Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.
- Mở bài:
Nhờ có học vấn, con người luon tự mình quyết định nhân cách và lối sống của mình. Thế nhưng, môi trường sống cũng có tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách của con người. Bàn về điều này, tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.
- Thân bài:
1. Giải thích câu tục ngữ:
* Về nghĩa đen:
– “mực”: là chất liệu dùng để viết chữ, thường có màu đen, dễ lấm bẩn.
– “đèn”: là vật dụng dùng để thắp sáng. Ngọn đèn cháy lên sẽ đẩy lùi bóng tối, soi sáng mọi vật xung quanh.
– “đen”: bị lấm bẩn, vấy bẩn.
– “rạng”: được sáng rõ.
* Về nghĩa bóng:
– “mực”: là môi trường sống tiêu cực, có nhiều tệ nạn; là những điều xấu xa ở xung quanh chúng ta.
– “đèn”: là môi trường sống tích cực, trong sạch, lành mạnh; là những điều tốt đẹp.
– “đen”: nhân cách kém cỏi, thấp kém.
– “rạng”: nhân cách tốt đẹp, cao quý.
2. Ý nghĩa câu tục ngữ:
– Mượn hình ảnh của “mực” và “đèn”, câu tục ngữ khuyên chúng ta: muốn trở thành người có nhân cách tốt đẹp, cao quý, được mọi người yêu quý, cần tránh xa những nơi có nhiều xấu xa, nhiều tệ nạn và ở gần những nơi trong sạch, lành mạnh, giàu tình yêu thương.
3. Vì sao cần tránh xa cái xấu, ở gần cái tốt ?
– Tuy con người có ý thức, biết tự điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình theo hướng tốt đẹp nhưng cũng luôn bị tác động và chi phối bởi môi trường sống ở xung quanh.
– Cái xấu rất dễ học, cái tốt rất khó rèn. Đấu tranh chống lại những tác động và cám dỗ của cái xấu, rèn luyện bản thân theo những chuẩn mực tốt đẹp luôn là một việc đòi hỏi rất nhiều nghị lực.
– Chỉ khi con người rèn luyện được cho mình những phẩm chất tốt đẹp, làm được nhiều điều hữu ích cho cộng đồng, xây dựng lối sống lành mạnh, tiến bộ, con người mới có cuộc sóng hạnh phúc, được nhiều người kính trọng. Và ngược lại, nếu con người có nhiều thói hư tật xấu, dù là bị ảnh hưởng bởi cuộc sống xung quanh, sẽ bị mọi người khinh ghét và xa lánh.
4. Những tấm gương trong thực tế đời sống.
– Mẹ Tăng Tử từ chỗ ở gần chợ, gần nghĩa địa, nơi có nhiều cái xấu, đến ở gần trường học, nơi có nhiều điều tốt đẹp, đã giúp Tăng Tử tránh được thói hư tật xấu, học được nhiều cái tốt, chăm chỉ học tập, sau này trở thành một trong những học trò ưu tú nhất của Khổng Tử.
– Người bạn có nhiều thói hư tật xấu luôn khiến chúng ta lơ là trong học tập, nhiễm những tật xấu ấy. Người lại, một người bạn tốt luôn có tác động tích cực đối với chúng ta, rèn luyện ở ta những phẩm chất tốt đẹp.
- Kết bài:
Chúng ta trở nên như thế nào, một phần lớn do ảnh hưởng tác động của môi trường sống xung quanh. Hãy luôn tránh xa cái xấu và tích cực học hỏi ở cái tốt mới có thể trở thành người có nhân cách tốt đẹp.