gioi-thieu-bai-tho-tay-tien-cua-quang-dung

Giới thiệu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Giới thiệu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

1. Hoàn cảnh sáng tác.

Bài thơ Tây Tiến được viết trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, đời sống bộ đội gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đơn vị Tây Tiến chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy nhiên họ vẫn sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

– Hoàn cảnh sáng tác cho thấy rõ hơn nỗi nhớ da diết của nhà thơ với đơn vị cũ và mảnh đất miền Tây đầy kỷ niệm, nỗi nhớ đã trở thành cảm xúc trữ tình xuyên suốt bài thơ, đồng thời giúp người đọc hiểu rõ hơn vẻ đẹp hòa hoa, hào hùng của chiến sỹ Tây Tiến, hiểu được bút pháp hiện thực và cảm hứng lãng mạn – những yếu tố làm nên chất bi tráng rất đặc biệt cho bài thơ.

2. Ý nghĩa nhan đề Tây Tiến.

– Tên bài thơ Tây Tiến là tên của đoàn quân Tây Tiến, một đơn vị quân đội được thành lập năm 1947. Đoàn quân Tây Tiến có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội bạn để bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao sinh lực địch. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, nhiều người là học sinh, sinh viên trong đó Quang Dũng có mặt ngay từ những ngày đầu đoàn quân Tây Tiến mới thành lập. Buổi đầu kháng chiến vô cùng khó khăn gian khổ, lính Tây Tiến không chỉ phải đối mặt với kẻ thù mà còn trải qua vô vàn thử thách chốn rừng sâu nước độc. Trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội song chiến sĩ Tây Tiến vẫn lạc quan chiến đấu dũng cảm: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Cho nên nhắc tới hai chữ Tây Tiến là nhớ tới đồng đội, từng gương mặt, từng niềm vui, nỗi vất vả gian khó, những mất mát hi sinh, những bàn chân đã trải, bao đỉnh núi đã qua trên mỗi cung đường.

– Nhắc đến Tây Tiến cũng là nhớ tới một thời máu lửa của dân tộc, một thời bừng cháy khát vọng dâng hiến Khi Tổ quốc cần của cả một thế hệ. Hai chữ Tây Tiến đã trở thành điểm nhấn cảm xúc trong mỗi phần thơ của bài thơ (Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!; Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói; Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc; Tây Tiến người đi không hẹn ước; Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy).

– Lúc đầu Quang Dũng đặt tên bài thơ là Nhớ Tây Tiến là bởi cả bài thơ là một nỗi nhớ dài, trải theo những cung đường dãi dầu mà mĩ lệ nơi đoàn quân Tây Tiến đã đi qua và để lại bao kỉ niệm đẹp nhất của mình. Nỗi nhớ gợi thành hình, gọi thành tên ngay từ những câu đầu tiên. Nỗi nhớ hiển hiện cả khi chia phôi: Đường lên thăm thẳm một chia phôi. Vì vậy, nhan đề của bài thơ đã gói trọn những cảm xúc ấy.

– Về sau, Quang Dũng đổi tên bài thơ thành Tây Tiến với nhiều ý nghĩa hàm súc, ý tứ sâu xa. Nếu đặt nhan đề là Nhớ Tây Tiến bài thơ sẽ mang một vẻ đẹp giản dị và nói được cảm xúc chủ đạo của của thi phẩm là nỗi nhớ nhưng lại không làm nổi bật được hình tượng trung tâm của bài thơ. Mặt khác, bản thân hai chữ Tây Tiến đã bao hàm trong đó nỗi nhớ rồi, Quang Dũng bỏ đi chữ nhớ khiến nhan đề bài thơ hàm ẩn hơn, cô đọng hơn. Hơn nữa, hai chữ Tây Tiến tạo ra âm điệu chắc khỏe, rắn rỏi. Tên bài thơ vì thế tựa như một khúc quân hành như Nam Tiến, Tiến Quân ca…

– Đặt tên thi phẩm như vậy thật hàm ẩn, đồng thời cũng gợi mở mang nhiều ý nghĩa chứng tỏ Quang Dũng là nhà thơ tài hoa, sáng tạo. Nhan đề Tây Tiến chưa đựng được chủ đề và chiều sâu tư tưởng của toàn bộ thi phẩm.

