhờ có tinh thần tương thân tương ái, lá lành biết đùm lá rách, tương trợ, giúp đỡ, đoàn kết lẫn nhau mà dân tộc ta từng bước chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống trù phú. Trong mấy ngàn năm, nhân dân ta đã cùng nhau kiên cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương, bờ cõi. Trong khó khăn, hoạn nạn, nhân dân ta đã nắm chặt tay nhau vượt qua nghịch cảnh, dẫu có mất mát cũng lạc quan làm lại từ đầu. Chính nhờ có tinh thần ấy, trải qua bao thời đại, đất nước vẫn vững bền, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

– Ngược lại, nếu sống trong một đất nước, một tập thể mà không biết đồng cảm, đùm bọc lẫn nhau thì sẽ gây mất đoàn kết, dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc, sai trái, và chính những lỗ hỏng đó sẽ là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng chia rẽ, chia bè kéo cánh, gây mất trật tự an toàn xã hội, an ninh đất nước. Thực tế đã minh chứng điều đó một cách rõ ràng. Khi quân Mông-Nguyên mở cuộc xâm chiếm, những đất nước dù rộng lớn và giàu có nhưng thiếu tinh thần đoàn kết, thiếu sự chia sẻ, chở che cho nhau, đã sớm bị khuất phục. Ngược lại, đất nước ta dù nhỏ bé, quân ít, nhưng biết đồng lòng chung sức, quân Mông – Nguyên dù hùng mạnh đến mấy cũng đã phải nhiều lần thất bại, ôm hận trở về.

– Chỉ khi biết yêu thương, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau, con người mới được hạnh phúc. Tình yêu thương, sự chia sẻ giúp nâng cao phẩm chất có ở mỗi con người.

3. Phê phán những biểu hiện của lối sống chia rẻ, bè phái:

Trong cuộc sống. vẫn còn có nhiều người sống thờ ơ, ích kỷ, chỉ biết đến bản thân, vô tâm, vô cảm trước khó khăn, nghịch cảnh của người khác, bỏ rơi người khác trong khó khăn, hoạn nạn, vụ lợi, tư lợi, tự mình cô lập mình với xã hội. Đó đều là những “con sâu bỏ dầu nồi canh”, ngăn chặn sự phát triển của đất nước. Những người như thế thật đáng chê trách và lên án.

4. Bài học nhận thức và hành động:

– Yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

– Mỗi người cần tạo cho mình lối sống cao đẹp này bằng các hạnh động cụ thể như chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ những đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, …

  • Kết bài:

– Khẳng định lại giá trị của câu ca dao: Cho đến ngày nay, câu ca dao vẫn luôn là bài học quý giá được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

– Liên hệ bản thân: Mỗi chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống, lối sống cao đẹp của dân tộc.

Bài văn tham khảo:

Giải thích ý nghĩa câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

  • Mở bài:

Tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, khó khăn, hoạn nạn có nhau vốn là truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc ta từ xưa đến nay. Thầm nhắn nhủ đến người đời sau bài học làm người vừa tinh tế, vừa hết sức sâu sắc, người xưa từng khuyên: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

  • Thân bài:

Tấm nhiễu điều là một tấm vải đỏ hay là tấm khăn để che giá gương, làm cho giá gương không bị bụi bẩn. Giá gương ấy hay chính là bài vị của tổ tiên, vật khắc ghi danh vị của những người đã khuất. Người trong một nước là đồng bào của nhau, cùng chung một dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa… Thương nhau cùng là cùng thương yêu, đùm bọc và gắn bó với nhau.

Với cách nói vô cùng nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc, cha ông ta mượn hình tượng tấm vải điều và giá gương để gợi về tình yêu thương con người, nhắc nhở chúng ta phải biết yêu thương, đoàn kết, tương trợ trong cuộc sống, cùng nhau xây dựng một cuộc sống nhân ái. Luôn biết sống vì người khác để cuộc sống thêm hạnh phúc. Đó quả thực là một lời khuyên thấm thía, tác động sâu sắc vào trái tim của mỗi con người.

“Nhiễu điều”“giá gương” tuy hai vật khác nhau nhưng lại gắn bó với nhau. “Nhiễu điều” làm ra để che cho “giá gương”. Nếu không thì nó sẽ thành vô dụng. Màu đỏ của tấm nhiễu điều biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, gắn bó. Giá gương cần nhiễu điều che để không bụi bẩn, gìn giữ được sự tôn nghiêm. Gương sáng để cho hậu thế soi mình mà sống cho tốt đẹp, không làm điều sai trái, sống xứng đáng với ân đức của tổ tiên.

“Người trong một nước” có chung lãnh thổ, tiếng nói, văn hóa, lịch sử vì vậy phải biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là lối sống, lối ứng xử có tình, có nghĩa giữa của những con người cùng chung gốc cội. Sống tốt đẹp không chỉ để xứng đáng với tổ tiên mình mà còn làm gương sáng cho đời sau noi theo. Ai cũng làm được như vậy, không những cuộc sống yên ổn, tốt đẹp mà sự thịnh vượng cũng được vững bền, dài lâu.

Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta thấm thía sâu sắc bài học ấy. Đã có lúc, vì thiếu tinh thần đoàn kết, dân tộc ta đã bị phương Bắc xâm lăng và đô hộ. Thế nhưng, khi nhân dân ta biết đoàn kết lại, lấy truyền thống làm niềm tin, lấy ý chí tự cường làm sức mạnh, đã đánh tan giặc phương Bắc, gây dựng cuộc sống thái bình. Đến ngày nay, dù âm mưu thôn tính của phương Bắc buông bỏ nhưng với ý chí độc lập, tự cường và tinh thần đoàn kết, thống nhất của nhân dân ta, nền hòa bình của dân tộc đã được giữ vững.

Đoàn kết với nhau để cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống, cùng nhau phát triển bền vững. Hằng năm, đồng bào vùng thiên tai, bão lũ luôn nhận được sự giúp đỡ của bà con trên khắp mọi miền tổ quốc. Những người có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ cũng nhận được sự quan tâm, tương trợ sâu sắc của xã hội. “Của ít lòng nhiều”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” đã kịp thời động viên nhiều người vượt qua hoàn cảnh khó khăn của mình, từng bước xây dựng cuộc sống tốt dpej hơn.

Bên cạnh những hành động tốt đẹp ấy, trong xã hội vẫn còn có một số người mang thói xấu là chia rẽ, ganh tị, không biết đoàn kết, yêu thương nhau. Nhiều người lợi dụng hoàn cảnh khó khăn và lòng tốt của người khác để mưu lợi riêng mình. Những con người như thế thật đáng lên án và trừng trị.

Học tập và làm theo lời dạy của người xưa, mỗi chúng ta cần thương yêu đùm bọc lẫn nhau, sống có trách nhiệm với chính những người thân yêu trong gia đình, hàng xóm và không ngừng đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của xã hội, đất nước.

  • Kết bài: 

Không ai có thể sống một mình mà không cần có người khác. Cũng không ai có thể một mình mà làm nên tất cả mọi việc. Chúng ta cần có nhau để xây dựng cuộc sống. Bởi thế, hãy biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Giúp người hôm nay chính là tự giúp mình ở ngày mai. Câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…” mãi mãi là một lời khuyên hữu ích, sâu sắc gửi đến muôn đời sau.

Bài văn tham khảo 2:

Giải thích ý nghĩa câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Trong kho tàng ca dao, dân ca, tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ hay đúc kết kinh nghiệm của ông cha ta về các vấn đề của đời sống xã hội, hay để lại những bài học quý báu cho đời sau. Một trong số đó là câu ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Tuy chỉ có hai câu, nhưng câu ca dao này đã mang đến cho chúng ta một sự hiểu biết sâu sắc về tình đoàn kết, gắn bó giữa mọi người trong cùng một quốc gia, dân tộc.

Câu ca dao có hai lớp nghĩa, xét về nghĩa đen là lớp nghĩa bao quát bên ngoài, hiện lên trong từng con chữ trong câu. Đó là tấm nhiễu điều được phủ lên giá gương có tác dụng giúp cho giá của cái gương nói riêng và toàn bộ cái gương nói chung luôn được sạch sẽ, sáng bóng và bền đẹp từ đó ta có thể hiểu về nghĩa bóng của câu ca dao đó là lớp nghĩa và người đọc phải suy luận ra dựa váo lớp nghĩa đen. Đó là người trong cùng một quốc gia dân tộc phải biết đoàn kết, yêu thương lẫn nhau “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Cũng như tấm nhiễu điều và giá gương gắn bó khăng khít với nhau không thể tách rời, nếu mất tấm nhiễu điều, tấm gương sẽ không còn được bền đẹp nữa. Từ đó, ta suy rộng ra về con người, mọi người phải giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau thì mới tạo ra sức mạnh như chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già của cả dân tộc Việt Nam đã từng nói: Một cây làm chẳng nên non/ ba cây chụm lại nên hòn núi cao hay một câu khác cũng có ý nghĩa tương tự đó là:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,
Thành công, thành công, đại thành công”.

Qua đây, ta mới có thể hiểu sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, tinh thần đoàn kết của dân tộc ta. có ý nghĩa to lớn đến như thế nào? Thực tế lịch sử đã chứng minh, trong những ngày đầu sau năm 1945, nước ta phải cùng một lúc đương đầu với nhiều loại giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Chính Bác Hồ của chúng ta đã phát động phong trào “Hũ gạo cứu đói” với khẩu hiệu “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”. Phong trào được mọi người hưởng ứng tham gia rất nhiệt tình, đây chính là một minh chứng rõ nhất cho sự gắn bó đùm bọc của dân tộc ta, để từ đó với lòng yêu nước nồng nàn ta đã đánh thắng kẻ thù xâm lược và giành lại được độc lập dân tộc.

Ngày nay, câu ca dao vẫn còn nguyên ý nghĩa được thể hiện ở nhiều phong trào như: Chung tay góp sức hướng về mảnh đất miền Trung – mảnh đất thường xuyên hứng chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai. Hay nhiều chương trình truyền hình ý nghĩa như chương trình “Trái tim cho em” với nội dung là gây quỹ giúp đỡ những trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh và nhiều chương trình khác.

Bây giờ và mãi mãi về sau, câu ca dao vẫn còn nguyên giá trị vốn có của nó, đem đến cho mọi người một bài học quý báu về tình đoàn kết, sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa người với người trong cùng một dân tộc. Đây chính là sức mạnh to lớn để giúp đất nước chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và ngày càng giàu đẹp.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang