»» Nội dung bài viết:
“Nội dung chủ yếu trong văn học viết từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XV là tinh thần yêu nước thương dân, tinh thần quật khởi chống ngoại xâm qua các tác phẩm “Chiếu dời đô” “Hịch tướng sĩ” và “Nước Đại Việt ta” (trích trong Cáo Bình Ngô)”
- Mở bài:
Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XV là lịch sử chống xâm lược. Đó là lịch sử của hai lần chiến thắng quân xâm lược nhà Tống, ba lần đánh bại quân Mông – Nguyên và mười năm gian khổ chống quân Minh. Những chiến công hiển hách Bạch Đằng, Như Nguyệt, Chi Lăng….. còn vang vọng mãi đến hôm nay. Những trang lịch sử chói lọi, những dấu son lịch sử ấy đã được văn học thời kỳ trung đại phản ánh một cách rõ nét nhất tinh thần yêu nước thương dân qua các văn bản: “Chiếu dời đô” (Lý Công Uẩn), “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn) và “Bình Ngô đại cáo” (Nguyễn trãi)
- Thân bài:
Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội văn học phản ánh lịch sử dân tộc. Đó là lịch sử của tinh thần yêu nước, của dân tộc Việt Nam trong các tác phẩm văn học cổ.
1. Hoài bão xây dựng một quốc gia độc lập, tự lực, tự cường.
– Trong “Chiếu dời đô” của Lý công Uẩn đã bộc lộ rõ khí phách của một dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh. Lý Công Uẩn anh minh sáng suốt, đã có cách nghĩ, cách quyết định đúng dắn với ước nguyện của quốc gia phát triển hưng thịnh, muôn đời thịnh trị, ông bày tỏ tấm lòng yêu nước của mình.
– Phải chăng đây là lời lẽ, là tấm lòng của một vị vua luôn hướng về vận mệnh, sự tồn vong của giang sơn xã tắc? Đây phải chăng là một con mắt biết nhìn xa trông rộng, thấu tình đạt lí để ta có một Thăng Long – Hà Nội? chính lòng yêu nước, ý thức tự lực, tự cường dân tộc đã khiến Lý Công Uẩn có những sáng tạo vô cùng sáng suốt.
2. Bên cạnh hoài bão xây dựng một đất nước tự lực tự cường, lòng yêu nước còn được bộc lộ ở niềm tự hào về quê hương, đất nước, tự hào về nền văn hiến và lịch sử lâu đời của Tổ quốc.
– Trong “Chiếu dời đô” ca ngợi Thăng Long: “Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: Ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa”.
– Trong “Nuớc Đại Việt ta” (Đại cáo bình Ngô) Nguyễn Trãi đề cao niềm tự hào về một đất nước có nền văn hiến, lịch sử lâu đời:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cỏi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có”
– Nền văn hiến lâu đời, phong tục tập quán, có lịch sử tồn tại lâu đời qua các triều đại, có các nhân tài, hào kiệt. Đây là lời khẳng định chủ quyền của một quốc gia. Tác giả đã sử dụng từ ngữ có tính chất khẳng định hiển nhiên: “từ trước” “đã lâu” “đời nào cũng có” tạo nên giọng văn tràn đầy niềm tự hào.
3. Tình yêu nước thiết tha, tự hào về truyền thống văn hiến lâu đời của dân tộc, khi Tổ quốc đứng trước hiểm họa, xâm lăng lòng yêu nước ấy biến thành nỗi uất hận, lòng căm thù quân cướp nước.
– Trong “Hịch tướng sĩ” Trần Quốc Tuấn đã thể hiện tấm lòng yêu nước của mình: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”.
– Đỉnh cao của lòng yêu nước là hành động đầy quyết tâm chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc: “Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”. Đau đớn, xót xa vò xé tâm can vì hi sinh cho Tổ Quốc thì có xá chi. Câu văn gợi lên hình ảnh đẹp cho một cái chết vì đất nước………
– Câu nói của Trần Quốc Tuấn cho ta cảm nhận sự hy sinh vô cùng cao quý. Câu nói ấy sáng ngời tinh thần thời đại đời Trần với Hào khí Đông A rực rỡ trong lịch sử dân tộc – một tấm lòng yêu nước.
4. Tinh thần yêu nước luôn đi liền với tình thương dân.
– “Chiếu dời đô” của Lý công Uẩn thể hiện khát vọng dời đô là bởi thương dân muốn cho dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ, ngập lụt: “Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi”. Đó là tấm lòng của một vị vua yêu dân.
– Với Nguyễn Trãi quan điểm vì dân, thương dân được coi trọng trước tiên:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
– Lo cho dân, mong muốn dân được yên, nước độc lập nên ý nguyện chiến đấu vì dân được nói đến trong các tác phẩm là sức mạnh trong tâm hồn yêu nước, thương dân của Nguyễn Trãi càng làm ta thêm yêu quý và nể phục ông.
Trần Quốc Tuấn kêu gọi tướng sĩ hết lòng đánh giặc là bởi vì muôn dân xã tắc: “Chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên; … Chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền, mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời hưởng thụ; chẳng những gia quyến của ta được êm ấm gối chăn, mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão; chẳng những tông miếu của ta sẽ được muôn đời tế lễ, mà tổ tông các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm”
- Kết bài:
Văn học viết từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV thể hiện tinh thần yêu nớc thiết tha, tinh thần quật khởi chống xâm lăng của dân tộc, tinh thần ấy được thể hiện cụ thể ở lòng yêu nước, thương dân, lòng căm thù giặc, ý chí quyết tâm chiến đấu….. nó là nguồn cổ vũ động viên cho con cháu muôn đời. Lòng yêu nước thương dân, tự hào về truyền thống của cha ông – ngày nay tuổi trẻ Việt Nam mang trong mình sức mạnh truyền thống yêu nước của cha ông ta quyết tâm xây dựng và bảo vệ phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh.
Xem thêm: