Hình ảnh những đứa trẻ đáng thương trong “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu)
- Mở bài:
“Chiếc thuyền ngoài xa” được viết năm 1983 – khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi qua được 6 năm, đất nước trở lại với cuộc sống đời thường. Nhiều vấn đề của đời sống văn hóa nhân sinh mà trước đây do hoàn cảnh chiến tranh chưa được chú ý, nay được đặt ra. Một vấn đề nóng bỏng được Nguyễn Minh Châu chú ý đó là số phận của những đứa trẻ trong gia đình không có hạnh phúc.
- Thân bài:
Trong gia đình mà bố mẹ có chuyện bất hòa thì người đáng thương nhất và chịu nhiều tổn thương nhất là những đứa trẻ. Chúng bị đẩy vào tình thế khó xử: Biết đứng về phía ai? Biết làm như thế nào để giữ đạo làm con? Hình ảnh những đứa trẻ đáng thương được nhà văn khắc họa nhẹ nhàng nhưng khá đậm nét, thể hiện niềm cảm thông vô hạn của tác giả đối với kiếp sống của những em bé nghèo, lại đứng trong nghịch cảnh trớ trêu.
Trước hết là chị thằng Phác – một cô bé yếu ớt mà can đảm đã phải vật lộn để cướp con dao trên tay thằng em trai, không cho nó làm một việc luân thường trái với đạo lí. Hẳn cô bé phải đau đớn, xót xa đến chừng nào khi phải chứng kiến bố điên cuồng hành hạ mẹ; Em trai thì cầm dao lao vào bố để bạo vệ mẹ;… Cô bé lúc ấy là điểm tựa cho người mẹ đáng thương… Cô đã hành động đúng khi ngăn cản được hành động dại dột nông nổi của đứa em; Và biết chăm sóc lo toan khi mẹ phải đến Tòa án Huyện.
Còn thằng Phác lại thương mẹ theo kiểu một đứa con còn nhỏ, theo cái cách một đứa con trai miền biển. Nó “lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt cổ chằng chịt”. Nó “tuyên bố với những bác ở xưởng đóng thuyền rằng nó còn có mặt dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh”. Mặc dù thật khó chấp nhận kiểu bảo vệ mẹ của nó nhưng hình ảnh thằng Phác vẫn khiến người đọc cảm nhận lòng yêu thương mẹ dạt dào.
Viết về tệ nạn bạo hành gia đình, Nguyễn Minh Châu không chỉ lên án thói vũ phu mà còn lên tiếng bảo vệ khát vọng được sống trong tình yêu thương, yên bình của trẻ em. Con mắt nhân đạo của nhà văn còn thể hiện một nỗi lo âu đầy trách nhiệm “Những đứa trẻ như cậu bé Phác sẽ thành người thế nào nếu môi trường sống không được thay đổi một cách tích cực? ”.
- Kết bài:
Qua hình ảnh những đứa trẻ đáng thương trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với những cảnh đời, những thân phận trớ trêu, gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống đồng thời gửi gắm những chiêm nghiệm sâu sắc của mình về nghệ thuật : nghệ thuật chân chính phải luôn luôn gắn bó với cuộc đời và vì cuộc đời; người nghệ sĩ không thể nhìn đời một cách giản đơn, cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa diện, nhiều chiều.