3. Giá trị nội dung.

– Tây Tiến là một trong những thi phẩm xuất sắc nhất của đời thơ người con xứ Đoài mây trắng lắm. Bài thơ đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên nền cảnh núi rừng miền Tây Bắc. Bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hiện ra hùng vĩ, dữ dội nhưng vô cùng mĩ lệ, trữ tình. Hình ảnh người lính trên chặng đường hành quân gian khổ, hi sinh mà vẫn ngang tàng, tâm hồn vẫn trẻ trung, lãng mạn trong cảm nhận về thiên nhiên, về những đêm liên hoan văn nghệ rực rỡ, lung linh mang màu sắc xứ lạ, những mộng mơ của tuổi trẻ. Hình tượng người lính Tây Tiến trong bài thơ mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng.

4. Giá trị nghệ thuật.

– Thể thơ và giọng điệu: thể thơ thất ngôn trường thiên vừa mang âm hưởng cổ kính, trang nghiêm vừa tự do phóng khoáng chuyển tải được vẻ đẹp lãng mạn, bi tráng của người lính. Giọng điệu thơ phù hợp với cảm xúc bao trùm bài thơ là nỗi nhớ được diễn tả dưới nhiều cung bậc cảm xúc (đoạn 1 thiết tha, bồi hồi; đoạn 2 hồn nhiên, tươi vui; đoạn 3: trang trọng rồi lắng xuống bi tráng; đoạn 4 đầy chiêm nghiệm suy tư mang tính triết lí)

– Bút pháp tạo hình đa dạng khi miêu tả thiên nhiên miền Tây và người lính Tây Tiến: tả cận cảnh, miêu tả viễn cảnh, sử dụng trí tưởng tượng bay bổng, kết hợp với hình ảnh tương phản.

– Hình ảnh thơ vì thế vừa gân guốc, khỏe khoắn lại vừa mềm mại, thơ mộng, tâm hồn nhà thơ hết sức nhạy cảm, tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người.

– Ngôn ngữ thơ: kết hợp giữa những từ Hán – Việt mang sắc thái trang trọng, thiêng liêng, cổ kính cùng với những từ thuần Việt mang hơi thở dân dã đời thường, trẻ trung của những người lính. Ngoài ra, tác giả còn tạo ra những từ mới lạ, nghĩa mới cho từ ngữ như: Đêm hơi, hoa về, mùa em…

– Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các thanh điệu bằng – trắc:

+ “Thác gầm thét” hiệp âm đầu và thanh trắc. “Hịch”… “Cọp” hiệp thanh trắc vừa gợi tả tiếng vọng, âm thanh hung hãn, dữ tợn của thác lại gợi thật tài tình bước chân rình rập đâu đây của thú dữ.

+ “Dốc lên… mưa xa khơi”: Cách phối hợp hệ thống thanh bằng – trắc đem lại hiệu quả nghệ thuật thú vị. Ba câu thơ đầu đan dày những tiếng mang thanh trắc (13/21), dòng cuối bỗng xuất hiện một chuỗi thanh bằng (7/7) khiến nhịp thơ trầm xuống, như xoa dịu những trúc trắc, gồ ghề ở những câu thơ trên. Tác giả sử dụng nhiều biện pháp tu từ: ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, đảo ngữ, điệp từ…mang giá trị biểu cảm cao.

– Bài thơ được viết bằng cảm hứng lãng mạn: bức tranh thiên nhiên miền Tây hiện ra vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, hình ảnh con người tài hoa và tinh thần bi tráng: mặc dù bệnh tật, thiếu thốn thậm chí phải đối diện với cái chết nhưng họ hiện ra với tinh thần, ý chí ngạo nghễ, khí phách, kiêu hung sẵn sàng xả thân hi sinh cho Tổ quốc.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang