im-lang-khoanh-khac-vinh-hang

Im lặng – khoảnh khắc vĩnh hằng của vũ trụ

Im lặng – khoảnh khắc vĩnh hằng của vũ trụ

Nhiều người cho rằng người Nhật Bản ít nói bởi dân tộc Nhật có tính cách trầm lặng. Tôi cho là không phải. Một lí do duy nhất có thể giải thích cho điều này đó là người Nhật bản đã “ngộ đạo”

Người Nhật bản rất sôi động. Nhưng họ có cách sôi động của riêng họ: sôi động trong tinh thần cách thể.

Vốn là một dân tộc được hình thành do sự hòa huyết của nhiều tộc người, trong đó có tộc người Mông Cổ, người Nhật Bản mang trong mình nhiều năng lực ưu việt, vượt trội. Trải qua một thời kì phong kiến rực rỡ, với tầng lớp võ sĩ Samurai có vai trò bảo vệ và phát triển đất nước đã tạo nên tính cách hiệp sĩ cao thượng của dân tộc này.

Đầu thế kỉ thứ 12, thiền tông du nhập vào Nhật Bản và nhanh chống hòa hợp với các tôn giáo nguyên thủy đã có mặt ở nơi đây. Tinh thần của thiền tông có nhiều đặc điểm tương đồng với tính cách người Nhật lập tức được tiếp nhận hoàn toàn và phát triển cho đến ngày nay.

Có thể nói, thiền tông ở Nhật đã được phát triển sâu rộng và đạt đến đỉnh cao rực rỡ, trở thành lối ứng xử của người Nhật trong nhiều thế kỉ qua. Và không ngoại lệ, nó tác động sâu sắc đến tính cách và lối ứng xử của người Nhật hiện đại.

Chưa ở đâu người ta thấy tinh thần thiền lại mạnh mẽ hơn ở Nhật. Dường như, lúc nào họ cũng ở trong tư thế trầm lặng mạnh mẽ của thiền. Từng bước đi mềm mại, ngôn phong đúng mực, ánh nhìn điềm tĩnh, làm việc nghiêm túc và nghỉ ngơi tích cực không phí phạm thời gian khiến cho người ta nghĩ người Nhật ham làm đến nỗi không còn thời gian để nghỉ ngơi.

Đến nước Nhật, ta thấy nhiều người ngủ ngồi trong công viên, ngủ đứng trên xe điện ngầm, ngủ ngồi trên bàn làm việc. và vô cùng kinh ngạc làm sao họ có thể ngủ như thế được. Điều rất đơn giản là họ vận dụng thủ pháp yên tịnh của thiền tông để dễ dàng đưa mình vào sự nghỉ ngơi trong mọi tư thế mà thôi.

Kì thực, người Nhật rất ít nói. Bởi một lẽ duy nhất đó là họ quý trọng lời nói. Thể thơ Haiku (Hài cú đạo), một báu vật tinh thần của xứ sở mặt trời mọc trả lời rõ ràng cho câu hỏi đó. Với 17 âm tiết mà họ có thể biểu đạt trọn vẹn một triết lí, một suy nghiệm tinh tế vô cùng. Thơ Haiku đã trở thành thể loại nghệ thuật của toàn thế giới bởi tính đơn giản, thâm thúy của nó.

Có người so sánh thể thơ này với thể lục bát của Việt nam và cho rằng thể lục bát của ta còn ngắn hơn với 12 âm tiết và có sức biểu đạt không kém gì Haiku. Tuy nhiên, đó là một so sánh khập khiễng. Bởi cái tinh túy của mỗi dân tộc không thể cân đo bằng hình thức bề ngoài của nó, điều quan trọng là mức độ biểu đạt của thể thức nghệ thuật có chuyển tải được văn hóa và linh hồn của dân tộc đó hay không.

Người Nhật không muốn rườm rà một cách vô ích, họ thích cái đơn giản và yêu mến vẻ đẹp nguyên sơ của bản thể. Những gì càng đơn giản càng được quý trọng. Trong cách uống trà tuy có chút cầu kì nhưng đó là để giữ được cái tinh túy của một phẩm vật trời ban. Họ thích du hành trầm lặng, không thích say sưa, che chén cho nên người Nhật có trà đạo chứ không có tửu đạo.

Người Nhật chú trọng vào việc rèn luyện thân thể và cả rèn luyện cho tinh thần. Họ thích leo núi, ngắm hoa, thích uống trà và suy nghiệm. Họ vừa tôn trọng vẻ đẹp đơn sơ của hoa anh đào lác đác nở cũng vừa rất yêu chuộng cái sắc màu bề bộn của chùm hoa đa sắc. Trong muôn ngàn loài hoa, người Nhật đã lựa chọn hoa anh đào làm quốc hoa không chỉ bởi đây là một loài hoa đặc trưng của xứ sở phù tang mà nó còn mang ý nghĩa biêu trưng cho sự tinh khiết, thanh cao và bất biến. Mỗi mùa hoa nở đều mang đến cho người Nhật một cảm xúc mứi, khiến họ không ngừng nhìn ngắm, không ngừng tìm kiếm vẻ đẹp tuyệt vời này.

Cả khi hoa anh đào nở, nước Nhật cũng rất trầm tư, không có gì vội vã. Họ âm thầm lắng nghe từng cánh hoa bung nở. Họ theo dõi từ lúc đóa hoa đầu tiên vươn hết cánh cho đến khi cánh hoa cuối cùng rụng xuống. Quả thật, Người Nhật rất bận rộn, nhưng khi đã dành thời gian cho một điều gì đó thì họ rất chú tâm. Mùa hoa anh đào cũng là mùa lễ hội ở nước Nhật. Hàng chục lễ hội tưng bừng diễn ra theo thời gian hoa nở. Và đến khi hoa tàn héo cũng là lúc họ trở về  với công việc với bao nhiêu bề bộn mà bấy lâu đã tạm khép lại.

1 bình luận trong “Im lặng – khoảnh khắc vĩnh hằng của vũ trụ”

  1. Ánh sáng nào đưa ta vào bóng tối
    Đôi môi nào đưa ta vào thương đau
    Mây vẫn bay vây kín cả bầu trời
    Tôi vẫn đi qua hết đoạn đường đời
    Xin thôi làm hạt bụi rong chơi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang