“Tha thứ là chấp nhận không quan tâm, không chấp nhất, không để ý đến đến những lỗi lầm mà người khác gây ra cho mình, tiếp tục cho qua chuyện đó, đối xử với người đó như cũ, không chấp nhất, để trong lòng nữa, chỉ nhẹ nhàng buông lỏng bản thân mình, chẳng chôn giấu nỗi hận thù”.
Lỗi Lầm và Tha Thứ.
Con người chúng ta không ai là hoàn hảo. Đó cũng là lý do để ta luôn cố gắng trong cuộc sống. Ta chẳng thể tránh khỏi những lỗi lầm không mong muốn. Đó là khi chúng ta cần nhất một sự khoan dung thứ tha từ người khác về lầm lỡ của bản thân.
Khi gặp một vấn đề, ta cần sự khắc phục từ hai phía. Cũng như khi gặp một lỗi lầm, ta cần người biết tự giác nhìn nhận lỗi lầm và người biết tha thứ đầy khoan dung, độ lượng. Tha thứ là chấp nhận không quan tâm, không chấp nhất, không để ý đến đến những lỗi lầm mà người khác gây ra cho mình, tiếp tục cho qua chuyện đó, đối xử với người đó như cũ, không chấp nhất, để trong lòng nữa, chỉ nhẹ nhàng buông lỏng bản thân mình, chẳng chôn giấu nỗi hận thù.
Cũng như chân thành nhận lỗi tức ngộ ra được lỗi sai của mình ở chỗ nào, biết thông cảm cho sự giận dữ của người khác cũng như nghĩ ra được biện pháp bù đắp lại lỗi sai, kèm theo đó còn phải rút ra kinh nghiệm để sau này không vi phạm nữa.
Như trong mẩu truyện nhỏ “Lỗi Lầm và Tha Thứ” trong tuyển tập Những câu chuyện về tình thân ái mà em đã được đọc. Chuyện kể rằng, có một ông họa sĩ nọ không cẩn thận làm bẩn áo của một người phụ nữ đến thăm bảo tàng của ông ta. Ông đã ngỏ ý muốn được sửa chữa lại chiếc áo và chịu trách nhiệm sửa chữa lỗi lầm ông đã gây ra. Người phụ nữ có vẻ lưỡng lự nhưng cũng miễn cưỡng để ông làm việc ấy.
Bằng đôi bàn tay khéo léo, người họa sĩ đã biến vết bẩn ấy thành một bông hoa sen rực rỡ, tươi thắm. Bông hoa mới được thêu càng làm tăng thêm giá trị của chiếc áo. Người nữ khách đó sau khi thấy chiếc áo, ngược lại không trách khứ ông nữa mà còn có ý định trả lại tiền công của bức tranh trên áo. Nhưng người họa sĩ tài ba kia một mực từ chối.
Ông đã sử dụng tài năng và óc sáng tạo của mình để sửa chữa lỗi lầm của mình, không để người khác phải phiền lòng khi đến thăm xưởng vẽ của mình. Đó chính là điều tốt đẹp nhất. Cho thấy nét đẹp nội tâm của người khách khi rộng lòng tha thứ, cũng như ở người họa sĩ là sự chân thành nhận lỗi.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta gặp phải những lỗi lầm tưởng chừng như không thể nào sửa chữa, cũng chẳng thể nào hàn gắn, cũng hãy khoan từ bỏ. Việc đầu tiên là ta cần biết chân thành nhận lỗi về mình, cầu mong được sự tha thứ, sự cảm thông nơi người bị hại. Nhanh chóng nghĩ và thực hiện biện pháp khắc phục sao cho người bị hại hài lòng.
Những người có niềm tin vào chính mình và tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống thì không bao giờ bỏ cuộc trước lỗi lầm hoặc sự thất bại. Họ luôn lạc quan để biến những hư hỏng ấy thành bước khởi đầu thành công vĩ đại hơn. Cứ như thế, nhân cách của họ lớn dần theo năm tháng. Càng gặp trở ngại lớn bao nhiêu, khả năng vượt khó của người đó lại càng nhiều bấy nhiêu.
Dù lỗi lầm có to lớn đến đâu, nếu chân thành nhận lỗi, nhìn thấy khuyết điểm, nhiệt tình sửa sai thì tất cả đều có thể quay trở lại như thuở ban đầu. Hãy xem mỗi lần lầm lỗi như một lần chơi trò chơi điều khiển phi cơ trên máy tính. Dù có chơi tệ cỡ làm sao, phi cơ có bao nhiêu là hỏng hóc, thậm chí nổ tung trên nền trời kèm dòng chữ “GAME OVER” to tướng thì cũng chỉ cần lập tức nhấn tiếp nút “START”, ta lại có một chiếc mới hoàn thiện như trước. Sau một vài trận, nhất định ta sẽ rút được thêm nhiều kinh nghiệm mà hoàn thiện bản thân hơn, ít mắc phải lỗi lầm hơn.
Có người từng nói: “Một điều luôn luôn nên làm là hãy tha thứ cho nhau. Một đức tính luôn luôn nên có là hãy âm thầm nhận lỗi”. Câu nói này đã nói rất đúng về “Lỗi Lầm và Tha Thứ “, hai từ luôn đi đôi cùng nhau, giúp ta buông lỏng bản thân hơn, thoải mái và khoan dung hơn trong cuộc sống, quan hệ giữa người với người tốt đẹp hơn, xã hội văn minh, phát triển hơn.