Hình tượng nhân vật viên quản ngục trong “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân.
Dàn ý:
1. Vẻ đẹp nhân cách viên quản ngục.
a. Một số phận bi kịch.
– Qua lời người kể chuyện:
+ Viên quản ngục là người có tính cách dịu dàng, biết giá người, trọng người ngay thực không phù hợp với môi trường tù ngục nơi tồn tại cái xấu, cái ác, lọc lừa, tàn nhẫn.
+ So sánh nhân vật viên quản ngục với thanh âm trong trẻo đối lập với bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ, một tâm hồn cái thuần khiết trái ngược hoàn toàn với đống cặn bã. Tâm tính đều tốt, người thẳng thắn mà phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt (nhân cách mâu thuẫn hoàn cảnh sống).
– Suy nghĩ của nhân vật viên quản ngục:
+ Tự nhận thức bi kịch nhầm nghề, lầm đường lạc lối.
+ Tự cảm thấy mình sống trong hoàn cảnh sống mà mình thấy không phù hợp, con người khát vọng bị con người chức phận cầm tù và giam hãm à số phận bi kịch.
b. Một tâm hồn trong trẻo, cao đẹp.
– Vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ: Mặc dù không được trời phú cho tài hoa nghệ sĩ như Huấn Cao nhưng viên quản ngục là người có tâm hồn nghệ sĩ biết yêu cái đẹp trọng cái tài sáng tạo ra cái đẹp. Có sở nguyện cao quý là có bức tranh chữ đẹp treo trong nhà, niềm mong ước thiết tha, cháy bỏng, đam mê với cái đẹp ( nghệ thuật thư pháp) à xem như vật báu à biểu hiện tâm hồn nghệ sĩ.
– Vẻ đẹp của khí phách:
+ Tình huống gặp gỡ éo le, đặt nhân vật viên quản ngục vào tình thế khó xử: Không biết đối xử với Huấn Cao thế nào. Nếu làm theo tư cách của một người giữ ngục, kêu thêm lính gác thì đó là việc làm đang chà đạp cái đẹp, cái tâm hồn, suy nghĩ tôn thờ cái đẹp trong lòng. Nếu đối xử với Huấn Cao như một người biết quý trọng cái đẹp thì đang đi ngược lại với nhà tù thực dân phong kiến.
+ Ông trầm tư nghĩ ngợi, không ngủ được, nghĩ mãi, gương mặt đầy trăn trở. Viên quản ngục chọn cho mình quyết định cuối cùng. Cuối cùng, ông quyết định biệt đãi với Huấn Cao, bất chấp nguy hiểm tính mạng, phá vỡ trật tự xã hội à quyết định liều lĩnh khơi dậy từ tâm hồn nghệ sĩ.
+ Hành xử bất thường: Viên quản ngục nhìn sáu tên tử tù bằng cặp mắt hiền lành, kiêng nể, biệt nhỡn đối với Huấn Cao. Dâng rượu và đồ nhắm trước bữa cơm tù cho Huấn Cao và những người bạn tù. Xuống tận phòng giam của Huấn Cao à bất cẩn, khao khát cái đẹp.
– Vẻ đẹp thiên lương:
+ Say mê, tôn thờ nghệ thuật thư pháp: nghệ thuật của cái đẹp, trí tuệ, khí phách, khí chất à tồn tại tiềm ẩn ước vọng sống đẹp.
+ Sự trân trọng, ngưỡng mộ cái tài: người nghệ sĩ thư pháp tài hoa Huấn Cao (“Một kẻ kính mến khí phách, biết tiếc, biết trọng người có tài hẳn không phải là kẻ xấu hay vô tình”).
+ Tâm hồn của vien quản ngục là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.
2. Vẻ đẹp của viên quản ngục trong cảnh cho chữ.
– Giới thiệu cảnh cho chữ: Thiết tha, trân trọng, sùng kính Huấn Cao, nhưng Huấn Cao khinh bạc viên quản ngục cho rằng viên quản ngục giống bọn cai tù tiểu nhân, Huấn Cao hiểu ra sở nguyện cao quý của viên quản ngục, Huấn Cao ân hận, Huấn Cao cho chữ, đặt vào không gian thời gian đặc biệt, người nghệ sĩ tài hoa dành tặng nét chữ cho viên quản ngục.
Vẻ đẹp của nhân vật viên quản ngục:
+ Vẻ đẹp của khí phách: Dám tổ chức một đêm cho chữ, xin chữ ngay tại phòng giam của tên tử tù à liều lĩnh.
+ Vẻ đẹp của tâm hồn nghệ sĩ: Chụm lại trên bức lụa chứng kiến nét chữ, viên quản ngục khúm núm đánh dấu ô chữ, đứng trước Huấn Cao thể hiện sự sùng kính ngưỡng mộ với cái đẹp.
+ Vẻ đẹp của thiên lương: Huấn Cao tặng cho viên quản ngục những lời khuyên chí tình, viên quản ngục chấp tay vái người tù, nuớc mắt rỉ vào kẻ miệng, làm cho nghẹn ngào ( Liên hệ: “Nhất sinh đê thả bái mai hoa”) .
3. Nghệ thuật biểu hiện:
– Nghệ thuật khắc họa mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn:
+ Những người tài hoa, tài tử đối lập hoàn toàn với cái phàm tục, xa lạ.
+ Đặt vào tình huống gặp gỡ độc đáo đặc biệt.
+ Sử dụng thủ pháp: Cường điệu, phóng đại, đối lập, tương phản.
– Sử dụng nhiều đoạn độc thoại nội tâm, khắc họa nhân vật thiên về chiều sâu tâm lí, soi rõ thế giới tâm tư nhân vật.
4. Nội dung, tư tưởng:
– Trong mỗi một con người luôn luôn có một người nghệ sĩ, một tâm hồn yêu cái đẹp, trọng cái tài.
– Cái đẹp có khi tồn tại bền bỉ và mạnh mẽ trong môi trường của cái xấu, cái ác, vươn lên giống như một bông hoa sen thơm ngát giữa đầm lầy.
Tham khảo:
Vẻ đẹp hình tượng nhân vật viên quản ngục trong “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân.
- Mở bài:
Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam cả trước và sau Cách mạng. “Chữ người tử tù” là tác phẩm đặc sắc nhất của Nguyễn Tuân trích trong tập “Vang bóng một thời”. Những nhân vật của Nguyễn Tuân là những nhân vật luôn hướng về cái đẹp, cái tài, là những con người có cái tâm trong sáng và tấm lòng vằng vặc như sao Khuê. Hình tượng viên quản ngục trong tác phẩm là một trong những hình tượng gây chú ý nhiều nhất đối với người độc. Dù được miêu tả không nhiều nhưng thiếu đi nhân vật này thì thiên truyện chưa chắc đã để lại “một tiếng vang”.
- Thân bài:
Viên quản ngục có đời sống nội tâm rất sâu sắc. Biết Huấn Cao là người nghĩa khí, là bậc trượng phu nhưng lại là trọng phạm của triều đình nên ông rất đau khổ, cảm thấy vừa nể phục vừa nuối tiếc cho một tài hoa, một ngôi sao sáng trong vũ trụ. Bởi vậy ngay từ khúc dạo đầu của thiên truyện, Nguyễn Tuân đã để viên quản ngục hiện ra với một tâm trạng cụ thể. Nếu xem cuộc đời như một dòng thác dữ thì viên quản ngục, trong những suy tư chìm đắm về ông Huấn, lại có gương mặt của một “mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”.
Viên quản ngục là người có thiên lương trong sáng. Nếu xã hội đương thời nhiễu nhương như “một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ” thì viên quản ngục, với “tính cách dịu dàng và lòng biết giá người”, là một âm thanh trong trẻo “chen vào giữa bản đàn ấy”. Việc nhà văn tạo ra một nhân vật khác đời và khác người như thế, âu cũng là lẽ đương nhiên với một tính cách và phong cách như Nguyễn Tuân. Với những hình ảnh ấy, có ai nghĩ rằng làm ngục quan là đê tiện, độc ác, bất nhân nữa đâu mà ở đó dường như ta bắt gặp một ẩn sĩ giữa “hỗn loạn xô bồ”.
Hoàn cảnh sống của viên quản ngục đúng như Nguyễn Tuân đã nói “Chen lẫn giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”: Ông làm quan chức trong ngục, nơi đề lao mà “người ta sống bằng tàn nhẫn, lừa lọc”. Nơi đó, bọn lính ngục đã hành hạ người tù bằng những thói “tiểu nhân thị oai”. Sống trong hoàn cảnh như vậy, con người dễ bị tha hoá, càng ngày càng dễ dấn sâu vào bùn lầy.
Nhưng với Nguyễn Tuân “Quản ngục là một thanh âm trong trẻo” bởi nhà văn đã nhìn thấy cả chiều sâu tính cách, tâm hồn viên quản ngục: Ông là người biết yêu quí cái đẹp, yêu quí chữ viết đẹp của Huấn Cao mà ông xem là báu vật. Ông có sở nguyện cao quí : được treo trong nhà một bức chữ của Huấn Cao. Đó là tình cảm cao thượng bền bỉ, có ngay từ khi ông “đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền”, cho đến bây giờ đã là một trung niên “tóc hoa râm, râu ngã màu” mà ông vẫn còn đeo đuổi. Như vậy, qua mấy lời của Nguyễn Tuân, ta thấy viên Quản ngục quả thật là một con người có nhân cách.
Viên quản ngục hết sức yêu quý cái đẹp, ông yêu quý, kính trọng người tạo ra cái đẹp. Điều đó đã được bộc lộ qua hành vi, suy nghĩ của ông. Ông “biệt nhỡn liên tài” đối với Huấn Cao “hằng ngày vẫn cho thầy thơ lại mang rượu thịt vào khoản đãi ông Huấn… càng ngày càng hậu hĩnh”. Ông đã “biệt đãi” Huấn Cao − một người tử tù. Đó là một việc làm không đúng bổn phận của nhà chức trách, có thể nguy hại đến tính mạng bản thân và gia đình nhưng ông vẫn làm. Điều đó chứng tỏ ông rất trọng nể Huấn Cao bất chấp cả luật pháp.
Ngay cả lúc bị Huấn Cao xua đuổi “Ngươi hỏi ta muốn gì ? Ta chỉ muốn ngươi đừng đặt chân vào đây nữa”. Ông nhún nhường trước người tử tù, bị xua đuổi, không tức giận mà lại còn lễ phép lui ra với câu nói “Xin lĩnh ý”. Sự nhịn nhục của con người này không đồng nghĩa với sự hạ mình. Đó chỉ là cái nghiêng mình kính cẩn trước một tấm lòng, một nhân cách của kẻ biết yêu cái đẹp, biết trọng cái tài. Đây không phải là cảnh hạ mình chịu nhục để đạt được ý nguyện xin chữ mà là một hành động cho thấy viên Quản ngục là người biết điều, biết mình. Đó cũng là một cách ứng xử đẹp.
Ông mong Huấn Cao dịu lại tính nết để ông trình bày sở nguyện xin chữ của Huấn Cao. Mong mỏi hằng ngày, hằng giờ và có lúc sợ hãi bởi lỡ một mai Huấn Cao phải vào kinh chịu án tử hình thì lỡ mất cả đời mơ ước. Điều ta tâm phục ở con người ấy là dù có Huấn Cao trong tay lại dưới quyền sinh quyền sát của mình nhưng không bao giờ ông mảy may nghĩ đến việc phải dùng quyền thế để ép buộc Huấn Cao cho chữ. Có lẽ chính vì sở nguyện cao quý và tính cách của viên quản ngục mà khi Huấn Cao nghe tin mình phải vào kinh chịu án tử hình và biết được sở nguyện cao quý của viên quản ngục. Ông đã “lặng nghĩ và mỉm cười… suýt chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.
Chính vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách và lòng yêu quý say mê cái đẹp đã đưa hai con người ở hai phía đối lập xích lại gần nhau trong tình tri kỷ. Đó cũng là lúc cảnh tượng cho chữ thật bi tráng, thiêng liêng hiện ra làm xúc động tâm hồn người đọc. Cảnh cho chữ quả là một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có” đã góp phần làm nổi bật chủ đề thiên truyện. Cái đẹp chiến thắng cái xấu xa, tàn bạo. Ánh sáng chiến thắng bóng tối. Đó là lúc uy quyền của chốn tù ngục bỗng chốc sụp đổ. Ngục tù biến mất. Bạo tàn nhường chỗ cho những tâm hồn đẹp đến với nhau.
Thủ pháp tương phản khá rõ, khi Huấn Cao cho chữ, viên quản ngục đã “khúm núm” nhận chữ. Được Huấn Cao khuyên rời khỏi hoàn cảnh “hỗn loạn xô bồ”, ông đã chân thành rơi lệ. Hình ảnh ngục quan cảm động vái người tù một vái, dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” có lẽ là một hình ảnh đẹp nhất đã đưa Huấn Cao và viên quản ngục vào cõi bất tử. Cái cúi đầu ấy là cúi đầu trước một nhành hoa mai, một nhân cách, một thiên lương, một nghệ sỹ. Đó là bức tranh đẹp về Thiên Lương – Tài Hoa – Khí Phách hòa quyện, nâng đỡ cho hai tâm hồn vươn tới Chân – Thiện – Mỹ.
Là một nhà văn của chủ nghĩa lãng mạn, người suốt đời coi cái đẹp và nghệ thuật là tôn giáo của mình, tất yếu, Nguyễn Tuân sẽ say mê hướng vào những vẻ đẹp vừa mới lạ, độc đáo, vừa dữ dội, phi thường. Với ông, “sự tầm thường là cái chết của nghệ thuật” (V.Huy-gô). Vậy nên, bút pháp tương phản, phóng đại được khai thác tối đa cùng với những thủ pháp nghệ thuật của hội họa, điêu khắc và điện ảnh được huy động triệt để đã làm nên những trang văn tuyệt bút.
Có thể nói, xây dựng nhân vật quản ngục – một kẻ chỉ biết thưởng thức cái đẹp, tôn thờ cái tài hoa, khí phách, Nguyễn Tuân đã tạo nên một đối tượng tương xứng với nhân vật chính Huấn Cao, từ đó gửi gắm những triết lí, thông điệp sâu xa: “Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ chỉ biết tiếc, biệt trọng người có tài, hẳn không phải là một kẻ xấu hay vô tình”. Thậm chí, với những con người như quản ngục và thơ lại, họ càng đáng quý, đáng trân trọng hơn bởi họ như loài hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Thế giới sẽ bị hủy diệt nếu không có cái đẹp.Cái đẹp cảm hóa, tranh đấu, chinh phục, chiến thắng cái bạo tàn và lạc hậu. Hình tượng Quản Ngục phong thánh người tù yêu cái đẹp. Chỉ bằng một vài nét phát họa chân dung, cử chỉ, đi vào tâm tư, suy nghĩ của nhân vật, ngòi bút Nguyễn Tuân đã lưu lại một gương mặt độc đáo trên những trang viết của “Chữ người tử tù”.
- Kết bài:
“Chữ người tử tù” là tác phẩm ca ngợi cái đẹp, lòng ngưỡng mộ cái đẹp và sức mạnh của thiên lương. Điều ấy được bộc lộ không chỉ qua hình tượng Huấn Cao mà còn được khẳng định ở cả nhân vật viên quản ngục. Nguyễn Tuân đã thể hiện sự ngợi ca đối với viên quản ngục, đối với những người biết yêu quý cái đẹp, thiên lương. Cùng với hình tượng Huấn Cao, hình tượng viên quản ngục đã góp phần việc thể hiện chủ đề của tác phẩm: Quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp và thái độ đối với cái đẹp, sức mạnh của cái đẹp, đồng thời cũng kín đáo bày tỏ tấm lòng yêu nước thầm kín của Nguyễn Tuân.